Ghi ở chốt xử lý “ma men” cầm lái

09:10 21/06/2020
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong tổng số các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia chiếm tỷ lệ hơn 43%… Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn, CSGT đã lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn của tài xế, điểm lập chốt gần nhà hàng, quán nhậu. Phóng viên Báo CAND đã có mặt tại các quán bia và ghi nhận hoạt động của tổ công tác CSGT xử lý “ma men” điều khiển phương tiện giao thông.


Mục sở thị quán nhậu trong giờ nghỉ trưa

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng không ngừng đưa tin về những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Quá nhiều lái xe đã gây TNGT thảm khốc khi vừa rời bàn nhậu. Quá nhiều hậu quả, số phận phía sau tay lái, thế nhưng không phải người lái xe nào cũng nhận thức được điều ấy.

Tới một số quán bia hơi, nhất là trong tiết trời oi bức của nắng nóng mùa hè tại Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm người đủ mọi lứa tuổi, mỗi bàn thường vài người cho đến gần chục người khề khà bên cốc bia, ly rượu. Đã vào quán, mỗi người thường uống ít thì cũng vài cốc, còn không thì cũng phải no căng bụng bia, “tới bến”.

Nhiều thực khách sau khi sử dụng thức uống có cồn vẫn điều khiển xe máy một mình và không đội mũ bảo hiểm.

Nhiều thực khách một mình tự điều khiển phương tiện xe máy, ôtô tới các quán nhậu, sử dụng bia, rượu tràn lan không có điểm dừng, phớt lờ những lời kêu gọi của Chính phủ, các cơ quan đoàn thể, nhân dân thời gian qua như “Đã uống rượu bia – Không lái xe”, “Không lái xe sau khi uống rượu bia”… Chúng tôi đã có mặt tại một số quán bia trên đường Hào Nam, Giảng Võ, Tây Hồ… theo dõi hàng giờ hành tung các thực khách.

Choáng! Nhiều thực khách có thể được phong “tiên tửu”, “anh hùng bàn nhậu”, tự điều khiển xe máy, ôtô tới quán bia một mình, sau vài ba câu với lễ tân, họ phi vội vào bàn với bạn nhậu. Vài tiếng sau, mặt đỏ tưng bừng, những cái bắt tay trong xiêu vẹo, mặc cho nhân viên nhà hàng khuyên bảo nên bắt taxi về cho an toàn nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, thậm chí có người còn tỏ ra bực tức, tự leo lên xe máy, ôtô và một mình điều khiển phương tiện rời đi.

Và khi đã say khướt, những “đệ tử Lưu Linh” không đội mũ bảo hiểm, chở ba, chở bốn lạng lách, nẹt pô trổ tài “yêng hùng”. Trong số vài chục, vài trăm trường hợp như thế này, có thể họ thấy còn “chưa đủ” và sẽ còn đi tăng 2, tăng 3...

Cũng tại một trong những quán bia trên phố Hào Nam, chúng tôi chứng kiến một buổi lễ đầy tháng con của một cậu thanh niên tên Tùng, chừng 25 tuổi. Không biết Tùng đã uống bao nhiêu nhưng gương mặt cậu đỏ gay gắt, đi lại liêu xiêu, ánh mắt đờ đẫn vì rượu. Bằng chất giọng lè nhè, cậu bắt nhịp cả hội cùng nâng cốc bia và hô “1 2 3 zô, 2 3 zô, 2 3 hết…”.

Sau những nhịp như thế, vài cậu không đủ “trình” lặng lẽ rút ra ngoài hút thuốc để nhường sân khấu cho những đệ tử của “Lưu Linh” tranh tài. Trong suốt buổi tiệc, cứ khi nào có một cặp thi đấu uống 3 ly liên tục là cả đám đông lại cùng xúm lại, hô hào, cổ vũ. Tâm lý thích thể hiện, được cổ vũ, hai cậu tên Tuấn Anh và Tú càng hăng, cả hai cùng gọi thêm mỗi người 3 ly và uống một hơi, mặc cho cô bạn gái ngồi cạnh tỏ ra lo lắng, khuyên can.

Cuộc vui của Tùng cuối cùng cũng kết thúc, các bạn trẻ ăn mặc bảnh bao lúc vào dự tiệc bao nhiêu thì bước ra cửa trông bù xù, xấu xí ngược lại bấy nhiêu. Tưởng chừng như nhóm sẽ giải tán, ai ngờ “cuộc vui mới bắt đầu”, sau câu nói này của Tùng, tất cả dắt xe máy ra ngoài, một số dựng chân chống xe còn không nổi, vậy mà vẫn hò nhau chuyển địa điểm qua quán hát…

Riêng chủ nhân Tùng bước khật khưỡng tới chiếc Camry đen bóng đỗ trên hè. Mở cửa xe còn luống cuống, thế nhưng khi có người đề nghị không cầm lái thì anh này còn cao giọng: “mày khinh anh say hả, “bố” nói cho biết, ba thùng nữa vẫn lái êm ru”! Sập, chiếc xe lao vút ra lòng đường đang tấp nập người, xe!

