Ký ức đau thương của cậu bé có tên trong bia tưởng niệm vụ thảm sát

08:29 24/04/2015
Đúng 46 năm sau ngày xảy ra vụ giặc Mỹ thực hiện vụ thảm sát tại 2 thôn Khánh Giang và Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, làm hơn 60 dân thường thiệt mạng, anh Nguyễn Sang (54 tuổi), một người có tên trên bia tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm sát lại đột ngột trở về.

Trong những ngày qua, người dân xã Hành Tín Đông vô cùng vui mừng khi biết tin anh Nguyễn Sang, nạn nhân trong vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ năm xưa vẫn còn sống. Vì những năm qua, họ nghĩ rằng anh đã chết và ngày đêm thắp nhang tưởng nhớ anh. Ngày 17/4/2015, đột ngột anh Sang trở về quê hương sau 46 năm lưu lạc xứ người...

Anh Sang, người sống sót trong vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ.

Trong hồi ức của anh Sang vẫn còn đó cuộc thảm sát kinh hoàng mà giặc đã gây ra cho bà con 2 thôn Khánh Giang và Trường Lệ. Mặc dù ngày ấy mới hơn 7 tuổi, song anh vẫn nhớ như in, không thể nào nguôi được những đau thương khi mất bao người thân bởi họng súng hung ác của giặc.

Theo lời kể của anh Sang, hôm đó, sáng 17/4/1969, giặc càn vào làng anh. Lúc này, anh đang ở nhà với bà nội và em gái tên Liễu. Sau khi đốt phá nhà cửa, bọn giặc dồn dân, chủ yếu là người già và trẻ em vào một chỗ.

Người dân xã Hành Tín Đông thường xuyên đến thắp nhang, tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ thảm sát.

Đến chừng 15h chiều, chúng bắt đầu nổ súng vào dân làng. Trong tiếng thét la của mọi người, anh Sang thấy bà nội dang tay ôm lấy 2 anh em anh, rồi sau đó mọi người đều ngã nhào xuống đất. Quá sợ hãi, anh ngất đi không hay biết gì nữa. Hơn một giờ sau, anh tỉnh dậy. Cảnh đầu tiên mà cậu bé nhìn thấy là hàng loạt xác người và máu. Bên cạnh Sang, bà nội và em Liễu đang rên la đau đớn vì vết thương. Thấy anh, Liễu gào lên khóc, kêu đau và đòi uống nước. Lúc đó, một cô bé cùng làng khoảng 13 tuổi rủ anh chạy vào núi trốn.

Cũng như anh, cô bé này là người may mắn thoát chết trước những viên đạn tàn ác của lính Mỹ. Dù muốn đi theo cô bé để trốn, nhưng vì thương bà nội và em Liễu nên anh không đi. Cả đêm hôm đó, Sang nằm trong đống xác chết với em gái, còn bà nội Sang tắt thở ngay trong đêm…

Sáng hôm sau, thấy Liễu khát nước nên Sang nhặt một mảnh sành từ bát vỡ đi tìm nước cho em uống. Khi Sang vừa đứng dậy thì bất ngờ lính Mỹ lại kéo đến. Sang hoảng hốt nằm xuống cạnh những xác chết, nhưng bị phát hiện và tốp lính Mỹ nắm tay Sang lôi lên dẫn về căn cứ. Chiều hôm đó, Sang được đưa lên máy bay trực thăng về sân bay Gò Hội ở quận lỵ Đức Phổ và đưa vào Núi Vàng. Ở đó chừng 1 tuần sau, lính Mỹ lại đưa anh vào một cô nhi viện ở Đức Phổ. Vào cô nhi viện, Sang được đặt tên là Lý Chí Hùng. Cô nhi viện này tồn tại được vài năm thì chuyển vào Vũng Tàu.

Sau ngày giải phóng năm 1975, Sang được chuyển đến một cô nhi viện khác của một cha xứ người Pháp. Một năm sau, cha xứ về Pháp, cô nhi viện này tự tan rã. Từ đây, Sang bắt đầu cuộc đời lang thang. Cậu bé mồ côi đi ở cho các gia đình giàu có. Hết chăn bò, phát rẫy đến đánh xe cộ bò đi chở cây rừng, ai thuê gì Sang làm nấy. Trong những năm tháng sống lưu lạc xứ người, Sang không lúc nào quên ký ức kinh hoàng và mong mỏi một ngày nào đó sẽ tìm về được quê hương. Anh luôn hy vọng, mẹ mình còn sống. Vì trước ngày xảy ra vụ thảm sát, mẹ Sang cùng nhiều người trong làng đã trốn vào núi.

