Lương giáo viên hiện nay cao hay thấp?

09:39 10/02/2007

Qua hai lần tăng lương cộng với phụ cấp nghề nghiệp, tổng lương giáo viên (GV) hiện nay đang dẫn đầu về lương hành chính sự nghiệp của cán bộ công chức cả nước. Nhưng rất nhiều GV vẫn cho rằng không đủ sống bằng đồng lương chính.

Theo Quyết định số 61 của Bộ Nội vụ về việc ban hành tạm  thời chức danh và mã số ngạch một số ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa thông tin cùng bản hướng dẫn các mã ngạch lương GV thì mức lương thấp nhất của một GV ở cấp mầm non là 1.024.000 đồng; tiểu học: 1.130.000 đồng; trung học cơ sở, trung học phổ thông: 1.220.500 đồng... Tương tự, mức lương cao nhất của các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông là 2.861.000 đồng.

Toàn cảnh

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng (Trường THCS Tứ Mỹ - huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) hoàn toàn thoải mái với mức lương 2.880.000 đồng của mình (tính cả phụ cấp lãnh đạo). Cộng với lương vợ thầy - cô Nguyễn Thị Văn 2.600.000 là nguồn thu nhập khá cao ở nông thôn. Thầy Hùng bảo rằng, trước đây, khi chưa tăng lương, thu nhập của vợ chồng thầy ngoài nuôi 2 con học đại học ở Hà Nội vẫn đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Ở nông thôn là thế, nhưng ở thành phố, đặc biệt ở Hà Nội và TP HCM thì mức thu nhập như vậy, nếu nuôi con ăn học cũng chỉ vừa vặn, thậm chí phải tiết kiệm.

Cô giáo Lê Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Việt Nam - Cuba (quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết, trong số 42 giáo viên của Trường tiểu học Việt Nam - Cuba, chỉ có 50% có thể “sống được” bằng lương, số còn lại hoặc không đủ chi tiêu, hoặc phụ thuộc vào gia đình. Cô Xuân đã  34 năm trong nghề, hiện hưởng 2.798.000 đồng/tháng.

Thầy giáo Nguyễn Dương Quang, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tính tổng thu nhập của mình gần 4.000.000 đồng/tháng (bao gồm lương chính, phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp lãnh đạo, đào tạo hệ mở rộng). Đó là số tiền không thấp so với một viên chức, và thầy Quang cũng cho rằng đủ để lo lắng cho con cái tiền ăn học, lo lắng cho gia đình.

Tuy nhiên, hiện tại gia đình thầy (gồm vợ và 2 con đã lớn) vẫn phải ở trong căn hộ 20m2 của bố mẹ thầy để lại. “Vợ chồng tôi muốn mua đất dựng căn nhà rộng rãi hơn nhưng với đồng lương này không biết bao giờ mới thực hiện được mong muốn đó” - thầy tâm sự.

Hẳn nhiều người chưa biết về lương của các giáo sư, tiến sĩ hiện giảng dạy trong các trường ĐH và các viện nghiên cứu ra sao.

Tiến sĩ Ngô Văn Giá (giảng viên Khoa Viết văn - ĐH Văn hóa Hà Nội) hiện hưởng 2.900.000 đồng/tháng sau 27 năm công tác. Anh cho biết, đó là mức lương hoàn toàn hành chính sự nghiệp, còn tiến sĩ hay không... không thành vấn đề. Vợ anh, một giáo viên dạy giỏi ở Trường THPT Quang Trung, lương chính 1.800.000 đồng/tháng. Với tổng thu nhập của hai vợ chồng, anh nhấn  mạnh: “Không đủ để lo cho hai đứa con và cuộc sống gia đình hằng ngày”.

Chính vì vậy, ngoài việc giảng dạy ở ĐH Văn hóa, anh còn dạy thêm mỗi tuần 4 - 5 tiết ở một số trường ĐH khác như ĐH Công đoàn, ĐH Sư phạm Hà Nội với mỗi tiết dạy từ 20 đến 35 nghìn đồng. Còn vợ anh, để tăng thu nhập, chị dạy thêm ở Trường THPT Lương Thế Vinh, mỗi tiết dạy 45 nghìn đồng.

Tháng 6/2006, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 61 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Các GV thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 61 sẽ được hưởng mức phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng, cao hơn các GV ở các trường không thuộc phạm vi điều chỉnh từ 35 đến 40%.

Với Nghị định này, có thể tính đơn giản, lương bậc 1 của một GV tiểu học ở miền núi hoặc ở Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) là 1.422.900 đồng; bậc 10 là 3.741.000 đồng/tháng. Lương bậc 10 của GV những trường này có thể cao hơn lương của trưởng công an huyện và là con số mơ ước của phần lớn công chức các ngành nghề khác.

Đó là một tín hiệu mừng nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn nên lương vẫn áp dụng theo chế độ lương từ tháng 10/2004.

Cận cảnh

Cô giáo Nguyễn Minh Hương (Trường tiểu học Việt Nam - Cuba, Hà Nội) tâm sự, với 26 năm trong nghề nhưng đồng lương của cô không đủ lo cho con nên các con cô phải nhờ ông bà ngoại đỡ đần. Chồng cô, công nhân nghỉ mất sức từ năm 1989. Cuộc sống của gia đình 4 thành viên đều trông chờ vào 2.300.000 đồng tiền lương hằng tháng của cô.

Con gái lớn, sinh viên năm thứ 2 của Học viện Khoa học quân sự, học hệ dân sự nên gia đình cô vẫn phải chu cấp tiền ăn học. Chiếc xe máy để cháu đi tới trường do ông bà ngoại tặng. Đứa thứ 2 hiện học lớp 11, tiền học thêm mỗi tháng hơn 1.000.000 đồng, hết gần nửa lương mẹ.

