Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Một trí thức suốt đời phụng sự Tổ quốc

12:05 10/07/2010
Năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp dìm trong bể máu. Nguyễn Hữu Thọ đã đứng về phía quần chúng, dùng kiến thức luật học của mình bênh vực lẽ phải, bảo vệ công lý. Ông được nhân dân tín nhiệm, đồng sự mến phục. Và khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới vào tư tưởng của vị luật sư trẻ. Sau này, ông nhớ lại: "Sự kiện lịch sử trọng đại đó đã làm thay đổi cả lối sống, nếp nghĩ của tôi. Nói một cách khác, cách mạng đã đổi đời cho tôi".

Trong lần đi tìm tư liệu viết bài cho số báo kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tôi gặp ông Nguyễn Hữu Châu, con trai trưởng của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Sau đó tại nhà riêng số 167 Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3, TP HCM và cũng là nhà lưu niệm người trí thức tài năng, giàu tâm huyết, một chiến sỹ cộng sản kiên định, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tôi được ông Nguyễn Hữu Châu kể về người cha kính yêu của mình.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10/7/1910, trong một gia đình công chức trung lưu tại làng Long Phú, tổng Hưng Long Hạ, nay là huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Thuở nhỏ, Nguyễn Hữu Thọ theo học tại trường Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá. Mùa hè năm 1921, mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ đã rời quê xuống tàu, một mình sang Pháp du học tại trường Mignet. Đến năm 1928, ông được nhận vào học khoa Luật của Trường Đại học Luật khoa và Văn khoa Aixen Prouvence (miền Nam nước Pháp).

Suốt những năm du học ở Pháp, nỗi nhớ nhà, nhớ quê luôn thường trực trong lòng người thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Thọ. Ông luôn trăn trở với câu hỏi vì sao quê hương mình còn nghèo quá, dân mình khổ quá? Và ông tự nhủ ráng học cho giỏi để đem hiểu biết của mình về làm việc cho nước, cho dân. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Hữu Thọ đã nghe nói đến Nguyễn Ái Quốc và tờ báo "Người cùng khổ". Điều đó đã tác động rất lớn đến việc lựa chọn con đường cách mạng yêu nước của người trí thức trẻ Nguyễn Hữu Thọ sau này.

Về nước tháng 5/1933, với tấm bằng cử nhân luật loại xuất sắc, Nguyễn Hữu Thọ tập sự tại Văn phòng luật sư của một người Pháp ở Mỹ Tho. Sau 5 năm tập sự, Nguyễn Hữu Thọ vượt qua kỳ sát hạch, trở thành một luật sư thực thụ. Ông mở văn phòng luật sư riêng ở Mỹ Tho, sau đó chuyển qua Vĩnh Long, Cần Thơ rồi Sài Gòn.

Năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp dìm trong bể máu. Nguyễn Hữu Thọ đã đứng về phía quần chúng, dùng kiến thức luật học của mình bênh vực lẽ phải, bảo vệ công lý. Ông được nhân dân tín nhiệm, đồng sự mến phục. Và khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới vào tư tưởng của vị luật sư trẻ. Sau này, ông nhớ lại: "Sự kiện lịch sử trọng đại đó đã làm thay đổi cả lối sống, nếp nghĩ của tôi. Nói một cách khác, cách mạng đã đổi đời cho tôi".

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo với các nhà báo.

Năm 1946, luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chánh án Tòa án dân sự Vĩnh Long. Lúc này, tiếng tăm luật sư đã được nhiều người biết đến. Ông được nhận xét là một trí thức chân chính, luôn bảo vệ công lý, bênh vực người dân vô tội trước tòa án của thực dân Pháp. Một buổi tối giữa năm 1946, luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhận được thư của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, mời ra Đồng Tháp - "thủ đô kháng chiến của Nam Bộ". Người ký thư mời chính là luật sư Phạm Ngọc Thuần, một luật sư cũng được đào tạo tại Pháp.

