60 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam:

Kể chuyện làm phim “Việt Nam” của Roman Karmen

09:05 18/03/2013
Gần 10 năm trước, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, người dân Việt Nam đã được tái ngộ những thước phim vô cùng quí giá của bộ phim tài liệu nghệ thuật “Việt Nam” của đạo diễn: Roman Karmen, nhà quay phim tài liệu - thời sự kiệt xuất của Liên Xô.

Gói gọn trong 70 phút phim, mà R. Karmen đã rất tài tình khi giới thiệu về Việt Nam, một đất nước văn hiến với những con người kiên cường, bất khuất. Cho đến nay, bộ phim vẫn còn nguyên giá trị, cả về nội dung lẫn hình thức, với những hình ảnh vô cùng quí báu của Việt Nam một thời, cho thấy tầm vóc anh hùng của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên phủ. (Nhiều người đã được xem bộ phim này, nhưng là bản đen trắng với cái tên "Việt Nam trên đường thắng lợi").

Cùng với các nhà làm phim người Nga, bộ phim còn có các nhà làm phim Việt Nam phối hợp thực hiện: Mai Lộc, Hồng Nghi, Quang Huy, Tiến Lợi và nhà văn Nguyễn Đình Thi với vai trò cố vấn văn học. Cho đến nay, hầu hết những người tham gia vào bộ phim đều đã mất.

Nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi, cho biết: Trong số những người cùng với các nghệ sĩ người Nga rong ruổi nhiều tháng trời ở nhiều miền đất nước, góp phần làm nên bộ phim lịch sử này, có NSND Nguyễn Khắc Lợi, khi đó là phụ quay của một nhóm. Chúng tôi đã tìm đến đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi, ông đã ở tuổi 82, nhưng người đạo diễn vốn đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho điện ảnh CAND, một nhân chứng quan trọng của bộ phim “Việt Nam” vẫn rất minh mẫn, khi cùng chúng tôi ngược dòng ký ức.

Theo lời NSND Nguyễn Khắc Lợi, năm 1954, R. Karmen và đoàn làm phim Liên Xô đã đến Việt Nam, giúp Việt Nam ghi lại những giờ phút hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, tái hiện một giai đoạn lịch sử của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã yêu cầu các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà làm phim người Nga. Họ chia làm 3 nhóm, trước khi hội tụ về Hà Nội quay cảnh đại quân ta tiếp quản Thủ đô: R. Karmen làm phim ở chiến khu Việt Bắc, gặp gỡ và quay cảnh về các lãnh tụ Việt Nam. Nhóm do ông Isurin phụ trách, chuyên về cuộc sống của nhân dân Việt Nam, đến Nghệ An, còn nhóm của Mukhin, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi và quay phim phụ Nguyễn Khắc Lợi, chuyên quay về quân sự, lên Điện Biên và nhiều tỉnh khác.

Chặng đường từ Thái Nguyên lên Sơn La vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhóm chủ yếu đi ban đêm để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Giao thông bị phá hủy, nên hầu như mọi người phải đi bộ.

Cảnh trong phim “Việt Nam” của Roman Karmen.

Dẫu đã gặt hái không ít thành công trong điện ảnh, từng được thưởng thức nhiều bộ phim tài liệu của các nước, mà NSND Nguyễn Khắc Lợi vẫn phải ngưỡng mộ trước cách làm phim đầy sáng tạo của R. Karmen: Dù là phim tài liệu, nhưng không phải cảnh nào cũng thật, mà được dàn dựng. Nhưng quan trọng là, cách dàn cảnh và xử lý giữa các cảnh thật - giả của ông rất tài tình, để khán giả xem và tin. Đó là những cảnh quay mà đến hôm nay, vẫn khiến mọi người xúc động, như trận chiến giữa ta và địch ở Điện Biên Phủ, cảnh kéo pháo, cảnh quân ta mang máy móc rời Thủ đô đi kháng chiến v.v…

Để có những thước phim quí giá này, không chỉ những người làm phim vất vả, gian truân, mà những người lính tham gia cũng phải chịu hy sinh. Cảnh bộ đội ta kéo pháo ở Điện Biên trong phim, được R. Karmen cho dàn dựng và quay tại Tuyên Quang. NSND Nguyễn Khắc Lợi nhớ lại: Để lột tả cảnh bộ đội ta kéo pháo lên Điện Biên vất vả, lại giữa làn bom đạn của kẻ thù, Mukhin bố trí bên cạnh đoàn quân một số người lính trú sau bụi cây làm nhiệm vụ ném thủ pháo. Khi bộ đội đã kéo pháo, phim đã quay, mà thủ pháo vẫn không nổ.

Thì ra, khi đó chưa có kíp điện tử, phải dùng dây cháy chậm, nên lẽ ra phải đốt dây rồi mới ném, nhưng mấy anh lính chưa đốt đã vội ném. Sau 2 lần, Trung đội trưởng liền bảo mấy cậu lính ra để mình làm thay. Anh rút bật lửa, đốt dây cháy chậm, không ngờ, dây cháy chậm cắt quá ngắn, nên đã nổ ngay khi anh chưa kịp ném, khiến cả đống thủ pháo trước mặt cùng nổ tung. Người Trung đội trưởng đã hy sinh cho những thước phim quý giá…

Tháng 10/1954, trước khi ta tiếp quản Thủ đô vài ngày, cả 3 nhóm làm phim “Việt Nam” đều kéo về Hà Nội. NSND Nguyễn Khắc Lợi tự hào: Về Hà Nội sớm, nên nhóm của Mukhin may mắn ghi lại được hình ảnh quân đội Pháp rút khỏi Thủ đô ở cầu Long Biên, nơi có một đoàn quốc tế giám sát. Hình ảnh này hơn mọi lời bình về sự thảm bại của Pháp.

