Hầm mộ của các đại gia
Chuẩn bị nơi yên nghỉ sau khi về cõi vĩnh hằng, đại gia Vũ Kha ở Hải Phòng đầu tư hơn 15 tỷ để xây dựng hầm mộ dưới hồ. Còn đại gia Nguyễn Công Đức ở Hà Nội bỏ ra 2,5 tỷ đồng xây mộ cho mình sâu trong lòng núi và đang nghiên cứu phương pháp ướp xác kết hợp cả Đông lẫn Tây.
Ngay khi thu gom xong mảnh đất rộng 3.000m2 giữa trung tâm một quận ngoại thành với giá 9 tỉ đồng, ông Vũ Kha khăn gói quả mướp vào tận khu vực Núi Nhồi ở Thanh Hóa để tự tay chọn những khối đá đẹp nhất, đắt nhất. Đá xanh, đá đen đủ tiêu chuẩn phải là đá nguyên khối, nguyên tảng, không có đường vân dù chỉ nhỏ bằng sợi tóc, không có màu sắc khác pha tạp. Những khối đá này phải được khai thác thủ công, tức là dùng sức người đục đẽo tách ra khỏi núi, sau đó vận chuyển nhẹ nhàng xuống chân núi.
Ông Kha không dùng đá khai thác bằng nổ mìn, bởi theo ông, những loại đá khai thác bằng nổ mìn sẽ om, sức bền không tốt. Những loại đá xây lăng mộ phải đạt những tiêu chuẩn như mong muốn của ông Kha thì mới được coi là đá vĩnh cửu.
Chính việc chọn lựa, khai thác, tìm kiếm những loại đá đặc biệt này rất khó khăn nên giá cả của nó cũng cực đắt. Mỗi mét khối đá ông Kha mua ở khu vực núi Nhồi, tùy loại trắng, xanh, đen mà có giá từ 10 đến 30 triệu đồng. Đặc biệt, khối đá đen nặng 10 tấn làm tháp mộ, đối với ông Kha giờ đây nó là vô giá. Dù ai trả tiền tỉ cho khối đá này cũng sẽ nhận được từ ông những cái lắc đầu.
Trên cùng tháp đá đặt tượng bán thân ông Kha, bức tượng này được đẽo chạm từ một khối đá đen tuyệt đẹp. Ông Kha kể rằng, để tượng đá của mình linh thiêng, ngày nào ông cũng yểm tâm vào đó. Mặt trước tháp đá là những dòng chữ khắc nội dung kể về tài năng cũng như những đóng góp của ông cho xã hội.
Mộ phần của vợ chồng ông Vũ Kha nằm dưới hồ nước này. |
Cách đây 5 năm, để mua được khối đá đen cực lớn, không có đường vân, không nứt nẻ, không pha tạp màu khác để làm tháp mộ này, ông phải bỏ ra 10 cây vàng, cộng với 15 cây vàng thuê mấy chục người cả tháng trời đục đẽo, trục khối đá ra khỏi núi rồi dùng xe tải hạng nặng chở từ Thanh Hóa ra Hải Phòng.
Khối đá làm tháp mộ mà ông Kha đang sở hữu giá trị như vậy là vì loại đá đen chất lượng cao nhất chỉ có ở khu vực núi Nhồi, Thanh Hóa. Tuy nhiên, từ mấy năm nay chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã cấm khai thác, nên các đại gia khác có tiền cũng không mua được.
Sau khi vận chuyển được mấy trăm khối đá xanh, đá đen, đá trắng về Hải Phòng, ông Kha lên Hà Nội tuyển mộ những họa sĩ tài ba, những chuyên gia chạm khắc, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật, trong đó có 3 anh em họa sĩ Trần Minh Tuấn về nhà ông ăn ở, ngày đêm kẻ vẽ, thiết kế, chạm khắc, mài giũa tỉ mẩn từng viên đá theo ý tưởng của ông.
Suốt 5 năm trời cần mẫn làm việc, khu trung tâm mộ mới hoàn thành. Đứng trong khuôn viên, nhìn lăng mộ không thấy sự hoành tráng, song ẩn sâu trong lòng đất là cả một sự kỳ công đầy nghệ thuật.
