Chợ người Việt ở xứ người

16:44 27/12/2009
Mỗi lần có cơ hội đi công tác nước ngoài, dù bận mấy, tôi vẫn muốn dành thời gian để đến thăm các chợ của người Việt ở xứ người. Chuyện đó xem ra cũng bình thường bởi đây là dịp để những người làm báo như chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống cũng như tâm tư và tình cảm của người Việt Nam đang sống xa Tổ quốc. Đến nay chưa có một thống kê nào cho thấy hiện đã có bao nhiêu chợ của người Việt ở nước ngoài, chỉ biết rằng đó là nơi để bà con mình tạo lập cuộc sống trên đất người.

Nếu như ở Liên bang Nga và các nước Đông Âu, nơi có đông bà con người Việt đang sinh sống thì các chợ người Việt ra đời khi các quốc gia này có sự thay đổi về thể chế chính trị khiến cho một loạt hiệp định giữa ta và bạn phải tạm dừng. Trong bối cảnh ấy, nhiều nghiên cứu sinh, thực tập sinh, sinh viên và người lao động sang làm việc theo diện xuất khẩu đã phải tự bơi.

Do không còn được hưởng chế độ học bổng, cũng như việc làm không ổn định, nhiều người Việt đã phải tự bươn chải để kiếm sống. Tuy nhiên, thời gian đầu, do hoạt động riêng lẻ, tự phát, mạnh ai người nấy làm nên đã hình thành các tụ điểm buôn bán mang tính "vô chính phủ". Điều này nghiễm nhiên trở thành mục tiêu của các ngành chức năng của nước sở tại.

Vụ tấn công "đôm 5" của cảnh sát Nga khiến nhiều người Việt ở Liên bang Nga vào thời điểm ấy, sau một đêm đã trắng tay. Trong bối cảnh đó, một số người không chịu khuất phục trước hoàn cảnh đã phải suy nghĩ đến một phương thức làm ăn mới ở đất người. Bài học "đôm 5" làm cho họ tỉnh ngộ ra rằng, muốn làm ăn lâu dài ở đất bạn, trước tiên là phải chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp của bạn; dù làm gì, kinh doanh mặt hàng nào cũng phải có sự tổ chức hợp pháp và không để người lao động Việt Nam sống chui lủi và làm ăn phi pháp.

Ý thức rõ điều ấy, được sự khích lệ của sứ quán ta tại Nga và một số nước Đông Âu, một số cán bộ nghiên cứu sinh Việt Nam đã có nhiều năm sống ở Nga và các nước Đông Âu đi đến quyết định thành lập doanh nghiệp của người Việt trên đất Nga nhằm thu hút lao động người Việt vào những hoạt động hợp pháp. Và thế là mô hình chợ người Việt ở các quốc gia này ra đời như thế.

Đến thăm các gian hàng tại các chợ người Việt ở Nga hay tại các nước Đông Âu như Cộng hòa Czech, Ba Lan, Cộng hòa Liên bang Đức v.v… người ta có cảm giác nơi đây thực sự là một cái chợ, một trung tâm thương mại, nơi hội tụ khá đông người Việt đến làm ăn buôn bán. Hàng hóa bán tại đây cũng rất phong phú và đa dạng không kém gì những chợ lớn như Đồng Xuân ở Hà Nội hay chợ Bến Thành ở TP HCM. Đây cũng là nơi hội tụ bao cảnh đời, bao số phận của cộng đồng người Việt.

Điều đáng nói là cũng từ những phiên chợ này mà các tổ chức trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài từng bước được hình thành và liên kết chặt chẽ. Ngoài việc chia sẻ các khó khăn trong cuộc sống đời thường, bà con ta còn có nhiều cử chỉ cao thượng trong việc quyên góp tiền, tài sản gửi về nước ủng hộ đồng bào bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, hoặc các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Cũng từ các hoạt động kinh doanh, buôn bán ở các chợ mà nhiều người Việt đã tích cóp được một số tiền kha khá và trở thành những doanh nhân thành đạt trên đất người.

Từ các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát, quy mô của chợ người Việt ở các quốc gia có đông người Việt sinh sống dần dà đã phát triển thành các trung tâm thương mại lớn, thu hút hàng ngàn người Việt và người dân bản xứ đến đây làm ăn. Lẽ đương nhiên, những khoản tiền đóng góp của các trung tâm thương mại ấy vào ngân sách của các quốc gia có các chợ người Việt cũng không hề nhỏ. Nhiều công ty thương mại của người Việt, hàng năm còn chi một khoản tiền lớn cho các hoạt động từ thiện xã hội; trong việc xây dựng các cơ sở trường học; ủng hộ hội, đoàn, trẻ em tàn tật và người nghèo ở các nước sở tại nên đã được chính quyền địa phương và dư luận nơi đây đánh giá cao.

