Chuyện chưa kể về một gia đình có 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

16:03 29/04/2016
Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, mảnh đất Quảng Nam trung dũng, kiên cường đã có gần 65.000 liệt sĩ, hơn 30.000 thương, bệnh binh; 46.500 gia đình có công với cách mạng… Đặc biệt, tính đến thời điểm này tỉnh Quảng Nam có 11.658 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH).

 

Trong đó, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ có 9 con, 1 rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ; hình ảnh mẹ được lấy làm nguyên mẫu xây tượng đài Bà mẹ VNAH… Trong sự mất mát, hi sinh to lớn ấy, có một gia đình có đến 11 Bà mẹ VNAH.

Mẹ ruột và 2 con gái đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Làng La Tháp, thuộc xã Duy Hoà, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) nằm ở hữu ngạn sông Thu Bồn, án ngữ trên con đường dẫn vào Khu di tích đền tháp Chăm Mỹ Sơn – Di sản Văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận từ năm 1999. Câu chuyện về một gia đình có 11 Bà mẹ VNAH ở làng La Tháp, bắt đầu từ Đại tá Nam Hà, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ. Đã bước sang tuổi 88 nhưng ông còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm.

“Tôi sinh ra ở làng La Tháp, cũng là người con trong gia đình có 11 bà mẹ VNAH…”, Đại tá Nam Hà bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. Tên khai sinh của ông là Phan Đức Mỹ. Năm chưa tròn 16 tuổi, khi đang học ở trường làng thì có cán bộ cách mạng về, ông liền “bỏ bút nghiên” tham gia Việt Minh và sau đó được bầu làm Bí thư Thanh niên xã; rồi làm trợ lý dân quân Huyện đội Duy Xuyên.

Tháng 10-1954, ông tập kết ra Bắc, đến đầu tháng 2-1955, được biên chế về Sở Công an Hà Nội, công tác tại Phòng Trị an dân cảnh. Đến giữa năm 1961, khi có quyết định đi B, ông lấy biệt danh Nam Hà. Từ đó, cái tên Nam Hà gắn mãi với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông cho đến bây giờ. “Nam tức Quảng Nam. Còn Hà là Thủ đô Hà Nội. Nam Hà có hàm ý, tôi là người Quảng Nam sống trong lòng Hà Nội, trái tim của Tổ quốc”, Đại tá Nam Hà giải thích.

Cha mẹ ông sinh được 3 người con trai và 2 người con gái. Mẹ ông là bà Đoàn Thị Thơ cùng 2 người con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Tiếp theo, hai người chị ruột ông là bà Phan Thị Tô và bà Phan Thị On đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Trong đó, bà Tô có chồng và 3 con là liệt sĩ; bà On có 3 con trai là liệt sĩ. Riêng vợ chồng ông cũng có 1 con trai là Phan Đức Mãn, làm chính trị viên Xã đội Duy Hòa, hy sinh năm 1970…

Đôi mắt ngấn lệ, Đại tá Nam Hà trầm giọng: “Chỉ tính gia đình cha mẹ tôi đã có 10 người là liệt sĩ và 3 Bà mẹ VNAH. Bây giờ, chiến tranh đã lùi vào quá vãng, nhưng sự hy sinh, mất mát thật quá lớn. Mảnh đất quê hương đã thấm đẫm máu người đã khuất mới có được hòa bình hôm nay”.

"Chỉ tính gia đình cha mẹ tôi đã có 10 người là liệt sĩ và 3 Bà mẹ VNAH. Bây giờ, chiến tranh đã lùi vào quá vãng, nhưng sự hy sinh, mất mát thật quá lớn. Mảnh đất quê hương đã thấm đẫm máu người đã khuất mới có được hòa bình hôm nay” - Đại tá Nam Hà.

Đau thương và tự hào

Cũng tại làng La Tháp, chúng gôi gặp cụ bà Ngô Thị Kỵ (85 tuổi), người duy nhất trong số 11 Bà mẹ VNAH của một gia đình, hiện còn sống. Khi chúng tôi hỏi chuyện, cụ bà đứng ở sân cười móm mém, chỉ vào nhà, nói: “Mấy chú vào hỏi ông nhà tui thì rõ hơn. Tui cũng nhớ, nhưng kể chuyện không rành mạch lắm!”. Từ nhà trên, một cụ ông râu tóc bạc phơ bước ra, giọng sang sảng: “Chuyện chi rứa bà?”. Đây là cụ Phan Công, đã ngoài tuổi 85, gọi cha đẻ của Đại tá Nam Hà là chú ruột…

Ông Công tâm sự, thân phụ ông là Phan Hồng Phong, hy sinh trong kháng chiến, gọi cụ Phan Đức Cảnh là ông cố. “Cụ cố nhà tui gốc người làng Bảo An, Điện Quang, Điện Bàn, có vợ người làng La Tháp nên về đây lập nghiệp. Cụ là người yêu nước nên cả 5 người con trai cụ đều tham gia cách mạng và có con, cháu hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và  Mỹ”.

