Danh họa Bùi Trang Chước, tác giả Quốc huy Việt Nam

10:33 31/10/2010
Nếu nhạc sĩ Văn Cao, tác giả Quốc ca quê ở tỉnh Nam Định; liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến, tác giả Quốc kỳ quê ở tỉnh Hà Nam; thì trong dịp Thăng Long - Hà Nội 1000 năm, chúng ta tự hào về tác giả Quốc huy là công dân Thủ đô: danh họa Bùi Trang Chước.

Quốc huy là biểu tượng cao quý của mọi quốc gia trên thế giới. Quốc huy Việt Nam hàm súc, cô đọng và đầy đủ về đất nước và con người Việt Nam, đồng thời hàm chứa khát vọng tha thiết của một dân tộc yêu chuộng hoà bình cùng sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của quốc gia độc lập.

Suốt cả cuộc đời cặm cụi lao động sáng tạo, điều lớn nhất mà danh họa Bùi Trang Chước để lại là tình yêu nghệ thuật, còn quyền lợi vật chất và nấc thang danh vọng cũng như địa vị, chức vụ ông không màng để tâm.

Con người đức độ và hiền hậu ấy năm 1999 đã được Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Cambridge Liên hiệp Vương quốc Anh vinh danh vì sự cống hiến của ông trong hội họa trong sách “Danh nhân quốc tế Who's Who” xuất bản lần thứ 13. Một năm trước đó, trong sách “Những người xuất chúng vì quốc tế” xuất bản lần thứ 7 năm 1998 do Viện nghiên cứu Tiểu sử Mỹ bang North Carolina - Hoa Kỳ đã ghi tiểu sử danh họa Bùi Trang Chước như một người xuất chúng.

Còn nhớ mấy năm về trước, Hà Nội đương tiết Ngâu, mưa lất phất bay, heo may se se lạnh. Tôi cứ mường tượng lối cầu thang lên phòng 502 nhà D9 khu tập thể phường Thành Công - Ba Đình - Hà Nội như ruột tằm chín khúc quặn đau. Người con gái của cố họa sĩ Bùi Trang Chước, bà Bùi Minh Thủy mang ra cho tôi xem những cuốn sổ lớn được gia đình cẩn thận đóng bìa cứng công phu, dày dặn, trong đó là những tài liệu lưu trữ của gia đình về cha mình.

Tiết Ngâu dễ khiến những nỗi niềm của con người chỉ khẽ chạm vào là nở bung ra. Hôm đó là ngày Quốc khánh 2-9. Nhìn trước cửa nhà nhà treo Quốc kỳ, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục nhắc đến ba biểu tượng cao quý: Quốc ca, Quốc kỳ, Quốc huy. Bà Minh Thủy ngậm ngùi nhớ về cha...

Người vẽ tem thư đầu tiên của toàn xứ Đông Dương và Việt Nam

Họa sĩ Bùi Trang Chước (21/5/1915 - 27/2/1992), quê ở làng Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) Thủ đô Hà Nội. Thân sinh là cụ Hàn Oánh, người đã thiết kế kiến trúc ngôi nhà cổ trên nền tòa trụ sở UBND TP Hà Nội hiện nay. Bùi Trang Chước 15 tuổi mất mẹ, 20 tuổi mồ côi cha. Chàng trai mồ côi, nhà nghèo, hiếu học ấy được người chú ruột đang làm việc tại Sài Gòn có nhã ý đón vào nuôi ăn học, nhưng Bùi Trang Chước xin ở lại Hà Nội tự thân vận động để học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương dẫu biết rằng muôn vàn khó khăn đang chờ phía trước.

Trong thời gian học tập, Bùi Trang Chước đã tỏ ra là người rất có năng khiếu về đồ họa. Năm 1941, tốt nghiệp xuất sắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông được mời về giảng dạy tại Trường Kiến trúc Đà Lạt. Ngoài việc giảng dạy, họa sĩ Bùi Trang Chước đã dành nhiều thời gian cho việc sáng tác tem thư và ở thời điểm năm 1942, ông là người Việt Nam và cũng là người Đông Dương đầu tiên vẽ tem thư.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Họa sĩ Bùi Trang Chước đã cùng gia đình chuyển ra Hà Nội và giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Hà Nội. Sau toàn quốc kháng chiến, ông lên Việt Bắc theo cách mạng, giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Liên khu Việt Bắc. Trong những năm 1951 - 1952, do có biệt tài về đồ họa, ông được điều về vẽ giấy bạc ở Nhà in Ngân hàng.

Từ đó đến ngày Chính phủ kháng chiến về tiếp quản Thủ đô (10/10/1954) Bùi Trang Chước công tác tại Nhà in Ngân hàng, làm giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, chuyên gia vẽ tiền tại Vụ Phát hành thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tới khi nghỉ hưu năm 1976.

