Họ đã yêu Việt Nam như thế!

13:27 15/02/2018
Những câu chuyện về Hà Nội đau thương và kiên cường đã in đậm trong tâm trí những người từng đi qua chiến tranh, để rồi sau 45 năm, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, một trưng bày với tựa đề “Tìm lại ký ức” đã giúp những người Hà Nội hồi tưởng về những năm tháng bom đạn Mỹ giội xuống Thủ đô yêu dấu…


Tham dự khai mạc trưng bày còn có những vị khách đến từ nửa bên kia bán cầu. Họ đã rơi nước mắt khi nhớ về khoảng thời gian mà chính họ hay người thân của họ tham gia cuộc chiến tại Việt Nam.

Từ tháng 8-1964 đến tháng 3-1973, một phần của Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) được dùng để tạm giam phi công Mỹ, trong đó có nhiều phi công bị bắt trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Bên trong bức tường đá “Hilton - Hà Nội” là cuộc sống thường ngày của phi công Mỹ: Bình yên và ấm áp tình người. Cũng chính từ đây, họ đã ngộ ra nhiều bài học về tự do, hòa bình, thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.

Các đại biểu dự lễ tiếp nhận hiện vật do gia đình phi công Walter Eugene Wilber trao tặng. 

Thomas Eugene Willber, con trai của cựu Đại tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber sống ở Bang Pennsylvanvia  (Hoa Kỳ) từng nhiều lần trở lại Việt Nam chỉ với mục đích: Tìm lại những ân nhân của cha mình trên dải đất hình chữ S qua những kỷ vật và những câu chuyện của cha khi trở về sau cuộc chiến tranh Việt Nam. 

Thomas cho biết, ông đã đến Việt Nam 14 lần và lần nào cũng mang lại cho Thomas những điều bất ngờ, thú vị: Gặp được ân nhân cứu sống cha, gặp được người đã chụp những bức ảnh của cha, nhìn thấy hình ảnh cha mình đang trưng bày tại Hỏa Lò... Câu chuyện về thời gian tham chiến tại Việt Nam của cha Thomas đã dần hiện ra trong ông từ những “mảnh ghép” đó.

Ngày 16-6-1968, chiếc máy bay F- 4J Phantom II (còn có biệt danh là “Con ma”) do Walter Eugene Wilber điều khiển nhận lệnh xuất kích từ tàu sân bay trên biển Thái Bình Dương, đi ném bom miền Bắc - Việt Nam theo mục tiêu đã được định trước. Máy bay bị quân và dân Đô Lương - Nghệ An bắn rơi, người bạn đồng hành Bernard Fracis Rupinsk đã tử vong, còn Walter được 3 thanh niên ở Thanh Chương cứu sống. Walter được di chuyển ra Hà Nội, được cứu chữa vết thương, sau đó đưa về trại giam phi công Mỹ.

Gần 5 năm sống trong các trại tạm giam, trong đó có Hỏa Lò, Walter đã nhận được sự đối xử nhân đạo từ những cán bộ công tác tại đây. Khi được nhà báo phỏng vấn, ông trả lời: “…Tôi không hề bị đánh đập hay bị đối xử tàn nhẫn như những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó…”. 

Walter còn viết khá nhiều thư gửi về cho vợ và các con, kể về cuộc sống và sức khỏe của mình. Ngày 12-2-1973, Trung tá Walter Eugene Wilber được trao trả về nước đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, những câu chuyện về cuộc sống của phi công Mỹ trong các trại tạm giam ở Hà Nội do Walter kể lại đã tạo ra những luồng ý kiến phản đối. 

Với những tình cảm yêu thương dành cho cha, Thomas Eugene Wilber, con trai thứ 2 của Walter đã nhiều lần sang Việt Nam, thực hiện ước nguyện của cha: Tìm gặp những người đã cứu sống cha và chứng minh những điều cha nói là sự thật. “Cuộc hành trình tri ân” của Thomas  bắt đầu từ cuối năm 2014.

Thomas đã quyết định tặng lại một số kỷ vật của cha cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Lần đầu tiên sang Việt Nam, Thomas đã tìm ngay đến Bảo tàng Quân khu IV ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An với một ít thông tin được cha kể lại và thông qua hồ sơ của Chính phủ Hoa Kỳ mà ông đã tìm kiếm. Thomas chỉ biết rằng: Máy bay do cha điều khiển bị bắn cháy trên bầu trời Đô Lương, ông đã phải nhảy dù xuống cánh đồng xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương. Ngoài ra, Thomas không có bất cứ một thông tin nào khác.

Điều may mắn đầu tiên đến với Thomas khi gặp được Đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng Quân khu IV, nhận sự giúp đỡ nhiệt tình từ những cán bộ ở đây. Qua tư liệu lưu trữ của bảo tàng, Thomas có thêm những dữ liệu quý: Đúng ngày 16-6-1968, tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có một máy bay F- 4J Phantom II mang số hiệu 155548 bị bắn cháy. Đó chính là kết quả trong chuyến đi đầu tiên của Thomas.

Hè năm 2015, sau khi nhận được một số thông tin xác định từ Đại tá Nguyễn Công Thành: Trên chiếc F-4 bị bắn rơi gồm 1 phi công điều khiển bị tử nạn tên Bernard Francis Rupinski, người còn lại bị bắt lúc vừa đáp dù xuống là Walter Eugene Wilber. Thomas nhanh chóng quay trở lại Việt Nam lần thứ 2. 

