Gánh chữ lên non

08:53 19/09/2007

Tôi đến Tê Xăng khi những cây cà ry đã đơm hoa nhuộm đỏ ngôi làng của người Xê Đăng ở hai bên đèo Măng Rơi. Hoa cúc quỳ trên vùng đất Tu Mơ Rông dưới chân "núi mẹ" Ngok Linh quanh năm mây phủ cũng đang kỳ chúm chím nụ. Cà ry nở hoa, cúc quỳ trổ nụ là bắt đầu cho năm học mới của con trẻ Xê Đăng. Nhưng có đến được vùng xa hẻo lánh này, tôi mới biết được chuyện học con chữ sao vẫn còn quá đỗi nhọc nhằn...

Cái khó bó... cái chữ !

Nằm trong dãy Ngok Linh, Tu Mơ Rông (Kon Tum) trập trùng những ngọn núi hình mái nhà. Bởi thế, làng của người Xê Đăng ở miền núi cao gần 1.400m so với mặt biển này hầu như được treo trên vách núi. Xã Tê Xăng nằm tận thượng nguồn sông Đăk Pxi càng cheo leo, cách trở. Nơi đây, nhà ở của đồng bào, cơ quan làm việc của xã, nhà rông họp làng, trường học, trạm y tế... cứ xếp thành từng lớp, từng lớp trải trên vách núi.

Leo lên những bậc đá dựng đứng, tôi và Thượng úy Nguyễn Công Định, cán bộ Công an huyện Tu Mơ Rông, chạm cổng Trường THCS Tê Xăng trước sự ngỡ ngàng của các thầy, cô giáo và học trò. Từ trong các lớp học, những ánh mắt đổ dồn về phía chúng tôi đầy ngạc nhiên, lạ lẫm...

Khi biết tôi là nhà báo, thầy Hiệu trưởng Lò Quyết Tiến cười buồn: "Chuyện học ở Tê Xăng còn nhiều gian khó lắm anh à!". Anh cho biết: Trường THCS Tê Xăng có 7 phòng học, thì trong đó vẫn còn 2 phòng tạm bợ xiêu vẹo, vách nứa, mái tôn. Năm học 2007-2008 này, Trường THCS Tê Xăng có 177 em học sinh. Nhưng, các em phải tập trung học vào buổi sáng. Buổi chiều phải nhường lớp lại cho học sinh bậc tiểu học. Vì cho đến nay, Tê Xăng vẫn chưa có trường tiểu học. Cũng vì thế, dù các em tiếp thu bài chậm, nhà trường cũng không thể tổ chức dạy phụ đạo cho các em được. Đã thế, đồ dùng thiết bị dạy học không có gì, sách giáo khoa cho các em mượn học cũng thiếu, hiện cứ 3 em chuyền tay nhau học chung một bộ sách...

Học trò Xê Đăng chẳng ngại đường rừng xa lơ, xa lắc từ nhà tới trường mất 6-7 cây số, nhưng các em vẫn còn suy nghĩ tùy tiện, thích thì đến lớp, buồn thì ở nhà lên rẫy, ra sông, suối bắt con cá, con ốc cùng bố, mẹ, dân làng. Nhất là vào mùa gặt lúa, hoặc những dịp lễ hội đâm trâu, trỉa hạt, giọt nước... các em đều ở nhà vui chơi cho thỏa thích. Thầy, cô giáo phải lặn lội về các làng, đến từng nhà để vận động các em ra lớp.

"Khổ nhất là các em gái mới còn học lớp 8, lớp 9; thậm chí có em đang học lớp 7, đã vội "bắt" (cưới) chồng. Có chồng thì có bầu. Mang cái bụng lùm lùm, các em xấu hổ không đi học nữa. Năm học nào, nhà trường cũng có 4-5 trường hợp như thế". Ngập ngừng rồi thầy Hiệu trưởng Tiến cũng giải thích: "Con gái 15 tuổi đã "bắt" chồng, đó là luật tục của người Xê Đăng, mình không thể can thiệp được anh à!".

Gánh chữ lên non

Thầy Hiệu trưởng Tiến nói rằng, năm học này cả huyện vẫn còn thiếu 29 giáo viên. Riêng Trường THCS Tê Xăng thiếu 2 người, một dạy toán, một dạy văn. Nhà trường phải phân công thầy giáo Nguyễn Tạ Tốn, dạy môn Vật lý, nhận dạy thêm Toán cho các em học sinh lớp 6. Còn thiếu giáo viên Văn lớp 9 thì các thầy cô dạy Hóa, Sinh, Sử... lấy thời khóa biểu môn Văn dạy bù để chờ ngày cấp trên phân bổ giáo viên dạy Văn về. Hiện trường có 14 giáo viên, họ ở tập thể, cứ 3-4 người chung một căn phòng chỉ hơn 10m2, thiếu thốn, cực khổ trăm bề.

Cô giáo Phan Thị Mỹ năm nay chưa tròn tuổi 25, quê ở xã Bình Giang, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), tâm sự: "Lúc mới lên đây em nhớ nhà lắm. Đêm nào cũng khóc, cũng day dứt suy nghĩ muốn về lại đồng bằng. Nhưng rồi dạy các em, biết gia đình các em cũng rất khó khăn, các em đều có ước muốn học hành đến nơi đến chốn nên càng thương. Thế là quyết tâm ở lại...". Mỹ học Sư phạm Đà Nẵng ra trường năm 2006. Cô về quê dạy một thời gian, sau nghe tin ở Tu Mơ Rông thiếu giáo viên, cô khăn gói lên đường tìm tới đất này.

Mỹ cười thật hiền, nói với tôi: "Tuổi trẻ thì đâu ngại gì đi xa anh. Với lại em chưa có gia đình nên cũng dễ...". Ở nơi xa xôi thế này làm sao về thăm nhà? Mỹ cười chỉ tay ra phía nhà tập thể cho tôi thấy một giáo viên nam đang cầm chiếc điện thoại di động huơ huơ trên không. "Ở đây chúng em dò sóng điện thoại di động như rứa đó. Bữa ni trời mưa, chứ trời nắng là anh thấy điện thoại di động treo lỏn lẻn trên dây phơi trước hiên. Bắt được sóng, điện thoại reng là phải ra liền mới nói chuyện được. Còn lại thì đợi Tết mình tranh thủ về thăm gia đình. Ba, mẹ em ở quê cũng đã già rồi".

Ở tập thể lâu ngày, có không ít thầy, cô cảm thông cảnh ngộ đến với nhau thành vợ, thành chồng, như trường hợp cô giáo dạy Sử Lê Thị Kim Thu và thầy giáo dạy Toán Lê Văn Giang bắt đầu cuộc sống mới trên vách núi Tê Xăng...

Có đến được miền núi Tu Mơ Rông trên dãy Ngok Linh cao vút, quanh năm mây mù bao phủ; có ngồi nghe những giáo viên từ miền xuôi lên ngôi làng Tê Xăng treo trên vách núi, chịu cảnh thiếu thốn, khổ cực để dạy cho trẻ em Xê Đăng biết đọc, biết viết cái chữ, mới thấy tấm lòng của những người mang thiên chức nhà giáo cõng cái chữ lên non thật vất vả, song cũng cao cả và đáng tự hào!...

Long Vân

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文