Dân “đập đá” kể chuyện tại bệnh viện tâm thần
- Nam thanh niên leo cột điện cao thế nghi tâm thần
- Ngày càng nhiều người vào bệnh viện tâm thần do nghiện rượu
- Trùm ma túy đe dọa “cắt gân” đồng bọn và chiêu trò giả tâm thần
Điều đáng nói, số lượng bệnh nhân ngày càng trẻ hóa và tỷ lệ bệnh nhân là nữ tăng đột biến. Thực trạng này thêm một lần nữa cảnh báo về những nguy cơ “đập đá” gây ra cho giới trẻ.
Cận cảnh dân “đập đá” trong viện tâm thần
Nằm thẫn thờ trên giường bệnh tại Khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, thỉnh thoảng Nguyễn Thị H. (37 tuổi, trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) lại nở nụ cười vô hồn, ánh mắt đờ đẫn, mệt mỏi.
Ở đây, hiện tại H. là trường hợp “lão làng” về số tuổi và có “thâm niên” sử dụng ma túy đá trong các bệnh nhân điều trị. Sinh ra trong một gia đình khá giả, được ăn học đàng hoàng.
Chỉ vì sớm bập vào yêu đương với một cậu trai trẻ con nhà khá giả, trong những lần theo người yêu và đám bạn lao vào các cuộc vui thâu đêm suốt sáng, đang học năm thứ 2 đại học, khi mới 20 tuổi, H. khệ nệ bụng bầu báo cáo gia đình xin lấy chồng và cuộc hôn nhân trong đó nhanh chóng kết thúc sau khi cả hai về ở với nhau được gần một năm, H. bế đứa con đỏ hỏn về nhà ngoại.
Quen cuộc sống bên các cuộc vui bất tận, chìm đắm trong làn khói ảo giác, hai năm sau, qua những lần “đập đá”, sử dụng ma túy tổng hợp cùng nhau, tối cả bọn cùng vào nhà nghỉ ngủ, H. lại có thai với người đàn ông mới…
Hơn chục năm sử dụng các loại ma túy khác nhau, trong đó có gần 10 năm H. “đập đá” nhưng điều đáng ngạc nhiên là mẹ H. không hề biết điều này cho mãi tới gần đây, thấy con gái tiều tụy, phòng bừa bộn, có biểu hiện hay nói nhảm, thường xuyên lo sợ, tưởng tượng ra ma quỷ và có người đuổi đánh mình, bà gặng hỏi quyết liệt mới biết con nghiện ma túy đá. Vội vàng bà đưa H. tới bệnh viện điều trị…
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu đang điều trị tâm lý cho các bệnh nhân mắc chứng loạn thần. |
Cùng buồng bệnh với H., Nguyễn Lan D. (18 tuổi, quê Tuyên Quang) ngại ngùng kể lại câu chuyện của mình. Cách đây gần hai năm, vì tò mò nên khi bạn bè rủ rê, D. cũng thử dùng ma túy đá rồi nghiện lúc nào không hay...
Thu mình bên góc giường bệnh, D. nói: “Em sợ ma túy đá lắm rồi, vì nó mà việc học của em bị dang dở. Khi xuất viện em sẽ cố gắng tránh xa nó…”.
Tại phòng tư vấn, Nguyễn Quang T. (21 tuổi, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội) đang trình bày các triệu chứng để xin lời khuyên từ bác sĩ. T cho biết cách đây hai năm bản thân sử dụng ma túy “đá” và có nửa tháng dùng liên tục quá liều.
Khi nhận biết mình cần phải bỏ, T. thỉnh thoảng có chơi game để thử xem trí não đã tỉnh táo chưa nhưng việc tính toán trong game lại khiến bản thân cậu căng thẳng đến cực độ. Cách đây khoảng 1 năm thì đầu óc tư duy bị kém dần đi, trí nhớ nhanh quên hơn, tâm trạng lúc nào cũng mơ hồ không cảm nhận được thời gian, không khác gì thiểu năng trí tuệ.
“Sự tư duy kém có thể chấp nhận được vì thật ra cảm nhận của cháu đã thay đổi. Cháu không hứng thú với cái gì nữa, ngủ khỏe hơn bình thường và rất mệt mỏi khi không được ngủ, cảm giác như sắp chết. Lúc này trong người khó chịu tức tối, đó là lúc tất cả mọi thứ trong người lại dâng lên đỉnh điểm mở màn cho một thế giới đau khổ, đen tối.
Thế giới đau khổ và đen tối, đúng với ý nghĩa của nó chứ không có kém. Vì đầu tiên là cảm nhận mọi thứ xung quanh, hay về một cái gì đó cứ bị thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Khi nghe ai nói thì lời nói cho dù không phải nói mình, hay lời nói đó không nghiêm trọng... nhưng nó giống như lưỡi dao sắc đi xuyên qua đầu, não khiến bản thân nổi điên, như có một lời nói xui khiến trong đầu làm gì đó để trả đũa người đã gây ra lưỡi dao đó. Bây giờ cũng thế, chỉ có khác là lời nói không còn là lưỡi dao chạy được xuyên não nữa, nhưng cháu vẫn nổi điên lên…” - Tú tâm sự.
Hãy tránh xa khi chưa muộn
Theo các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, từ đầu năm tới nay bệnh viện đón nhận điều trị đã tương đương bằng cả năm 2016, trong đó có tới 64 trường hợp mắc chứng loạn thần do sử dụng ma túy đá, tăng xấp xỉ 50%. Bệnh nhân đa phần ở độ tuổi từ 20 đến 30. Trong số này, có không ít trường hợp là các bạn trẻ nữ.
Có người mới nhập viện vài ngày, cũng có người vài tháng. Ngoài ra cũng có khá nhiều bệnh nhân tái phát tình trạng loạn thần, phải tái nhập viện điều trị. Đáng buồn, đa số trường hợp sa ngã vào ma túy “đá” do không được sống trong gia đình hạnh phúc, bố mẹ đi làm ăn xa, bận bịu công việc nên thiếu thời gian quan tâm, giáo dục, quản lý con cái…
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, sau những cuộc vui sử dụng ma túy “đá”, nhiều người phải nhập viện do sức khỏe suy yếu, rối loạn thần kinh, thường xuyên ảo giác, hoang tưởng.
Số lượng người nhập viện là bệnh nhân độ tuổi thanh niên sở dĩ gia tăng là do nhận thức của giới trẻ hiện nay khá mơ hồ về thứ “thuốc độc” này. Các bệnh nhân trẻ đang điều trị tại đây phần lớn đã từng cho rằng “hàng đá” không gây nghiện nên có thể dừng bất cứ lúc nào.
Nếu mắc nghiện, không bị các cơn vật thuốc rõ rệt, cảm giác kiến bò xương hay liên tục ngáp, việc cai không khó khăn như heroin… Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Theo bác sĩ Thu, não bộ của người sử dụng ma túy đá sẽ dần bị phá hủy, nguy cơ cao trở thành bệnh nhân tâm thần.
Trước tình trạng bệnh nhân nghiện ma túy đá gia tăng, các bác sĩ tại đây có khuyến cáo các bạn trẻ không vì tò mò mà thử sử dụng, bản chất ma túy đá rất khó cai. Ở nước ta cũng như trên thế giới, lĩnh vực cai nghiện và điều trị các rối loạn liên quan đến sử dụng chất gây nghiện còn hạn chế.
Những hậu quả sử dụng ma túy đá cần được tuyên truyền rộng rãi hơn nữa, nhất là trong giới trẻ, để tương lai của mỗi người không bị hủy hoại chỉ vì thiếu hiểu biết…