Cung đường cá ngựa

08:12 12/02/2008
Huyện Sông Cầu (Phú Yên) có một cung đường được cánh lái xe đường dài và người dân địa phương gọi là “cung đường cá ngựa” vì khắp các nhà hàng ăn uống giải khát, quán cóc, quán tạp hóa ở đây, đâu đâu cũng treo biển quảng cáo món… cá ngựa sống.

Du khách xuôi Nam ngược Bắc trên đường thiên lý sẽ bắt gặp một cung đường uốn lượn quanh co ven đầm Cù Mông thuộc địa phận hai xã Xuân Cảnh, Xuân Bình, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Ở đó không chỉ có tiềm năng du lịch với cảnh quan non nước hữu tình, mà còn có một điều lạ mắt và hấp dẫn nhiều người.

Phía trước những nhà hàng ăn uống giải khát, quán cóc, quán tạp hóa ven đường, đâu đâu cũng treo bảng hiệu quảng cáo món… cá ngựa sống, đến mức cánh lái xe đường dài và cả người dân địa phương đều quen gọi nơi này là "cung đường cá ngựa" thay cho tên gọi "15 cây số ăn chơi" sau khi tệ nạn xã hội đã bị đẩy lùi từ mấy năm nay.

Từ "cung đường cá ngựa"!

Trong vai những người khách du lịch, tôi cùng một đồng nghiệp dừng xe máy ngay trước quán cơm phở Cửu Long vào buổi trưa mùng ba Tết Nguyên đán Mậu Tý. Ba chữ to nhất trên bảng hiệu không phải là tên quán hay những món ăn đặc sản biển, mà lại là… cá ngựa sống!

Không riêng ở quán Cửu Long, mà hầu hết các nhà hàng, quán xá khác trên cung đường này cũng đều vận dụng một chiêu quảng cáo bắt mắt như thế, nên những du khách lần đầu nhìn thấy sẽ không khỏi ngạc nhiên, vì trong giấy phép kinh doanh không có món mà họ quảng cáo "mạnh" nhất.

Bước vào cửa quán, chúng tôi bắt gặp hình ảnh  gây ấn tượng hơn nữa là những bình rượu ngâm cá ngựa các kiểu được trưng bày trên những kệ gỗ, kệ sắt rất hấp dẫn.

Một cô gái trạc 25 tuổi bước ra đon đả chào mời bằng giọng đặc sệt dân xứ Nẫu: "Anh hai muốn mua loại nào cứ tự nhiên lựa chọn. Không muốn mua rượu ngâm sẵn thì mua cá ngựa sống".

Dứt lời, cô gái chỉ tay về phía một bể kiếng có chứa nước biển luôn được sục khí ôxy. Bên trong là những con cá ngựa màu vàng, màu đen đủ cỡ lớn, nhỏ đang bơi lượn theo chiều đứng trông rất thích mắt.

Chỉ tay vào con cá ngựa vàng lớn gần bằng ngón chân cái, tôi hỏi: "Loại này giá bao nhiêu?", cô gái đáp: "Cá ngựa vàng có giá trị dược liệu cao hơn, nên giá bán hai trăm ngàn một cặp, cá ngựa đen từ bảy, tám chục đến một trăm hai, tuỳ theo kích cỡ lớn hay nhỏ. Ưng cặp nào thì bắt cặp đó".

Thấy tôi còn chần chừ, cô gái gợi ý: "Muốn rẻ hơn chút ít thì mua cá ngựa đông lạnh, em lấy cho anh Hai xem nghen?". Không hỏi thêm, nhưng chúng tôi thừa biết đó là những con cá ngựa sau khi đánh bắt đưa vào bờ không sống nổi, thay vì ngâm rượu, đại lý thu mua đưa vào đông lạnh để bán với giá mềm hơn cá ngựa còn sống trong bể kiếng. Rẻ tiền hơn nữa là cá ngựa khô đóng gói trong túi nilon chỉ vài chục ngàn một cặp cũng có.

Lấy cớ còn phải đi thăm bạn bè, hẹn đến chiều sẽ quay lại mua vài cặp cá ngựa sống, chúng tôi rời quán để tiếp tục lân la tìm đến một số nhà hàng, quán xá khác. Từ điểm bán cá tự phát không tên, đến những nhà hàng, quán xá có tên như: Biển Nhớ, Hồng, Loan, Mỹ Thiện, Mỹ Thủy… đều có các kiểu cá ngựa, giá cả gần giống nhau.

Một bà chủ quán có nước da màu bánh mật cho biết, bình rượu 5 lít có hai cặp cá ngựa vàng, đen loại lớn, 6 con hải long, 1 con hải sâm, 1 củ nhân sâm hay một vài vị thuốc bắc như: thục địa, nhục thung dung, đẳng sâm… giá bán năm trăm ngàn đồng. Nếu trong bình rượu có ngâm thêm một hoặc hai, ba loại động vật khác như tắc kè, rắn cạp nong, bìm bịp… thì giá có thể dao động từ tám trăm đến một triệu rưỡi.

