Chuyện cô du kích lái đò trên dòng Thạch Hãn

17:00 11/08/2011
Cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị là khúc ca bi tráng vang mãi trong kí ức chiến thắng hào hùng của dân tộc ta. Ở đó không chỉ ghi dấu biết bao đau thương, mất mát mà còn khắc lên những tấm gương anh dũng quên mình vì độc lập dân tộc.

Trên dòng Thạch Hãn mùa hè ác liệt năm 1972 ấy, có cô du kích ngày đêm cùng cha tránh bom, vượt đạn vững tay chèo lái con đò nhỏ tiếp tế lương thực, vũ khí và chở bộ đội vào Thành cổ chiến đấu, rồi cũng con đò ấy lại xuôi chèo đưa thương binh về hậu tuyến. Vâng, cô du kích lái đò năm ấy là Nguyễn Thị Thu (SN 1954), ở làng Giang Hến, xã Triệu Giang, Triệu Phong nay là Tiểu khu 5, Thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị.

Mỗi lần vào thăm Thành cổ Quảng Trị, tôi không quên đến Bảo tàng Thành cổ để xem những bức ảnh, những kỉ vật chiến tranh của các chiến sĩ cách mạng. Trong số những bức ảnh sống động hào hùng một thời ấy, có bức: “Cha con lão ngư dân Triệu Phong chở bộ đội và vũ khí tiếp sức cho Thành cổ”. Trong bức ảnh, cô gái năm xưa, nay vẫn sống tại địa phương. Tôi vội đi tìm cô Thu (nhân vật trong bức ảnh), nhân chứng sống một thời tham gia chèo đò chở vũ khí, bộ đội cho cuộc chiến 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Bà Thu cùng nhà báo Đoàn Công Tính trên dòng sông Thạch Hãn.

Tiếp chúng tôi, bà Thu hào hứng đem ra những bức ảnh kỉ niệm thời chiến đã ố vàng mà phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính đã chụp bà xuôi  dòng Thạch Hãn đưa bộ đội sang sông vào Thành cổ, rồi cả những bức ảnh bà chụp chung với Đoàn Công Tính, Lê Bá Dương và những anh bộ đội năm xưa từng ngồi trên chiếc đò bà lái cũng tìm về gặp bà để ôn lại quá khứ năm nào. Vừa mân mê những tấm hình đen trắng ấy, bà vừa kể.

Bức ảnh hai cha con ông Nguyễn Câu - bà Thu chèo đò chở bộ đội do nhà báo Đoàn Công Tính chụp năm 1972.

Năm cô bé Thu 18 tuổi, cuộc chiến Thành cổ diễn ra ác liệt, với lợi thế vừa là bàn đạp để thực hiện âm mưu “Bắc tiến” khi có điều kiện vừa là lá chắn bảo vệ “biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” nên địch dốc toàn bộ lực lượng với vũ khí hiện đại hòng chiếm Thành cổ trong vòng 10 ngày. Để bảo vệ Thành cổ và đánh bật các cuộc phản công của địch, quân đội ta phải huy động, bổ sung một số lớn lực lượng… Nhưng để bộ đội vào Thành cổ một cách nhanh nhất, an toàn mà lại hiệu quả chỉ có một đường duy nhất là dùng đò vượt sông Thạch Hãn.

Ngày ấy, ông Nguyễn Con (ông lão ở trần trong bức ảnh) là cha chồng tương lai của bà Thu, hai nhà đã dạm hỏi, chiến tranh ác liệt, nam nữ thanh niên xung phong vào trận tuyến. Thế là cô nữ du kích Nguyễn Thị Thu xung phong lên đường, tình nguyện cùng cha chồng tương lai lái đò rẽ sóng bổ sung lực lượng cho trận chiến.

“Ngày ấy, bom đạn của địch trút xuống như mưa, bay vùn vụt qua mặt, qua người là chuyện hàng ngày. Trên trời, bom của máy bay B52 dội xuống dòng Thạch Hãn khiến nước vàng ố, đục ngầu, cuồn cuộn chảy như thác lũ. Chiếc đò lắc lư, ngả nghiêng như chực chìm”, bà Thu nhớ lại.

Mưa bom bão đạn là vậy nhưng cô Thu cùng ông Con vẫn vững chắc tay lái. Nhiệm vụ không phân biệt đêm ngày, bà không còn nhớ là đã bao nhiêu lần chở bộ đội sang  sông trong 81 ngày đêm ấy, Trung bình mỗi ngày chiếc đò ấy cứ phăm phăm sóng nước 30 – 40 lần vượt sông đưa bộ đội vào trận tuyến chiến đấu, rồi cũng trên chiếc đò ấy không biết bao nhiêu tấn vũ khí, lương thực được tiếp tế cho Thành cổ.

“Địch cứ thả bom, bắn phá còn tôi và cha nhiệm vụ chèo đò thì cứ chèo. Cả 81 ngày đêm năm 1972 ấy, chưa một ngày cha con tôi nghỉ chèo, chưa đêm nào được ngủ yên giấc, nhiệm vụ mà chú”.  Bà Thu tâm sự.

