Ký ức về trận đầu bắn rơi 4 máy bay Mỹ của người cựu chiến binh Xô Viết

09:43 30/12/2018
Trong tập hồi ức “Việt Nam, đất nước không thể nào quên”, trong đó có bài của cựu chuyên gia bệ phóng tên lửa ông Nikolai Kolesnik viết về trận đầu ra quân của Tiểu đoàn 61 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 diễn ra trong ngày 21-8-1965.

Ông Nikolai Kolesnik là chuyên gia bệ phóng tên lửa được cử sang Việt Nam công tác từ tháng 7-1965 đến tháng 4-1966. Ở cương vị là Chủ tịch Hội CCB Xô Viết đã công tác ở Việt Nam, cuối tháng 10-2017, ông sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại (7-11-1917/7-11-2017). 

Nhân dịp này, ông đã tặng tôi tập hồi ức “Việt Nam, đất nước không thể nào quên”, trong đó có bài của ông viết về trận đầu ra quân của Tiểu đoàn 61 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 diễn ra trong ngày 21-8-1965. Ông nhớ lại:

Trận địa tên lửa được triển khai tại xã Gia sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình với nhiệm vụ phục kích đánh máy bay Mỹ hàng ngày đến ném bom thị xã Phủ Lý, hòng cắt đứt đường tiếp viện của quân và dân miền Bắc đối với chiến trường miền Nam Việt Nam. Trận địa là một vùng bán sơn địa, sườn núi có độ dốc hơn 25°. Muốn triển khai được các thiết bị tên lửa phải san nền đất có lẫn sỏi đá trên sườn đồi bậc thang để có được một mặt phẳng tuyệt đối.

Nhân dân huyện Gia Viễn, Ninh Bình đến giúp đỡ Tiểu đoàn 61 chuẩn bị trận địa tại xã Gia Sơn (8-1965).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Huyện uỷ huyện Gia Viễn, mọi tầng lớp nhân dân địa phương, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, cụ già ra trận địa giúp chúng tôi. Chỉ trong đêm đó, không dưới 300 người dân địa phương đã giúp chúng tôi chuẩn bị trận địa. Họ đã san lấp gần như nửa quả đồi đất sỏi để chúng tôi có trận địa, chuẩn bị bước vào cuộc chiến. Mặc dù sau một đêm không ngủ và mệt mỏi, song nhân dân địa phương không muốn rời trận địa. Mọi người thích thú quan sát hiện trường, ngắm nhìn tên lửa, xe ôtô không bình thường, máy kéo, các bệ phóng và ngắm cả chúng tôi nữa!!!

Đã gần 5h sáng, mọi người phải rời trận địa trở về nhà. Trước khi ra về, họ yêu cầu chúng tôi bắn rơi ít nhất một máy bay và phải để cho họ nhìn thấy những mảnh vỡ của máy bay.

Chúng tôi hứa nhất định sẽ thực hiện yêu cầu đó. Khi chia tay, tôi đã tặng cháu Đông huy hiệu có hình nhà du hành vũ trụ Gagarin. Cháu Đông rất vui mừng. Nắm chặt chiếc huy hiệu trong bàn tay bé xíu, Đông vẫy tay tạm biệt chúng tôi và hét lên: “ Liên Xô! Gagarin! Tên lửa! Tốt! Tạm biệt!”.

Mặc dù bị mệt mỏi toàn thân, song cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 61 chúng tôi vẫn sẵn sàng, nghiêm chỉnh thực hiện các mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên.

Đồng hồ đã chỉ 5h30' sáng, tôi cầm điện thoại báo cáo với chỉ huy:

- Khẩu đội 5 đã sẵn sàng chiến đấu. Bệ phóng đã được nạp tên lửa...

 Theo lệnh của chỉ huy, tôi men theo sườn đồi có nhiều đu đủ mới trồng và đi đến Khẩu đội 6 kiểm tra. Các bạn đang nạp đạn vào bệ phóng. Sau khi đã tin tưởng chắc chắn ở Khẩu đội 6 mọi việc đã hoàn thành, tôi trở về Khẩu đội 5. Tại thời điểm này, đúng 6h sáng, tiếng còi báo động vang lên.

Chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị tên lửa vào tư thế phóng. Tôi báo cáo Chỉ huy Tiểu đoàn:

- Trung đội 3 đang ở trong hào.

- Được! Có một tốp mục tiêu đang bay từ biển vào hướng Bắc, Cự ly 240.