Bộ phim “Việt Nam” có lẽ là duy nhất đã ghi lại được những khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội năm 1954.

Ở Nghệ An, để có cảnh quay một con hổ sống, các lãnh đạo địa phương rất bối rối. Nhưng Isurin nói rằng: Các anh cần tin vào nhân dân, họ sẽ làm được điều đó. Thế mà đúng. Những người dân báo tin có hổ về, rồi tổ chức vây chặt con hổ trên đồi, cắm nứa vót nhọn xung quanh, để con hổ phải nằm im chịu trận. Đợi 2 ngày sau, khi con hổ khát nước, người dân lại mở một lối nhỏ để con hổ xuống suối uống nước. Cảnh quay con hổ đắt giá trong phim đã được chính những người dân “dàn dựng” như thế.

Tài tình của R. Karmen là đã đan xen giữa cảnh thật với cảnh dựng, nhưng đều dựa trên sự thật lịch sử: Cảnh bắt sống tướng Đờ-cát được dựng lại ở núi rừng Tuyên Quang, nhưng đi kèm đó là cảnh quân Pháp kéo cờ hàng ở Điện Biên phủ là phim tư liệu thật. Hình ảnh đầy ý nghĩa của đoàn tù binh Pháp được R. Karmen bố trí quay ở khu vực Trại giam Lý Bá Sơ (Tuyên Quang), nhưng cái thật chính là hàng dài tù binh với cận cảnh những gương mặt vô hồn vì khiếp đảm. Và đó là câu trả lời đanh thép mà R. Karmen đưa ra: Họ chiến đấu không có lý tưởng, vì chỉ là những người lính đánh thuê cho một cuộc chiến phi nghĩa.

NSND Nguyễn Khắc Lợi.

Nhớ về những ngày đầu tiên bước chân vào điện ảnh, đã được làm việc cùng những nghệ sĩ danh tiếng của nước ngoài, NSND Nguyễn Khắc Lợi chia sẻ: Điều mà tôi quan sát và học được từ R. Karmen qua chuyến làm phim “Việt Nam” chính là phải tôn trọng sự thật và phản ánh tất cả những gì sự thật có. Nếu được phép hư cấu, cũng vẫn phải dựa trên nền sự thật, mới có sức thuyết phục để khán giả tin vào tác phẩm.

Ông cho quay dựa trên ý đồ có sẵn, nhưng điều rất quan trọng là việc dựng phim đã nêu bật được ý đồ của tác giả. Về sau, tôi học và làm về phim truyện, nhưng tôi vẫn ấn tượng về cách làm phim của R. Karmen, nên phim của tôi thường không theo bố cục, từ cái nọ sang cái kia, mà làm như đời thực, để khán giả thấy cuộc sống trong tác phẩm chứ không phải là bố cục. Và tính nghệ thuật, tính chân thực, giàu sức biểu cảm mà tôi ấn tượng ở phim, còn là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam cuộn bay trước khi xòe tung ở ngay phút mở đầu bộ phim - sự sáng tạo rất Roman Karmen!

Thanh Hằng

Xem xét đề xuất chính thức của Việt Nam, ngày 8/5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần rất quan trọng để đánh giá, công nhận quy chế kinh tế thị trường (KTTT) đối với Việt Nam trong thời gian tới. Lợi dụng vào sự kiện này, một số chính khách, học giả thiếu thiện chí và không ít phần tử cơ hội, chống đối, phản động đã tung ra nhận định, đánh giá thiếu khách quan, thậm chí lôi kéo, xuyên tạc vấn đề này để chống phá Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/5 đã tới Berlin, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức kéo dài 3 ngày trong nỗ lực thể hiện sự đoàn kết giữa 2 cường quốc đóng vai trò dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) căng thẳng vào tháng tới.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết tin báo tố giác tội phạm của anh Nguyễn Văn C., là phóng viên Thời báo VTV - Đài Truyền hình Việt Nam và anh Mai Huy M., là phóng viên báo VNEXPRESS về việc: Ngày 23/4/2024, tại hiện trường đám cháy ở thôn Việt Yên, Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, anh C. và anh M. đang tác nghiệp thì bị ba đối tượng nam dùng chân tay không đánh gây thương tích.

Ngày 26/5, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đang phối hợp với Công an thị xã Chơn Thành khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 2 công nhân tử vong.

Những "ông sao khiếm thính" có thể khiến bạn nghĩ đến một khiếm khuyết của cơ thể nhưng thực tế, những "ông sao" của showbiz Việt có khi còn thính tai hơn bất kỳ ai. Nhưng, họ chủ động "khiếm thính" vì sự kiêu ngạo ngông cuồng của chính mình theo kiểu "mục hạ vô nhân". Chính vì thế, thay vì được quý mến như những ngôi sao, họ đã bị cộng đồng gọi là "ông sao" hoặc "sao sao".

Việc xây dựng mô hình “Xã không có tội phạm ma túy” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, kiên quyết không để phát sinh tình hình phức tạp, điểm nóng liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy.

Người Toraja là một tộc miền núi đảo Sulawesi, Indonesia. Về nguồn gốc, có quan điểm cho rằng tổ tiên họ vốn là một chủ nhân của văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam đã thiên di bằng đường biển tới vùng đảo cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文