Những cảnh tượng như trên không có lạ lẫm gì ở các quán nhậu. Sự sĩ diện, danh hão, “anh hùng rơm” chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đau xót. “Kẻ sát nhân” giấu mặt ẩn khuất trong mỗi con người cũng vì thế lộ nguyên hình.

Giáp mặt với “ma men”

Tối 21-5, chúng tôi đi cùng tổ công tác của Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội triển khai kiểm tra, xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện, chốt đặt gần một quán nhậu tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy. Nhiều người đi xe máy được yêu cầu dừng lại thổi nồng độ cồn. Khi phát hiện người đàn ông đi xe máy có biểu hiện say rượu, tổ công tác đã yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Tuy nhiên, thay vì chấp hành, người này cố tình bỏ vào khu vực cơ quan gần đấy mặc sự thuyết phục đo nồng độ cồn của CSGT. Khi thấy bảo vệ của cơ quan yêu cầu ra ngoài, người này liên tục vùng vằng, bất hợp tác, không chấp hành đo nồng độ cồn. Sau một hồi giằng co, “ma men” này đã nhất quyết bỏ về, vứt xe ở lại đầu đường và buông lời thách thức.

Chỉ trong 1 buổi tối, gần 10 trường hợp “ma men” đã bị tổ công tác Đội CSGT số 6 xử lý. Một người đàn ông tên N.V.T, mặt đỏ tía tai do bia rượu, khi bị tổ công tác đo nồng độ cồn vượt mức cho phép thì to tiếng: “Tôi uống nhiều, nồng độ cồn cao nhưng tôi đảm bảo còn tỉnh táo, lái quá “ngon”, sao lại bắt phạt tôi”?! Còn trường hợp khác, một người đàn ông mặt ửng đỏ, được tổ công tác yêu cầu dừng xe thổi vào máy đo nồng độ cồn nhưng người này lại giả câm, ú ớ nhất quyết không “há miệng”.

Trưa 24-5, chúng tôi đi cùng tổ công tác của Đội CSGT số 4 do Thượng úy Lê Đức Tiến làm Tổ trưởng làm nhiệm vụ tuyến đường nút giao phố Trần Thánh Tông – Nguyễn Huy Tự. Theo quan sát của phóng viên, khu vực này tập trung rất nhiều quán bia như Hải Xồm, Lan Chín, Vân Bảo… 13h cùng ngày, thời tiết giữa trưa nắng, phía trong các quán bia là cả “rừng” thực khách. Tổ công tác CSGT đỗ xe ôtô ngay bên lề đường, chia ra các vị trí kiểm soát. Khoảng 13h30, do nút giao có nhiều ngã rẽ nên khi thấy tổ công tác làm nhiệm vụ, nhiều người điểu khiển phương tiện môtô đầu không đội mũ bảo hiểm hoặc được chủ quán báo trước nên đã rẽ ngược đường khác. Nhiều người qua kiểm tra, nồng độ cồn vượt quy định đã bị lập biên bản. Theo Thượng úy Lê Đức Tiến, việc kiểm tra, xử lý nồng độ cồn của các phương tiện tham gia giao thông là rất cần thiết, nhưng cũng gặp không ít khó khăn khi có trường hợp chống đối, say xỉn không làm chủ được hành vi có lời lẽ khó nghe, thách thức tổ công tác.

Chúng tôi tiếp tục thực tế cùng tổ công tác của Thượng úy Nguyễn Tùng Lâm và Trung úy Võ Trọng Tuấn, Đội CSGT số 4. Tại khu vực Vân Đồn, quận Hai Bà Trưng, tổ công tác đã lập biên bản, xử phạt 7,5 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Nam (SN 1988, trú tại Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) điều khiển ôtô BKS 98A… khi nồng độ cồn của anh Nam lên tới 0,281miligam/lít khí thở.

Tổ công tác tiến hành xử phạt 1,5 triệu đồng đối với  lái xe Nguyễn Đức Long (SN 1978, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) khi nồng độ cồn lên mức 0,309 miligam/lít khí thở. Xử phạt 1,5 triệu đồng đối với lái xe Nguyễn Đức Vinh, trú tại quận Hai Bà Trưng, điều khiển xe môtô với mức đo thổi là 0,350 miligam/lít khí thở.