Tìm về Nghệ An lần này, Thomas đã gặp được ông Bùi Bác Văn, và câu chuyện cứu sống phi công Walter được chính người trong cuộc kể lại: “Ngày đó, tui 15 tuổi, anh Thu 17 tuổi, anh Mợi 20 tuổi (hiện ông Mợi đã mất) đang chuẩn bị tới trường xem số báo danh chuẩn bị thi vào cấp 3, bỗng nghe một tiếng nổ lớn trên bầu trời, ngước lên thấy một máy bay bốc cháy và đang xoay tròn lao xuống. Ngay lúc đó, mọi người nhìn thấy chiếc dù bung ra. Tôi cầm vội chiếc đòn gánh cùng ông Thu và ông Mợi lao tới”. 

Ba cậu học sinh đã nhanh chóng khống chế được viên phi công Mỹ, bàn giao cho huyện đội Thanh Chương, Nghệ An.

Khi trở về Mỹ, Thomas được ông Bùi Bác Văn trao lại một chiếc bình hoa đặc biệt, nó được làm từ 1 bộ phận của chiếc máy bay F-4 do Walter và Bernard điều khiển cách đây gần nửa thế kỷ. 

Đại tá Walter Eugene Wilber - lúc này đã yếu nhưng vô cùng xúc động khi được tận tay chạm vào chiếc bình hoa do con trai mang về từ Việt Nam. Khi Walter còn sống, chiếc bình được dùng để cắm hoa, đặt trang trọng giữa phòng khách của gia đình.

Ngay sau đó, một cuộc gặp qua màn hình điện thoại giữa ông Văn và cựu phi công Walter được kết nối. Ở phía bên kia bán cầu, ông Walter đã nói: Tất cả đã qua! Tôi và con trai Thomas muốn chọn mảnh đất Nghệ An là quê hương thứ 2. Nói rồi, Walter giơ hai bàn tay lên thay lời từ biệt. Bên này bán cầu, ông Văn đã không thể ngăn được dòng nước mắt… 

Ngày 8-7-2015, Walter đã mỉm cười trút hơi thở cuối cùng bên chiếc bình hoa. Trước khi mất, Walter dặn các con: Hãy cắm hoa vào chiếc bình và đặt trong lễ tang của ông.

Thomas trao lại cho cha, Đại tá Walter Eugene Wilber chiếc bình hoa, được ông Bùi Bác Văn làm từ mảnh máy bay F-4.

Lần thứ 8 sang Việt Nam vào tháng 5-2016, Thomas tìm đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Khi bước chân vào phòng trưng bày “Cuộc sống của phi công Mỹ tại Trại giam Hỏa Lò”, Thomas đã trào lên một cảm xúc đặc biệt, ông lặng người đi khi nhìn thấy bức ảnh người cha thân yêu đang giở một gói quà: 

“...Tôi đã bất ngờ và sửng sốt khi thấy những bức ảnh của cha tôi trong khu di tích. Đặc biệt, tôi đã rất kinh ngạc và xúc động khi nhìn vào bức ảnh cha tôi đang mở gói quà mà gia đình gửi sang, món quà mà tôi đã giúp mẹ đóng gói để gửi cho cha. Và rồi tôi cảm thấy một mối liên hệ vô hình với Hỏa Lò và cảm kích khi cha tôi đã được chăm sóc để trở về thật khỏe mạnh và vui vẻ. Bảy tháng sau, cha tôi bị bệnh và qua đời. Nhưng trước khi ông mất, tôi đã gọi điện cho ông khi đang đứng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, cùng chia sẻ những kỷ niệm với ông”. 

Thomas còn nhìn thấy bức ảnh cha mình đang xếp hàng tại Sân bay Gia Lâm, chuẩn bị lên máy bay trở về quê nhà vào sáng 12-2-1973.

Qua sự giới thiệu của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Thomas đã được gặp nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, người đã chụp những bức ảnh của cha; gặp Đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên trại trưởng và Đại tá Lưu Văn Hợp, nguyên cán bộ quản giáo của Trại giam phi công Mỹ ở Hỏa Lò, được nghe kể những câu chuyện về cha mình: “Phi công Wilber là một người “nhã nhặn, nhẹ nhàng và luôn chấp hành tốt các kỷ luật trại giam”. 

Thomas đặc biệt thích thú khi biết rằng cha mình còn có tên Việt Nam là Gene. Rồi ông còn được biết Wilber và một số phi công khác đã được cán bộ quản giáo dẫn đi thăm các địa danh tại Hà Nội như: Chùa Một Cột, Bệnh viện Bạch Mai… khi đó họ được mặc comple, thắt cà vạt trông như những “chuyên gia nước ngoài” sang thăm Việt Nam.

Trở về Mỹ lần này, Thomas đã quyết định tặng lại một số kỷ vật của cha cùng những tài liệu mà gia đình ông đã sưu tầm, cất giữ cẩn thận trong suốt gần nửa thế kỷ qua cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò. 

Đó là những đồ dùng cá nhân mà cha Thomas được cấp phát để sử dụng trong Trại giam Hỏa Lò, là những bài báo viết về Walter Eugene Wilber khi ông lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh của quân đội Mỹ ở Việt Nam, đó còn là những lá thư chan chứa yêu thương Walter viết từ Trại giam Hỏa Lò gửi về cho vợ và các con… với mong muốn những hiện vật của cha mình sẽ góp phần minh chứng cho chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam.

Tại lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức”, Thomas chia sẻ: “Chúng tôi đến đây không chỉ tìm lại ký ức, tìm lại quá khứ mà còn với mong muốn được hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, để từ đó nhân thêm những giá trị về lòng nhân ái, yêu thương và hòa bình”.

Khánh Hồng (cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò)

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文