Cho những vết thương lành lại

14:20 10/04/2008
Hình ảnh những học sinh 15 - 17 tuổi, lần đầu tiên ngồi đánh vật với con chữ, nắn nót viết tên gọi của chính mình trên trang giấy cứ làm tôi đau đáu mãi mỗi khi đến thăm Trường Giáo dưỡng số 3 (Cục V26 - Bộ Công an). Giáo viên ở ngôi trường này là những thầy, cô giáo đặc biệt, mang sắc phục Công an, đang quản lý, dạy dỗ gần 700 học sinh đến từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Nơi ấy, chỉ cần một chút sơ sẩy, những học sinh vốn chưa phát triển hoàn thiện, bị lệch hướng, méo mó ý thức, nhân cách có thể "cao chạy xa bay" ngay tức khắc...

Chuyện của Trường Giáo dưỡng số 3 báo chí đã viết nhiều. Nhưng với tôi, có những câu chuyện làm tôi nhớ mãi. Ở đó, đầy dãy những vết thương đang được lành lại.

Tôi biết. Nhiều người cũng biết. Rằng, có không ít những nẻo đường đưa đẩy trẻ vị thành niên đến chỗ vi phạm pháp luật. Em T.M. (17 tuổi) chưa kịp chào đời đã không được người bố thừa nhận, em đành phải mang họ mẹ. Sau nữa, mẹ cũng đi lấy chồng, M. ở với ông bà ngoại.

Ký ức tuổi thơ của em M. là một chuỗi ngày dài buồn đăng đẳng vì thiếu tình mẫu tử. Khi ông ngoại mất, cũng là lúc em hay tin mẹ phải đi cải tạo 7 năm vì tội Chứa chấp mại dâm. Nỗi hờn tủi càng thêm chồng chất, M. bỏ học đi bụi, rồi vô tình em trở thành một gái bán dâm...

Sinh cùng năm với M., em V.T. vào trường bởi hành vi phạm tội giết người. Ba anh em nhà T. đều do một mình mẹ nuôi dạy. Vì đam mê cờ bạc, nghiện hút, bố T. đã làm kinh tế gia đình khuynh gia bại sản. Gánh nặng mưu sinh khiến người mẹ không còn thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. T. bắt đầu theo bạn bè xấu chơi bời lêu lổng, lấy cắp tiền để chơi điện tử. Để tránh những trận đòn roi kinh người của bố, T. thường bỏ nhà đi ngủ bụi.

Theo thống kê, hiện nay có đến hơn 20% các em vào trường giáo dưỡng chỉ mới ở độ tuổi từ 12 đến 14, 42% các em tuổi từ 15 đến 16. Qua khảo sát 150 học sinh của trường thì có 82% các em nghiện thuốc lá, 70% thích uống rượu bia, 72% thích uống cà phê, 20% từng đã sử dụng hút bồ đà và các chất ma tuý khác.

Tình trạng nghiện ngập các chất kích thích như trên đã thúc đẩy và hình thành trong các em một cuộc sống lệch chuẩn về đạo đức, thậm chí có em còn có hành vi vi phạm các tội nghiêm trọng...

Chuyện trò với chúng tôi, thầy cô giáo của trường ai cũng đau đáu xót thương cho những mất mát của bọn trẻ như chính núm ruột của mình. Điều làm cho những giáo viên ở trường học này đặc biệt nhức nhối, trăn trở không chỉ là làm cho những đứa trẻ phạm pháp trở lại hoàn thiện cả về đức, trí, thể, mỹ mà còn làm lành lại những chấn thương, những khủng hoảng trong đời sống đã dẫn các em đến những lệch lạc về ý thức, hành vi, lối sống.

Thậm chí, các em còn có những biểu hiện lẩn tránh, chống lại sự kiểm soát sư phạm, phản ứng sai lệch trước các tác động yêu thương của thầy cô giáo.

Trên thực tế, rất nhiều em trong thời gian ở trường không hề nhận được một sự thăm hỏi, động viên nào từ gia đình, người thân! Không thể khơi gợi cái quá khứ mà các em muốn quên đi.

Những học sinh mới vào trường thường rất lo âu, mặc cảm với lỗi lầm của mình, luôn tìm cách lẩn tránh, có những hành động chống đối giáo viên, nhiều em tìm mọi cách để bỏ trốn. Chỉ có thể đối xử với các em bằng sự thân thiện, tôn trọng và công tâm để lành lại những vết thương tâm hồn.

Với mục đích thay đổi hành vi của trẻ làm trái pháp luật một cách bền vững thông qua hình thức giáo dục cải tạo nội tâm, 5 năm trở lại đây, Trường Giáo dưỡng số 3 đã thành lập tổ tư vấn với nhiệm vụ hỗ trợ về tâm lý. Giáo viên tổ tư vấn cùng chia sẻ với các em, giúp các em tự nhìn nhận đúng hoàn cảnh của mình, từ đó có những biện pháp khả thi để điều chỉnh nhận thức, tình cảm, hành động. Bền bỉ, nhẫn nại, các giáo viên trong tổ tư vấn đã giúp các em lấy lại được niềm tin, sự cân bằng trong cuộc sống.

Tôi còn nhớ có lần đến thăm trường, Thượng tá Hoạt (thời còn là Hiệu trưởng nhà trường) đã không giấu được niềm vui khi kể cho tôi nghe trường hợp 1 học sinh cá biệt. Học sinh này có lần xin thầy giáo nhấc máy gọi điện mời mẹ lên trường chơi để các bạn biết rằng... "con còn có mẹ". Mặc dù trước đó, cô bé đã không giấu giếm các thầy cô cái ý định - sau này ra trường sẽ tìm mọi cách để... giết mẹ!

Cũng lúc đó, Thượng tá Hoạt hình dung, trong gia đình chỉ cần có một đứa con không ngoan thôi là ông bà, bố mẹ đã vất vả, xót xa và nhức nhối lắm rồi. Thế nhưng ông cùng gần 100 cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng mỗi năm đón nhận vài trăm học sinh đặc biệt, đủ mọi hình thức và mức độ vi phạm. Vậy mà khi hỏi về khó khăn, ông không mảy may đả động gì đến cường độ làm việc, khối lượng công việc mà chỉ bận tâm đến công tác dạy nghề cho bọn trẻ.

"Một số em sau khi ra trường do không có tay nghề hoặc không có khả năng kiếm được việc làm nên dẫn đến túng quẫn, phải làm liều rồi lại tiếp tục tái phạm. Khảo sát thực tế ở một vài địa phương có học sinh của trường, trong 17% số học sinh tái phạm có đến 60 - 70% là không có công ăn việc làm ổn định, không có tay nghề"....

Chia tay trường, giọng nói của các thầy cô nhà trường cứ văng vẳng mãi bên tai tôi: "Chúng tôi mong muốn rằng xã hội, gia đình cần quan tâm hơn nữa đến các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thiệt thòi. Đừng vì một lúc sai lầm của các em mà ghét bỏ, xa lánh chúng bởi vô tình điều đó sẽ tạo nên khoảng trống tiêu cực, đẩy các em trượt dài trên những hành vi, việc làm sai trái. Bởi ở độ tuổi mới lớn, nhiều em chưa thể làm chủ được hành vi của mình, vậy nên vấn đề bức thiết nhất là gia đình phải thực sự là tổ ấm, là điểm tựa vững chắc cho các em"...

Lê Thanh

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文