Hướng Dương và thư viện “ánh sáng” dành cho người mù

07:40 24/04/2005
Cô đã vận động được một vài doanh nghiệp, một số nhà hảo tâm giúp đỡ thư viện sách nói. Nhiều người biết chuyện cũng tự tìm đến để ủng hộ, có khi chỉ là một cuộn băng hoặc vài nghìn nhịn quà sáng của một cậu học sinh.

Cha mẹ cô quen nhau khi họ cùng hoạt động trong những ngày tháng hừng hực đấu tranh của sinh viên học sinh Sài Gòn. Năm 1971, cô được sinh ra, những ngày ấy, bài hát “Tự nguyện” của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh đã đi vào trái tim của hàng vạn thanh niên yêu nước, trong đó có ba mẹ của cô: “Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương...”, thế là tên của cô được đặt như mong ước của ba mẹ - Nguyễn Hướng Dương.

Tốt nghiệp Khoa tiếng Nga Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM nhưng... thất nghiệp, Hướng Dương chuyển sang học Khoa Du lịch Trường Du lịch, ra trường cô tập sự tại Công ty Du lịch Sài Gòn. Năm 1995, trên đường từ chợ Ga trở về nhà, khi băng qua đường ray thì xe vấp phải đá, cô ngã sóng soài, vừa lúc đó đoàn tàu hú còi lao đến...

Tỉnh lại trong bệnh viện, Hướng Dương đã khóc thét kinh hoàng khi nhìn xuống đôi chân mình, chỉ còn lại hai bó bột trắng cụt ngủn.

Một ngày trên giường bệnh cô nhận được từ tay mẹ cuốn sách của một thiền sư viết về thuyết luân hồi. Tư tưởng của nhà Phật tự nhiên “thấm” vào người con gái tật nguyền đang tuyệt vọng qua những trang giáo lý. Rồi cô nhờ mẹ tìm và mua cho cô những cuốn sách của nhiều vị cao tăng và thiền sư khác từ khắp nơi trên thế giới.

Một góc thư viện sách nói.

Sau cái gật đầu quả quyết của Hướng Dương, gia đình đã đưa cô xuống Cần Thơ để lắp chân giả. Đôi chân sau nhiều ngày im lìm đột nhiên có cảm giác đau buốt. Những ngày đầu tập đi, đau đớn làm cô lịm đi nhưng không dập tắt nổi ý nguyện phải bước đi trên đôi chân của mình chứ không phải đi bằng đôi chân... của mẹ. Những bước đi của Hướng Dương tuy còn xiêu vẹo nhưng đầy tự tin.

Sống cho người khiếm thị

Sau khi đã có thể đi lại được, Hướng Dương được các anh chị làm trong Đài Phát thanh Tp. HCM chủ động mời về cộng tác. Trước khi gặp tai nạn, Hướng Dương đã có thời gian làm cộng tác viên phát thanh cho một chương trình thiếu nhi. Chất giọng ngọt ngào của Hướng Dương được các cô cậu bé mê như “kẹo”, cô không biết rằng “mê” cô nhất lại là những cô cậu chưa một lần được nhìn thấy ánh mặt trời.

Anh Lê Bạch Việt, một người thầy khiếm thị, hiện là giáo viên Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu Tp. HCM, bạn của Hướng Dương đã từng có ý định mời Hướng Dương đến thăm trường trong những ngày cô tuyệt vọng để chính cô thấy được sự hồn nhiên của những đứa trẻ bất hạnh, nhưng lại không dám. Khi gặp lại Hướng Dương với tiếng cười rạng rỡ sau những bước đi đầu tiên, anh đã nói với cô: “Em đã mất đi đôi chân nhưng vẫn còn hạnh phúc vì còn đôi mắt... Em hạnh phúc hơn nhiều so với anh và bao người đang phải sống trong bóng tối”.

Cô xin được đến Trường Nguyễn Đình Chiểu sau nhiều đêm thao thức vì câu nói của thầy Việt. Ở đây, cô đã gặp một thế giới khác, một thế giới mà cô chỉ có thể cảm nhận từ số phận “bi kịch” của đời mình. Nghe tiếng cô, nhiều đứa trẻ nhận ngay ra là chị Hướng Dương vẫn đọc trên Đài Phát thanh trong chương trình thiếu nhi. Rồi chúng tíu tít đòi cô kể chuyện cổ tích, Hướng Dương đã không thể từ chối trước những hốc mắt khô trắng hướng về phía cô.

