Xâm hại tình dục trẻ em: Chung tay thực hiện các giải pháp phòng ngừa

07:39 07/05/2019
Để ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cần phải xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý đủ mạnh. Luật sư Tạ Ngọc Vân cho biết, hiện Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ và chi tiết về xử lý những hành vi liên quan đến xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cho trẻ em.


Nếu như trước đây, các vụ xâm hại tình dục chủ yếu xảy ra ở các nơi vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, hẻo lảnh, dân trí thấp, thì hiện nay nhiều vụ xâm hại tình dục được phát hiện ở các khu đô thị, thành phố lớn. Các em đều thiếu kiến thức và kỹ năng phòng tránh, nhiều em bị xâm hại nhiều lần nhưng không dám nói với bố mẹ, với người thân. 

Xây dựng kỹ năng phòng vệ cho trẻ em ngay từ gia đình, ngay từ bậc mầm non, tiểu học là điều cần phải làm ngay, không thể chậm trễ.

Cần phải giáo dục giới tính, kỹ năng phòng vệ cho trẻ từ sớm

Hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra chính tại học đường trong thời gian qua đã khiến dư luận căm phẫn như vụ Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đinh Bằng My (Phú Thọ) bị bắt vì xâm hại tình dục các nam học sinh; vụ thầy giáo ở Bắc Giang dâm ô 13 nữ sinh; thầy giáo ở Lào Cai bị tố làm nữ sinh lớp 8 mang thai; thầy giáo ở Bình Thuận dâm ô với 8 học sinh tiểu học…

Ở vụ việc Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đinh Bằng My, các em bị xâm hại trong một thời gian dài nhưng không dám tố cáo, điều này thể hiện nỗi đau khi các em ở vào “thế yếu”, sợ bị trù dập…

Theo Luật sư Tạ Ngọc Vân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nguyên nhân trực tiếp là nghi can đã không vượt qua được những dục vọng thấp hèn của mình, dùng chính quyền lực và vai trò của mình để ép hoặc dụ dỗ các em để thỏa mãn những nhu cầu đó.

Đánh giá về sự gia tăng của xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, đây là một sự thật đau lòng mà chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ. Những đối tượng phạm tội đổ lỗi do bị ảnh hưởng của phim ảnh khiêu dâm tràn lan trên mạng xã hội hay vì một lý do nào khác đã bột phát hành vi thú tính là không thể chấp nhận được.

Theo BS Trọng An, nguyên nhân gây lên tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nhiều như hiện nay là do nhiều bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ thiếu hụt kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, đặc biệt là kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho con em mình. Trong nhà trường và gia đình, giáo dục giới tính rất muộn và hời hợt; giáo dục luật pháp và tình dục an toàn còn mang tính hình thức. Do vậy học sinh đã không được trang bị các kỹ năng sống cần thiết.

Nhiều gia đình nghĩ con còn nhỏ, ngần ngại giáo dục giới tính sớm cho trẻ hoặc bố mẹ mải đi làm, không quan tâm đến con khiến con họ bị xâm hại tình dục trong thời gian dài không hề hay biết. Điển hình là vụ một bé gái ở Bắc Kạn, do mẹ mải đi làm, về nhà mệt mỏi lại nghe con kể một vài hành động thân mật quá giới hạn của “anh hàng xóm”, người mẹ này đã gạt đi. Đến khi cô bé bị anh hàng xóm xâm hại tình dục, gây ra hậu quả nặng nề thì người mẹ mới hốt hoảng trình báo cơ quan Công an.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An tuyên truyền về cách phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội).

Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nguyên nhân do chúng ta chưa phổ biến giáo dục về xâm hại tình dục và các biện pháp phòng tránh cho trẻ em một cách thực chất.

