"Đại gia đình nông dân" giữa rừng U Minh Hạ
Đó là tổ hợp tác Toàn Thắng của gia đình nông dân Trương Công Sự, còn gọi Tư Sự tại ấp Huyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Ông Trương Công Sự sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, tham gia bộ đội vào Nam chiến đấu, sau đó giải ngũ và lập gia đình nên với ông, miệt vườn U Minh Hạ còn xa lạ, nhất là cách làm ruộng của người nông dân Cà Mau. Sau gần 10 năm định cư ở xã Biển Bạch Đông, ông Sự nghiệm ra rằng: "Nông dân nơi đây rất cần cù, chịu khó, nhưng phần lớn vẫn nghèo khó triền miên. Cái nghèo đến từ việc làm ăn đơn lẻ, cục bộ, manh mún, không khoa học…".
Chất lính Cụ Hồ sẵn có trong người cùng kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm làm ruộng, ông Sự quyết tâm "làm ăn lớn" theo mô hình tập thể, hợp tác. Tết năm 2000, là thời điểm chín muồi để ông đề xuất "ý tưởng lớn" của mình cùng những người thân trong gia đình nhân dịp gia đình sum họp đầu năm.
Từ việc làm ăn nhỏ lẻ, tất cả các thành viên trong gia đình đều thấy không hiệu quả nên tất cả đồng lòng, tán thành ý kiến của ông Sự. Tổ hợp tác mang tên Toàn Thắng ra đời từ đó, với 16 ha đất nông nghiệp của các thành viên trong gia đình gộp lại và những kế hoạch làm ăn dài hơi được xây dựng rất bài bản. Theo phân công, Tổ trưởng là ông Tư Sự, kế toán là vợ ông (bà Nguyễn Thị Thể), các thành viên là con trai, gái, dâu, rể.
Ông Tư Sự cùng con trai út Trương Minh Thắng nay là tổ trưởng tổ hợp tác Toàn Thắng. |
Tháng nào, nhà ông cũng có vài cuộc họp cả gia đình, sơ kết, tổng kết việc thả cá, nuôi tôm, thu hoạch lúa… rút kinh nghiệm; đề xuất phương hướng. Không nông dân nào ở địa phương thuê nhiều nhân công như gia đình ông, thời điểm vào vụ đến 50 - 70 người làm/ngày…
Và kết quả làm kinh tế kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (2000 - 2004) của tổ hợp tác Toàn Thắng đã chứng minh điều này. Hiệu quả sử dụng đất đạt 25 triệu đồng/ha/năm (vùng đất trâu nằm bị nhiễm phèn rất nặng), cao hơn gấp 1,5 lần so với nhiều người dân trong vùng. Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (2005 - 2009) cũng sắp kết thúc tốt đẹp với hiệu quả sử dụng đất tăng 10% (ở 3 năm đầu).
Năm 2008, trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng, tổ hợp tác của ông cũng bị ảnh hưởng lớn, mức doanh thu chỉ còn 197,5 triệu đồng, giảm 40% so với năm 2007.
Thế nhưng, ông Sự vẫn tỉnh khô bảo: "Chúng tôi có nguồn quỹ dự phòng đủ để tái đầu tư phát triển trong mọi hoàn cảnh khốn khó của nền kinh tế. Đầu năm đến nay, tổ hợp tác đã đầu tư 300 triệu đồng mua máy cày, máy khoan hút bùn, máy bơm nước… phục vụ sản xuất. Mình làm ăn uy tín, nên dù trong hoàn cảnh khó khăn, các ngân hàng vẫn đến nhà cho vay vốn để đầu tư sản xuất mới… Đây chính là "sức mạnh" của Tổ hợp tác Toàn Thắng chúng tôi".
Và Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 của Toàn Thắng được vạch ra, với mục tiêu "thay đổi là phát triển đột phá". Những dự án mới thay cho những dự án cũ theo hướng sẽ phát triển mạnh việc chăn nuôi gia súc, nuôi tôm công nghiệp, phát triển dịch vụ du lịch vườn và thương mại. Bình quân doanh thu phải trên 800 triệu đồng/năm kể từ 2010 - 2014.
Sự quyết tâm, đoàn kết và niềm tin thắng lợi dường như hiện rõ trên khuôn mặt của tất cả các thành viên trong "đại gia đình nông dân" này.
Trước lúc chia tay, ông Tư Sự "bật mí" gia đình ông đã chuẩn bị một khuôn viên đất rộng gần 2.000m2, sắp xây dựng Đền thờ Bác Hồ: "Có được ngày hôm nay, tôi và gia đình luôn khắc sâu công ơn của Người, của các anh hùng liệt sĩ, những người hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc. Tôi muốn con cháu sau này phải luôn ghi nhớ và học tập để sống xứng đáng là một công dân Việt
Và trong sự phát triển của tổ hợp tác Toàn Thắng còn thể hiện, dự án xây dựng trường mầm non; làm đường, cầu bắc qua kênh Nước Màu cho gia đình và hàng chục hộ dân trong xóm cùng đi.
Đó là nghĩa cử, sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng của một "đại gia đình nông dân" giữa miệt vườn U Minh Hạ