Đề phòng những bệnh về mắt, tai
Hà Nội vừa trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. Kèm theo nắng nóng là tình trạng mất điện triền miên khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nhiều người tránh nắng, giảm nhiệt bằng cách vào bể bơi ngâm mình dưới nước. Đặc biệt, đây cũng là dịp học sinh nghỉ hè nên khách vào bể bơi tăng đột biến, khiến bể bơi nào cũng quá tải. Nguy cơ mắc bệnh do nước bể bơi mất vệ sinh là khó tránh khỏi.
Bể bơi nằm trong khuôn viên Khu du lịch sinh thái Đầm Sen ở Khu Hòa Bình, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội mấy chiều nay đều chật kín người. Trời nóng bức cộng với việc mất điện thường xuyên khắp nơi khiến cho bể bơi càng hút nhiều khách. Ông Nguyễn Văn Huyên ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội hàng ngày vẫn đưa hai cháu đến bể bơi này cho biết: "Buổi chiều bể bơi đông nghịt khách. Các cháu không có đủ chỗ để bơi, khi bơi liên tục va vào người khác. Mấy trăm người chen nhau trong một bể bơi nên khó tránh khỏi việc mất vệ sinh trong bể bơi. Nước bể bơi buổi chiều thường đục, không nhìn thấy đáy bể".
Lượng khách đến bể bơi này tăng đột biến nên chỗ để xe mọi khi không đủ chứa, phải để tràn xe ra nơi khác. Nói về số khách đột biến, ông Lê Trung Kiên, quản lý bể bơi Đầm Sen cho biết: "Hiện tượng đông khách mấy ngày vừa qua được gọi là "tốt lỏi". Buổi sáng chỉ có trẻ em đến tập bơi, khách đến đông vào buổi chiều ở mức khoảng 300 - 400 người". Năm trước ông Huyên cũng đưa cháu đi tập bơi vào dịp hè, do nước bể bơi mất vệ sinh nên ông mắc bệnh đau mắt đỏ, chữa cả nửa tháng mới khỏi. Năm nay, để tránh bệnh về mắt, ông cho các cháu đeo kính mắt trước khi xuống bể bơi.
Cần phải quản lý chặt công tác đảm bảo vệ sinh tại các bể bơi. |
Bể bơi Thanh niên trên phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội mới 4h chiều đã đông nghẹt người. Cái nóng hầm hập dường như đã được xoa dịu bởi hồ nước mát. Giá vé dành cho người lớn là 20.000 đồng, trẻ em là 15.000 đồng, không hề có sự khống chế số người bơi dưới bể. Thế nhưng, nhiều người mới đến bơi lần đầu lại e dè vì nước bể bơi không phải mang một màu xanh trong mà lại là màu ngà ngà vàng. Thỉnh thoảng, những chiếc lá vàng nổi lên mặt nước.
Mặc dù quy định của bể bơi ghi rất rõ là không được mặc quần áo dài xuống bể bơi thế nhưng bể bơi Thanh niên lộn nhộn người mặc quần áo bơi, người lại mặc cả quần áo dài xuống bể bơi. Thẳng từ cửa soát vé vào bể bơi là khu thay quần áo, tắm tráng nhưng khá xập xệ. Người đi chân đất, người đi dép nên đất cát vương vãi dưới sàn nhà. Đáy bể tráng là một lớp cát, cặn và rêu xanh. Để tránh các bệnh về mắt, bể bơi cũng bố trí thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai cho người bơi. Những lọ này không có nhãn mác mà chỉ được ghi: Nhỏ mắt, nhỏ tai… Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy người lớn cùng trẻ em sau khi tắm xong đều tự ra nhỏ các loại thuốc trên mà không hề có sự hướng dẫn của bác sỹ.
Ông Lê Trung Kiên, quản lý bể bơi Đầm Sen cho biết, bể bơi này sử dụng nước từ 14 giếng khoan, có 4 máy lọc nước với 8 cửa tuần hoàn ra vào liên tục thì nước mới đủ độ mát, kèm theo là máy rà đáy để dọn bẩn dưới đáy bể. Tuy vậy, theo phản ánh của nhiều người bơi thì đến chiều, nước bể vẫn bị đục do quá tải.
Một điều dễ nhận ra là việc mất vệ sinh của các bể bơi không chỉ biểu hiện bằng việc nước có màu vàng, rong rêu dưới đáy bể… mà chủ yếu biểu hiện bệnh về da, hô hấp, tai… đối với người đi bơi. Rất nhiều người đi bơi bị mắc những bệnh nhẹ thì mẩn ngứa ngoài da, nặng hơn thì viêm tai, đau mắt… Theo các bác sỹ, bể bơi không chỉ ẩn chứa nguy cơ truyền bệnh da liễu, viêm tai, đau mắt mà còn có thể khiến người bơi nhiễm ký sinh trùng Cryplosporidium gây tiêu chảy và có thể gây nguy hiểm cho người có hệ miễn dịch kém.
Để kiểm soát độ an toàn của các bể bơi, năm nào Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cũng tổ chức từ 1 đến 2 đợt đi kiểm tra hệ thống bể bơi trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc kiểm tra không xuể nên công tác này được phân cấp cho Trung tâm Y tế các quận, huyện kiểm tra, giám sát 1 tháng 1 lần. Theo khoa Sức khoẻ môi trường, TTYTDP Hà Nội thì việc kiểm tra tiến hành chủ yếu vào khâu vệ sinh môi trường xung quanh bể bơi, vệ sinh chất lượng nước; công tác khử khuẩn. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng kết hợp kiểm tra trang thiết bị như: áo phao, sào, gậy, loa gọi, thuốc cấp cứu, chống sốc, cáng nẹp… điều kiện bắt buộc mỗi bể bơi đều phải có. Ngoài ra còn kiểm tra cả phòng y tế, căng tin, quầy bán hàng ăn uống… về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng thực tế cho thấy việc kiểm tra thưa thớt và chưa chặt chẽ nên nhiều bể bơi vẫn trong tình trạng ô nhiễm nặng.
Trước tình trạng quá tải bể bơi ngày nắng nóng và việc kiểm tra, xử lý độ an toàn của bể bơi chưa chặt chẽ, người đi bơi phải biết tự bảo vệ mình bằng cách dùng kính bơi, thiết bị bảo vệ tai để tránh mắc bệnh. Bên cạnh đó, trong thời tiết nắng nóng hiện nay, cần cảnh giác với nguy cơ bị cảm khi từ trời nắng xuống nước mát.
Theo quy định, bể bơi phải tuân theo chế độ thay và quản lý nước như sau: Đảm bảo thay nước cọ rửa và khử trùng ít nhất 1 lần/tuần nếu hồ bơi dùng giếng bơm không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng thuốc. Đối với hồ có máy lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1lần/ngày phải làm vệ sinh thành hồ và hút cặn, châm nước hồ. |