Chuyện đời thường con người huyền thoại

18:45 26/07/2009
Tháng 7 này là đúng mười năm Anh hùng Núp qua đời. Nhưng hình như bóng hình ông vẫn lồng lộng đâu đấy giữa đất trời Tây Nguyên lộng gió…Thể phách ông đã về đất cao nguyên nhưng tinh anh vẫn mãi còn với dân tộc, như một biểu tượng của khối đại đoàn kết…

Chuyện về những người đàn bà trong cuộc đời của Anh hùng Núp

Trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc, H'Liêu là tên nhân vật vợ Núp. Ở ngoài đời cũng vậy. Đây là người đã cưới Núp làm chồng và đã sinh cho ông một con trai tên là H'rup. Bà H'Liêu đã chết trước khi Núp cùng người con trai tập kết ra miền Bắc năm 1954.

Theo phong tục người Bahnar, Đinh Núp đã được dòng họ bên vợ làm lễ nối dây với người em gái H'Liêu là Ch'rơ, khi ấy Ch'rơ hãy còn là một thiếu nữ chừng mười ba tuổi. Núp đã chấp nhận, nhưng rồi cuộc đời anh lại chuyển sang một hướng khác, khi được cách mạng cho ra Bắc. Lời hẹn nối dây với người em gái vợ đành gác lại như bao nhiêu đôi lứa ngỡ hai năm sau tổng tuyển cử sẽ được đoàn tụ bên nhau. Nào ngờ…

Thời kỳ tập kết ra Bắc người anh hùng một mình "gà trống nuôi con". Và rồi anh hùng đã gặp giai nhân như một định mệnh. Người đẹp ấy tên là H'Ben, một trang giai nhân người cùng Tây Nguyên như Núp. H'Ben đẹp lại là văn công Tây Nguyên đóng ở miền Bắc, Núp là anh hùng cao lớn đẹp mã và tiếng tăm cả nước ai cũng biết. Họ nên vợ nên chồng như không thể khác. Hai người có với nhau một đứa con chung nhưng người con này bị dị tật bẩm sinh.

Cuộc tình đẹp đẽ ấy cũng ngắn ngủi như một câu chuyện lãng mạn khi H'Ben gặp và phải lòng một chàng nghệ sĩ violon người Hà Nội gốc Hàng Đào tên Lê Đức Thịnh. H'Ben bảo rằng khi biết ngươi vợ trẻ nối dây của Núp là Ch'rơ còn sống, tôi không thể lấy Núp. Phải trả Núp về cho Ch'rơ… Núp đành lòng chia tay H'Ben trong niềm đau khổ khi H'Ben về với Thịnh đưa theo đứa con tật nguyền của hai người. Nhưng cuộc đời vẫn có những câu chuyện y như… tiểu thuyết.

Năm 1963 Núp trở về Nam chiến đấu. Vượt Trường Sơn mấy tháng, Núp lại về với Tây Nguyên hùng vĩ. Tại xã Kroong, nay là thị trấn Dân Chủ, huyện Kbang, Núp thành cán bộ cơ sở nằm vùng suốt thời chống Mỹ. Tuy gần quê hương nhưng vì nhiệm vụ mãi đến năm 1967 tổ chức mới móc nối được để đưa người vợ trẻ mười mấy năm trước nối dây ra "cứ" với ông. Bà Ch'rơ lại thành vợ Núp và là người kề cận ông chăm lo phục vụ ông từ đó…

Họ hạnh phúc được gặp lại nhau, đoàn tụ bên nhau dù cuộc sống kháng chiến đầy gian nan vất vả. Bà Ch'rơ đã là người đàn bà cuối cùng bên ông cho đến những năm cuối đời ở khoa Nội 4 - BV tỉnh Gia Lai. Họ đã không có may mắn có được đứa con chung.

Sau khi đất nước thống nhất, bà H'Ben cũng đã đưa gia đình về Gia Lai. H'Ben làm Hiệu trưởng Trường VHNT tỉnh, còn nghệ sĩ  Đức Thịnh là GĐ Trung tâm Văn hoá - Thông tin tỉnh. Người con trai của H'Ben với nghệ sĩ Đức Thịnh là diễn viên Đoàn Nghệ thuật Đam San. Anh hùng Núp công tác bên cơ quan mặt trận tỉnh. Họ vẫn gặp nhau trên tình đồng chí thân thiết ngoài nỗi niềm "cố nhân" cất giấu trong lòng. Điều quý giá nhất H'Ben làm được là đã nuôi nấng đứa con chung với Núp chu đáo dù người con này nay ngoài bốn mươi tuổi mà vẫn ngây ngô bệnh tật…

Bây giờ thì H'Ben đã bán nhà thành phố để về làng, một ngôi làng xa nhất tỉnh và bà là người vất vả nhất, khi bên cạnh bà còn có thêm ông Thịnh bệnh tai biến nặng. Gánh nặng cuối đời và thiên tình sử như một tiểu thuyết lãng mạn của bà, có lẽ chỉ mình bà hiểu.

