Khe Sanh sau thời đỏ lửa

09:37 11/02/2018
Thị trấn Khe Sanh của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã từng là một chiến trường vô cùng ác liệt ngoài sức tưởng tượng của con người. Nhưng bây giờ miền đất ấy đã trở thành một miền quê yên bình, đẹp như trong tranh với ký ức trải nghiệm, chinh phục những cung đường hiểm trở. Nơi ấy, con người và cảnh vật như níu kéo, gọi mời từng bước chân du khách.

Mảnh đất này, tôi vẫn thường nghe mấy người lính kể chuyện về chiến trường, về những trận đánh dữ dội của hai bên, về những tên đất, tên làng, những mặt trận đã trở thành lịch sử của một quê hương lầm than tao loạn nhiều ngày tháng, của một đất nước mà vận mệnh luôn thử thách. Ký ức về chiến trường Khe Sanh qua từng câu chuyện rời rạc nhưng luôn có chung một tâm lý. Đáng sợ, khủng khiếp! Một vùng đất chết.

Nghĩ về Khe Sanh, nhiều người chắc vẫn còn nhớ như in khuôn mặt thất thần của người lính trẻ năm ấy khi ngồi trong căn cứ tan hoang mà nghệ sỹ ảnh chiến trường Đoàn Công Tính đã ghi lại. Ám ảnh nhất là đoạn người ta kể về những đôi giày Bosdeshaut nằm lăn lóc bên đường khi tàn quân Việt Nam Cộng hòa tháo chạy bỏ lại, loại giày trận làm bằng da cực tốt, có tấm thép lót dưới lòng bàn chân để chống lại các loại chông trải qua nắng mưa cũng chẳng hề hấn hay hư cũ. Tiện tay người ta nhặt lên để đem về dùng lại, ngờ đâu khi đổ ra trong ấy còn sót những lóng xương bàn chân của người chết trận. Là những bức ảnh kể về những chiếc nón sắt méo mó, vỡ toác và lỗ chỗ vết đạn…

Tượng đài chiến thắng Khe Sanh là minh chứng của một thời lửa đạn.

Bây giờ, ngồi bên ly cà phê bên tượng đài Khe Sanh trong một buổi sáng mờ sương ngày cuối năm, nơi cách đây đúng 50 năm đã là vùng đất vùng trời đỏ lửa càng khiến đất trời Trường Sơn thêm chút mờ ảo. Trời đông rét lạnh ở ngay thị trấn vùng cao êm đềm bây giờ càng khiến nhiều người nhớ lại những ngày tháng chiến tranh ác liệt trước đó. Bây giờ vùng đất này đã thực sự yên bình. Chim ríu rít đón một bình minh ửng nắng. Xa xa, những dải mây trắng và khói đá chùng chình, quấn quýt núi rừng.

Ngồi giữa trai thanh gái lịch, giữa những nền nã thị dân miền núi đã bước qua ngưỡng khởi động của đời sống để bừng thức một tương lai không còn cảnh đói cơm lạt muối, không còn chiến tranh loạn lạc với bom rơi đạn nổ và những chết chóc từng giờ nữa. Vùng đất này bây giờ bừng thức một niềm tin rời xa khó nghèo để vươn vai giàu đẹp và bản sắc. Tiếng nói người dân sơn cước nghe nhẹ và thanh. Chợt lẫn trong giai điệu du dương âm sắc vùng miền đặc trưng ấy là giọng thô mộc quen thuộc của một cô bé người Tà Ôi khe khẽ hát. Có chút vui vui không tên len lỏi vào đâu đó lòng người.

Đường lên Khe Sanh cũng lên dốc xuống thung, cũng quanh co uốn lượn, đây đó rời rạc vài xóm nhà của những đồng bào Pa Kô, Tà Ôi, Tà Hy, Vân Kiều…v.v… Một không gian yên bình gần như tuyệt đối, một tĩnh lặng vô nhiễm ước ao riêng dành cho ai đã mỏi mệt lấn chen giữa cuộc xô bồ.

Những địa danh vang dội một thời. Khe Sanh, Làng Vây, Lao Bảo… bây giờ vẫn lẩn khuất hai bên đường những lều chợ rất “bản địa” của người Vân Kiều, năm bảy túp lều tranh tre tạm bợ vá víu bên đường, bày bán các loại sản vật địa phương. Những trái mít căng tròn ngon mắt, những trái thơm chín vàng làm tứa nước miếng chân răng, những búp măng núi bụ bẫm, rồi khoai, rồi sắn.

Thị trấn Khe Sanh tạo một điểm nhấn là tượng đài Khe Sanh tọa lạc ngay cửa ngõ dẫn vào một khu phố xá đã rậm rịch hiện đại kiểu vùng cao. Phố có dốc dài, hai bên đường đầy đủ những cửa hàng sang trọng cung cấp nhu cầu thị trường cho một bộ phận dân chúng tương đối khá giả và sung túc. Dễ hiểu thôi. Đây dứt khoát là điểm tập trung, trung chuyển hàng hóa xuất nhập qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, từ đó kéo theo những dịch vụ giải quyết công ăn việc làm cho đại bộ phận lao động địa phương.

Đi hết thị trấn, chúng tôi thấy một ngôi thánh đường của đạo Thiên Chúa nằm ngay chân dốc ở cuối phố. Khiêm tốn về quy mô xây dựng nhưng rất đẹp về kiến trúc, cho ta nhận ra sự an bình trong tâm thế của người dân sở tại. Những xe máy đắt tiền chạy đan xen trên đường, nhiều cô gái trẻ trang phục rất đẹp mắt, sang trọng và thời thượng.

Khe Sanh hôm nay đã thật sự lột xác, xóa nhòa ký ức khủng khiếp một thời trong nhớ nghĩ của con người, lớp trẻ hôm nay chẳng thể nào hình dung nổi, nơi họ sinh ra, nơi họ đang sống từng là một ám ảnh nặng nề, dữ dội mà sức tưởng tượng của con người đành bất lực.

Món “lạp bò” được cho là đặc sản Khe Sanh mà chàng trai quê Khe Sanh chiêu đãi chúng tôi trong một buổi chiều gặp gỡ ngắn ngủi xem như kỷ niệm nhỏ, nhưng đáng yêu giữa những người chẳng hiểu vì sao lại lẩn thẩn vơ vào tội nợ văn chương chữ nghĩa mải rong ruổi đi tìm vẻ đẹp của đất nước quê hương.

Minh Ngọc - Đức Dũng

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文