Khu trung tâm phần mộ rộng chừng 200m2, lẩn khuất sau những hàng cau vua rợp bóng. Cổng vào giản dị là hai cột đá đen. Mái cổng cũng là một tấm đá đen bóng. Toàn bộ phần diện tích khuôn viên trung tâm phần mộ đều được xếp bằng những khối đá trắng lớn, được mài giũa rất khít. Hầm mộ nằm sâu trong lòng đất 4m, được bao bọc bởi những khối đá khổng lồ, mỗi khối nặng 2,6 tấn. Hầm mộ gồm hai ngăn, nơi sau này sẽ đặt hài cốt của vợ chồng ông Kha.
Sau nhiều năm nghiên cứu các kỹ thuật ướp xác, bảo quản xương cốt, ông Kha nhận thấy rằng, nếu đem đốt xương cháy xém phần ngoài sẽ sinh cácbon, mà cácbon là chất vĩnh cửu, do vậy sẽ có tác dụng bảo vệ xương rất tốt (chẳng hạn, những khúc củi cháy dở nằm trong lòng đất hàng vạn năm không phân hủy). Ông Kha là nhà khoa học nên ông hiểu biết rất kỹ về lĩnh vực này.
Khi nào vợ chồng ông tạ thế, đám con cháu sẽ đốt xác bố mẹ theo hướng dẫn của ông, sau đó sẽ đặt xương cốt xuống hầm mộ. Muốn đặt xương cốt xuống hầm mộ, phải rút hết nước trong hồ. Dưới đáy hồ lộ ra những phiến đá lớn. Nhấc những phiến đá này lên sẽ lộ ra nắp hầm mộ. Những phiến đá và nắp hầm mộ bằng đá xanh nguyên khối này được các chuyên gia mài giũa chi tiết đến nỗi khi đặt khít vào nhau, không cần chất kết dính gì, vậy mà bơm nước ngập vào mấy năm nay vẫn không thấm một giọt nước nào vào.
Điều này quả là kỳ tài và khó tin. Vị đại gia này muốn xương cốt của mình nằm vĩnh hằng dưới một lớp nước để tạo sự kín đáo, yên tĩnh và cũng để con cháu đời sau được tự hào về khả năng của cha ông mình. Ông Kha cũng khẳng định, ngôi mộ này là sáng tạo của ông, không “đụng hàng” bất cứ một ngôi mộ nào trên thế giới.
Ngoài trung tâm mộ phần thì những thiết kế bằng đá trong quần thể lăng mộ cũng là những kiệt tác. Đáng kể nhất phải kể đến công trình mà ông gọi là “vườn treo
Theo ông Kha, toàn bộ đầu tư cho khu vực lăng mộ mà ông gọi là “Cụm văn hóa đồ đá” này, tính cả tiền mua đất, đã lên đến gần 1 triệu USD. Còn vô vàn những ý tưởng, những công trình ông ấp ủ, như xây dựng đôi rồng đá, mỗi con nặng chừng 10 tấn, đầu chầu cổng mộ phần, đuôi vẫy sau tháp mộ.
Ông Kha còn muốn xây dựng một tháp đá giống như tháp bút trước đền Ngọc Sơn (Hà Nội), một cổng đá như cổng di tích Ngọ Môn ở Huế. Tại ngôi tháp đá khổng lồ sẽ có một đầu rồng bằng đá được lắp môtơ để liên tục quay bên nọ, ngó bên kia, đuôi cũng phải vẫy vẫy và mắt rồng luôn chớp chớp trong bóng đêm.
Ông Kha là một nhà khoa học, từng sáng tạo nhiều công trình khoa học có giá trị trong lĩnh vực kỹ thuật nên việc đó đối với ông không có gì khó. Theo ông, để biến ngôi mộ thành “Cụm văn hóa đồ đá” hoàn chỉnh như ý muốn của ông, ước chừng ngốn thêm khoảng 5 tỉ đồng nữa.
Tuy nhiên, công việc đang triển khai thì công ty của ông lâm vào cảnh phá sản vì mặt hàng ông sản xuất không đấu lại được với hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam, hơn nữa toàn bộ trụ sở doanh nghiệp rộng mấy ngàn mét vuông giữa trung tâm thành phố bị thu hồi do nằm vào khu vực quy hoạch.
