Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hội nghị Paris về Việt Nam

23:00 19/01/2013
Kể từ sau ngày nước nhà độc lập năm 1945 cho đến cuối thập niên 1960, tất cả các cuộc đàm phán lớn đã triển khai và các Hiệp định được ký kết đều mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với Hội nghị Paris về Việt Nam, Bác đã cùng Bộ Chính trị từng ngày từng giờ theo dõi và chỉ đạo hội nghị. Sau đó, tuy Bác không được chứng kiến việc ký kết Hiệp định, cũng như ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng tư tưởng chỉ đạo và những lời tiên đoán của Bác vẫn là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh của toàn dân ta đến thắng lợi cuối cùng.

Mở màn cho cục diện “đánh và đàm” cũng như cho mặt trận đấu tranh ngoại giao là Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 13 (23-26 tháng Giêng 1967). Nghị quyết nêu rõ chủ trương, mục đích, nhiệm vụ, phương châm và mục tiêu trước mắt của đấu tranh ngoại giao. Đồng thời, nhấn mạnh: “…Trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”.

Chủ trì hội nghị, Bác nói: “Ngoại giao ở Geneva thắng lợi vì Điện Biên Phủ thắng lợi. Bây giờ cũng thế, đánh thắng lớn thì ngoại giao thắng nhiều. Không cứ gì ở ta mà ở nước nào cũng vậy. Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng nhưng cái vốn chính là mình phải đánh thắng và mình phải có sức mạnh thì ngoại giao sẽ thắng”.

Do đó, tư tưởng của Bác là sức mạnh và thực lực là cơ sở cho ngoại giao. Nhiệm vụ lúc này là nhằm tố cáo mạnh mẽ hơn nữa tội ác của đế quốc Mỹ, vạch trần những thủ đoạn hòa bình giả hiệu của chúng, tranh thủ các nước anh em, bạn bè yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Khẩu hiệu trước mắt của ta là đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn không ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau 5 năm kiên trì đàm phán, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, mở ra thời kỳ mới cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

Trước thất bại nặng nề trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán. Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Bộ Chính trị chủ trương có thể tiếp xúc, nhưng trước hết cần ép Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc rồi mới bàn các vấn đề khác. Ngày 13/5/1968, Hội nghị hai bên giữa VNDCCH và Mỹ chính thức họp phiên đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên đại lộ Klébe, Paris, chính thức mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”.

Sau khi bàn với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị cử đồng chí Lê Đức Thọ làm cố vấn và đã ký sắc lệnh cử anh Xuân Thủy làm Bộ trưởng Chính phủ để làm Trưởng đoàn. Bác tự tay viết thư cho Bộ Chính trị báo cho đồng chí Lê Đức Thọ bàn giao công việc cho đồng chí Phạm Hùng, rồi ra Hà Nội để đi Paris đàm phán với Mỹ. Trước khi đi, Bác đều gặp từng đồng chí một để dặn dò.

Bác dặn phải cử cố vấn quân sự tham gia Đoàn để giúp Đoàn theo dõi tình hình chiến sự và để phối hợp đấu tranh trên bàn hội nghị. Ngày 5/5/1968, Bác gặp đồng chí Xuân Thủy dặn đàm phán với Mỹ phải thận trọng và kiên trì, vững vàng nhưng khôn khéo, phải theo dõi sát tình hình trong nước, nhất là tình hình chiến sự, tranh thủ dư luận nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ, nhân dân Pháp và Việt kiều.