Thuận mua, vừa bán là lẽ đương nhiên, nhưng điều đáng nói là ở đâu đó người ta từng đồn rằng sau khi uống hết bình rượu, khách mới phát hiện ra mình bị sập bẫy lừa vì mua nhầm phải cá ngựa… nhựa, chứ dọc "cung đường cá ngựa "Sông Cầu thì chưa bao giờ xảy ra chuyện đó. Phần vì giới bán cá ngựa ở đây đều xuất thân từ dân biển "ăn chắc, nói thiệt", phần vì họ cũng mong ít nhất có một lần khách phương xa sẽ quay trở lại, hoặc giới thiệu cho bạn bè tìm đến để mua.

Đến những thợ săn trong đầm, ngoài biển

Thực ra không chỉ riêng ở Xuân Cảnh, Xuân Bình mới có cá ngựa, mà nhiều vùng đầm, vịnh, ghềnh rạn ven biển Việt Nam và một số nước trên thế giới đều có, nhưng vùng biển Sông Cầu là nơi hội tụ khá nhiều loài hải sản này, nên nhiều ngư dân địa phương rủ nhau đánh bắt đưa về bán cho các đại lý tiêu thụ ven quốc lộ 1A.

Sau vài phút thuyết phục, một thanh niên hành nghề xe ôm ở ngã ba quốc lộ 1A - quốc lộ 1D nằm cạnh cầu Bình Phú thuận tình dẫn đường cho chúng tôi tiếp cận một số thợ săn cá ngựa, với mức bồi dưỡng 100.000 đồng.

Lão ngư Ba Trọng ở thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Phương, gần cả đời đi sóng về gió cho biết: "Thời trước, dân lặn ở các xã ven biển phía Bắc huyện Sông Cầu chỉ đi bắt tôm hùm giống, khi tôm cạn kiệt, con cá ngựa được tửu khách thập phương quan tâm, thì hàng trăm ngư dân cũng vào cuộc để… kiếm cơm.

Thông thường thì từ tháng Chạp đến tháng bảy âm lịch, mỗi lúc thủy triều xuống, cánh thợ săn mang kính lặn ra đầm Cù Mông và những ghềnh rạn ven biển, những ngư dân có đủ công cụ, phương tiện thì dùng lưới mành để đánh bắt cá ngựa. Bữa nào gặp may, mỗi thợ lặn kiếm được vài con, cũng đủ để đong gạo cho bốn, năm miệng ăn".

Còn anh Phan Ngọc Trai ở thôn Hòa Phú, xã Xuân Hòa vốn là một "sát thủ" cá ngựa kể mỗi năm săn bắt cũng được trên dưới 100 con. Đó là thợ lặn "săn bộ", còn giới đánh bắt cá bằng lưới mành, giã cào hoạt động ven bờ biển phía Bắc huyện Sông Cầu thì mỗi chuyến biển cũng cũng kiếm được cỡ chục con, nhưng chủ yếu vẫn là cá ngựa đen, bởi cá ngựa vàng vốn rất khan hiếm, nên giá cả tăng cao là phải.

Khi tôi hỏi giá bán sỉ cho các đại lý trên cung đường cá ngựa thì một vài thợ săn lắc đầu né tránh, có lẽ họ muốn giữ uy tín cho đầu mối thu mua của họ, chỉ có lão ngư Ba Trọng bộc bạch rất chân tình: "Giá cả thất thường, lúc thì hai, ba chục ngàn, khi thì bốn, năm chục ngàn một cặp cá ngựa đen".

Tản mạn về cá ngựa

Khi tôi hỏi: "Uống rượu ngâm cá ngựa sống có tác dụng gì?", hầu hết những người bán hàng đều nói nửa đùa, nửa thật: "Thứ này ông uống, bà khen đấy!".

Được biết, cá ngựa có tên khoa học là Hippocampus, phân bố ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Australia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan. Tại Việt Nam, cá ngựa phân bố từ Bắc đến Nam, tập trung ở vùng nước ven bờ, đặc biệt là vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Trong những năm gần đây, cá ngựa đã được nuôi trong bể bê tông, bể kính. Đây là loại hải sản có giá trị cao trong dược liệu đông y ở Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi - Nhà xuất bản Khoa học - Kỹ thuật 1981, đây là loại giống cá nước mặn, có đầu giống hình đầu ngựa nên mới có tên là cá ngựa huặc là hải mã. Cá ngựa to, nhỏ, trắng, vàng đều dùng làm thuốc, nhưng loại trắng, vàng tốt hơn.

Tại Trung Quốc, cá ngựa dùng làm thuốc và được ghi đầu tiên vào bộ sách "Bản thảo cương mục thập di" của Triệu Học Mãn - 1765 và được khai thác nhiều ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến và Hải Nam.

Theo đông y, cá ngựa có tính ôn, vị ngọt, không độc, tác dụng như vị thuốc bổ, kích thích bền lâu trong chuyện phòng sự, tráng dương, khí huyết thông, phụ nữ khó đẻ. Dân gian thường vận dụng điều trị liệt dương, nữ giới không có con, theo phương thang một cặp cá ngựa vàng phơi khô, tán bột rồi dùng rượu chiêu thuốc

Phan Thế Hữu Toàn

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文