Hai nữ anh hùng trên đất Tây Nguyên
Bà Kpă Ó vẫn nhớ như in vào buổi sáng 30/12/1962, quân Mỹ đổ bộ vào làng Bạc thảm sát dân làng một cách dã man. “Lúc sáng sớm, chưa kịp ăn cơm thì bọn giặc đã kéo đến làng, dồn bà con xếp thành hàng rồi bắn”- Kpă Ó kể.
Cô bé Kpă Ó thoát chết nhờ nằm gọn trong lòng người bác ruột. Mẹ Kpă Ó lúc đó đang chuẩn bị sinh nhưng địch vẫn không tha. Mẹ bị thương nặng nên mấy hôm sau thì chết. Cả nhà Kpă Ó có 11 người, trừ cha và anh đi vắng, còn lại đều bị địch giết…
Chứng kiến bao cảnh tang thương, mất mát, cô gái Kpă Ó lúc đó mới 12 tuổi đã nêu chí quyết tâm trả thù. Năm 16 tuổi, Kpă Ó chính thức tham gia vào Đội du kích xã Ia Phìn và từ đây chị đã chiến đấu dũng cảm cùng 15 nữ du kích của Đội nữ du kích làng Bạc.
Từ những cách đánh đơn giản ban đầu như làm hầm chông, gài mìn... Kpă Ó đã trở thành nữ du kích bắn súng giỏi và ném lựu đạn luôn trúng đích. Với lòng gan dạ và ý chí căm thù giặc sâu sắc, nữ du kích Kpă Ó sẵn sàng nhận nhiệm vụ đánh địch bất cứ nơi đâu và một mình chị đã len lỏi nhiều nơi, tìm địch mà đánh. Với vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn như sóc, và bằng cách đánh du kích linh hoạt, nhiều phen Kpă Ó đã làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Năm 1968, Kpă Ó phục kích bắn rơi máy bay Mỹ, một lần khác cài mìn làm nổ tung xe tăng địch năm 1973, chị còn cùng đội du kích tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch trong một trận càn ác liệt... Năm 1975, Kpă Ó vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Ó. |
Còn ở Đăk Tô, Kon Tum, chuyện về người con gái Xê Đăng, mang tên Y Buông đã anh dũng kiên cường trên mặt trận nuôi quân ở chiến trường Tây Nguyên mãi lan tỏa với thời gian. Mới 13 tuổi, cô bé Y Buông ở làng Đăk Re, xã Đăk Na, huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã tham gia cách mạng và làm liên lạc, sau đó chuyển sang làm công tác nuôi quân.
Năm 1965, chị được điều về nuôi quân tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 304 vừa mới được thành lập. Bất chấp hiểm nguy, Y Buông luôn bám sát đơn vị dù ở rừng cao, núi sâu thăm thẳm muôn trùng, chị vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực tế chiến tranh bấy giờ, lương thực thực phẩm cho bộ đội rất thiếu thốn, Y Buông phải kiếm thêm củ rừng, rau rừng... để cải thiện bữa ăn cho bộ đội.
Có những đợt chiến đấu ác liệt, một mình chị phải đào bếp, kiếm củi, nấu cơm, tìm kiếm thức ăn để đưa đến nơi chiến đấu cho đồng đội... Suốt hàng chục năm ở chiến trường ác liệt, Y Buông đã góp công sức không nhỏ cho những trận chiến thắng của bộ đội trên chiến trường Tây Nguyên.
Năm 1968, trong một lần Y Buông đưa cơm lên điểm chốt của Đại đội 1, Tiểu đoàn 304 thì pháo địch kích tới dữ dội. Đứng giữa cái chết và sự sống nhưng Y Buông không hề né tránh do dự, mặc cho đạn pháo tung hoành, chị vẫn ôm giữ nồi cơm đến cùng. Tuy bị bom đạn đè lấp nhưng đến khi bộ đội moi được chị lên thì nồi cơm vẫn còn nguyên vẹn trong lòng chị.
Y Buông kể rằng, chiến tranh khốc liệt, đến từng miếng ăn, giọt nước cũng không có, nhưng anh em bộ đội phải cầm cự với địch nhiều ngày trên điểm chốt cao không thể bỏ được. Vì vậy mà nồi cơm được Y Buông lấy thân mình che giữ trong làn bom đạn cho đến khi đưa được lên điểm chốt là một hành động rất anh hùng.
Chuyện nữ nuôi quân Y Buông đánh địch ở chiến trường Tây Nguyên thời bấy giờ cũng lan tỏa khắp chiến trường. Ngoài việc làm công tác nuôi quân, Y Buông cùng với đồng đội cũng đã tham gia nhiều trận chiến đấu trực tiếp và tiêu diệt địch...
Nồi cơm nuôi quân của Y Buông đã trở thành “nồi cơm huyền thoại”, biểu tượng của sức mạnh và lòng quả cảm của người phụ nữ nuôi quân trong quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 20/12/1973, Y Buông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người nữ anh hùng đầu tiên và duy nhất của dân tộc Xê Đăng và của tỉnh Kon Tum cho tới thời điểm hiện nay...