Đội cứu hộ tàu thuyền mắc cạn trên sông Hồng

14:06 25/12/2006

Các tay chạy tàu lão luyện vốn rất “ngán” khúc sông Hồng qua địa phận Hà Nội bởi đoạn sông ấy nhiều thuyền bè, rồi những mố cầu, bãi nổi nhằng nhịt. Trước mối lo đó, một nhóm ngư dân đã thành lập đội cứu hộ, dẫn luồng cho tàu thuyền mắc cạn.

Họ là những dân chài thứ thiệt. Mùa nước nổi họ vẫn mưu sinh bằng con cá, con tôm, còn mùa nước cạn thì gác lưới lênh đênh trên sông với vô số những máy móc cứu nạn tối tân…

Vượt "cửa tử"

Lo cho khoảng 800 nghìn tấn phương tiện mỗi tháng lưu thông đầu xuôi đuôi lọt qua khúc sông dài 18km từ hạ lưu cầu Thăng Long đến hạ lưu cảng Hà Nội với Trạm Quản lý đường sông Hà Nội là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Theo ông Trạm trưởng Đinh Văn Lĩnh thì khúc sông ấy ngắn thôi mà có đến hơn 20 bãi cạn, bãi nổi. Mỗi bãi như một hung thần ngày đêm rình rập, nhăm nhe "ăn tươi nuốt sống" những tàu thuyền lớ ngớ sa vào.

Nguy hiểm rình rập tiếp theo là hệ thống mố cầu của 5 công trình cầu vượt sông và "yết hầu" của sự hiểm nguy chính là cây cầu trăm tuổi Long Biên. Cây cầu này có cao độ thấp, khẩu độ hẹp nên tàu thuyền qua đó thường phải có những thuyền trưởng có kinh nghiệm và một tay lái "lụa".

Thêm nữa, trước đây, cây cầu bị bom đạn bắn phá, sắt thép vương vãi tứ tung, tạo thành những cọc chông hệt như trận tuyến Bạch Đằng năm nào. Với những "nanh vuốt" ấy thì dù có "tỉnh đòn" đến mấy thì trước đây, một năm, dưới gầm cầu Long Biên cũng có đến 5-6 tàu thuyền trọng tải hàng trăm tấn lâm nạn.

Mấy năm gần đây, nước sông Hồng lên xuống thất thường, thế nên "hung thần" dưới "cửa tử" cầu Long Biên càng trở nên hung hãn. Tại nạn nối tiếp tai nạn.

Ông Lĩnh kể, mới đây thôi, một tàu tự hành của Nam Định chở 300 tấn xi măng xuôi dòng đã va vào mố cầu thứ 17 và chết máy. Nước lũ đã làm chiếc tàu dài mấy chục mét xoay ngang.

Trước tình thế hiểm nghèo đó, toàn bộ nhân viên của trạm cùng dân chài sống quanh đó đã được huy động để cứu hộ. Hơn hai tiếng đồng hồ, chiếc tàu khổng lồ đã được gỡ ra. Ông Lĩnh bảo, hôm ấy, nếu cuộc cứu hộ chậm trễ vài giờ thì có lẽ cây cầu lịch sử ấy đã… đi vào lịch sử mất rồi. 

Ngư phủ ra tay

Liên hệ với anh Nguyễn Văn Thuần, nhóm trưởng nhóm cứu hộ đặc biệt ấy từ sáng nhưng đến quá trưa chúng tôi vẫn chưa gặp được. Sau, nhờ chiếc xuồng máy của Trạm Quản lý đường sông Hà Nội, chúng tôi mới tiếp cận được anh khi anh cùng các “chiến hữu” của mình buông neo nghỉ trưa ngay bãi Giữa. Sông nước vẫn lùa những đọt rét nhói xương, thế nhưng, trên thuyền, nhóm cứu hộ ai nấy vẫn phong phanh như thể tất thảy họ đều mình đồng da sắt.

Anh Thuần cho biết, tuy đều có nhà trên phố (Nguyễn Khiết, phường Phúc Tân, Hà Nội) nhưng tất thảy anh em trong nhóm đều là dân chài chính gốc. Nghề ấy, đời ông, đời cha các anh truyền lại và cuốn chặt lấy các anh cho đến tận bây giờ.

Những năm gần đây, cá tôm đã ít đi nhiều nên nghề cha ông ấy các anh chỉ làm vào mùa nước nổi, còn mùa cạn thì chỉ ngồi… ngáp cả ngày. Cả đời gắn bó với sông nước nên lên bờ đi đứng còn thấy lạ lùng huống chi kiếm kế sinh nhai những lúc hong lưới, gác chèo. Thế nên, đến cái nghề lạ lẫm này các anh mừng rỡ như cá được tìm về với nước.

Anh Thuần bảo, cách đây chừng 5 năm, bằng những chiếc xuồng máy tí tẹo của mình, các anh đã góp sức cứu giúp một chiếc xà lan chở đầy cát mắc cạn ở ngã ba Dâu, nơi sông Đuống gặp sông Hồng. Sau buổi ra tay hiệp nghĩa ấy, ý tưởng làm kinh tế những lúc ngư nhàn bằng nghề cứu hộ đã hình thành. Và, đến đúng mùa nước cạn năm 2001, chiếc tàu cứu hộ lạ lẫm trị giá hơn 100 triệu đồng đã được hạ thuỷ trong sự lo âu của tất thảy những thành viên trong nhóm.

Lo lắng cũng phải bởi gở mồm, cả đống tiền ấy không may rơi tõm xuống nước thành đống sắt vô tri thì khốn to. Thế nhưng, sự lo lắng ấy nhanh chóng tan biến và thay vào đó là niềm mừng vui khôn tả khi hệ thống cứu hộ của các anh kéo phăng phăng một chiếc tàu lớn mắc cạn ở ngay cuối bãi nổi Bắc Biên.

Kể từ khi đưa thiết bị hiện đại ấy vào cứu hộ, mùa cạn, các anh đã làm chẳng phút ngơi tay. Đến giờ, cũng công nghệ ấy, tuy đã đóng thêm 2 chiếc tàu nữa nhưng nhiều hôm các tàu mắc cạn vẫn phải… xếp hàng chờ.

Anh Thuần bảo, hiện tại, anh đã có trên 200 khách quen, ấy là các tàu buôn chuyến đường dài và khi gặp nạn, dù ở đâu họ cũng gọi đến nhờ nhóm của anh ứng cứu. Tuy thế, dù cả ngày dầm mình dưới nước, rét tím tái thịt da để cứu hộ trung bình mỗi ngày gần chục tàu thuyền mắc cạn nhưng tối đến, chia tiền, mỗi thành viên trong nhóm cũng chỉ bỏ túi chưa đầy 100 nghìn đồng.

Theo ông Đinh Văn Lĩnh, từ khi có nhóm dân chài trên làm nghề cứu hộ, công việc của trạm cũng được giảm tải phần nào. Tai nạn cũng ít xảy ra hơn và đặc biệt, khi sự cố xảy ra, có sự góp sức của nhóm cứu hộ trên, sự cố đã được giải quyết nhanh, gọn hơn trước rất nhiều

Thanh Đào

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文