Sau khi Núp mất năm 1999, bà Ch'rơ cũng đã dọn về làng ở với cô con dâu của Núp tên Giang Năm. Bà dọn về nơi ấy bởi mảnh đất S’tơ là nơi có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đời bà. Nơi bà ngày xưa là thiếu nữ ngây thơ, chấp nhận làm vợ Núp năm 13 tuổi theo tục nối dây…

Hiện bà đang ở cùng Giang Năm là vợ H'rup, con trai đầu của Núp với H'Liêu, gọi Ch'rơ bằng dì. Giang Năm là vợ hai của H'rup, họ có một cô con gái xinh xắn trước khi H'rup mất cách đây mấy năm. Nơi ấy, làng S'tơ, làng Kông Hoa nổi tiếng thời đánh Pháp, bây giờ ba thế hệ người thân Núp đang sống hoà thuận bên nhau…

Và người anh em kết nghĩa Fidel…

 Bốn mươi năm trước, khi cuốn tiểu thuyết “Đất nước đứng lên" của Nguyên Ngọc được dịch sang tiếng Tây Ban Nha phát hành chủ yếu ở Cuba, lãnh tụ đất nước này là Chủ tịch Fidel Castro đã đọc và biết đến Anh hùng Núp. Chính vì thế Đảng, Nhà nước Cuba đã có lần mời đích danh Anh hùng Núp sang thăm đất nước đảo quốc anh hùng và người anh hùng ở hai đầu địa cầu đã kết tình huynh đệ...

Câu chuyện cũng đã trên 40 năm, Núp cũng ít kể và không nhiều người biết. Chỉ đến khi vào năm 1983 đồng chí Trường Chinh vào làm việc tại Gia Lai và đến thăm người anh hùng tại nhà riêng của ông ở thị xã Pleiku. Khi nhìn tấm ảnh Núp chụp với Che Guevara, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cuba, ông Trường Chinh hỏi:

- Anh Núp sang Cuba năm nào?

- Năm Sáu tư (1964)!

 Và Anh hùng Núp đã kể lại câu chuyện kết tình huynh đệ với Fidel cho ông Trường Chinh và cả đoàn cùng nghe.

Ngay từ khi đặt chân tới Cuba, Anh hùng Núp đã được Đảng và Nhà nước cùng nhân dân Cuba đón tiếp nồng hậu. Đích thân Che Guevara hướng dẫn Anh hùng Núp thăm thú nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Các bạn Cuba rất ngưỡng mộ tấm gương người anh hùng Việt Nam. Fidel lúc ấy mới ngoài 30 tuổi. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Fidel vẫn dành thời gian đến với Núp. Hai người ôm hôn nhau thắm thiết như người bạn lâu ngày gặp lại. Fidel coi Anh hùng Núp là sứ giả của Việt Nam, luôn tỏ lòng kính trọng và khâm phục Núp. Nhiêu lần Fidel ngỏ lời muốn kết nghĩa anh em với Anh hùng Núp. Đinh Núp trả lời:

- Fidel là Chủ tịch, Fidel phải làm anh thôi!

- Đồng chí Núp làm anh mới đúng!

- Cách mạng Cuba phải học tập kinh nghiệm những người anh em đi trước!

Cuộc kết nghĩa anh em vui vẻ nhưng hết sức nghiêm túc xúc động. Lúc này Núp hiểu đồng chí Fidel nhận làm em là biểu hiện của tình cảm thiết tha của Đảng, Nhà nước Cuba đối với nhân dân Việt Nam.

Sau này dù không gặp lại nhau, nhưng mỗi lần sang Việt Nam hoặc có đoàn công tác sang Việt Nam, Chủ tịch Fidel luôn gửi lời thăm hỏi đến Anh hùng Núp, người anh em kết nghĩa của mình. Trên thực tế Cuba luôn bên cạnh nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Fidel từng tuyên bố: "Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".