Ở nước ta, nói về tình dục như một điều xấu cần tránh né mà không nhìn thẳng vào để nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp. Ngay cả trong việc quan hệ tình dục tự nguyện của các em cũng không được giáo dục kỹ.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Hiện nay, các quy định về bảo vệ trẻ em của Việt Nam tương đối đầy đủ như chúng ta đã tham gia sớm Công ước quốc tế về Quyền trẻ em; Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ luật Hình sự… Các lực lượng như Công an, Viện KSND, Tòa án các địa phương đã khởi tố, điều tra, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, trong đó có cả những mức án chung thân, tử hình. Nhưng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn không giảm, mà ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng.

Để ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cần phải xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý đủ mạnh. Luật sư Tạ Ngọc Vân cho biết, hiện Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ và chi tiết về xử lý những hành vi liên quan đến xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cho trẻ em.

Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1-1-2018 có quy định về “hành vi quan hệ tình dục khác” để điều chỉnh hành vi quan hệ giữa những người cùng giới với nhau. Tuy nhiên, khung hình phạt hiện nay quá rộng, với mức khởi điểm thấp, từ 3-10 năm tù nếu phạm tội ở Khoản 2 Điều 145, từ 6 tháng đến 3 năm nếu phạm tội ở Khoản 1 Điều 146 hoặc từ 3 đến 7 năm ở Khoản 2.

Như vậy, về lý thuyết, đối tượng có hành vi xâm hại nhiều trẻ em vẫn có thể được hưởng án treo… Điều này là không công bằng và không đảm bảo tính răn đe. “Phải xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, một phần là để trừng trị kẻ phạm tội, đồng thời răn đe những đối tượng có ý định phạm tội” - Luật sư Tạ Ngọc Vân cho biết.

Còn theo Luật sư Trương Tiến Hùng, ở nhiều nước, xâm hại tình dục trẻ em được coi là trọng tội và xử lý rất nghiêm khắc. Ở nước ta, hiện luật vẫn chưa hướng dẫn thế nào là hành vi dâm ô. BS Nguyễn Trọng An cho rằng, chúng ta phải bổ sung những thiếu hụt trong văn bản pháp luật như: Định nghĩa dâm ô trẻ em; Chế tài xử phạt nghiêm khắc và răn đe; Cơ chế giám sát độc lập, nâng cao vai trò và sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội, tổ chức chuyên môn phi lợi nhuận nhằm đảm bảo tính khách quan và minh bạch trong quá trình thực thi quyền trẻ em và thực thi luật pháp tại Việt Nam.

Theo BS An, trong khi chờ hoàn thiện luật pháp, chúng ta phải bảo vệ trẻ em bằng việc xây dựng các kỹ năng phòng tránh. Chúng ta cần sớm kiện toàn mạng lưới cán bộ công tác xã hội và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Mạng lưới này không chỉ hỗ trợ kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục cho các bậc cha mẹ, mà còn làm tốt công tác phòng ngừa thông qua hoạt động tư vấn cộng đồng, phát hiện các gia đình có nguy cơ, ngăn chặn sớm các vụ việc.

BS An cho rằng, để giáo dục trong nhà trường có hiệu quả thì cần phải cải tổ chương trình giáo dục Việt Nam, tuy nhiên đây là một việc khó thực hiện. Giải pháp trước mắt là cần sớm thiết lập hệ thống tư vấn tâm lý học đường, có biên chế giáo viên tâm lý cho các nhà trường, đưa giáo dục giới tính sớm ngay từ hệ thống mẫu giáo. 

Tiếp đến là phải đẩy mạnh môn giáo dục pháp luật, quyền con người và cuối cùng là giáo dục tình dục an toàn từ cấp học phổ thông cơ sở trở lên. Đặc biệt siết chặt chất lượng tuyển chọn giáo viên, cả về chuyên môn, đạo đức và sức khỏe.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, cha mẹ chính là người giáo dục kiến thức, hướng dẫn, trang bị kỹ năng phòng vệ xâm hại cho trẻ một cách gần gũi, hiệu quả nhất. Luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Bình An (Hà Nội) cho biết, ông rất ấn tượng với kỹ năng sống trang bị cho trẻ em là Quy tắc Đồ lót mà tổ chức NSPCC - Tổ chức từ thiện vì trẻ em của Anh kêu gọi các phụ huynh nên dạy con của mình: Nên cho trẻ mặc đồ lót khi con được 3 tuổi; hãy nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sỹ, y tá hay bố mẹ. Bác sỹ, y tá phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích cho bé là họ cần chạm vào để làm gì và phải được sự đồng ý của con… Quy tắc này còn giúp trẻ nhận thức được rằng, trẻ có quyền nói không với những động chạm của bất kể ai, ngay cả người trong gia đình…

