Giúp người lầm lỡ làm lại cuộc đời
- Hồi sinh những cuộc đời lầm lỡ
- Người góp phần hồi sinh nhiều cuộc đời lầm lỗi
- Cho người lầm lỡ điểm tựa để làm lại cuộc đời
Cơn mưa vừa tạnh, anh Huy hăm hở dẫn chúng tôi thăm quan một vòng trang trại rộng gần ngàn mét vuông với mô hình VAC (vườn - ao- chuồng) khép kín của gia đình.
Nhìn vườn cây ăn trái xanh mát mắt, đàn gà chạy tung tăng và đàn lợn thịt với quy mô lúc nào cũng hơn 100 con trong chuồng khiến ai ai cũng phải nể phục. Nhìn vào cơ ngơi ấy, ít ai ngờ được ông chủ của cái trang trại có tiếng ở địa phương này đã từng có một thời vướng vào vòng lao lý.
Nhớ về những ngày đầu mới trở về địa phương lập nghiệp, anh Huy không khỏi bùi ngùi: “Ra tù với 2 bàn tay trắng, trong khi vợ dại, con thơ, gia cảnh nheo nhóc, đã thế lại mặc cảm tự ti vì sợ cộng đồng kì thị, bởi vậy thời gian đầu mới ra tù anh chán nản vô cùng, suốt ngày ngồi ru rú trong nhà làm bạn với thuốc lào và uống trà vặt".
Nhưng rồi, được gia đình, anh em bạn bè và hàng xóm láng giềng năng qua lại động viên, nhất là được Ban Công an xã Văn Lý và Công an huyện Lý Nhân tận tình giúp đỡ, hướng dẫn và bảo lãnh vay vốn để đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi lợn, gà.
Lúc đầu, vốn ít, vợ chồng anh chỉ dám đầu tư nuôi vài chục đầu lợn và mua cây giống, sau đó học hỏi phát triển mô hình kinh tế VAC. Chỉ hơn 1 năm sau, kinh tế gia đình anh dần ổn định.
Từ “đà” này, anh mạnh dạn vay thêm vốn, mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, phân bón và thuốc chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Hai vợ chồng chung lưng đấu cật, tu chí làm ăn, chỉ hơn 1 năm tiếp theo, ngoài trả xong toàn bộ khoản nợ vay ngân hàng, gia đình anh dần có của ăn của để, thu nhập bình quân không dưới 400 triệu đồng/ năm.
Anh Ngô Văn Huy (xã Văn Lý, huyện Lý Nhân) giới thiệu về mô hình VAC của gia đình. |
Kinh tế gia đình vững vàng, anh tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện như một cách tri ân những người đã tiếp bước cho anh quay trở về với nẻo thiện.
Cũng như anh Huy, anh Nguyễn Đức Thức ở xã Tiên Hiệp, TP. Phủ Lý (Hà Nam) từng chấp hành bản án 15 năm tù tại Trại giam Tân Lập. Ngày mới ra trại, anh chẳng dám ra khỏi nhà, lúc nào cũng trĩu nặng mặc cảm lo sợ ánh mắt người đời hướng về mình đầy kinh sợ.
Anh sống thu mình trong bốn bức tường, nhiều lúc chợt nghĩ phải rời bỏ quê hương đến một nơi thật xa để chẳng ai biết đến quá khứ của mình.
Hiểu được tâm tư của anh Thức, chính quyền địa phương, bà con lối xóm và đặc biệt là anh em trong Ban Công an xã và Đội Công tác phong trào và phụ trách xã Công an huyện Duy Tiên thường xuyên gần gũi, động viên khiến anh Thức dần bớt tự ti mặc cảm.
Không những vậy, Đảng ủy, chính quyền địa phương còn hỗ trợ, đứng ra bảo lãnh cho anh vay vốn ngân hàng. Từ nguồn vốn vay, anh mở cửa hàng chuyên cho thuê cốp pha xây dựng, mỗi tháng cũng cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định bình quân từ 5-7 triệu đồng.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều tấm gương tiêu biểu người lầm lỗi hoàn lương tại Hà Nam mang chúng tôi có dịp gặp gỡ.
Theo Đại tá Vũ Văn Sét – Trưởng phòng Thi hành án hình sự (THAHS) và hỗ trợ tư pháp (HTTP), Công an tỉnh Hà Nam: Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có 805 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương và được xóa án tích cực lao động, làm ăn lương thiện, hòa nhập cộng đồng.
Trong đó, 18 mô hình tiêu biểu, 23 cá nhân điển hình trong công tác vận động, giáo dục, cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù tài hòa nhập cộng đồng, 96 người chấp hành xong án phạt tù, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương được các cấp ngành biểu dương, khen thưởng.
Điển hình như mô hình “2 + 1” (2 cựu chiến binh giúp đỡ 1 người tù tha về địa phương) của Hội Cựu chiến binh xã Bình Mỹ, huyện Bình Lục; mô hình “3 +1” (1 cán bộ Hội phụ nữ Công an tỉnh phối hợp với 1 hội viên phụ nữ Công an huyện, thành phố và 1 hội viên phụ nữ ở cơ sở giúp đỡ 1 nữ tù tha về địa phương tái hòa nhập cộng đồng)…
Đại tá Vũ Văn Sét chia sẻ: “Để cải tạo được người một thời lầm lỗi trở thành người lương thiện đã khó nhưng để giúp họ tránh đi vào “vết xe đổ”, không tái phạm lại càng khó hơn nhiều".
Xác định được nhiệm vụ nặng nề đó, để thực hiện hiệu quả Nghị định số 80/CP của Chính phủ về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù cũng như chỉ đạo của tỉnh Hà Nam về tăng cường công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về địa phương;
Phòng Cảnh sát THAHS và HTTP Công an tỉnh Hà Nam đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện giúp đỡ những người từng một thời lầm lỗi vượt qua mặc cảm, tự ti vươn lên làm lại cuộc đời.