Sau nửa giờ, có lệnh "Hết báo động". Hai mươi phút sau, tiếng còi báo động lại hú lên, nhưng lần này các máy bay cũng không bay vào vùng phóng đạn. Báo động phòng không như thế này kéo dài cả ngày. 18 lần báo động, 18 lần chúng tôi đều ở vị trí chiến đấu của mình và nín thở chờ lệnh "Phóng". 18 lần dây thần kinh của chúng tôi căng thẳng đến tột cùng, và 18 lần thay lệnh "Phóng" bằng lệnh "Hết báo động".

 Gần tối, máy bay Mỹ ít xuất hiện thường xuyên, hơn nữa chúng cũng chỉ bay cách trận địa chúng tôi hơn 70 cây số. Chúng tôi có bữa ăn tối nhiều hơn và yên bình hơn.

Ăn tối xong, chúng tôi phân công người trực và bắt tay nhau, chúc nhau ngủ ngon và đi đến chỗ nghỉ của mình.

Tôi ngủ thiếp đi ngay lập tức... Trong mơ, tôi nghe thấy tiếng còi báo động và tôi không thể lý giải: Tôi mơ hay có còi báo động thực? Báo động suốt cả ngày, còi báo động làm “choáng cả hai tai chúng tôi".

Tôi hiểu đây không phải là một giấc mơ. Tôi nhảy lên, lay các bạn Liên Xô của tôi : “ Dậy! Vào cấp một!”.

Lấy quần áo, mũ bảo hiểm và vừa đi vừa mặc. Tôi chạy nhanh đến bệ phóng. Trong bóng tối, tôi bắt đầu tháo các khuy cài bạt. Hai tay tôi hành động như máy và sau 15 giây tất cả các khuy cài bạt đều đã được tháo. Cần phải cuộn bạt, nhưng không thấy khẩu đội trưởng Thanh và đồng đội của Thanh?

Tôi chạy đến lán tìm Thanh. Trong lều chuông điện thoại vang lên rất dữ, còn lều thì lắc lư. Tôi đoán rằng, các bạn Việt Nam chưa tỉnh ngủ, lại ở trong bóng tối, nên không tìm được lối ra. Tôi nhổ một cọc lều ở góc và vén lều lên. Trong ánh sáng mờ mờ, chúng tôi đã nhìn thấy nhau, các bạn nhảy ra, tôi la:

- Chạy ngay đến bệ phóng! Nhanh lên! Nhanh lên nào!

Thanh cùng đồng đội cảm thấy có lỗi vì sự chậm trễ, vội vàng chạy bán thốc, bán tháo. Chúng tôi chạy đến bệ phóng, dùng sào cùng lúc hất bạt xuống đất.  Mỗi người nhanh chóng thực hiện phần việc của mình để chuẩn bị phóng tên lửa. Các vị trí của Khẩu đội đều báo cáo “xong”. Thời gian chỉ tính bằng giây.

Tôi kết nối phích cắm ở thân tên lửa với bệ phóng. Tôi báo cáo với đài chỉ huy :

- Khẩu đội 5 đã sẵn sàng chiến đấu!

- Được!

Qua hệ thống liên lạc bằng loa, mọi người có thể nghe được cuộc đàm thoại:

- Phương vị 120, cự ly 32.

- Chuyển sang chế độ bám sát tự động!

- Rõ!

Tôi ra lệnh:

- Toàn khẩu đội vào hầm!

Tôi chỉ vừa kịp bỏ ống dẫn khí vào vị trí và đóng sập cửa lại là có lệnh “đồng bộ”, và bệ phóng có tên lửa bắt đầu chọn góc đã được xác định trước. Chúng tôi ngã lộn nhào xuống dưới khe. Tôi báo cáo qua điện thoại:

- Trung đội 3 đã vào hầm trú ẩn!

- Được! Tiêu diệt tốp mục tiêu! Ba quả, lần lượt, cách nhau 6 giây! Phóng quả thứ nhất! (Giọng của Thiếu tá chỉ huy Proskurnin).

- Rõ, phóng quả thứ nhất! (Sĩ quan điều khiển, Trung uý Karetnikov báo cáo).

Một tiếng nổ choáng tai, gập người chúng tôi xuống mặt đất. Tiếp theo là quả thứ 2, thứ 3... Ba khối lửa khổng lồ nối tiếp nhau lao lên trời, nhanh chóng bay về hướng Nam và nổ trong vòng sát thương mục tiêu.