Mặc dù ông đang lâm vào cảnh khó khăn về kinh tế, song ước vọng biến khu mộ của ông thành công trình của trăm, ngàn năm sau, để con cháu được chiêm ngưỡng vẫn nung nấu và ông sẽ quyết tâm hoàn thành trước khi rời xa thế giới này. Ông cho biết, một người con là doanh nhân ở nước ngoài sẽ quyết tâm hỗ trợ tiền bạc để ông hoàn thành tâm nguyện cả đời của mình, đó là xây dựng lăng mộ với cái tên gọi “Cụm văn hóa đồ đá” độc đáo nhất Việt
Một đại gia nữa có công trình mộ độc đáo bậc nhất, tốn kém bạc tỉ mà tác giả không thể không nhắc đến, đó là ông Nguyễn Công Đức.
Ông Nguyễn Công Đức sinh ra và sống 60 năm ở phố Thái Hà (Hà Nội), nhưng tính ông thích lang thang đây đó, nay lên rừng mai xuống biển. Hồi dạo chơi ở khu vực rừng núi Lương Sơn (Hòa Bình), thấy mảnh đất rộng 10 ha nằm trong hõm núi rất đẹp cuối xã Sơn Lâm, ông liền gặp gia chủ mua luôn, rồi bán ngôi nhà hương hỏa ở phố Thái Hà, đầu tư tới 5 tỉ đồng xây dựng trang trại, rồi cả ngày ngắm cỏ cây, hoa lá, vui đùa với các loài động vật.
Được sống với thiên nhiên đến cuối đời vẫn chưa thỏa mãn, ông muốn khi chết vẫn được hòa mình với rừng xanh núi đỏ, nên đã nghĩ ra chuyện xây một ngôi mộ trên vách núi hiểm trở với kết cấu có thể ướp được xác vợ chồng ông vĩnh cửu trong đó.
Để có ngôi mộ độc đáo nhất, ông Đức đã tham khảo tài liệu từ những “đại mộ” bí ẩn trong lòng đất của Thành Cát Tư Hãn, Tần Thủy Hoàng đến những “siêu mộ” lộ thiên là những Kim Tự Tháp của vua chúa Ai Cập. Ông lang thang vào Huế cả tháng trời để mày mò nghiên cứu các lăng tẩm của vua chúa thời Nguyễn, bỏ công “vi hành” nhiều lần sang Trung Quốc để tham khảo mộ chí, lăng tẩm của các vị vua, chúa thời phong kiến Trung Quốc nhằm tìm cho mình một thiết kế hợp lý và độc đáo nhất.
Mộ ông Nguyễn Công Đức trên sườn núi để ướp xác.
Trong quá trình du hành tìm hiểu văn hóa xây lăng mộ, ướp xác bên Trung Quốc, ông đã gặp được thầy địa lý hàng đầu xứ Côn Minh tên là Voòng A Sao.
Ông Đức đã bỏ ra 50 triệu đồng thuê ông thầy địa lý này sang Việt
Xác định được địa điểm xây mộ là vách đá cheo leo, dựng đứng, ông Đức thuê một lúc mấy chục nhân công khoan núi, nổ mìn, tạo ra được một khe núi bằng phẳng, có diện tích mặt bằng rộng hơn 300m2.
Họ đục đẽo núi thành hàng trăm bậc thang đá từ chân núi lên đến khu trung tâm mộ phần. Ngôi mộ hiện đã tạm hoàn thành phần thô, gồm 3 khu: cảnh quan vòng ngoài, khu trung tâm và mộ phần.
Mộ phần gồm hai ngăn, đặt giữa khu trung tâm. Hầm mộ sâu vào lòng núi tới 4,2m. Nắp hai hầm mộ này là phiến bêtông nặng 2,2 tấn. Sau này, khi đưa xác ướp vào mộ, sẽ tiếp tục cẩu một phiến đá hình vòm nặng 3 tấn đè lên lớp bêtông rồi sử dụng các chất liệu kết dính để cố định chặt hầm mộ. Phiến đá nguyên khối này phải có độ bền cao, được đẽo gọt, chạm trổ hoa văn đẹp mắt. Hiện những người thợ tài ba ở Ngũ Hành Sơn trong Đà Nẵng đang chạm khắc, đẽo gọt hai phiến đá này theo đơn đặt hàng của ông Đức.