Nếu như các cơ quan bảo vệ pháp luật, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội cùng chung tay thực hiện các giải pháp, hy vọng trong tương lai, nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục chắc chắn sẽ giảm.

Tại Hà Nam vào những ngày cuối năm 2018 đã xảy ra vụ xâm hại trẻ em tại trường tiểu học trên địa bàn thành phố Phủ Lý (Hà Nam), nạn nhân là một bé gái 9 tuổi bị đối tượng Nguyễn Trung Anh, sinh năm 2001, ở tổ dân phố Thá, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý đột nhập vào trường học và nấp ở khu vực nhà vệ sinh, dùng dao khống chế, đe dọa nạn nhân để thực hiện hành vi hiếp dâm.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nam đã phối hợp với lực lượng Công an cơ sở nhanh chóng có mặt tại hiện trường, kịp thời bắt giữ đối tượng. Tại cơ quan Công an, dưới sự giám hộ của người thân, Anh đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.             

Để đấu tranh, phòng chống hiệu quả loại tội phạm này, với vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp Công an các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn phạm tội và các vụ việc xảy ra để người dân và tự bản thân trẻ em nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống, tự vệ khi bị xâm hại. Thiết lập các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận mọi thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc xâm hại trẻ em.

Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, làm tốt công tác nắm tình hình, điều tra làm rõ và phối hợp với các ngành xét xử nghiêm minh trước pháp luật đối với các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, hiếp dâm trẻ em.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thượng tá Đỗ Hoài Nam - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nam cho biết: “Nguyên nhân xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là do ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự du nhập của lối sống thực dụng, sa đoạ từ các nước phát triển; sự thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục, định hướng lối sống cho trẻ từ phía các bậc phụ huynh gia đình khiến trẻ dễ rơi vào nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại và không có hoặc rất ít trang bị cho các em những kỹ năng tự vệ trước đối tượng khi có hành vi xâm phạm xảy ra. 

Mặt khác, một số đối tượng phạm tội có lối sống không lành mạnh từ các trang mạng xấu; ý thức giải quyết nhu cầu cá nhân bị lệch lạc, việc nắm và hiểu cũng như việc tuân thủ pháp luật chưa cao...”.

Thiết nghĩ, bên cạnh những giải pháp đồng bộ của lực lượng Công an, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm từ chính các gia đình trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, nhất là việc trang bị kỹ năng phòng vệ cho trẻ là việc làm hết sức cần thiết.

Cụ thể, giáo dục con em mình khi có người nào, kể cả người quen nếu có hành vi, việc làm, lời nói có tính chất khiêu dâm thì phải tránh xa hoặc nói cho người khác để có biện pháp đề phòng; căn dặn các em không nên nhận quà, hẹn gặp những người không quen biết, hẹn gặp ở nơi vắng vẻ một mình, nhất là người khác giới. Khi đi chơi, đi học thì nên đi từ hai người trở lên, nhất là vào ban đêm. Trong trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, nạn nhân cần kể cho bố mẹ biết.

Các bậc cha mẹ không nên thỏa thuận với đối tượng dưới bất cứ hình thức nào mà cần báo với cơ quan chức năng để được điều tra, làm rõ. Về phía các nhà trường trong hệ thống giáo dục cần xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính, phòng, chống tội phạm, trang bị kiến thức, kỹ năng sống, giúp các em có thể tự phòng, chống, tự vệ khi bị xâm hại. Có như vậy, trẻ em mới có môi trường sống, học tập và trưởng thành an toàn, lành mạnh.

Lê Phượng


Trần Hằng

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文