Năm 1991, Sang kết hôn với chị Võ Thị Ngọc Thu (hiện đã 42 tuổi), con gái của một gia đình ở Vũng Tàu mà Sang làm thuê. Được vợ con chia sẻ, động viên đi tìm cội nguồn, Sang lần dò đi tìm người thân của mình. Và, một ngày cuối tháng 3/2015, từ một nguồn tin, ông Huỳnh Minh Thương (61 tuổi, trú xã Hành Tín Đông) liên lạc với Sang…

Trao đổi với chúng tôi, ông Thương kể, vào ngày 24/3/2015, ông vào TP Hồ Chí Minh dự đám giỗ cô ruột của vợ. Tại đây, một người chị họ kể rằng chị vừa xem tivi đưa thông tin về một người đàn ông muốn tìm lại gia đình. Người này cho biết anh có cha tên Tặc, mẹ tên Thừa, em gái tên Liễu. Trong một vụ lính Mỹ xả súng vào dân thường, bà nội và em Liễu bị thương, anh bị lính Mỹ đưa đi... Vừa nghe tin này, ai nấy đều vui mừng xác định đây chính là anh Sang.

Ông Huỳnh Minh Thương trước bia tưởng niệm có tên anh Nguyễn Sang.

Bà Trần Thị Đa (59 tuổi), chính là cô gái thoát chết trong trận thảm sát năm xưa đã rủ Sang bỏ trốn vào núi mà anh không đi, đang sống ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, cũng kể lại chuyện cũ và cho hay, lúc giặc xả súng, do khiếp đảm nên bà ngất lịm đi. Bà tỉnh dậy thì phát hiện một bé trai khoảng 8 tuổi đang còn sống (anh Sang - PV), nên rủ cậu bé trốn vào núi; nhưng em bé không đi vì bà nội và em gái đang bị thương nặng…

Ông Thương kể tiếp rằng, khi xảy ra vụ thảm sát, ông cùng nhiều thanh niên trong thôn trú ẩn ở Núi Lớn cách làng khoảng 300m. Ngoài dân làng, trên Núi Lớn lúc ấy còn có căn cứ cách mạng với nhiều cán bộ và bộ đội chủ lực. Sau khi giặc rút đi, ông và những người khác quay trở về làng thì chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng.

Dân làng nghĩ rằng, cậu bé Sang đã chết nên khắc tên vào bia tưởng niệm...

Làng mạc tan hoang như vùng đất chết, xác người nằm la liệt và đang phân hủy nặng. Họ kiểm tra và chỉ nhận dạng được 64 người; còn một số thi thể bị đốt cháy đen, không nhận dạng được. Những người không nhận dạng được thì chôn mộ tập thể. Do đó, dân làng nghĩ rằng, cậu bé Sang đã chết và chôn trong ngôi mộ tập thể ấy nên đã khắc tên vào bia tưởng niệm. Không ngờ, Sang vẫn còn sống…

Phước Hiệp

Xác thực truy xuất nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số. Các chuyên gia tin tưởng, bằng việc kết hợp công nghệ và các giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể tận dụng tối đa tiềm năng của truy xuất nguồn gốc để xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, hiệu quả, và cạnh tranh.

TP Huế có 1.132 căn nhà ở của các dự án (DA) bất động sản thuộc diện tồn kho. Thị trường bất động sản ở địa phương vẫn ảm đạm khi lượng giao dịch đất nền, nhà ở không tăng. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn rất cao.

Từ mẫu ADN của các thân nhân, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được danh tính 16 liệt sĩ chưa biết tên, trong đó có 2 liệt sĩ quê ở xã Nga An và xã Đông Thành, tỉnh Thanh Hoá. Đây là kết quả bước đầu, minh chứng hiệu quả  của Đề án thu nhận mẫu ADN các thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt do Bộ Công an triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Cùng với ông Nguyễn Quốc Thận, Trưởng phòng Kinh tế xã Thượng Đức, TP Đà Nẵng đi thực tế tại bờ sông Côn đoạn qua thôn Tân An, xã Thượng Đức, TP Đà Nẵng, PV Báo CAND ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông nơi đây diễn ra rất nghiêm trọng.

Chiều 7/7, dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Công an, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm 2025. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an một số địa phương.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết ông tin rằng bất đồng giữa Iran và Mỹ có thể được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán, song nhấn mạnh lòng tin giữa hai bên hiện đang bị xói mòn nghiêm trọng sau các cuộc tấn công quân sự từ phía Mỹ và Israel.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm (7/7), khu vực Tây Bắc Bộ và khu vực Nam Bộ có mưa to cục bộ với lượng mưa nhiều nơi trên 50mm như: trạm Trường Xuân (Đồng Tháp) 125.6mm, trạm Nhơn Hòa Lập (Tây Ninh) 62.2mm, trạm Pha Long (Lào Cai) 66.6mm, trạm Yên Thượng (Phú Thọ) 57.4mm…

Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) vừa qua có quyết định về việc cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công tư) với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Nhiên King Green (Công ty King Green).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.