Đêm ấy, trong căn nhà lợp lá dừa nước ven kênh Dương Văn Dương, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được luật sư Phạm Ngọc Thuần, quyền Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến đón tiếp thân thiện, niềm nở. Họ trao đổi với nhau về tình hình, bàn thảo công việc một cách cởi mở và tâm đắc. Sáng hôm sau, luật sư được đưa đi thăm một số cơ quan kháng chiến, đơn vị vệ quốc đoàn, thăm dân chúng… Đặc biệt luật sư được gặp gỡ trò chuyện với nhiều vị trí thức đã sớm từ bỏ cuộc sống đầy đủ khá giả ở đô thành để vào tham gia kháng chiến.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhận thấy cuộc sống nơi đây còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng ai cũng lạc quan, tin tưởng vào tương lai, đoàn kết, thân ái… Chính điều ấy đã gợi cho luật sư nhiều suy nghĩ, và ông đi đến quyết định đề nghị được ra chiến khu tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, nhận thấy luật sư Nguyễn Hữu Thọ có nhiều điều kiện, hoàn cảnh, mà nhiều người khác không có nên Ủy ban Kháng chiến khuyên ông trở lại thành phố tham gia đấu tranh chính trị công khai với địch, điều đó có lợi cho kháng chiến.

Đầu năm 1947, luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ chức Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long, lên Sài Gòn, mở văn phòng luật sư riêng tại số nhà 152 đường Charles de Gaulle (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Theo sự phân công của tổ chức, ông hoạt động trong Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Văn phòng luật sư của ông trở thành nơi tập hợp giới trí thức tiến bộ ở Sài Gòn và miền Nam. Trong thời gian hoạt động công khai giữa lòng địch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ không chỉ dùng hiểu biết nghề nghiệp để đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ cán bộ chiến sỹ, người dân yêu nước không may rơi vào tay chúng, mà còn tích cực tuyên truyền vận động giới trí thức, học sinh, sinh viên đấu tranh đòi hòa bình, chống chiến tranh xâm lược.

Nhiều người vẫn còn nhớ phiên tòa mà luật sư Nguyễn Hữu Thọ bào chữa cho anh Hoàng Xuân Bình là cán bộ Quân khu 9 (vào tháng 5/1948) bị địch kết tội phản bội Tổ quốc với mức án từ 5 năm khổ sai đến tử hình, chỉ còn là "hoạt động lật đổ" với mức án 3 năm tù giam. Đầu năm 1949, luật sư bảo lãnh cho anh Bình và kỹ sư Trương Công Phòng (cũng là cán bộ của Quân khu 9) được tự do có điều kiện. Hai anh sau đó được đưa vào chiến khu.

Ngày 16/10/1949, tại nhà số 5 đường Leon Cambes (nay là Sương Nguyệt Ánh), ngay tại trung tâm Sài Gòn đang bị địch tạm chiếm, Ban Trí vận Thành ủy tổ chức kết nạp nhà trí thức yêu nước Nguyễn Hữu Thọ vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Những năm sau đó, bằng uy tín cá nhân, tài năng tổ chức, ông đã đưa cuộc đấu tranh vào ngay tận sào huyệt của địch và liên tiếp giành được thắng lợi. Điển hình như: Cuộc đấu tranh biểu dương lực lượng ngày học sinh sinh viên toàn quốc: Ngày 9/1/1950, lực lượng học sinh Sài Gòn biểu tình trước dinh Thủ hiến Nam phần (nay là Bảo tàng TP Hồ Chí Minh). Bốn ngày sau, tại đám tang học sinh Trần Văn Ơn, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đọc điếu văn, lên án hiến binh Pháp đàn áp đẫm máu những học sinh trong tay không một tấc sắt. Và ông nhắn nhủ mọi người: "Chúng ta hãy sống cho xứng đáng với người đã khuất".