Khi tên lửa được phóng lên cách mặt đất khoảng vài chục mét, luồng khí đốt phun ra từ động cơ phản lực ở tầng 1 đã làm cho đất, đá tung lên và rơi xuống chúng tôi. May mắn là chúng tôi đều đội mũ sắt, nên chỉ bị đất đá rơi xuống lưng.

Khi đã bị nổ tung, máy bay Mỹ đã tạo thành những đống lửa trên mặt đất, vệt khói tạo thành quĩ đạo máy bay rơi.

Toàn bầu trời chìm trong biển lửa. Dần dần ngọn lửa được thay thế bằng một cột khói lớn, ngùn ngụt trong ánh sáng hồng.

Chúng tôi được kíp chiến đấu trong xe điều khiển kể lại, một hình ảnh rất ấn tượng khi nhìn vào màn hình trong ca bin: 4 máy bay Mỹ xếp thành đội hình sát cạnh nhau, ở độ cao 3000 mét, bay vào khu vực chúng tôi, bị 3 tên lửa hạ gục. Đó là ngày 21-8-1965 vào lúc 23h50' tại xã Gia Sơn, giáo xứ Xích Thổ, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chúng tôi nắm chặt tay nhau, ôm nhau chúc mừng chiến công đầu.

Chúng tôi đang thu hồi khí tài, nhân dân các làng lân cận đã kéo đến trận địa cũng náo nhiệt như đêm hôm trước. Họ chào đón chúng tôi đã đánh thắng và chân thành cảm ơn chúng tôi.

Nhiều người đã đem quà tặng chúng tôi: cam, chuối, mít. Chúng tôi đã xúc động bởi sự quan tâm như vậy.

Sau 40 phút kể từ khi có lệnh "Thu hồi khí tài-hành quân!", Tiểu đoàn đã lên xe và hành quân vào rừng. Khi đã về trận địa ở ngoại thành Hà Nội, chúng tôi vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đến thăm và động viên.

Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm về trận đầu ra quân của Tiểu đoàn Tên lửa phòng không 61 Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ninh Công Khoát (biên tập)

Chiều 2/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục biển, hải đảo và kiểm ngư tỉnh Cà Mau và Huỳnh Văn Đẳng, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá - Chi cục thủy sản và chăn nuôi thú y (đều thuộc Sở NN&MT) về hành vi nhận hối lộ.

Khu vực tòa nhà Hàm Cá Mập (Trung tâm Thương mại số 7 Đinh Tiên Hoàng) và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay, nằm sát bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, là một địa điểm chứa đựng nhiều biến động lịch sử quan trọng. Những thay đổi về kiến trúc và công năng qua các thời kỳ đã phản ánh rõ nét sự biến chuyển của lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Ngày 2/4, Công an TP Hà Nội cho biết, một nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lên đến gần 9 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo. Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online và lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ qua mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò online.

Tối 2/4, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự vừa điều tra, khám phá thành công vụ trộm cắp tài sản trị giá hơn 1 tỷ đồng do đối tượng Huỳnh Thanh Hùng (SN 2001, trú xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) thực hiện.

Vụ cháy làm 3 người tử vong ở đường Mạc Vân, phường Xóm Củi, quận 8, TP Hồ Chí Minh thêm một lần nửa cảnh báo người dân cần chấp hành nghiêm các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư...

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến yêu cầu các đơn vị chức năng cần phối hợp với Công an địa phương quản lý, giúp đỡ những người được đặc xá tái hoà nhập cộng đồng; chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương tạo điều kiện, bố trí công ăn việc làm để người được đặc xá, thi hành án xong án phạt tù có thu nhập ổn định cuộc sống, không tái phạm.

Ngày 2/4, đội ngũ y tế của Đội cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức thăm khám, phát thuốc cho những người dân bị thương do động đất gây ra ở Myanmar… Người dân nơi đây rất xúc động trước nghĩa cử đẹp của đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam.

Ngày 2/4, Công an tỉnh Lào Cai cho biết đơn vị vừa đấu tranh triệt phá thành công một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất độc (xyanua) với số lượng lớn; tàng trữ trái phép vật liệu nổ; vi phạm quy định về khai thác tài nguyên tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Kết quả, đã phát hiện bắt giữ 47 đối tượng liên quan đến các hành vi vi phạm nêu trên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.