Sau những thành công trong các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, nhiều doanh nhân người Việt đã trở về nước đầu tư có hiệu quả vào nhiều dự án lớn, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước.

Đó là chuyện ở nước Nga và các nước Đông Âu. Quay sang nước Mỹ, nơi mà số lượng kiều bào ta đang sinh sống lên đến gần 2 triệu người, chiếm một nửa số lượng kiều bào ta đang sinh sống và làm ăn trên thế giới thì chợ của người Việt cũng đang rất thịnh hành. So với các chợ người Việt ở các nước Đông Âu, chợ người Việt ở Mỹ hình thành khá sớm. Chỉ riêng ở quận Cam thuộc bang Cali đã có trên dưới 20 chợ Việt lớn nhỏ và được tạo thành một hệ thống như là Viễn Đông Supermaket do người Việt gốc Hoa làm chủ. Rồi lại có những chợ hoàn toàn do người Việt bỏ vốn và làm chủ, còn nhân viên trong chợ chủ yếu là người trong gia đình, hoặc toàn là người Việt Nam.

Tác giả và chủ một gian hàng tại chợ Sapa của người Việt tại Cộng hòa Czech.

Nhiều kiều bào ta về nước dự Hội nghị Việt kiều vừa qua khi tiếp xúc với chúng tôi đã cho biết: Cộng đồng Việt ở Mỹ ngày càng phát triển thì nhu cầu về các món ăn truyền thống của Việt Nam càng gợi mở nên việc ra đời các chợ của người Việt là một nhu cầu tất yếu. Đặc biệt là ở một số vùng như Nam Cali, Los Angeles, Orange County và San Diego, các chợ Việt Nam thậm chí còn lấn lướt các chợ Mỹ. Nhiều bà con Việt kiều còn bỏ ra khoản tiền lớn để mua lại các chợ Mỹ và biến nó thành chợ Việt khiến cho các hệ thống chợ Mỹ như ở VONS, Ralph… dần dần phải di chuyển khỏi khu vực này do không thu hút được khách hàng.

Nhiều người ở quận Cam quanh khu vực phố Bolsa hiện nay mỗi lần muốn đi chợ Mỹ lại phải lái xe đi khá xa tới khu vực có chợ Mỹ để mua sắm. Và do hàng hóa ở các chợ Việt khá phong phú, đa dạng, giá lại rẻ nên hiện nay có nhiều người Mỹ đi chợ Việt cũng không còn là chuyện lạ nữa.

Tại Mỹ, chợ Việt Nam mở cửa suốt 7 ngày trong tuần và thường bắt đầu từ 8 hoặc 9h sáng đến 8 hay 9h tối tùy theo từng chợ. Trong chợ bán đủ các mặt hàng từ rau tươi, trái cây, thịt cá, các loại gia vị mà các gia đình người Việt hay dùng cho đến các món ăn làm sẵn có thể ăn ngay.

Người Việt sống ở Mỹ nói từ "đi chợ" không có nghĩa là chỉ đi mua thực phẩm, thức ăn mà còn đi mua sắm đủ thứ. Vào một ngôi chợ Việt Nam ở trên đất Mỹ, khách hàng có thể tìm thấy đủ mọi vật dụng từ thực phẩm, đồ gia dụng, nước uống cho đến các mặt hàng vàng, bạc, nhang, đèn, hoa hoặc cau trầu, hay chày cối, chổi, xà bông, thuốc lá. Nghĩa là đầy đủ các mặt hàng giống như các chợ trong nước.

Người Việt ở Mỹ cũng tập thói quen như người Mỹ là thường đi chợ vào những ngày cuối tuần, hay trong tuần đi chợ một lần chứ không đi chợ hằng ngày như bên nhà. Nếu nhà gần chợ thì đôi lúc sau giờ làm việc, từ công sở ra về bà con ta có thói quen ghé ngang qua chợ mua thêm món rau để làm thức ăn tươi hay nấu nồi canh. Vì vậy, cứ đến chiều ngày thứ sáu, hoặc ngày thứ bảy và sáng chủ nhật là các bãi đậu xe trước các chợ rất đông và khó kiếm nổi chỗ đậu xe. Khách đến chợ Việt không đơn thuần là bà con Việt kiều mà còn có nhiều khách hàng là người Mỹ và du khách nước ngoài.