Ngày 15/3/1950, với tư cách là Trưởng phái đoàn đại biểu các giới Sài Gòn, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã bào chữa cho dược sĩ Phạm Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn cùng với 21 nhà trí thức khác bị thực dân Pháp đưa ra tòa. Bằng lời lẽ đanh thép và lập luận sắc bén, luật sư buộc thực dân Pháp phải hoãn việc xét xử 22 nhà trí thức của Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn…

Những hoạt động yêu nước của luật sư Nguyễn Hữu Thọ khiến chính quyền thực dân, đế quốc lo sợ nên dựng chuyện để cầm tù, lưu đày ông. Hơn 9 năm, ông bị chính quyền thân Pháp, rồi chính quyền thân Mỹ quản thúc lưu đày từ Khám lớn Sài Gòn tới  vùng cao huyện Củng Sơn (Phú Yên). Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã vượt qua biết bao thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, một lòng trung thành với Đảng với dân. Đến ngày 30/10/1961, luật sư đã được cách mạng tổ chức giải cứu từ Phú Yên và đưa về căn cứ Tây Ninh. Tại Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, ông được tín nhiệm giữ trọng trách Chủ tịch UBTW Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Từ đây, tên tuổi sự nghiệp của ông gắn liền với lịch sử phát triển của Mặt trận, với cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của đồng bào và chiến sỹ miền Nam.

Sau chiến thắng lịch sử 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đảng, Nhà nước và nhân dân cử giữ nhiều trọng trách: Phó Chủ tịch nước (4/1976); Quyền Chủ tịch nước (4/1980); Chủ tịch Quốc hội (7/1981); Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (1988).

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Châu còn kể về một kỷ niệm sâu sắc đối với người cha kính yêu: "Mùa hè 1962, tôi thi đỗ tú tài, trước mắt tôi mở ra nhiều con đường: một là học tiếp lên đại học, hai là kiếm một nghề nào đó phù hợp với mình để phụ giúp gia đình. Giữa lúc đang phân vân thì tôi nhận được thư ba từ chiến khu gửi về. Ba chỉ viết vắn tắt vài dòng báo tin ba khỏe mạnh và mong gặp tôi. Tôi suy nghĩ nhiều về cuộc sống hiện tại, về bạn bè, về gia đình, về ba tôi và quyết định theo giao liên vào căn cứ.

Ngày hôm sau, tôi đã có mặt tại căn cứ du kích ở Củ Chi, sau đó theo đường giao liên về R - nơi ba đang làm việc tại căn cứ Ủy ban Trung ương Mặt trận. Tại đây, tôi được sống cùng các chú, các anh và được nghe nói nhiều về kháng chiến, cứu nước… Tôi cũng được ba phân tích giảng giải về cuộc sống, về lý tưởng thanh niên. Từ những điều đã được nhìn thấy, cùng với những lời của ba, tôi quyết định ở lại chiến khu tham gia kháng chiến.

Trước hôm tôi nhận nhiệm vụ tại căn cứ, ba tôi căn dặn: "Ngày mai cha con mình sẽ tạm chia tay, con sẽ về công tác lại Đài Phát thanh Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn do chú Trần Bạch Đằng chỉ đạo. Ba hy vọng rằng, con của ba một khi đã xác định đúng hướng đi của đời mình sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà cách mạng giao cho". Sau đó, tôi ở lại chiến khu cho đến ngày giải phóng miền Nam.

Khi hòa bình lập lại, về công tác ở TP Hồ Chí Minh, ba tôi cũng dặn dò: "Hoàn cảnh mới có những khó khăn mới, cám dỗ mới, cần phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, kiên định lập trường để không bao giờ sa ngã".

Ba tôi là như vậy đó, giản dị, gần gũi, chân tình với mọi người. Những lời dặn dò của ba đã theo tôi suốt cả cuộc đời".

Ông Nguyễn Hữu Châu kết thúc câu chuyện với chúng tôi bằng giọng trầm lặng đầy tự hào

Kim Thẩm

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023- 2024. Năm nay, Trường THPT Yên Hòa có tỷ lệ "chọi" cao nhất với 1/3,11, tức trung bình trên 3 thí sinh dự thi mới có 1 em đỗ.

Liên quan vụ việc phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phản ánh về việc con mình bị cô giáo đánh trong lớp học, sáng 10/5, Phóng viên Báo CAND đã có cuộc làm việc với đại diện Trường Mầm non Việt Úc.

Những ngày cuối tháng 4/1975, là một thanh niên Sài Gòn (tròn 19 tuổi), tôi cảm nhận rõ sự thay đổi lớn lao của đất nước đang đến rất gần. Và trong ngày 30/4 lịch sử ấy, tôi đã cầm chiếc máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn, ghi lại những khoảnh khắc quân Giải phóng tiến vào nội đô.

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文