Ngôi nhà Anh hùng Núp không có Anh hùng Núp

Đó là ngôi nhà tỉnh Gia Lai xây tặng người anh hùng mà cả cuộc đời chỉ cần mỗi một cái tên là đủ. Nhưng người anh hùng không bao giờ ở đó. Lẽ thứ nhất ngôi nhà  ở cái làng Kông Hoa (S’tơ) mà nằm riêng lẻ giữa cái thung lũng trên cao nguyên lộng gió. Nhà thật đẹp mà người chủ của nó đâu có đoái hoài đến, trừ khi ông về thăm quê, mà nghe nói nếu có về ít khi ông ngủ lại trong nhà mình…

Lúc làm cán bộ mặt trận tỉnh, ông ở thành phố Pleiku, khi già yếu quá, ông được ở luôn tại một căn phòng của khoa Nội 4, Bệnh viện tỉnh Gia Lai. Nơi ấy mới chính là ngôi nhà cuối cùng của ông. Phòng bệnh viện mà sao suốt ngày khách khứa vào ra tấp nập hơn cả… phòng khám BV. Thì ra bất kỳ ai lên thăm hay công tác Gia Lai đều không thể không ghé vào thăm người anh hùng thời "Đất nước đứng lên". Và hễ có người thăm thế nào ông cũng phải chụp ảnh chung. Từ ông cán bộ cao cấp ở Trung ương vô hay người dân bình thường vì ngưỡng mộ Anh hùng Núp mà đến thăm ông…

Những tấm áo ân tình

Núp từng bồi hồi xúc động mạnh mỗi khi nhắc đến hình ảnh Bác Hồ. Cái con người từng miệt mài lao động cống hiến và luôn cứng rắn trong mọi hoàn cảnh, ấy vậy mà khi từ quê hương miền Nam nghe tin Bác Hồ mất, Núp đã khóc ròng. Quá thương nhớ Bác, từ núi rừng Tây Nguyên xa xôi, Núp đã để tang Bác theo cách của người Bahnar. Ông buồn thương đến nỗi để mặc cho râu tóc mọc dài đúng trăm ngày nên lúc ấy nhiều người không nhận ra khuôn mặt ông.

Học tập tấm gương đạo đức vì dân vì nước trong sáng của Bác, Anh hùng Núp đã sống một cuộc đời oanh liệt hoành tráng và rực rỡ niềm tin. Được cách mạng giao giữ nhiều trọng trách nhưng bản tính giản dị hiền hậu luôn có nơi ông, khiến ông luôn trở về với dân. Nhiều người biết ông thích đi về buôn làng hơn là ngồi họp.

Ôn chuyện Núp, nhà văn Nguyên Ngọc, người được xem là "nhà Núp học" cho hay: Thời ở miền Bắc, Núp mắc chứng khó thở, mờ mắt mà nhiều thầy thuốc giỏi vẫn không tìm ra nguyên nhân nên bó tay. Người hiểu Núp thì biết đó là căn bệnh nhớ Tây Nguyên: những lúc ấy là do ông thiếu rừng, thiếu lửa... Nguyên Ngọc nhận xét: "Núp như ngọn gió". Núp nhớ lại, thời kỳ công tác ở Ban dân tộc Trung ương, Anh hùng Núp luôn nhận được sự quan tâm thăm hỏi của Bác Hồ. Bác thường hỏi về H'rup, con trai của Núp. Bác Hồ tặng Anh hùng Núp lụa may áo và Huy hiệu của Người.

Năm 1994 lần Núp ra chữa bệnh ở Quân y viện 108, đích thân Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đến thăm. Thấy Núp có vẻ yếu mà trời thì  lạnh, ông đã cởi chiếc áo khoác của mình mặc trên người xuống khoác tặng cho Núp.

Tình bạn hiếm có giữa tác giả và nhân vật

Núp từng nói: "Nếu không có Nguyên Ngọc thì không có Núp". Nguyên Ngọc thì nói ngược lại. Câu chuyện ấy ngỡ chỉ là chuyện làm quà, nhưng không, đó là phân công của lịch sử. Họ đã sát cánh bên nhau những ngày "bắn Pháp chảy máu" thời "Đất nước đứng lên" đến khi ra Bắc rồi lại cùng về Tây Nguyên chiến đấu giải phóng miền Nam. Đinh Núp và nhà văn Nguyên Ngọc được xem là "cặp bài trùng" tác giả và nhân vật gắn bó với nhau đến tận ngày cuối cùng khi nhân vật anh hùng huyền thoại Đinh Núp mất. Cả bây giờ hễ có sự kiện nào nhắc đến Anh hùng Núp là có Nguyên Ngọc dù ông ở xa hàng ngàn cây số.

