Cứu hộ biển Đà Nẵng: Gian nan theo từng con sóng

09:01 13/09/2007

Hiếm khi nghề nghiệp của họ được mọi người để ý đến. Chỉ có những người mà sự sống đã được các anh giành lấy từ biển mới thực sự yêu quý và ghi nhớ công việc thầm lặng, nhưng cũng rất nhân đạo ấy. Công việc của  những chàng cứu hộ biển Đà Nẵng "gian nan theo từng con sóng"!

"Làm nghề này đòi hỏi ở lương tâm mình rất cao bởi chỉ cần lơ là một chút là  tai nạn có thể xảy ra ngay. Khi đó, mình sẽ cứu hộ không kịp và sẽ có người chết oan"... Nguyễn Tấn Cường - Đội phó Đội Cứu hộ biển Phạm Văn Đồng, thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, người đã ngót 5 năm gắn bó với nghề cứu hộ biển và cũng là người có thành tích nhiều nhất trong công tác cứu nạn du khách tâm sự.

Một ngày làm việc của những người làm công tác cứu hộ bắt đầu từ lúc 4-5h sáng và khi thành phố đã lên đèn, tất cả du khách đều lên bờ thì lúc ấy công việc mới thực sự kết thúc.

Phan Xuân Tiệp, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà, người trực tiếp phụ trách Đội Cứu hộ biển Đà Nẵng cho biết: "Từ khi thành lập đến nay, Đội cứu hộ Đà Nẵng đã giành giật với tử thần hàng trăm mạng sống. Và chỉ đầu mùa du lịch biển năm nay, Đội đã cứu sống được 162 người, trong đó có 5 người nước ngoài bị sóng cuốn trôi khi tắm biển".

Đà Nẵng với 27km bờ biển, những ngày hè, nhất là vào 2 ngày cuối tuần, lượng khách đông lên đến hàng chục nghìn người tắm biển, do vậy công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Các nguyên nhân xảy ra tai nạn thì muôn hình vạn trạng, do mấy cô cậu thanh niên bốc đồng bơi thật xa bờ, đuối sức, hổng chân, bị chuột rút. Cũng có nhiều trường hợp tuy tắm gần bờ nhưng bị sóng cuốn, hay chủ quan bơi vào vùng cấm nguy hiểm…

Nhiều năm kinh nghiệm với nghề cứu hộ, anh Tiệp cho biết: "Biển Đà Nẵng trông yên ả vậy nhưng ẩn giấu những ao ngầm nằm cách bờ chỉ chừng 50-100m. Những đợt sóng lớn sẽ làm các ao xoáy từ trước bị san bằng, nhưng sau đó chúng sẽ "trổ" các ao xoáy mới. Chính vì vậy mà các tổ cứu hộ đa phần đều là con nhà ngư phủ nhiều kinh nghiệm về biển, phải cập nhật con nước hằng ngày và cắm cờ cảnh báo cho du khách tránh xa.

Đội Cứu hộ quân số chỉ có 56 người chia thành 14 tổ, theo dõi, quán xuyến toàn bộ bãi tắm, hoạt động tại 2 tuyến Thanh Bình - Xuân Thiều và Bắc đường Phạm Văn Đồng - Non Nước. Để tránh chuyện đáng tiếc xảy ra, lúc nào những người làm công tác cứu hộ cũng phải thường xuyên túc trực đi tuần tra và căng mắt về phía biển, luôn ở trong tư thế sẵn sàng phóng mình xuống biển. Ngoài tính cần mẫn, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, còn đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và bơi lặn giỏi.

Cứu hộ biển Hồ Sang bộc bạch: "Mỗi khi có tai nạn xảy ra, đòi hỏi người cứu hộ phải vận sức nhiều bởi chỉ cần bơi chậm vài giây là đã không thể cứu được người bị nạn... Đó là chưa kể lúc bơi ra hiện trường, người bị nạn với bản năng sống còn ôm bám vào mình rất chặt, nếu không thạo kỹ năng và có sức khỏe thì khó có thể cứu thành công người bị nạn...".