Cũng nhiều lúc địch phát hiện, chúng bắn phá chiếc thuyền, bà và cha phải nhảy sông lặn xuống nước bơi vào bờ. Dòng Thạch Hãn mùa hè nhưng chẳng bình lặng chút nào. Sóng nước cứ cuồn cuộn tung tóe, gầm rú, kêu gào nhưng chẳng phải bão lũ gì mà là do bom đạn của Mỹ, ngụy quật dậy sóng. Nhưng trên dòng sông ấy vẫn in bóng hai cha con lão ngư dân chân chất không nề hà hiểm nguy cùng con đò nhỏ lắc lư chở bộ đội và vũ khí vào Thành cổ.

Cuộc chiến vẫn diễn ra nảy lửa giữa ta và địch. Hai cha con lão ngư dân ấy ngày đêm vẫn bình lặng chèo đò làm nhiệm vụ của mình. Những lúc chở thương binh về hậu phương khi đò cập bến thì có người chiến sĩ trút hơi thở cuối cùng. Mỗi lần như thế là lòng bà lại quặn thắt, trào nước mắt…

Nhìn bức ảnh bà cùng cha chồng trên chiếc đò năm ấy do phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chụp, tôi hỏi: “Sao ông lão ở trần vậy”. Bà nói: “Áo đâu mà mặc chú, cực khổ thiếu thốn trăm bề à, ông chỉ có mỗi cái quần đùi thôi”.

Chiến thắng Thành cổ đã tạo đà lợi thế cho ta trên hội nghị đàm phán Hiệp định Pari năm 1973. Đất nước thống nhất, hai cha con ông lão chèo đò ngày ấy trở về cuộc sống đời thường, vẫn cặm cụi gắn bó với dòng Thạch Hãn năm nào nhưng không phải chở bộ đội sang sông nữa mà là cào hến mưu sinh. Năm 1976, bà Thu cưới ông Nguyễn Câu, con trai ông lão chèo đò Nguyễn Con. Năm 1978, do tuổi cao sức yếu hơn nữa những di chứng trong chiến tranh do bom đạn gây ra khiến ông Con qua đời.

Trong căn nhà nhỏ, tấm giấy Huy chương kháng chiến được treo trang trọng ở góc nhà. Những tấm hình ngày nào với bà mãi mãi là những kỉ vật vô giá. Cũng trong căn nhà của bà, đã chứng kiến biết bao cuộc hội ngộ thắm tình đồng đội, của những chiến sĩ một thời ngồi trên chiếc đò bà lái… Và theo bà, người ghé nhiều nhất là phóng viên Đoàn Công Tính và nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương.

Bà Thu bồi hồi: “Anh Tính và anh Dương tình cảm lắm, cứ đến ngày 22-7 hàng năm, hai anh lại về nhà tôi thăm hỏi, chụp ảnh kỉ niệm rồi chở tôi vào Thành cổ thắp hương và ra dòng Thạch Hãn thả hoa. Tất cả đã đi vào quá khứ nhưng tình cảm đồng đội vẫn thiêng liêng và trường tồn trong mỗi chúng tôi”.

  Và cứ đến ngày 22-7 hàng năm, bà đều đến Thành cổ thắp hương và ra dòng Thạch Hãn thả hoa tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Mỗi lần nhìn vào con sông hiền hòa ấy, lòng bà lại bồi hồi xao xuyến một thời khói lửa hào hùng năm nào. Trên con sóng nước cuồn cuộn chảy đã in bóng một nữ du kích cùng cha chồng không quản hiểm nguy ngày đêm rẽ nước đưa bộ đội sang sông. Vâng, nữ du kích ngày ấy chính là bà Nguyễn Thị Thu

Đình Văn

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Chúng tôi đến thăm Thư viện Tưởng niệm Các Mác và Trường Công nhân tại thủ đô London (Anh) vào một ngày nắng đẹp. Khám phá Thư viện, thấy nhiều điều thú vị về cuộc đời hoạt động của nhà tư tưởng cách mạng tiến bộ, lỗi lạc C. Mác. Có thể khẳng định đây là nơi một "kho báu" lưu giữ giá trị của Chủ nghĩa Mác giữa lòng Chủ nghĩa Tư bản.

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

Một quan chức cấp cao tại bang Baja California (Mexico) hôm 4/5 thông tin, các thi thể được tìm thấy dưới một đáy giếng ở khu vực Ensenada của bang này rất có thể là của các vận động viên lướt sóng quốc tịch Mỹ và Australia, vốn được thông báo mất tích hồi tuần trước. 

Giới chức Pháp hôm 4/5 cho biết, ít nhất một người đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương trong vụ xả súng xảy ra ở ngoại ô phía Bắc Thủ đô Paris. Vụ xả súng này được cho là liên quan tới các băng nhóm buôn bán ma túy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文