Ở trong nước, Bác thường xuyên họp với Bộ Chính trị để nghe báo cáo về tình hình chiến sự ở miền Nam và diễn biến của cuộc đấu tranh ngoại giao. Hằng ngày, theo dõi tình hình diễn biến của hội nghị, Bác nhắc phải vạch trần luận điệu bịp bợm của Johnson, đập mạnh tuyên bố của Nguyễn Cao Kỳ và Phạm Đăng Lâm, phải tuyên truyền nhiều về Đoàn của Mặt trận. Bác tiếp các đoàn khách quốc tế, trả lời phỏng vấn, viết thư, viết báo, ra lời kêu gọi đồng bào trong nước và nhân dân thế giới. Trong buổi làm việc với các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh… về đấu tranh ngoại giao ngày 3/6/1968, Bác nói: “Đế quốc Mỹ chán rồi, nhưng rút ra thế nào. Thua mà danh dự. Đó là điều Mỹ muốn”.

Để chứng minh cho sự thất bại của Mỹ, trên Báo Nhân dân ngày 10/6/1968, Bác viết: “Bốn cột trụ chiến tranh xâm lược thì bốn tướng Mỹ Han-kin, Tay-lo, Mắc Na-ma-ra, Oét-mo-len đều đã thất bại mà sụp đổ”. Trong những lần họp với Bộ Chính trị để bàn về phương hướng chung và các phương án cụ thể của đấu tranh với Mỹ trên bàn đàm phán Paris, Bác thường chỉ đạo rất cụ thể, từ việc phải cân nhắc vấn đề đối nội và đối ngoại của Chính phủ do Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam sẽ lập ra và phải đẩy mạnh phong trào quần chúng ở miền Nam hơn nữa; phải tranh thủ thời cơ này để tấn công ngoại giao, nhưng phải chuẩn bị thật tốt về quân sự, đến việc phải nói rõ chủ trương cho anh em ở miền Nam và ở Paris rõ.

Bác dặn rằng, dù Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, nhưng chiến tranh vẫn diễn ra ở miền Nam, Mỹ vẫn có thể ném bom trở lại miền Bắc, nên ta phải chuẩn bị sẵn sàng; và phải đẩy mạnh tuyên truyền ở Paris. Ngày 29/10/1968, Bộ Chính trị đã họp bàn về nhân sự của Đoàn Mặt trận đi dự Hội nghị Paris, Bác nhắc phải tuyên truyền tốt cho Đoàn của Mặt trận.

Sau hơn năm tháng rưỡi đấu tranh kiên trì của ta ở Hội nghị Paris, cuối cùng ngày 1-10-1968, Mỹ đã phải chấm dứt ném bom và bắn phá miền Bắc. Để đánh giá đúng mức thắng lợi có ý nghĩa chiến lược này, và để tránh chủ quan và ảo tưởng, cùng ngày, Bác họp Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris và ngày 3 tháng Giêng 1968, Bác đã ra lời kêu gọi gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.

Tết Dương lịch năm 1969, Bác đã có bài thơ chúc Tết và cũng là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác, trong đó có hai câu đã trở thành bất hủ, nói lên bước đi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta:

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tết Âm lịch Kỷ Dậu 1969, Bác gửi điện chúc Tết anh chị em đang công tác ở Paris mở đầu bằng hai câu thơ:

Xuân gà túc tác đến nơi

Gửi người thân thiết mấy lời mừng Xuân

Bác ghi: Gửi đồng chí Xuân Thủy và anh chị em trong đoàn,

Gửi đồng chí Trần Bửu Kiếm và anh chị em trong đoàn,

Gửi đồng chí Mai Văn Bộ và anh chị em trong cơ quan,

Gửi các cháu trong đoàn văn công,

Gửi các đồng chí và các bạn người Pháp.

Kết thúc bức điện, Bác tặng phái đoàn ngoại giao Việt Nam và các bạn Pháp hai câu thơ:

Gà Xuân túc tác rạng đông

Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao.

