Lò gạch biến "bờ xôi, ruộng mật" thành ao sâu, hố trũng

09:31 23/10/2008
6 năm nay, 60 chiếc lò gạch thủ công ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) liên tục là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Không những thế, để có nguyên liệu sản xuất gạch, hầu như toàn bộ khu đất bãi phù sa màu mỡ của xã Tráng Việt bị đào xới, băm nát. Điều đáng nói là tiếp tay cho những lò gạch này khai thác đất trái phép lại chính là chính quyền xã.

UBND xã tự ý cho phép khai thác đất bừa bãi

Theo những người dân tại xã Tráng Việt, việc cho thuê đất bãi để đốt lò gạch rộ lên trên địa bàn huyện Mê Linh, đặc biệt tại 2 xã Văn Khê và Hoàng Kim từ năm 2002.

Trước tình trạng đất bãi bị khai thác làm gạch bừa bãi, năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Thông báo số 1338 chỉ đạo chấm dứt việc khai thác đất, cát bãi bồi ở 2 xã Văn Khê và Hoàng Kim.

Tuy nhiên, do kinh doanh gạch trong những năm gần đây có lãi lớn nên hầu như các chủ lò gạch không những không chấm dứt hoạt động mà còn phát triển rộng sang các xã Tiến Thịnh và Tráng Việt.

Ông Nguyễn Văn Xô, thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt cho biết, xã có khoảng 150-200ha đất bãi phù sa. Trước khi bị "cướp" đất làm gạch, bà con trong xã thường trồng hoa màu tại khu đất này.

Điều đáng ngạc nhiên là cùng trong năm 2005, khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc có chỉ đạo chấm dứt việc khai thác đất, cát bãi bồi làm gạch thì UBND xã Tráng Việt lại có tờ trình gửi UBND huyện Mê Linh đề nghị cho ông Trần Văn Tháp, ở xóm 8, xã Tráng Việt thuê 160.198m2 đất thuộc khu Bãi Non, thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt để sản xuất gạch ngói. Trong điều khoản cho thuê đã được UBND huyện Mê Linh đồng ý cho ông Trần Văn Tháp ghi rõ thời hạn khai thác 1 năm, độ sâu khai thác cho phép 2m.

Tiếp đó, không hiểu vì lý do gì, ngày 14/10/2005, UBND xã Tráng Việt lại có bản hợp đồng kinh tế với ông Trần Văn Tháp cũng về việc thuê đất trên. Song, một số điều khoản đã được UBND xã tự ý thay đổi so với QĐ 1527 của UBND huyện Mê Linh, gia tăng thời hạn thuê đất từ 1 năm lên 5 năm, độ sâu khai thác cho phép từ 2m lên 5m.

Qua 3 năm khai thác sử dụng, với 37 lò gạch của riêng cá nhân ông Tháp, ngoài việc đào bới trực tiếp đất bãi để làm nguyên vật liệu, chất thải rắn từ các lò gạch cũng được đổ tại chỗ, việc kinh doanh sản xuất gạch ngói ở đây còn mắc một loạt các sai phạm như đào quá sâu so với quy định cho phép, khai thác quá diện tích cho phép khoảng 9.000m2.

Hậu quả của việc khai thác trái phép này là từ một bãi đất được phù sa bồi đắp màu mỡ, khu Bãi Non đã bị đào bới, băm nát, chỗ thì thành ao hồ, chỗ thì lổn nhổn toàn gạch ngói vụn, không thể trồng trọt được nữa.

Nếu theo đúng Quyết định 1527 của UBND huyện Mê Linh thì đến năm 2006, hoạt động của những lò gạch này sẽ hết hợp đồng và giao trả lại đất cho UBND xã. Nhưng do UBND xã đã trót ký hợp đồng sai quy định kéo dài thời hạn hợp đồng thành 5 năm, cộng với quá trình khai thác bừa bãi đã khiến đất bãi trở thành sâu hoắm những ao hồ, không thể sử dụng được nữa.

Ngoài trường hợp ông Trần Văn Tháp, UBND xã Tráng Việt còn liên tiếp tự ý ký quyết định cho một loạt các chủ thầu khác xây dựng lò gạch trên khu đất bãi: thôn Đông Cao hiện có 20 lò, thôn Đẹp Thôn có 3 lò.

Tại thôn Đẹp Thôn, UBND xã đã tự ý quyết định gia hạn thêm thời gian 4 năm cho ông Nguyễn Như Tình thuê 4.700m2 đất bãi. Từ 4.700m2 đất được phép khai thác, ông Tình đã khai thác lấn chiếm khoảng 10.000m2, gấp hơn 2 lần so với quy định. Những chiếc lò gạch ngày đêm nhả khói hủy hoại môi trường, đất sản xuất trở thành ao sâu, hố trũng. Người dân xã Tráng Việt đã nhiều lần làm đơn kiến nghị nhưng chính quyền xã vẫn làm ngơ.

Vẫn cho lò gạch tiếp tục hoạt động để xóa nghèo cho địa phương?!

Theo cách lý giải của ông Trần Văn Đảm, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt, lý do để UBND xã tự ý thay đổi lại thời hạn cho thuê lên 5 năm và độ sâu khai thác là 5m là để lấy thêm tiền tu bổ di tích đền thờ nữ tướng Ả Lợi Minh Vương nằm trên địa bàn thôn Tráng Việt đã bị xuống cấp trầm trọng và cần số vốn tu bổ gần 1 tỷ đồng, trong khi đó, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ hỗ trợ 50 triệu đồng, còn lại địa phương tự lo.

Chính vì để có đủ số tiền tu bổ di tích này, UBND xã đã quyết định nâng thời gian thầu, và thêm độ sâu khai thác. Ông Đảm đã thừa nhận, sau 5 năm các lò gạch đào khoét khai thác đất thì khu đất bãi đã quá nát, khó có thể sử dụng tiếp được.

"Chúng tôi biết việc cho phép các lò gạch hoạt động như vậy là sai phạm, là phá hoại tài nguyên đất đai nhưng vì đã trót ký cho họ thuê rồi biết làm thế nào, biết là lợi bất cập hại nhưng vẫn phải chấp nhận", ông Đảm trình bày.

Khó hiểu hơn, dù đã biết các lò gạch trên hoạt động sai phép nhưng UBND xã Tráng Việt vẫn không đình chỉ hoạt động dù đã có các công văn nhắc nhở của huyện Mê Linh trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua. Việc làm thiếu trách nhiệm, đồng lõa cho các chủ lò gạch khai thác trái phép đất của UBND xã Tráng Việt đã rõ ràng.

Người dân xã Tráng Việt và dư luận nói chung đang chờ những động thái tiếp theo từ phía UBND huyện Mê Linh. Cũng cần làm rõ trách nhiệm của những cá nhân lãnh đạo UBND xã Tráng Việt vì những hành vi sai phạm trên

N. Yến - An. Nhi

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文