Theo sự tính toán khoa học của ông Đức, những loại mìn có sức công phá khá mạnh cũng không thể xới tung được hầm mộ đặt xác ướp của vợ chồng ông lên. Nếu không có sự trợ giúp của máy khoan đá, máy cắt bêtông, con người không thể thâm nhập được vào nơi đặt sinh phần của vợ chồng ông một khi đã được đổ bêtông cố định dày cả mét, cùng với một nắp mộ và một khối đá hình vòm đè lên trên. Để hoàn thành cả ngoại thất và nội thất ngôi mộ như ý muốn, ông tính sơ sơ cũng mất chừng 2,5 tỉ đồng.
Việc xây mộ tuy tốn kém, song lại không phức tạp bằng công đoạn ướp xác. Ông Đức đang nghiên cứu và thử nghiệm phương pháp ướp xác kết hợp cả Đông lẫn Tây. Dưới đáy hai hầm mộ ông đã đổ 4 tấn than đốt từ gỗ trai. Gỗ này rắn chẳng khác gì đá, dao bổ vào quằn lưỡi. Gỗ trai được cho vào hầm kín để đốt cháy từ từ. Than gỗ trai hút ẩm tốt, sinh cácbon vĩnh cửu và được người Trung Quốc thời xưa dùng phổ biến để ướp xác, trong quan tài phải được lót một lớp gạo nếp rang. Phía trên quan tài lại tiếp tục được phủ một lớp than nữa, trên cùng là lớp vôi bột. Nước từ thi thể chảy ra sẽ bị than, gạo rang, vôi bột hút sạch, khiến thi thể khô quắt lại.
Tất nhiên, để thi thể không bị phân hủy sẽ phải dùng một số loại hương liệu, hóa chất diệt trùng đặc biệt khác nữa để tẩm ướp. Những loại hương liệu, hóa chất đặc biệt này ông đã có nguồn mua từ Trung Quốc cả rồi. Ông Đức đang chuẩn bị sử dụng kỹ thuật ướp xác mà ông nghiên cứu để ướp thử xác thỏ, lợn hoặc chó. Nếu vài năm sau mà xác con vật khô quắt lại, không có dấu hiệu phân hủy thì ông sẽ sử dụng kỹ thuật này để ướp xác vợ chồng ông. Còn nếu không được như ý muốn thì lại phải tiếp tục nghiên cứu.
Quan tài mà ông Đức sẽ sử dụng gồm ba lớp, là loại gỗ trầm hoặc ngọc am, loại gỗ rất bền, thơm, diệt khuẩn tốt. Điểm mấu chốt là hầm mộ sẽ được xây bịt kín, đắp kiên cố và sử dụng kỹ thuật hiện đại để rút hết không khí.
Tôi hỏi ông Nguyễn Công Đức: “Việc xây mộ và ướp xác của ông có phải là cách chơi ngông?”. Ông bảo, kỹ thuật ướp xác là một kỳ công của con người và đó cũng là một phần của văn minh nhân loại. Ông muốn lưu giữ cho thế hệ sau một kỳ công về thuật xây lăng mộ và kỹ thuật ướp xác. Con người ông Đức cũng như những đại gia quan tâm đến chuyện xây mộ mà tôi từng gặp thật lạ, thật đặc biệt. Không biết rồi xác ướp của vợ chồng ông Nguyễn Công Đức có nằm trong hầm mộ hay lại nằm ở một nơi nào đó trong hệ thống hang động phức tạp, sâu cả ngàn mét trong lòng những dãy núi đá hùng vĩ nơi trang trại đặc biệt của ông?
Việc xây mộ cũng như dựng từ đường, xây đền, chùa, miếu, mạo là vấn đề tín ngưỡng đã ăn sâu vào gốc rễ đời sống cũng như văn hóa dân tộc bao đời nay là tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tông, tiền bối. Tuy nhiên, theo đa số ý kiến việc xây mộ quá tốn kém đất đai, tiền bạc trong bối cảnh đất nước còn nghèo là rất lãng phí.
(Còn nữa)