Kỳ tích trồng rừng của một người khiếm thị
Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, gia đình đông anh em nên không có điều kiện chữa bệnh, nỗi dằn vặt ngày một cắn rứt, nhất là khi ông không thể tự mình đi lại, gặp vật cản là ông đã ngã dúi.
Bố ông Bế từng tham gia cách mạng nên việc ông Bế và hai người em của ông đều bị mù, nhiều người cho đó là di chứng của chiến tranh. Đến tuổi lập gia đình rồi sinh con, cũng không ai nghĩ rằng người mù như ông có thể làm được một công việc gì.
Không chấp nhận nghèo đói, ông cùng vợ bàn nhau trồng rừng. Quyết định của ông khiến nhiều người ngạc nhiên bởi ông đi còn chẳng nổi huống chi là trồng rừng. Những ngày vợ chồng chung sức khai hoang với ông vẫn là một cơn ác mộng: “Hồi đó tui bắt tay trồng rừng ai cũng cho đó là quyết định điên rồ. Nhưng việc gì đã quyết là tui phải làm cho bằng được dù khó khăn đến cỡ nào đi nữa”.
Thế rồi vùng đất cằn cỗi đầy cát trắng trên quê hương ông cũng bắt đầu được bao phủ bởi màu xanh nghi ngút. Sự sống đã hồi sinh đối với vợ chồng ông, rừng mỗi ngày một thêm xanh như để đền đáp công sức của đôi vợ chồng bất hạnh. Với mấy sào đất quanh vườn, ông bắt đầu chọn trồng keo lai, tràm, phi lao,… thấy rừng phát triển tốt, ông mạnh dạn mở rộng thêm diện tích.
Ông Võ Văn Bế đang nhổ cỏ chăm sóc vườn cây. |
Để trồng được rừng cần phải có nguồn giống, nghĩ vậy vợ chồng ông lại bắt tay vào việc kiếm hạt về để tự ươm lấy giống cây. “Chủ động được nguồn giống là có thể phát triển rừng, lúc đó mình thỏa sức mở rộng diện tích và trồng thêm nhiều loại cây nhưng tiết kiệm được chi phí” – ông Bế kể.
Thấy ông Bế trồng được rừng, nhiều người dân trong thôn tưởng ông giả mù. Ra đường do ông không nhìn thấy nên chỉ lặng lẽ bước đi, họ cho rằng ông xem thường người khác. Ông biết nhưng cũng chỉ lặng thinh bởi ông nghĩ rằng dù mù nhưng phải làm được một cái gì đó cho bằng người và có điều kiện nuôi con cái ăn học.
Nhớ lại những ngày tháng bắt đầu trồng rừng, bà Trần Thị Cúc – vợ ông Bế cho biết: “Ngày đó nghe ông Bế đề cập đến chuyện trồng rừng tui không cho, bởi ông ấy có thấy chi đâu. Nhưng càng cản thì ông ấy lại càng quyết tâm trồng cho bằng được. Thế là tui đành phải giúp ông ấy trồng và chăm sóc từng cây”.
“Mới đầu do khí hậu khắc nghiệt nên trồng mười phần thì chết mất bảy phần. Nhưng vợ chồng không nản chí, tui cứ động viên bà ấy rằng cứ chăm chỉ rồi trời sẽ không phụ công người. Nhờ sự cẩn thận, chăm sóc kỹ của hai vợ chồng nên tỷ lệ chết cũng giảm đi đáng kể” – ông Bế kể.
Chia sẻ bí quyết làm kinh tế, ông Võ Văn Bế tâm sự: “Mình không xem được tivi, không đọc được chữ nên mọi thông tin đều phải nghe đài. Nhờ đó mình biết được cây gì mang lại hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật chăm sóc từng loại cây hay nghe kể về những gương làm kinh tế giỏi để học hỏi kinh nghiệm”.
Ông Bế bên ngôi nhà khang trang mới xây được nhờ trồng rừng. |
Ngoài trồng rừng, vợ chồng ông Bế còn nuôi thêm con bò, con lợn, trồng thêm vườn rau để có thể chủ động được nguồn thức ăn và lấy đó làm cơ sở cho việc trồng rừng. Đến bây giờ quanh nhà ông là một màu xanh bạt ngàn bởi phi lao, tràm, keo lai. Với 4 ha rừng hiện có, mỗi năm mang lại cho gia đình ông gần 20 triệu đồng. Cũng nhờ trồng rừng mà vợ chồng ông xây được ngôi nhà khang trang rộng rãi và có điều kiện cho con cái đi học.
Ông Phạm Quảng – Trưởng thôn Thanh Lương cho biết: “Dù bị mù nhưng ông Võ Văn Bế là một tấm gương điển hình trong vượt khó làm giàu và nuôi dạy con, ông còn rất nhiệt tình trong các hoạt động do Hội Người mù xã phát động”