Kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Đoàn Văn Cừ
Lễ kỷ niệm thêm một lần ghi nhận những đóng góp của thi sĩ họ Đoàn với văn đàn Việt Nam với những lời tôn quí dành cho ông: “nhà thơ thôn ca của chúng ta”, “người lưu giữ hồn quê”… Xuất hiện trong Phong trào Thơ mới, Đoàn Văn Cừ chủ trương lối thơ hiện thực. Những bài thơ chuyên về đề tài nông thôn, thấm đẫm tình yêu đất nước, con người, vừa hồn hậu, vừa chân thành, chân chất mộc mạc, ngậm ngùi hoài cổ nhưng cũng đủ để độc giả nhiều thế hệ yêu mến, kính trọng. Vẫn là tả nhưng với cái nhìn ảo về một việc thực, cho người đọc tiếp nhận một triết lý về năm tháng đời người rất trực giác.
Bút pháp tả thực của Đoàn Văn Cừ kết hợp với sự quan sát tinh tế, sắc sảo lại hóm hỉnh của ông đã được các nhà phê bình Đinh Thành, Vũ Ngọc Phan, Kiều Thanh Quế đánh giá cao. Mạch bút của thi ca ông góp phần làm giàu văn mạch thi ca dân tộc. 2 nhà phê bình lừng danh Hoài Thanh –Hoài Chân từng ca ngợi: “Những hình ảnh cuộc đời Việt Nam xưa còn lưu lại trong thời nay chẳng bao lâu sẽ mất hết. Nếu ta không gấp gấp ghi chép lấy thì rồi chẳng biết tìm kiếm vào đâu. Phải có thơ.
Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào và rực rỡ như Đoàn Văn Cừ. Cái sống động, cái dồi dào mà rực rỡ sắc màu là nét riêng làm nên thơ Đoàn Văn Cừ”. Ông thuộc lớp trí thức hiền lành, khiêm tốn vào bậc nhất. Bởi vậy, “Thi nhân Việt Nam” giới thiệu ông đã phải có lời chú: “Khi quyển sách này đưa in, chúng tôi vẫn chưa biết gì thêm về ông Đoàn Văn Cừ tuy đã hỏi rất nhiều người. Ông ở đâu, làm ơn cho chúng tôi biết”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và các đại biểu dâng hương tưởng niệm nhà thơ Đoàn Văn Cừ. |
Tại lễ kỷ niệm, nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ: “Thơ Đoàn Văn Cừ có thể góp vào việc nghiên cứu nông thôn với tư cách là những tư liệu tin cậy. Tình cảm trong thơ Đoàn Văn Cừ luôn vươn tới khoảng rộng truyền thống của tình tự dân tộc. Những gì ông lưu giữ và trao lại cho chúng ta là những gia bảo ngày càng quí hiếm. Thơ ông đã là bảo tàng tâm hồn của mọi người Việt nặng lòng hồi cố, nhớ quê, thương lại cội nguồn”...
Từ những kỷ niệm cuối cùng với thi sĩ họ Đoàn, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu chia sẻ: Bằng ngòi bút tả chân cụ thể đến từng đường nét chi tiết, Đoàn Văn Cừ đã vẽ lên bức tranh lớn của làng quê Việt Nam. Đọc thơ Đoàn Văn Cừ, người đọc hình dung rất rõ một phiên chợ Tết, một đám rước hội, một đám cưới và những cảnh ngộ, tập quán của làng quê, người quê. Ông suốt đời trung thành với bút pháp tả chân và có một chỗ đứng riêng không thể thay thế trong lòng bạn đọc. Ông là thi sĩ vẽ tranh bằng thơ…
Điều được các nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình ghi nhận ở Đoàn Văn Cừ chính là tính đích thực thể hiện ở linh hồn của cảnh trong thơ và bút pháp chi tiết hóa và sự giản dị, điều mà các nhà thơ trẻ đương đại cần học, như tác giả Đặng Hiển nhấn mạnh. Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng kiến nghị: “Ai bây giờ đang chủ trương “khó hiểu mới là thơ”, nên ngẫm nghĩ về những câu thơ dễ hiểu và không dễ làm của Đoàn Văn Cừ mà luận ra ưu thế bút pháp cho tư duy hiện đại.”
Kỹ thuật viết coi trọng sự quan sát trực giác, một lối thơ nói bằng sắc màu, hình ảnh và tạo ấn tượng mạnh về thị giá, là yếu tố nổi bật trong phong cách thơ Đoàn Văn Cừ. Viết từ sâu thẳm của văn hóa truyền thống, thi ca của Đoàn Văn Cừ lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống, bởi vậy, ông vẫn mãi là một gương mặt độc đáo của thơ Việt Nam hiện đại.
Tại buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh đề nghị TP Hà Nội và Nam Định nên chọn một đường phố và ngôi trường để đặt tên Đoàn Văn Cừ - một nhà thơ, một chiến sĩ cách mạng. Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức sưu tầm hiện vật về nhà thơ Đoàn Văn Cừ và đã lập một khu trưng bày riêng về ông tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, vì thế, Hội kêu gọi bạn đọc, gia đình và bạn bè thi sĩ Đoàn Văn Cừ có tư liệu, di cảo liên quan đến ông, hãy đóng góp để Bảo tàng hoàn thiện phòng trưng bày về ông.
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ (25/11/1913 – 27/6/2004) quê ở thôn Đô Đò, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân. Trước Cách mạng tháng Tám, Đoàn Văn Cừ dạy học. Năm 1936, ông tham gia phong trào công nhân Nhà máy sợi Nam Định. Năm 1946, ông tham gia Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định. Ông sáng tác với nhiều bút danh: Kẻ Sỹ, Cư Sỹ Nam Hà, Cư Sỹ Sông Ngọc. Hơn 6 thập kỷ cầm bút, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã để lại 9 tập thơ, văn. |