Điện Biên 63 năm sau ngày giải phóng
- Cái nhìn của sĩ quan quân báo về “kéo pháo” và “ngày N” ở Chiến dịch Điện Biên Phủ
- Cây cọ cuối cùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
- Những người lính nông dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ
- Vai trò và những đóng góp của lực lượng CAND trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc sau 56 ngày đêm quân và dân ta chiến đấu anh dũng và giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 7-5-1954.
Mảnh đất Điện Biên bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, khắp nơi hoang tàn, đồng ruộng bị cày xới với ngổn ngang vũ khí, bom đạn còn sót lại, nhân dân ly tán. Để bắt tay xây dựng lại Điện Biên, chỉ riêng việc thu dọn chiến trường đã mất tới 2 năm.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ |
Khó khăn, thách thức là vậy, song với tinh thần phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh để nâng cao tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân để hôm nay có một Điện Biên vững vàng nơi biên cương Tổ quốc.
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Riêng năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,83%; các ngành sản xuất chủ yếu được duy trì và tiếp tục phát triển.
Tiềm năng đất đai được quy hoạch thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh như: lúa gạo Điện Biên, Tuần Giáo; chè Tủa Chùa; cà phê Mường Ảng, cao su Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé...
Di tích lịch sử Đồi A1. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Điện Biên |
Một trong những thành tựu không thể không nhắc tới đó là việc khai thác và phát huy tiềm năng sản xuất lúa gạo của cánh đồng Mường Thanh; với diện tích hơn 4.000 ha được tập trung sản xuất các loại gạo đặc sản có giá trị kinh tế cao gạo từ cánh đồng Mường Thanh không chỉ cung cấp tại địa bàn mà còn xuất đi các tỉnh thành trong cả nước, đã và đang từng bước tạo dựng thương hiệu gạo Điện Biên trên thị trường cả nước.
Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng được quan tâm đầu tư, khai thác cơ bản đáp ứng được nhu cầu xi măng, gạch, đá, cát sỏi cho các công trình xây dựng trên địa bàn và có sản phẩm xuất sang thị trường lân cận. Tiềm năng thủy điện nhỏ được các nhà đầu tư tập trung khai thác gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Cân đối thu chi ngân sách từng bước được cải thiện, năm 2016, lần đầu tiên số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên vượt trên 1.000 tỷ đồng.
Cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ |
Tiềm năng du lịch lịch sử và du lịch văn hóa đã và đang được Điện Biên khai thác, phát huy, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong nước, quốc tế đến với Điện Biên mỗi năm. Từ tiềm năng, thế mạnh này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã xác định đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ là một trọng tâm trong phát triển kinh tế, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Với đặc thù của một tỉnh miền núi cao địa hình phức tạp, dân cư phân tán, những năm qua, các chương trình, dự án trọng điểm đã được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được tăng cường, bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn tiếp tục đổi thay, tiến bộ.
Mùa gặt trên cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Điện Biên |
Đến nay, 100% các xã, đã có đường ô tô đến trung tâm; 100% số xã được phủ sóng điện thoại di động, được sử dụng internet, và có điểm bưu điện văn hóa xã; 90% dân số được sử dụng điện, 90% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 85% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã có trạm y tế. An sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, đời sống của nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện.
Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, mặc dù trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định như: tình hình di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền lập "Vương quốc Mông"... song lực lượng vũ trang và chính quyền các cấp đã tăng cường bám nắm địa bàn, giải quyết, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh. Nhờ đó, khối đoàn kết các dân tộc tiếp tục được duy trì, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tiềm lực quốc phòng được củng cố, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn; chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng, từng bước đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 644 tổ chức cơ sở đảng với 34.633 đảng viên; tổ chức đảng và đảng viên đã và đang phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong mọi hoạt động.
Một góc thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: tpdbp.gov.vn |
Những chuyển biến, đổi thay và thành tích nổi bật của Điện Biên sau 63 năm đã khẳng định sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc, niềm tin của người dân đối với đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng góp sức xây dựng một Điện Biên phát triển, ấm no.
Trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh xác định sẽ kế thừa, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng và những thành quả đạt được trong thời gian qua để tiếp tục xây dựng củng cố hệ thống chính trị nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy nội lực, đi đôi với mở rộng quan hệ hợp tác thu hút đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, sớm đạt mục tiêu xây dựng Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.