Nói rồi ông kể vanh vách từng người, từng người. Và, từng lời, từng lời của cụ già tuổi đã xế chiều làm cho mỗi chúng tôi không khỏi chạnh lòng, đau đớn... 

Theo lời ông Công, gia đình ông Phan Trà, cha ruột của Đại tá Nam Hà, là con trai thứ 5 của cụ Phan Đức Cảnh. Người con cả của cụ Cảnh là ông Phan Vinh có 2 con hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nên bà Nguyễn Thị Trinh, vợ ông Vinh, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Con gái và cháu nội ông Vinh cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý này. Đó là bà Phạm Thị Trinh (tức Đích, con gái ông Vinh), bản thân là liệt sĩ, có 2 con là liệt sĩ; bà Phan Thị Cả (cháu nội ông Vinh), có chồng, 2 con là liệt sĩ.

Tiếp theo, người con thứ hai của cụ Cảnh là ông Phan Văn Đinh (tức Tôn) có 2 con trai liệt sĩ, nên vợ ông là bà Trần Thị Tôn đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Trong đó, ông Phan Khá (con ông Đinh) bản thân là liệt sĩ và 2 con là liệt sĩ nên vợ là Lê Thị Trí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Gia đình ông Đinh còn có 1 con rể, 1 cháu rể và 1 cháu ngoại hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ…

Người con trai thứ 3 của cụ Cảnh là ông Phan Văn Định (tức Hữu), có con trai là Phan Cửu bản thân là liệt sĩ, 2 con liệt sĩ nên vợ ông Cửu là bà Trần Thị Mai được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Ông Định còn có con gái là Phan Thị Tế có 1 người con trai độc nhất tham gia cách mạng và hy sinh, nên bà Tế được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH…

Bất chợt, ông Công ngừng kể, giọng chùng hẳn xuống: “Mỗi khi nhắc đến những người thân yêu đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lòng tui đau xót lắm. Tui luôn cầu nguyện đất nước mình được hòa bình. Hòa bình dù có khổ cực bao nhiêu cũng sướng, chứ xảy ra chiến tranh thì thật khủng khiếp. Những ai từng đi qua chiến tranh càng thấm thía điều đó”.

Ông kể tiếp, cụ nội của ông là Phan Văn Hạc (tức Điền), là người con thứ 4 của cụ Cảnh. Ông Phan Hồng Phong là con ông Hạc, cha ruột của ông Công như đã kể trên. Gia đình ông Công có 3 con là liệt sĩ nên vợ ông, bà Ngô Thị Kỷ được Nhà nước phong tặng Bà mẹ VNAH… 

Về đất Duy Hòa hôm nay, hỏi chuyện gia đình cụ Cảnh, dường như ai cũng biết. Các cựu chiến binh một thời là du kích Duy Hòa kể về người con gái ông Công hy sinh ở tuổi 17. Đó là chị Phan Thị Sỹ, Xã đội phó du kích, huyền thoại xạ thủ bắn súng đại liên từng làm khiếp vía kinh hồn lũ giặc khi chúng càn quét vào làng. Hình ảnh chị Sỹ với khẩu súng máy được một phóng viên Khu V hồi đó chụp, hiện còn lưu giữ tại nhà bảo tàng của xã.

Tiếp chúng tôi, ông Lê Đắc Hà, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Duy Hòa là một trong những căn cứ cách mạng khu Tây, huyện Duy Xuyên, nằm tiếp giáp với sông Thu Bồn, bên kia sông là vùng B Đại Lộc. Vì thế, những năm chiến tranh, miền quê này bị bom đạn giặc cày xới tan hoang… Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, riêng xã Duy Hòa có 5 Anh hùng LLVTND, hơn 1.200 liệt sĩ, gần 300 thương bệnh binh, nhiều gia đình có công với nước. Đặc biệt, xã có trên 350 Bà mẹ VNAH. Xã Duy Hòa đã 2 lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND…

Trong kháng chiến, người dân Duy Hòa đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của cho cách mạng, góp phần làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975. Duy Hòa đã có rất nhiều người mẹ có từ 5-6 người con hy sinh, như mẹ Nguyễn Thị Hiển, mẹ Võ Thị Một, mẹ Nguyễn Thị Trúc…

Đặc biệt, có gia đình như cụ Phan Đức Cảnh, 4 đời kế tiếp có 32 liệt sĩ, hơn 10 người là thương binh; có 3 thế hệ người mẹ, với 11 trường hợp được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Đây cũng có thể gọi là “kỷ lục đau thương” thật đáng khâm phục và tự hào!...

Long Vân

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文