Theo Đội CSGT số 4, sau khi triển khai Kế hoạch 69 về tổng kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến lái xe sử dụng nồng độ cồn, ma túy khi tham gia giao thông, đội đã tiến hành xử phạt 9 trường hợp (gồm 8 xe môtô và 1 xe ôtô) sử dụng nồng độ cồn vượt mức cho phép khi tham gia giao thông. Ngoài ra, đã tiến hành lập biên bản xử phạt 3,5 triệu đồng đối với một trường hợp (lái xe Nguyễn Tiến Minh không chấp hành thổi nồng độ cồn khi tổ công tác yêu cầu).

Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, đã xử lý 362 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tước giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện 362 trường hợp. Đối với việc triển khai Kế hoạch 69 về tổng kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến lái xe sử dụng nồng độ cồn, ma túy khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử phạt 142 trường hợp, tước giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện 142 trường hợp. So với tổng số vi phạm, nhất là các lỗi vi phạm khác thì lái xe uống rượu, bia, sử dụng ma túy bị phát hiện, xử phạt vẫn còn quá ít. Thời gian tới, CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục làm mạnh tay với những tài xế say rượu lái xe, trong đó, chủ yếu tiếp tục sẽ chốt chặt gần các khu vực có quán nhậu.

Tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo CAND tổ chức ngày 31-5, có ý kiến cho rằng, việc lập chốt đo nồng độ cồn gần nhà hàng, quán nhậu là phản cảm, không phù hợp văn hóa người Việt. Trả lời câu hỏi này, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT giải thích: “Khi bố trí một chốt để xử lý nồng độ cồn, chúng tôi căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó tính toán đến tính phổ biến của vi phạm, an toàn cho người thực thi công vụ và người có trách nhiệm, không gây ùn tắc, chỉ chốt ở những đoạn đường cần thiết để kiểm tra theo yêu cầu nghiệp vụ của CSGT. Liên quan đến vấn đề văn hóa, rượu bia ở mức độ nào đó là văn hóa, nhưng vượt qua mức độ đó là tệ nạn. Tiếp cận rượu bia làm sao cho có văn hóa”. 

Mời các bạn đón đọc Kỳ 4: Sự hối lỗi từ trại giam và chia sẻ của nhà quản lý

Minh Hiền – Xuân Trường

Ghi nhận thành tích của nữ sinh trung học cùng một người dân tình cờ nhặt được hai khẩu súng cùng hàng chục viên đạn đã chủ động trình báo, giao nộp cho cơ quan Công an, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận đã tặng giấy khen đột xuất cho hai trường hợp này để biểu dương và nhân rộng điển hình.

Ngày 8/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phước (Bình Định) cho biết, đã thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ 3 ngày đối với Trần Quốc Việt (SN 1980, trú huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) để điều tra làm rõ hành vi “Cướp tài sản”.

Ngày 8/1, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, từ 23 - 27/12/2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị hàng không bắt 3 đối tượng người nước ngoài trộm cắp tài sản của hành khách trên tàu bay của hãng hàng không Việt Nam, trị giá tài sản lên đến 113 triệu đồng; trục xuất 1 đối tượng nghi vấn.

Từ ngày 1/1 vừa qua, Luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực thực thi trong cuộc sống, cùng ngày, Nghị định 168 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng có hiệu lực với mức phạt tăng khá cao so với mức phạt cũ được quy định tại Nghị định 100 và Nghị định 123.

Sáng 8/1, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm. Bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước, đã bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024) bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Tới đây, mô hình tổ chức có sự thay đổi, nhưng theo bà Nguyễn Minh Phương, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) vẫn sẽ giữ vững vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong thời đại 4.0, việc lưu giữ những khoảnh khắc riêng tư của các cặp tình nhân bằng hình ảnh hay video không còn xa lạ. Tuy nhiên, việc quay clip nhạy cảm, ban đầu xuất phát từ sự tin tưởng và tình cảm, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là khi mối quan hệ kết thúc trong căng thẳng hoặc thù hận. Ngày càng nhiều vụ việc sử dụng clip nhạy cảm để tống tình, tống tiền đã xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng cho cả nạn nhân lẫn xã hội.

Ít nhất 13 binh sĩ Cuba đã mất tích sau vụ nổ xảy ra tại một kho vũ khí và đạn ở tỉnh Holguin, miền Đông nước này, lực lượng vũ trang Cuba thông tin cho biết vào cuối ngày 7/1 (giờ địa phương).

Gần đây, các trò chơi mang tính may rủi như "xé túi mù" (ám chỉ hình thức mở hộp ngẫu nhiên mua trên mạng) đang trở thành xu hướng nổi bật trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, và YouTube.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文