Hỏi chuyện vui buồn trong nghề, Tiệp, Cường, Sang đều trầm ngâm: "Vui cũng lắm mà buồn cũng nhiều. Buồn vì đôi khi dù đã cố gắng hết sức nhưng cũng không thể cứu được khách tắm biển bị nạn. Và vui là những năm trước đây, biển Đà Nẵng ít nhất xảy ra hàng chục vụ tai nạn chết đuối mỗi năm, nhưng từ khi có Đội Cứu hộ trên biển, tai nạn này đã được hạn chế đến mức thấp nhất.

Khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ trên biển, có vô số tình huống mà những nhân viên cứu hộ phải "chịu trận" không biết bày tỏ cùng ai. Đó là khi những vị khách nhậu sương sương trong các nhà hàng hứng chí nhảy xuống biển tắm... Khi được anh em vớt lên bờ, làm hô hấp nhân tạo, xốc nước, nạn nhân thường nôn ói..., nếu không tận tâm với nghề thì khó có thể chịu đựng nổi.

Công việc gian nan vất vả, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người lao động và có tính rủi ro cao là vậy nhưng đồng lương bình quân từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng/người/tháng, với vật giá như bây giờ thì trang trải cho cuộc sống quả còn nhiều khó khăn.

Tôi được biết, mặc dù đã thành lập và đi vào hoạt động được hơn 5 năm nhưng đến nay, Đội Cứu hộ biển Đà Nẵng vẫn chưa có được một văn phòng riêng mà phải đi thuê nhà để làm nơi sinh hoạt, hội họp, triển khai công tác, huấn luyện nhân viên, tiếp nhận thông tin từ du khách...

Các trang thiết bị của Đội hiện cũng còn rất thô sơ, các phương tiện cần thiết như canô, vật dụng sơ cấp cứu, phao cứu sinh và xe máy làm nhiệm vụ cấp cứu, thường xuyên túc trực ở các điểm nóng có đông du khách nếu có sự cố xảy ra đều rất thiếu...

Chia tay với Đội Cứu hộ biển Đà Nẵng, Đội trưởng Tiệp kể lại một câu chuyện vui. Vào chiều 16/5, nhân viên cứu hộ tại bãi tắm du lịch Non Nước đã cứu được hai du khách nước ngoài là ông Jay (quốc tịch Mỹ) và ông Steven (quốc tịch Anh). Hai vị khách này bơi lặn khá giỏi nhưng do không quen biển, không nhận biết được con nước nên khi bơi vào bờ đã rơi vào đúng dòng nước chảy xiết, rút rất mạnh. Hai người cố gắng vượt qua, song vẫn không thể vào bờ được.

Nhận được tín hiệu kêu cứu, Tổ trưởng Tổ cứu hộ Nguyễn Văn Tám cùng tổ viên Phạm Ba đã dũng cảm vượt qua nguy hiểm, đưa hai vị khách nước ngoài vào bờ an toàn. Để bày tỏ sự cảm kích, ông Jay quyết định tặng tấm ván lướt sóng duy nhất của mình cho tổ cứu hộ biển Non Nước. Hai ông cũng cho biết, khi về nước sẽ vận động bạn bè, người thân ủng hộ một số dụng cụ, phương tiện giúp tăng hiệu quả hoạt động của lực lượng cứu hộ tại các bãi biển Đà Nẵng.

Đội phó Nguyễn Tấn Cường cũng không giấu được niềm vui khi nhắc lại chuyện anh đã cứu sống Thiếu úy Quân đội Trương Xuân vừa mới ra trường, tại bãi T20... Hôm đó đã chiều tối, nghe tiếng kêu cứu của nạn nhân cách bờ chừng 150m đang chấp chới hai tay trong cơn tuyệt vọng, anh vội lao thẳng xuống nước và kịp thời dìu anh  Xuân vào bờ...

Ngày bình phục, chuẩn bị về đơn vị công tác, anh Xuân đã tìm đến Đội gặp Cường nói câu tạ từ: "Cảm ơn anh một lần nữa đã cho tôi sự sống". Chỉ lời nói ấy thôi đã là động lực giúp các anh thêm gắn bó và có trách nhiệm với công việc hơn rất nhiều!...

Hoài Thu

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文