Đón Tết trong trại giam giữa rừng thẳm
Cơn mưa phùn rả rích kéo dài càng làm cho tiết trời những ngày cuối năm ở Tây Nguyên thêm lạnh giá, nhưng nó không thể ngăn được không khí rộn ràng, ấm cúng của mùa Xuân đang đến từng ngày, từng giờ. Trong cái giá lạnh ấy, cán bộ, chiến sỹ của Trại tạm giam Đắk Tân (đóng chân trên địa bàn xã Ea Pin, huyện M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk) ai ai cũng đang tất bật chuẩn bị cho phạm nhân đón một cái Tết ấm cúng, sung túc hơn.
Dẫn chúng tôi đi thăm công tác chuẩn bị đón Tết ở trại, Đại tá Lương Xuân Ngợi, Giám thị Trại cho biết: “Mỗi năm, cứ vào dịp Tết đến xuân về, không khí ở Trại lại rộn rã hẳn lên. Không chỉ phạm nhân mà Ban giám thị và cán bộ quản giáo cũng ăn Tết luôn trong trại. Biết là buồn, là nhớ gia đình nhưng nhiệm vụ là phải làm, không thể khác được. Do đặc thù công việc nên để đón Tết và bảo vệ Trại, hầu hết các cán bộ đều phải xa gia đình. Trong số quản giáo, có nhiều người còn trẻ, chưa lập gia đình, có cả cán bộ nữ vừa mới sinh con. Tuy nhiên, tất cả đều vui vẻ ở lại đón Tết và cùng Trại hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Cán bộ, chiến sỹ Trại giam Đắk Trung tổ chức giao lưu thể thao, chơi trò chơi cùng các phạm nhân trong ngày Tết. |
Tết về, phạm nhân thường day dứt, nhớ nhà; chỉ cần một câu nói bâng quơ cũng có thể phát sinh mâu thuẫn. Vì thế, vào những ngày Tết, cán bộ quản giáo hầu như phải đảm bảo trực 100% quân số. “Năm nào cũng vậy, vào thời khắc đón giao thừa, Ban giám thị lại chia nhau đến các phân trại, rà soát các phòng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các phạm nhân để tìm cách khuyên giải, động viên họ yên tâm cải tạo. Chúng tôi tạo không khí vui vẻ, đầm ấm để người phạm tội vừa xóa đi mặc cảm tội lỗi, lại vừa giúp họ không có những ý nghĩ tiêu cực”, Đại tá Ngợi cho biết thêm.
Ở trại giam Đắk Tân, có lẽ không ai có “thâm niên” đón Tết trong trại nhiều như Thiếu tá Phạm Bá Kiên (Đội trưởng Đội trinh sát số 1). Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết, từ tỉnh Nghệ An vào Tây Nguyên lập nghiệp, rồi gắn bó với công tác quản giáo ở trại giam từ những ngày mới thành lập, đối với anh xem nơi đây như chính là ngôi nhà thứ hai mà dành trọn tâm huyết.
“Đã 32 năm công tác trong ngành thì trong đó có đến 31 năm mình phải ở lại trực Tết, đón Giao thừa cùng đồng đội và các phạm nhân. Tết luôn là một thời khắc thiêng liêng nhất, ai cũng muốn thời khắc ấy được sum vầy quây quần bên tổ ấm, thế nhưng, những cán bộ giám thị, quản giáo như chúng tôi thường phải hy sinh niềm hạnh phúc lớn lao ấy để hoàn thành nhiệm vụ”, Thiếu tá Kiên cho hay.
Gói bánh chưng cùng gia đình các phạm nhân chuẩn bị đón Tết. |
Nhớ lại năm đầu tiên đón Tết ở trại, khi ấy anh vẫn còn là một chàng lính trẻ, dù mạnh mẽ và quyết tâm lắm, nhưng đến thời khắc Giao thừa vẫn không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng, nhớ nhà, nhớ quê da diết. Có thiệt thòi, có nhớ nhung hay vương vấn với những cảm xúc rất đời thường, nhưng anh luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.
“Tết cổ truyền của dân tộc là dịp sum họp gia đình nên ai cũng muốn tìm về để gặp vợ con, thắp nén tâm hương tạ tội ông bà tổ tiên. Nhưng đối với những cán bộ làm việc ở trại giam, việc tất tả lo Tết truyền thống cho phạm nhân rồi thực thi nhiệm vụ dẫn đến việc phải đón Tết muộn, đón Tết trong trại giam là chuyện đã trở nên rất đỗi bình thường”, Thiếu tá Kiên tươi cười chia sẻ.
Cùng chung tâm sự, với Thượng úy Nguyễn Thị Hiền (Cán bộ Đội giáo dục) dù nhà chỉ cách nơi làm việc chưa đầy 60km nhưng gần 10 năm qua, Tết nào chị cũng phải đón Tết trong trại. “Ở ngoài kia có rộn ràng không khí Tết đến đâu, chúng tôi cũng không thể cảm nhận được, bởi công việc đặc thù không có điều kiện ra khỏi khu vực trại giam này. Chúng tôi đón những cái Tết của dân tộc, nhưng theo một cách khác, lặng lẽ và khép kín hơn so với thế giới bên ngoài”, chị Hiền tâm sự.
Chị chia sẻ, cứ mỗi năm ở lại trực Tết là lại thêm quý những phút giây đoàn tụ bên gia đình. Tuy bản thân mình cũng phải chịu nhiều thiệt thòi nhất là người phụ nữ, nhưng những cán bộ ở đây vẫn luôn quan tâm đến cái Tết của từng phạm nhân, luôn chia sẻ, động viên từng phạm nhân để họ yên tâm cải tạo, sớm trở lại hòa nhập cộng đồng.