Nghe thầy Bạch Việt kể rằng, ở Thái Lan đã có một loại hình sách nói dành cho người mù (talking books) mà ở Việt Nam chưa hề có. Tại sao mình không làm? Câu hỏi ấy đã theo Hướng Dương hơn một tháng trời trước khi cô chủ động đi gặp các cô trong Hội Phụ nữ từ thiện Tp. HCM. Sau khi nghe Hướng Dương trình bày, mấy cô trong Ban chấp hành không ngần ngại gật đầu, nhưng vì hội hoạt động bằng rất nhiều chương trình nên chỉ có thể giúp đỡ về... tư cách pháp nhân còn mọi việc cô phải tự xoay sở.

Thư viện sách nói ra đời năm 1998. Mới đầu chỉ là một cái máy cátxét cũ rích, rồi sau đó được nâng cấp nhờ một cụ già nhân ái, trước khi qua đời, đã dặn con cháu làm đám tang đơn giản để dành tiền giúp Hướng Dương có được một máy ghi âm chuyên nghiệp. Thời gian đầu, một mình Hướng Dương tự tay xoay sở để “nuôi” cái phòng thu, tự cô lựa truyện, tự ghi âm rồi lang thang đi gõ cửa các doanh nghiệp xin kinh phí để phòng thu hoạt động. Mỗi năm 150 triệu đồng chứ đâu có ít.--PageBreak--

Nghe Hướng Dương một mình làm thư viện sách nói dành cho người mù, mấy anh chị Đức Uy, Kim Phượng ở Đài Phát thanh Tp. HCM đã gặp để xin làm... cộng tác viên không thù lao. Rồi cứ thế, nhiều anh chị ở Đài Phát thanh, Đài Truyền hình Tp. HCM, như Ngô Hồng, Mạnh Linh, Trung Nghị, Đỗ Thụy, Ngọc Hân… cũng đến cộng tác. Và cả những phát thanh viên không chuyên nhưng giàu lòng nhân ái làm các nghề khác như kỹ sư hóa, điện thoại viên của tổng đài taxi cũng hăng hái tham gia góp sức...

Nay thư viện sách nơi dành cho người mù đã hoàn thành với trên 3.000 đầu sách. Mới đầu chỉ là "Những tâm hồn cao thượng", "Truyện cổ tích Tấm Cám", "Truyện cổ Grim", "Không gia đình", những truyện thiếu nhi để phục vụ các cô cậu bé học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu, bây giờ, thư viện có cả những "Nghìn lẻ một đêm", tài liệu ôn thi đại học dành cho sinh viên khiếm thị dài hàng chục tiếng đồng hồ.

Hiện tại, Hướng Dương đang đọc tài liệu ôn thi đại học môn văn dày đến 678 trang. Cô tươi tỉnh: “Đã được gần 500 trang rồi, chỉ còn mấy ngày nữa là tụi trẻ sẽ có thêm một tài liệu để ôn thi”.

Trong danh sách những hội, những trường của người khiếm thị có cả những trường, những hội ở tận miền Trung, miền Bắc xa xôi. 7 năm, và những cuộn băng cứ đi mãi, gieo những ước mơ, những cuộc sống mới cho những số phận không may mắn. 7 năm Hướng Dương sống rất hạnh phúc bởi đã mang lại niềm vui và kiến thức cho các em.

Vào thư viện của Trường Khiếm thính Nguyễn Đình Chiểu hiện nay, sẽ gặp cả một cuộc sống âm thanh, tiếng lá, tiếng gió, tiếng khóc, tiếng trẻ nhỏ đến tiếng ầu ơ của những người mẹ. Sẽ thấy những mái đầu yên lặng, chìm trong một thế giới chỉ có âm thanh và sự tưởng tượng, đôi lúc sẽ nghe thấy tiếng thì thầm, rất nhỏ của những cô cậu bé trong khuôn mặt bừng sáng...

Phải một lần gặp người phụ nữ này mới thấy hết được nghị lực tiềm tàng trong mỗi con người. Cô bảo rằng mình đang đi vận động để quyên góp gậy dẫn đường cho hàng ngàn trẻ em khiếm thị, cuộc sống của cô bây giờ đã dành hết cho những đứa trẻ ấy. Hướng Dương thổ lộ rằng, nếu chỉ một mình cô thì thư viện sách nói khó có thể hoạt động tới ngày hôm nay.

Hướng Dương là một trong những người được đề cử nhận huy chương 30 năm vì sự nghiệp phát triển Tp. Hồ Chí Minh

Thuận Thiên

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文