Một kiều bào hiện đang là chủ chợ ở Mỹ cho biết: Rau tươi bày bán ở các chợ người Việt được các chủ trại Việt Nam trồng trong vùng cung cấp hằng ngày cho các chợ. Ở đây không thiếu các loại rau tươi mà người Việt hay ăn hằng ngày, từ rau xà lách, tần ô, rau muống, xà lách xoong, rau dền, cải, giá đỗ, cà chua, dưa leo, chanh, ớt, tỏi cho đến các loại rau thơm ăn kèm với phở, mì Quảng hay bún bò… như ngò gai, rau răm, rau mùi, rau dấp cá, bạc hà, bắp chuối, rau húng, rau muống chẻ, khế, chuối chát… Còn trái cây thì bạt ngàn nhưng đa số là các loại chuối, táo, dứa, dưa hấu, nho gần như bán quanh năm. Riêng các loại trái cây nhiệt đới như mít, sầu riêng thì được bán theo mùa. Các loại trái cây được nhập chủ yếu từ Thái Lan, đôi lúc cũng có hàng từ Việt Nam sang.

Thỉnh thoảng, người đi chợ cũng có thể tìm thấy sắn hay ngô Việt Nam đã được hấp hay nấu sẵn, đóng bao bì nhập vào các chợ, người mua chỉ cần mua về bỏ vào lò vi sóng hâm nóng lên là có thể tận hưởng được mùi vị ngọt bùi của miếng sắn hay độ mềm dẻo của bắp ngô Việt.

Ở chợ, thịt là món ăn thường có trong các bữa ăn hằng ngày của mọi gia đình. Tại đây, thịt được bán với giá rất rẻ so với rau cải, các bà nội trợ có thể tìm thấy trong bất cứ ngôi chợ nào các loại thịt bò, lợn, gà hay vịt. Nhân viên gian hàng thịt luôn sẵn sàng chặt hoặc thái theo yêu cầu chế biến của người mua.

Tương tự như thế, ở các gian hàng cá hay đồ biển, khách hàng có thể lựa chọn cá, tôm, cua xếp trong các thùng ướp lạnh hay cá tươi được nuôi trong những bể lớn và yêu cầu nhân viên làm, thậm chí chế biến mà không tính thêm phụ phí. Nếu như thịt lúc nào cũng có đủ loại, thì cá lại theo từng mùa, có mùa cua Alaska hay cá biển được đánh bắt từ các khu vực miền Bắc đem về nhiều nên bán với giá rẻ, nhưng có mùa do ảnh hưởng của thời tiết nên các mặt hàng tôm, cua khá đắt đỏ.

Tại các khu chợ người Việt, nhiều chủ hàng còn nhập cả một số loại cá từ Việt Nam như cá basa hay catfish rất được các bà nội trợ người Việt ưa chuộng mua về làm món canh chua cá. Ở Mỹ, người Việt hay ăn các loại gạo Thái Lan, còn nước chấm lại chủ yếu là nước mắm Phú Quốc. Các loại thực phẩm như mắm ruốc, mắm Thái được bày bán ở các chợ, song rất tiếc lại dán nhãn sản xuất tại Thái Lan. Nhiều người Việt cho rằng các mặt hàng này được làm ở Việt Nam song lại đóng bao bì ở Thái Lan hay Hồng Kông và nhập vào Mỹ.

Mấy năm gần đây, cùng với sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ, nhiều mặt hàng thực phẩm đóng gói được nhập thẳng từ Việt Nam sang và có ghi "made in Vietnam", đặc biệt là mì gói, cháo, phở ăn liền, các gia vị để nấu các món phở, bún bò, hủ tiếu, cà phê Trung Nguyên, Vina cà phê, đã được nhiều người tiêu dùng chú ý và trở nên quen thuộc đối với người Việt sống ở Mỹ. Và cũng như ở các quốc gia có đông người Việt sinh sống, ở một số chợ Việt Nam trên đất Mỹ ngày một khang trang và rộng rãi. 

Bên cạnh các gian hàng chính, người chủ của nó còn mở thêm một cửa hàng kế bên bày bán phở hay các món ăn khác để khách hàng có thể ghé ăn sáng hay ăn trưa. Có chợ còn có thêm tiệm kim hoàn, tiệm bán điện thoại di động hay thẻ điện thoại bên trong chợ, tiếp đó là các dịch vụ đổi check thành tiền cho một số gia đình nhận trợ cấp của Chính phủ hay nhận gửi tiền về Việt Nam cho thân nhân.

Nhân viên tính tiền ở các chợ Việt đều biết ít nhất là 2 ngôn ngữ, thông thường là tiếng Anh và tiếng Việt, một số người có thể nói được tiếng Hoa phổ thông hoặc tiếng Quảng Đông, tiếng Tây Ban Nha để giao dịch với khách hàng Mỹ, Trung Quốc hoặc Mexico.

Ở Mỹ, người Việt dù sống ở đâu thường hay thích đổ dồn về quận Cam đi chợ Việt. Đó xem ra cũng là một cách để người Việt gặp nhau, nói tiếng Việt, hoặc ăn một món ăn Việt mà không cảm thấy mình đang sống ở một nước mà ngôn ngữ Việt không phải là ngôn ngữ chính

L.V.

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文