Kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2009):

Chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp người anh ruột Nguyễn Sinh Khiêm ở Hà Nội

19:10 18/05/2018
Vừa thấy anh trai, Bác Hồ chạy đến ôm lấy anh khẽ kêu lên: "Anh Cả!". Tiếng gọi tên anh Cả đầu tiên sau 37 năm trời xa cách biền biệt. Bác Nguyễn Sinh Khiêm cũng ôm lấy Bác Hồ rồi nghẹn ngào thốt lên: "Chú râu đã dài thế này à?". Rồi hai anh em ôm nhau khóc. 


Sự kiện Chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp người anh ruột Nguyễn Sinh Khiêm ở Hà Nội đã từng được đề cập trên Báo CAND (năm 2000 và 2009). Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về sự kiện này qua bài viết của nhà văn Hồng Thái qua câu chuyện của nhà văn Sơn Tùng.


Trên căn hộ gác 2 nhỏ hẹp ở khu tập thể Văn Chương (Hà Nội), có lẽ nhiều người  biết ở đó có một nhà văn, lại là thương binh nặng ở hạng cao nhất nhưng đã dành suốt cuộc đời mình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính đến nay cũng đã 60 năm có lẻ. Đó là nhà văn Sơn Tùng, quê ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Kho tư liệu lịch sử do ông sưu tầm về Bác Hồ, về các lãnh tụ khác của Đảng suốt hơn nửa thế kỷ qua có thể nói là vô giá.

Nhà văn Sơn Tùng quả là người có cơ duyên và may mắn vì ngay từ những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược, từng được gặp, được trò chuyện thân tình với hai người ruột thịt của Bác Hồ là cụ Nguyễn Thị Thanh và cụ Nguyễn Sinh Khiêm. Chuyện nhà văn kể cho chúng tôi dưới đây được bắt đầu vào buổi chiều tháng 5 nắng nóng lúc ông vừa thoát ra từ một cơn đau do các mảnh đạn M79 còn găm trong đầu…

Bác cả Nguyễn Sinh Khiêm sinh năm 1888, từng bị thực dân Pháp theo dõi sát sao, bị bắt giam nhiều lần. Ngày 16/8/1941, Nguyễn Sinh Khiêm mới được ra khỏi nhà tù của Pháp ở Vinh.

Ra khỏi nhà tù đế quốc Pháp ít lâu, Nguyễn Sinh Khiêm cùng thầy học là cụ cử Hồ Phi Huyền - nhà huyền học đi khắp quê hương Nam Đàn, tìm kiếm nơi có phong cảnh đẹp, cuối cùng bác tìm được một vị trí rất đắc địa ở Động Tranh, núi Đại Huệ thuộc địa phận xã Nam Giang, huyện Nam Đàn để đưa hài cốt người mẹ kính yêu Hoàng Thị Loan cát táng ở đó.

Cụ Nuyễn Thị Thanh và cụ Nguyễn Sinh Khiêm. Ảnh do nhà văn Sơn Tùng cung cấp

Trong những ngày hừng hực không khí cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Nam Đàn, đầu đội mũ calô, vai khoác súng gỗ, bác Nguyễn Sinh Khiêm đã hăng hái cùng với nhân dân địa phương đi diễu hành biểu dương lực lượng cách mạng.

Năm 1946, sau khi cô Nguyễn Thị Thanh ở Hà Nội về, bác Nguyễn Sinh Khiêm lên đường từ Nghệ An ra Hà Nội. Lúc đầu bác đi bộ từ huyện Nam Đàn ra ga Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu quãng đường ước chừng 70 cây số. Lúc bác lấy vé tàu từ ga Cầu Giát, nhiều bà con ở đây đã chạy đến vây kín lấy bác, ai cũng khẳng định đây chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh cải trang để vi hành.

Nhà báo, nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Bằng (Viện Mác - Lê nin đã về hưu) lúc bấy giờ là cán bộ huyện Quỳnh Lưu cũng tưởng là Bác Hồ, xúc động nhìn Người. Bởi trông Nguyễn Sinh Khiêm có nhiều điểm giống người em trai Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh lúc ấy. Cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã vui vẻ cải chính với bà con, khẳng định mình chỉ là một người dân bình thường.

Tàu đến ga Hàng Cỏ - Hà Nội, cụ Nguyễn Sinh Khiêm vừa bước ra khỏi cổng ga thì đồng bào ở đây lại nhanh chóng ùa đến vây kín. Đông đảo bà con Hà Nội cứ khẳng định đây là Cụ Hồ cải trang để vi hành xem xét tình hình.

Bác Nguyễn Sinh Khiêm nói: "Thưa bà con. Tôi là một người dân xứ Nghệ, ra thăm Thủ đô, không phải là Cụ Hồ". Nhưng đồng bào không tin, cứ mỗi lúc kéo đến mỗi đông, người kín cả vòng trong vòng ngoài, khiến người khách xứ Nghệ không thể đi được. May là lúc ấy có một số chiến sĩ Công an phát hiện thấy tình hình rất lạ, liền gọi điện về báo cáo lãnh đạo Nha Công an Trung ương.

Nội dung báo cáo nêu rõ: "Có một cụ già nói giọng Nghệ Tĩnh, có râu, khuôn mặt rất giống Bác Hồ, nhân dân tin là Bác Hồ nên vây kín chưa đi được. Nhiều khả năng đây là người anh ruột của Bác".

Lúc ấy, đồng chí Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương nghe báo cáo, chột dạ liền cử ngay cán bộ đưa xe ra ga Hàng Cỏ đón người khách. Khi được hỏi: "Thưa Cụ, có phải Cụ là anh trai Bác Hồ thì mời cụ lên xe chúng cháu đón về", bất đắc dĩ có lẽ vì cần thoát khỏi đám đông nên cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã lên xe về Nha Công an Trung ương.