Đầu tháng 8/1969, đồng chí Lê Đức Thọ và đoàn ta ở Paris về chưa kịp đến báo cáo với Bác như mọi lần thì Bác đã lên nhà nghỉ Hồ Tây thăm đồng chí Lê Đức Thọ. Các đồng chí phục vụ Bác kể lại rằng hôm đó Bác yếu, trời lại mưa, các đồng chí không muốn để Bác biết Đoàn ở Paris về, nhưng khi Bác biết, Bác nhất quyết đi gặp. Ngày 22/8/1969, Bác gửi điện cho cuộc gặp gỡ quốc tế thanh niên và sinh viên họp ở Helsinki, Phần Lan, khẳng định muốn có hòa bình: “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút khỏi miền Nam Việt Nam”.

Một tuần lễ trước khi Bác mất, ngày 25/8/1969, gửi thư trả lời bức thư ngày 15/7/1969 của Tổng thống Mỹ Nixon, Bác nói con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự là tìm ra một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam. Chỉ còn bốn ngày cuối cùng, trên giường bệnh, Bác còn nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình miền Nam và hỏi tin về Hội nghị Paris. Và đến 9h47 ngày 2/9/1969 thì Bác vĩnh biệt chúng ta.

Thực hiện lời dạy của Bác, sau gần 5 năm đàm phán kiên trì, chúng ta đã buộc Mỹ phải chấm dứt vô điều kiện ném bom và bắn phá miền Bắc, buộc Mỹ ký kết Hiệp định Paris, tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam, Mỹ phải rút hết quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi và có ý nghĩa chiến lược để tiến lên giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.

(*) Nguyên Đại sứ, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, nguyên Thư ký của Bộ trưởng Xuân Thủy - Trưởng đoàn Việt Nam DCCH tại Đàm phán Paris về Việt Nam

T.N.T.

Chiều 18/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết vừa phối hợp lực lượng chức năng phát hiện hơn 11.000 hộp thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vụ việc cho thấy những thủ đoạn ngày càng tinh vi trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm "thổi phồng" công dụng, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 22 bị can trong vụ án “Buôn lậu”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quốc tế Tài Lộc (viết tắt là Công ty Tài Lộc), Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải phòng khu vực II (viết tắt là Chi cục Hải Quan II) và các đơn vị liên quan.

Như Báo CAND đã thông tin về tình trạng xung đột quyền lợi gay gắt giữa cư dân sinh sống tại các chung cư hạng sang và chủ sở hữu căn hộ chung cư tham gia ứng dụng Airbnb cho thuê căn hộ ngắn ngày để phục vụ người dân có nhu cầu. Trong khi Bộ Xây dựng khẳng định pháp luật không cấm hoạt động này, nhưng đỉnh điểm của tình trạng mâu thuẫn lợi ích tiếp tục diễn ra sau văn bản của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh trả lời đơn vị quản lý, vận hành, khai thác chung cư Hà Đô trên đường 3/2 quận 10 vào ngày 1/4 vừa qua…

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Ngọc Linh và bị can Nguyễn Thành Ngôn (hai cựu Giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận) và 24 đồng phạm trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan.

Tự quảng cáo mình là kế toán, có kinh nghiệm làm kế toán thuế cho nhiều doanh nghiệp, chuyên giúp các cá nhân, doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế GTGT được hưởng lợi cao, tin vào lời “chém gió” của Nguyễn Thị Thu, nhiều bị hại đã chuyển tiền cho Thu để nhờ làm thủ tục hoàn thuế GTGT và bị chị ta chiếm đoạt.

Ngày 18/5, Công an TP Hà Nội cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục những khó khăn về điều kiện thời tiết mưa gió, địa hình trơn trượt, dốc cao và sự phối hợp, hỗ trợ của người dân địa phương, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã kịp thời giải cứu nhóm 5 người mắc kẹt tại núi Hàm Lợn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Chất thải nông nghiệp, bao bì đựng phân, vỏ thuốc bảo vệ thực vật chất đống tràn lan đã bị nước mưa cuốn trôi xuống các mương, suối thoát nước không chỉ gây un tắc dòng chảy, thiệt hại hoa màu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan, môi trường của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.