Hội nghị gia đình phạm nhân Trại giam Xuân Lộc
Từ bất ngờ đến cảm động
Đó là những cảm xúc thực sự của hàng trăm thân nhân của các phạm nhân đang cải tạo tại Trại giam Xuân Lộc.
Ông Nguyễn Văn Sống, 71 tuổi và vợ là Nguyễn Thị Thanh, 64 tuổi, trú tại đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò vấp đứng giữa khu nhà nghỉ của phạm nhân xuýt xoa: Không thể chê điểm nào được, sạch quá, ngăn nắp quá, như công viên ấy… Bà vợ thì ngân ngấn nước mắt: Đảng, Nhà nước đối xử với phạm nhân thế này thì lòng tôi an tâm lắm.
Rồi họ kể cho chúng tôi về con đường phạm tội của con trai họ, phạm nhân Nguyễn Lâm Anh đang thụ án tại phân trại 3. Đang học Đại học Kinh tế, thấy gia đình khó khăn, lúc rảnh rỗi, Anh vác xe máy ra đầu đường Nguyễn Kiệm chạy xe ôm. Cũng từ việc mưu sinh, Anh đã giao du với một số thanh niên trong băng nhóm giang hồ do Nguyễn Văn Lâm cầm đầu.
Thời điểm này, băng của Lâm và băng Giang “điên" đang tranh giành địa bàn cho vay nặng lãi ở quận Gò vấp. 23h ngày 3/10/2000, anh cùng với 20 thanh niên do tên Nguyễn Văn Lâm cầm đầu mang theo 20 cây mã tấu, 3 ống sắt làm hung khí leo lên 12 xe gắn máy ầm ầm rú ga đi tìm băng Giang “điên" để thanh toán. Khi đến quán karaoke số 55 Hồ Văn Huê thì gặp băng Giang “điên” đang hát karaoke, cả nhóm xông vào dùng hung khí tấn công nhóm Giang “điên” làm náo loạn cả quán và nhiều tên bị thương.
Nhóm Giang “điên” bỏ chạy thì nhóm của Lâm nhẩy lên xe đuổi theo, đến đầu hẻm 95 đường Nguyễn Oanh, Gò Vấp cả hai băng nhóm lại gây ra một trận hỗn chiến bằng mã tấu làm nhiều người dân trong khu phố hoảng loạn, nhiều tên trong hai băng trọng thương, trong đó Nguyễn Cao Sơn trong nhóm Giang “điên” bị Anh chở một tên truy sát chém nhiều nhát vào người làm Sơn chết tại chỗ.
Sau vụ này, Nguyễn Chí Đại, Nguyễn Văn Lâm bị tử hình, Anh bị xử phạt 12 năm tù về tội "giết người" và thụ án tại Trại Xuân Lộc.
Ông Sống và bà Thanh đều là bộ đội, trong những năm chiến tranh ác liệt ông bà tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh, sau đó chuyển về Quân y Viện 175 công tác và nghỉ hưu. Thấy con mình hư hỏng ông bà rất đau lòng, nhưng nghĩ con ở tù là khổ lắm nên ông bà lại thương.
Suốt 6 năm nay, tháng nào cả hai ông bà cũng lụi cụi đi thăm nuôi Anh. Giờ tận mắt thấy nơi ăn, chốn ở của con thế này, ông bà mừng đến rơi nước mắt: Tuổi già sức yếu chúng tôi sẽ không đi thăm nó mãi được, thấy trại quan tâm phạm nhân thế này thì vợ chồng chúng tôi an tâm lắm rồi.
Các phạm nhân được thoải mái tiếp xúc với thân nhân tại Trại giam Xuân Lộc. |
Chúng tôi gặp Phan Thị Trúc (Trúc “mẫu hậu") vợ Trương Văn Cam đang tíu tít bên con trai và con dâu trong hội nghị phạm nhân, chúng tôi tranh thủ hỏi thăm. Ngày mới đến Trại Xuân Lộc, Trúc “mẫu hậu" bị suy sụp đến mức đi không nổi, trại phải phân phạm nhân dìu dắt, sau đó cán bộ trại liên tục động viên và tạo điều kiện cho gia đình lên thăm nuôi. Bây giờ Phan Thị Trúc đã khoẻ mạnh rất nhiều.