Sau đó đồng chí Lê Giản báo cáo với Bí thư của Bác Hồ lúc ấy là ông Vũ Đình Huỳnh nhờ ông báo cáo với Bác chuyện cụ Nguyễn Sinh Khiêm ra thăm… Biết chắc đây là người anh ruột của Bác Hồ, đồng chí Lê Giản mạnh dạn thưa chuyện:

- Thưa bác, bác ra thăm Hồ Chủ tịch mà không thông báo trước để chúng cháu cho xe đón đỡ vất vả.

Vừa nghe xong, cụ Nguyễn Sinh Khiêm trả lời ngay:

- Ông làm chức trách Nhà nước mà ăn nói buồn cười. Lẽ đời thì em thăm anh, chứ anh nào thấy em làm to lại ra thăm. Tôi ra đây là thăm Thủ đô nước Việt Nam mới xem thế nào, chứ không phải thăm em làm Chủ tịch nước.

Nghe nói thế, đồng chí Lê Giản thành khẩn xin lỗi bác Nguyễn Sinh Khiêm.

Khi được nghe báo cáo chuyện người anh Nguyễn Sinh Khiêm ra Hà Nội, Bác Hồ lặng đi, xúc động. Nhớ lần trước, lúc Bác Hồ đang chủ trì cuộc họp quan trọng bàn chuyện cấp gạo cho quân Tàu Tưởng, khi nghe thư ký thông báo rất nhỏ là có cô Nguyễn Thị Thanh ra thăm, Bác Hồ bàng hoàng cả người, hai tay bám chặt vào bàn để kìm nén nỗi xúc động quá lớn; nhiều người lúc ấy thấy đôi mắt của Bác Hồ rớm lệ…

Gần 40 năm xa quê hương vì việc nước, nay Bác Hồ mới gặp lại người chị ruột và hôm nay lại được gặp người anh ruột Nguyễn Sinh Khiêm. Nhưng tình hình năm 1946 ấy rất phức tạp, nhất là về mặt trị an, an ninh. Nhiều hôm Bác Hồ phải bí mật rời chỗ ngủ để tránh bọn Quốc dân đảng manh động. Nghe người Bí thư Vũ Đình Huỳnh báo cáo, Bác Hồ căn dặn lại đại ý:

- Nhờ chú Huỳnh lo tiếp anh tôi - Anh tôi ở tù ra, cũng thích uống rượu. Nhờ kiếm cho anh tôi một ít rượu trắng, loại ngon; một ít sách báo để anh tôi đọc. Cảm thông với anh là tối nay tôi sẽ đến...

Đêm đầu năm 1946 ấy, trời mưa. Bác Hồ hóa trang mặc áo the, đội ô cùng đi bộ với hai người là Bí thư Vũ Đình Huỳnh và người Thư ký Vũ Kỳ. Sau khi vào phòng làm việc của đồng chí Lê Giản ở phố Trần Hưng Đạo có cửa ra vào phía phố Dã Tượng, Bác Hồ cởi áo the ra.

Đồng chí Lê Giản mở cửa phòng riêng. Vừa thấy anh trai, Bác Hồ chạy đến ôm lấy anh khẽ kêu lên: "Anh Cả!". Tiếng gọi tên anh Cả đầu tiên sau 37 năm trời xa cách biền biệt. Bác Nguyễn Sinh Khiêm cũng ôm lấy Bác Hồ rồi nghẹn ngào thốt lên: "Chú râu đã dài thế này à?". Rồi hai anh em ôm nhau khóc. Người thư ký nhẹ nhàng khép cửa lại rồi nhè nhẹ lui ra...

Cụ Nguyễn Sinh Khiêm, người anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người thông minh, có cuộc sống giản dị, phóng khoáng, giàu lòng thương yêu người nghèo khổ. Cụ từ trần ngày 15/10/1950 (tức 23/8 Canh Dần) tại làng Kim Liên, hưởng thọ 62 tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được tin anh Cả qua đời trong lúc đang bận công tác xa, không thể về được nên đã điện cho Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV bức điện số 1229 nhờ chuyển cho họ Nguyễn Sinh làng Kim Liên, nội dung như sau:

Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.

Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước.

                   9/11/1950

                             Chí Minh

Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh, được UNESCO và cả thế giới tôn vinh Người anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa kiệt xuất (… héros de la libération nationale et eminent homme de culture…). Lịch sử sẽ còn nhớ mãi về những cử chỉ đạo hiếu thuộc nền nếp gia phong của Bác Hồ khi gặp lại hai người ruột thịt. Hiếm thấy một vị Chủ tịch nước nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh khi gặp lại người chị ruột của mình đã đứng dậy vòng tay trước ngực mà nói: "Thưa chị...!"


Nhà văn Sơn Tùng (91 tuổi), sinh tại Nghệ An, là nhà văn có nhiều tác phẩm viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Búp sen xanh viết về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1948, ý tưởng tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến với người thanh niên Bùi Sơn Tùng khi ông đang công tác tại Tỉnh đoàn Thanh niên Lao động Nghệ An. Trong những năm kháng chiến cho đến khi chấm dứt chiến tranh Việt Nam, ông đã nỗ lực không ngừng tìm những nhân chứng liên quan tới đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời cầm bút, nhà văn Sơn Tùng đã viết 21 tác phẩm văn học, trong đó có 13 tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 14.7.2011, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1083/QĐ-CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

(Theo Thanh niên)


Hồng Thái

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文