“Chúng tôi thường đùa với nhau, chúng tôi là những chiến sĩ “mang án chung thân” rồi, nên chúng tôi vẫn luôn tự hào và vui về điều đó”, chị Hiền cười và chia sẻ.
Tương tự, ở Trại giam Đắk Trung - Bộ Công an đóng tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, hàng năm cứ bắt đầu vào cuối tháng 12 Dương lịch, Ban Giám thị lại tổ chức họp bàn công tác chuẩn bị cho phạm nhân đón Tết. Với số lượng trên 1.600 phạm nhân tính đến thời điểm này, việc tổ chức vui Tết, đón xuân cho phạm nhân là điều không hề dễ dàng.
Song, theo Đại tá Đặng Duy Văn, Giám thị Trại giam Đắk Trung, điều thuận lợi là mọi nguồn lực phục vụ việc đón Tết đều do đơn vị “tự cung, tự cấp” nên gần như tất cả đã sẵn sàng từ rất sớm. Từ nguyên liệu để gói bánh chưng, thực phẩm, rau xanh đến việc chỉnh trang lại khuôn viên đều do các phạm nhân đảm nhiệm thực hiện.
Gặp chúng tôi, Trung tá Trần Quang Hiếu (cán bộ Đội quản giáo) lại có một tâm trạng khác. Hơn 35 năm gắn bó với công tác ở trại giam, số lần anh được sum vầy đón giao thừa bên vợ con của Trung tá Hiếu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp, anh vào công tác tại Trại giam Nam Hà, tỉnh Thái Bình. Đến đầu 2005, được sự phân công của Bộ Công an, anh được điều động lên Trại giam Đắk Trung và cũng từ đó cho đến nay, anh chưa một lần về quê đón Tết cùng với gia đình, vợ con.
Hỏi về những chạnh lòng khi phải để vợ con đón Tết vắng người trụ cột gia đình, Trung tá Hiếu cười bảo: “Nhà có 4 người thì cả 3 bố con cùng theo nghiệp Công an nên đêm giao thừa nào cũng chỉ có mình vợ cô độc ở nhà. Trước Tết cũng chỉ có mình vợ bận bịu sắm sửa mọi công việc chuẩn bị Tết, từ việc dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ đến sắm mâm ngũ quả, đào quất cúng gia tiên.
Thời khắc đón chào năm mới, thèm lắm cảm giác được đón Tết cùng gia đình. Song đã gắn bó với nghiệp Cảnh sát quản lý trại giam, chúng tôi sẵn sàng hy sinh niềm hạnh phúc đó để lo Tết chu đáo, nhân văn cho can, phạm nhân. Bởi chúng tôi tin rằng, sẽ có nhiều can, phạm nhân hồi tỉnh lương tâm quay lại con đường sáng sau khi đón Tết nhân văn trong đất trại”.
Những lời tâm sự của mỗi cán bộ, chiến sỹ khiến chúng tôi hiểu hơn rằng, để mang lại một cái Tết ấm áp cho phạm nhân, mỗi cá nhân họ đều phải hy sinh niềm vui của riêng mình. Họ không được quây quần bên vợ con để đón giao thừa hay gác lại việc du xuân, tiệc tùng cùng bạn bè trong những ngày Tết. Ngoài việc lo cho đủ lương thực, thực phẩm, tổ chức các hoạt động cho phạm nhân vui xuân, họ còn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trại trong những ngày Tết.
“Công việc của mỗi cán bộ, chiến sỹ ở trại giam không chỉ thể hiện sâu sắc tính nhân văn của Đảng, Nhà nước mà còn là tình cảm, sự sẻ chia của chính họ đối với những người một thời lầm lỡ. Từ đó khơi dậy lòng hướng thiện, làm động lực giúp họ quyết tâm cải tạo tốt, để những Tết cổ truyền sau này họ sẽ được trở về sum họp với gia đình”, Đại tá Văn chia sẻ.
Còn đối với Đại tá Lương Xuân Ngợi, với cương vị là giám thị trại giam thì bao nhiêu mùa xuân trôi qua là bấy nhiêu cái Tết mà bản thân anh cũng như rất nhiều đồng chí khác phải đón năm mới ở trại giam cùng với các phạm nhân. Tạm gác nỗi nhớ gia đình và khoảnh khắc sum vầy bên vợ con, người thân, những cán bộ quản giáo tự tìm niềm vui trong việc tất bật lo Tết cho phạm nhân.
“Nhìn những nụ cười rạng rỡ, ánh mắt hân hoan của mỗi phạm nhân trong những ngày Tết đến, xuân về, cùng với đó là niềm tin hướng thiện được trao gửi qua những cánh thư thăm thân gửi về gia đình, hay những cuộc thăm gặp thấm đẫm nước mắt… càng làm cho những người lính trại giam chúng tôi thêm ấm lòng và yêu hơn sự nghiệp “trồng người” trên vùng “đất khó” mà mình đã gắn bó trong cả cuộc đời”, Đại tá Ngợi bộc bạch.
Thêm một mùa xuân mới nữa lại về. Với những cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại Trại giam Đắk Tân và Đắk Trung lại thêm một năm vất vả, gian nan với những thử thách mới. Song với các anh, các chị luôn tin những việc làm của mình sẽ khiến cho mầm thiện được đâm chồi, nẩy lộc như chính những mùa xuân vậy…