Ngoài vẽ tem thư, vẽ tiền, và đứng lớp giảng dạy, đào tạo ra những thế hệ họa sĩ kế cận như Ngọc Linh, Lê Lam... danh họa Bùi Trang Chước còn là tác giả của những bức tranh sơn khắc độc đáo như thủy điện Thác Bà, thủy điện Hòa Bình, vịnh Hạ Long, cố đô Huế... trong đó có những bức tranh hiện đang được lưu giữ tại Công hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Liên bang Nga... Đồng thời ông còn là tác giả của các mẫu Huân chương, Huy chương, Giấy khen, Bằng khen của Nhà nước, tác giả biểu tượng Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7, tác giả biểu trưng Tổng Công đoàn (nay là Tổng Liên đoàn Lao động) Việt Nam...

Với những đóng góp và công lao của mình trong sự nghiệp vẽ tem thư và vẽ tiền, danh họa Bùi Trang Chước đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất của Nhà nước ta và Huân chương cao quý của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Chiếc tem có hình Quốc huy Việt Nam do danh hoạ Bùi Trang Chước tạo mẫu.

Tác giả Quốc huy Việt Nam

Tác giả Quốc huy suốt mấy chục năm (từ 1955) được xác định là của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn. Tuy nhiên, từ sau khi họa sĩ Lê Lam có bài "Người vẽ Quốc huy" đăng trên báo Nhân dân cuối tuần ngày 9-/9 -/2001, khẳng định: Họa sĩ Bùi Trang Chước là người sáng tác và thực hiện các phác thảo Quốc huy... thì vấn đề được xem xét lại và sự thật dần được sáng tỏ.

Đầu năm 1953, Nhà in Bộ Tài chính đã biệt phái danh họa Bùi Trang Chước sang Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng làm nhiệm vụ sáng tác Bằng khen, Huân, Huy chương cho Chính phủ. Tại đây, ông bắt đầu tham gia cuộc vận động sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam được phát động tháng 6/1951. Từ năm 1953 đến 1955, bằng tài năng và sự lao động miệt mài, nghiêm túc, Hoạ sĩ Bùi Trang Chước đã có 94 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và hàng chục bản vẽ chì chi tiết những đối tượng mà ông muốn thể hiện trong mẫu Quốc huy. Từ những nghiên cứu đó, ông đã hoàn thành 15 bản vẽ mẫu Quốc huy đa dạng nhưng thống nhất về ý tưởng để gửi cấp trên lựa chọn. Đến tháng 10/1954, từ hơn 300 mẫu quốc huy của các họa sĩ tham gia, cuối cùng chỉ còn 15 mẫu của tác giả duy nhất là Bùi Trang Chước được lựa chọn để trình Chính phủ.

Ngày 26/4/1985, trong Di bút "Tôi vẽ mẫu Quốc huy" danh họa Bùi Trang Chước cho biết ý nghĩa của biểu tượng như sau:

"Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam có mấy bông lúa rủ vào bên trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp. Dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai đầu dải lụa quấn hai bên bông lúa từ dưới lên mỗi bên hai đoạn. Ở giữa phía trên trong nền là ngôi sao vàng trên nền đỏ. Dưới ngôi sao gần giữa trung tâm nền là vòng cung mặt trời có tia chiếu sáng chung quanh, gợi lên hình ảnh của buổi bình minh. Toàn bộ Quốc huy tôi dùng hai màu vàng và đỏ, khi thực hiện sơn mài là sơn son thiếp vàng, màu cổ truyền hoành phi câu đối của dân tộc ta hay dùng. Số mẫu này tôi làm hai bản: Một bản đưa đồng chí Côn để đệ trình lên Bác Hồ và được Bác Hồ góp ý: hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể; nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại. Còn một bản hiện nay tôi vẫn giữ"...

Sau đó, do nhiệm vụ đặc biệt và tuyệt mật của Chính phủ giao, ông lên đường sang Trung Quốc để vẽ tiền và in tiền. Chính vì vậy, họa sĩ Bùi Trang Chước không có điều kiện chỉnh sửa, hoàn thiện Quốc huy theo sự góp ý của Trung ương sau kỳ họp Quốc hội vào tháng 9-1955. Nhiệm vụ chỉnh sửa, hoàn thiện này sau đó được giao cho họa sĩ Trần Văn Cẩn. Chính điều đó đã gây ngộ nhận và nhầm lẫn trong suốt mấy chục năm qua.

Ngày 27/2/2004 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 42/TB-VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải tại cuộc họp về việc xác định tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam như sau: "Việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam được thực hiện theo chủ trương của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta. Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện, và họa sĩ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa, hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt. Giao Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam".