Phan Thị Trúc cảm động khoe với chúng tôi: ở trại, Trúc được cán bộ ưu tiên cho nghỉ ngơi không phải lao động. Trúc còn được trại cho đi chữa bệnh ở bệnh viện nên sức khoẻ của Trúc khoẻ lên rất nhiều. Từ chỗ đi không vững, bây giờ mỗi ngày, Trúc đi bộ quanh khuôn viên trại từ 6 đến 7 vòng, tinh thần đã thoải mái hơn rất nhiều.
Phan Thị Trúc còn cho biết tháng 1/2008 vừa qua, Trúc đã đóng đủ 2,9 tỷ đồng tiền thi hành án và tiền án phí hình sự, dân sự để mong được Nhà nước khoan hồng để Trúc sớm được về với con cháu.
Giống hàng trăm thân nhân khác, ông Nguyễn Văn Tiềm, ngụ tại quận 3, TP Hồ Chí Minh, là thân nhân của phạm nhân Bùi Thị Hoà đang thụ án tù chung thân về tội "Mua bán trái phép chất ma tuý" ở phân trại K4.
Sau khi mục sở thị nơi ăn ở, sinh hoạt của phạm nhân đã phải thốt lên trước hội nghị: quả là sự bất ngờ đến ngỡ ngàng đối với chúng tôi hôm nay, tôi có cảm giác bên trong nhà ở của phạm nhân thì ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, còn xung quanh thì giống một khu sinh thái, đâu đâu cũng có vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ… là thân nhân những phạm nhân, chúng tôi vô cùng cảm động và rất yên tâm động viên con em mình cải tạo thật tốt…
Hết mình cho công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân
Đại tá Nguyễn Trung Binh, Giám thị Trại Xuân Lộc cho biết, ngoài việc xây dựng nơi ăn, chốn ở khang trang, sạch sẽ, ngăn nắp cho phạm nhân thì trại còn đầu tư bạc tỷ cho việc lắp đặt hệ thống lò hơi cho bếp ăn phân trại 5 để đảm bảo việc ăn chín, uống sôi cho phạm nhân.
Trong tất cả các buồng giam của trại đều lắp đặt ti vi để phạm nhân xem, ngoài ra trại còn tổ chức sản xuất nước uống tinh khiết cung cấp miễn phí cho mỗi phạm nhân 2 lít/ngày… để phạm nhân có được quyền lợi đó, cán bộ trại đã tốn không ít mồ hôi và công sức.
Đấy mới là bề nổi, còn mỗi năm trại có hàng trăm phạm nhân được giảm án tha tù trước thời hạn, hàng trăm phạm nhân khác được đặc xá tha tù cùng với sự tiến bộ của phạm nhân thì không phải ai cũng nhìn thấy hết.
Tại hội nghị, đồng chí Đại tá Hồ Thanh Đình, Cục phó Cục Quản lý và cải tạo phạm nhân cho biết: Công tác giáo dục con người đã khó, công tác giáo dục lại đối với phạm nhân càng khó khăn hơn.
Nhiều năm qua, lực lượng Công an nói chung và trại giam nói riêng đã có rất nhiều cố gắng chăm lo cho công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân. Khó khăn gian khổ và kể cả sự hy sinh không thể kể hết, vì thế phạm nhân mới được hưởng nhiều quyền lợi như ngày hôm nay.
Thời gian qua, nhiều Đoàn Quốc tế đi thăm quan các trại giam của Việt
Đại tá Hồ Thanh Đình còn cho biết, bên cạnh những gia đình làm rất tốt công tác động viên, giáo dục con em mình tập trung cải tạo tốt thì cũng có nhiều gia đình nuông chiều con em mình, tiếp tay cho phạm nhân vi phạm pháp luật ngay trong trại như: bằng mọi thủ đoạn để mang ma tuý vào trong trại tiếp cho con em mình.
Có gia đình khi con ốm đau nặng, trại giam tạo điều kiện làm các thủ tục cho phạm nhân về gia đình chữa bệnh, nhưng khi trại đưa phạm nhân về nhà giao cho gia đình thì gia đình không nhận. Cũng từ sự nuông chiều của gia đình mà nhiều phạm nhân luôn vi phạm nội quy trại giam, chính điều đó sẽ thiệt thòi về việc xét giảm án và đặc xá đối với phạm nhân.
Đại tá Hồ Thanh Đình nhấn mạnh, phạm nhân muốn cải tạo tốt cần phải có sự kết hợp tốt và chặt chẽ giữa Trại giam, gia đình và các tổ chức xã hội