Vâng! Khiêm tốn mà nói thế chứ Nguyên Ngọc là người đã phát hiện ra người anh hùng từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từ cái làng Kông Hoa xa xôi. Núp nổi tiếng khắp toàn cầu. Có cả một bài hát hát mừng Anh hùng Núp. Bài hát mừng Anh hùng Núp cho đến bây giờ không biết tác giả là ai. Nhưng nó phổ biến trong lòng người Việt mấy mươi năm qua đến bây giờ người trẻ vẫn còn tiếp tục hát: "Gương trung dũng đánh tây Pha lăng, có anh hùng là chim đầu đàn. Gương anh Núp đánh Tây giữ làng, rạng soi vinh quang người Việt Nam".

Và một đám tang huyền thoại

Mười năm trước phố núi Pleiku có một đám tang lớn và lạ chưa từng thấy. Đó là đám tang đưa tiễn người anh hùng huyền thoại. Rất nhiều cán bộ cao cấp từ Trung ương vào viếng ông và rất nhiều người dân thường đến viếng ông. Đất nước này, Tây Nguyên này không ai là không nghe không biết về Anh hùng Núp. Đám tang lạ bởi vì vừa cử hành theo nghi lễ quốc gia có vệ binh bồng súng đứng chào, có cờ đỏ sao vàng phủ trên quan tài, có những nhà lãnh đạo túc trực bên linh cữu, lại có cả những nghi thức của buôn làng Tây Nguyên…

Dân làng Kông Hoa xưa nay là làng S’tơ nên làm ma cho ông bằng mấy ngày chiêng đánh trong cái nhà to nhất tỉnh. Người dân buôn làng kéo về ngồi trong tang lễ uống rượu cần và đánh chiêng mấy ngày liền. Cơm cúng ông có cả cơm ống lẫn thịt rừng nướng…

Thành phố Pleiku lần ấy không đủ hoa viếng ông. 200 vòng hoa là con số kỷ lục tại cái thành phố Tây Nguyên nắng gió. Biết trước sẽ thiếu hoa nên có nhiều đoàn ngoài tỉnh đã phải cất công chở vòng hoa từ nơi khác đến.

Bây giờ mười năm ông đi xa, có một người thương nhớ Núp nhất, nhớ Núp đến nỗi bỏ công sức thời gian đi sưu tầm tất cả những bức ảnh về Núp. Người ấy là anh Nguyễn Quang Tuệ, Phó giám đốc bảo tàng tỉnh Gia Lai. Tới nay trong tay anh đã có hàng ngàn bức ảnh về Anh hùng Núp, mỗi bức là một khoảnh khắc đời thường của con người nổi tiếng này. Ảnh người anh hùng đẹp như một tiên ông và có không biết bao nhiêu người đã chụp chung với ông, từ nguyên thủ quốc gia, mà người nổi tiếng toàn cầu là Che Guevara đến người bình dân, em bé… Đấy có lẽ cũng lại là một kỷ lục nữa về người được nhiều người chụp ảnh chung nhất. Núp ăn ảnh và tươi cười với chòm râu dài rậm và trắng ấy, nhiều tay máy ảnh nghệ thuật đã run lên trước ông.

Anh Nguyễn Quang Tuệ cho biết có thể đến Festival cồng chiêng Tây Nguyên cuối năm nay sẽ mở một cuộc trưng bày ảnh ông Đinh Núp từ thời trẻ đến khi ra Bắc và khi trở lại Tây Nguyên, cả ảnh đám tang ông từng gây xúc động mạnh cho đồng bào cả nước. Lần này nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Anh hùng Núp, Nguyễn Quang Tuệ đã dùng bức ảnh của mình chụp Anh hùng Núp mà anh cho là đẹp nhất, phối hợp với Công ty Viễn thông quân đội Viettel Gia Lai in ấn thành hàng trăm bức ảnh với chất liệu đặc biệt để biếu tặng bà con làng Kông Hoa  - S’tơ cùng công sở Đảng, chính quyền trong huyện Kbang quê hương người anh hùng.

Tháng 7 này là 10 năm Anh hùng Núp đi xa. Thể phách ông đã chìm vào đất mẹ nhưng tinh anh ông mãi còn với dân tộc như một biểu tượng của ý chí Việt Nam anh hùng, của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc…

Tân Linh & Linh Nga

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文