Nhắc đến tác giả Quốc huy tôi muốn kể đến cụ bà Nguyễn Thị Thục, vợ cố họa sĩ Bùi Trang Chước. Những ngày ở chiến khu Việt Bắc, cụ bà từng xua muỗi để cụ ông ngồi vẽ, lo nước lá nóng để cụ ông ấm lòng chống lại cái rét cắt da cắt thịt. Những hôm cụ ông thức thâu đêm ngồi vẽ, cụ bà lại nấu cháo để cụ ông có đủ sức khỏe mà yên tâm, vững trí làm việc. Đồng thời không thể nào quên được những người con trong gia đình cố danh họa Bùi Trang Chước và các học trò của của cụ gồm họa sỹ Ngọc Linh, họa sỹ Lê Lam - Giám đốc Công ty Mỹ Thuật Trung ương và họa sĩ Trần Thị Thục Phi - Giám đốc xưởng tranh cổ động, đã đấu tranh trong nhiều năm cho sự thật và lẽ phải của sáng tạo nghệ thuật!

Người ra đi, vinh quang còn ở lại 

Họa sĩ Lê Lam khi nhận định về bậc thầy của mình đã nói: "Nghệ thuật của họa sĩ Bùi Trang Chước là sự kết tinh một cách tài tình biệt tài của họa sĩ với lòng yêu nước sâu sắc mang đậm bản sắc Việt Nam. Căn cứ vào công lao suốt đời đem sức lực, tài năng và tác phẩm có tính nghệ thuật cao để phục vụ nhân dân trong hơn nửa thế kỷ qua trên lĩnh vực nghệ thuật; căn cứ vào sự đánh giá công bằng và khách quan của giới trí thức văn nghệ sĩ; căn cứ vào những phần thưởng mà Nhà nước ta đã trao tặng họa sĩ Bùi Trang Chước hoàn toàn xứng đáng được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Huân chương Lao động hạng nhất".

Họa sĩ Ngọc Linh, người đã đi suốt hơn 10 năm qua để đấu tranh cho lẽ phải tâm sự với chúng tôi: Họa sĩ Bùi Trang Chước và họa sĩ Trần Văn Cẩn đều là thầy dạy tôi. Thầy nào tôi cũng quý. Nhưng tác giả Quốc huy thì phải ghi nhận đó là thầy Bùi Trang Chước

Kiều Mai Sơn

Trong Kỳ họp chuyên đề ngày 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội; quy định cụ thể các trường hợp vi phạm sẽ bị cắt điện, nước.

Thời gian qua, các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuất hiện barie chắn ngang, chặn xe máy vào giờ cao điểm. Được biết, barie này là do người dân trong ngõ bàn bạc lắp đặt, chỉ được hạ xuống vào một khung giờ nhất định (thường từ 7h-8h30), hết giờ cao điểm sẽ được nâng lên nhằm hạn chế tình trạng tắc đường ở khu vực này.

Vào hồi 13h30 ngày 19/11, lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ đuối nước xảy ra tại bãi bồi sông Hồng thuộc khu 1, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 2. Vị trí tìm thấy tại vị trí hạ lưu, cách cầu phao Phong Châu khoảng 2km thuộc địa phận khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Mỗi quả thận được Ninh mua với giá từ 320 triệu đến 380 triệu đồng và được bán với giá từ với giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tùy từng thời điểm. Ngoài ra, Ninh còn trả các khoản tiền chi phí xét nghiệm, làm hồ sơ thủ tục cho bên bán và bên mua thận…

Như nảy sinh ý định giả danh người thân của anh T để mượn tiền của anh H.C.D rồi chiếm đoạt. Để thực hiện ý định trên, Như tìm số điện thoại của anh D và mua 1 sim điện thoại không đăng ký. Sau đó, Như tạo tài khoản Zalo tên là “Trinh Nguyen”, lấy ảnh đại diện từ Facebook Trinh Nguyen (là em ruột của anh T).

Ngoài chuyện tố cáo đến cơ quan Công an vì bị chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì nhiều năm và liên tiếp phản ánh bức xúc đến các cơ quan thẩm quyền về tình trạng chậm được cấp "sổ hồng" cho 930 căn hộ, một vấn đề gay gắt khác giữa cư dân chung cư Saigon Gateway (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh là việc cấp "sổ hồng" riêng cho khu đất thương mại dịch vụ gây bít lối đi chung...

Xung đột Nga-Ukraine leo thang và một số điểm nóng tại Trung Đông khiến nhu cầu trú ẩn tài chính gia tăng, kéo giá vàng thế giới tăng mạnh, đẩy giá vàng trong nước đi lên.

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/12, do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức. Triển lãm được tổ chức với quy mô lớn, nội dung mang tính hiệu quả và toàn diện, với đông đảo các doanh nghiệp Công nghiệp Quốc phòng các nước, các đoàn khách quốc tế, quốc phòng cấp cao, các nhà quản lý công nghiệp quốc phòng đăng ký tham gia.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文