Để lo thêm tiền ăn hàng ngày của gia đình, ngoài giờ dạy cô Hương đan khăn len, áo len để bán. Cô Hương kể, có thời điểm khách đặt nhiều, sau mỗi giờ ra chơi cô lại tranh thủ đan nhưng những năm gần đây, áo len, khăn len ngoại nhập nhiều nên thu nhập từ việc đan của cô không đáng kể. Chính vì vậy, để lo cho 2 con được tốt hơn cô vẫn phải trông chờ vào ông bà ngoại.

Thầy giáo Đặng Quốc Sủng (Trường THPT Trần Phú, Hà Nội) ra trường đã 11 năm, hiện hưởng lương 1.100.000 đồng. Thầy Sủng kể rằng, đã 10 năm nhưng thầy vẫn là một GV hợp đồng, dạy... công nhật, quá thấm thía sự bấp bênh của một GV ngoài biên chế.

Dạy mỏi mệt 2 - 3 trường, thu nhập từng tháng cũng chỉ đủ chi tiêu, muốn thay cái xe đạp bằng xe máy để đến trường nhanh và thuận tiện hơn cũng không dễ. Một năm chỉ thu nhập 9 tháng, 3 tháng hè lại phải nhờ gia đình viện trợ.

Nhưng thầy Sủng còn may mắn khi không phải sống trong cảnh thuê nhà trọ như nhiều bạn bè của thầy: “Bạn tôi có người phải chi tiền thuê nhà hơn 1 triệu, dạy quần quật hết trường nọ trường kia nhưng vẫn túng thiếu”.

Chính vì thế, thầy giáo trẻ này kiên quyết thi công chức đến lần thứ 3 và năm vừa rồi thầy mới chính thức được nhận 85% lương cơ bản theo chế độ tập sự 1 năm của GV trúng tuyển công chức.

Nghịch lý lương giáo viên ở Hà Nội

TP Hà Nội, hiện có hơn 31.622 GV đang giảng dạy ở các cấp học từ mầm non đến THPT tính đến đầu năm học 2006 - 2007. Tháng 11/2006, vừa thi tuyển công chức, 451 người trúng tuyển, số GV này chỉ được hưởng 85% mức lương chính trong 1 năm tập sự. Có một nghịch lý, dù bảng mã ngạch lương đã phân loại GV theo bằng cấp, nhưng số GV mới được tuyển theo từng cấp học đều phải cào bằng một mức lương.

Ví dụ, chuẩn của GV tiểu học là tốt nghiệp trung cấp, hưởng hệ số lương 1,86. Những GV tiểu học có bằng cao đẳng sẽ được hưởng hệ số lương 2,1 và có bằng đại học sẽ được hưởng hệ số 2,34. Nếu có 3 cô giáo với 3 tấm bằng khác nhau như vậy đều trúng tuyển vào một trường tiểu học ở Hà Nội thời gian qua chẳng hạn, thì đều hưởng chung một hệ số là 1,86.

Đó cũng là lý do nhiều GV trẻ ở thủ đô than vãn về đồng lương khởi điểm. Điều họ lo ngại nhất là những năm tới họ có được hưởng chế độ lương theo bằng cấp đã học hay lại vẫn cùng nhau “từ từ mà nhích” cho đến ngày nghỉ hưu.

Bà Trần Thị Minh Trang, Phó phòng Tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội cho rằng nếu GV trẻ đều bị cào bằng lương như vậy không đúng với Quyết định 61 của Bộ Nội vụ.

Bà Trang còn giải thích lý do của sự bất cập trên: “Có một suy nghĩ vẫn tồn tại rằng anh có “bằng” gì là việc của anh, lương cứ đúng chuẩn mà tính, giỏi đến mấy thì tiểu học cũng chỉ cần trình độ trung cấp là đủ”.  Như vậy, không những thu nhập của GV không đảm bảo sự công bằng mà còn không khuyến khích được sự phấn đấu học hỏi của GV.

Từ thực tế đó, cán bộ Sở GD-ĐT TP Hà Nội có tìm hiểu việc thực hiện cách tính lương theo tinh thần của Quyết định 61 ở một số tỉnh như Nam Định, Hải Dương thì các địa phương này hoàn toàn thực hiện chế độ bằng cấp nào, lương nấy.

Làm thế nào để giáo viên... đủ sống?

Khi còn làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Minh Hiển công bố rằng, 85% kinh phí ngành giáo dục dành để chi trả lương GV. Con số này đã gây nhiều tranh cãi trong giáo giới và đa số đều cho rằng ông Hiển cung cấp như vậy là thiếu chính xác. Trên thực tế, lương chỉ chiếm gần 1/3 ngân sách giáo dục (khoảng 34%).

Trong đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2005 - 2010” của Bộ GD - ĐT ban hành từ tháng 6/2005, thì nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục mỗi năm một tăng. Ví dụ, nguồn ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục năm 2003: 16,4%, năm 2004: 17,1%, năm 2005: 18%.

Sinh viên khi tốt nghiệp các trường ĐH khác, họ đứng trước những sự lựa chọn công việc. Những người có năng lực tốt sẽ chọn những vị trí công việc thích hợp, thu nhập cao. Nhưng với những sinh viên sư phạm, họ không có sự lựa chọn nào khác. Họ chỉ có một mức lương chung, đi đâu cũng thế, đấy là với những GV nằm trong biên chế Nhà nước.

Còn với những GV hợp đồng thì sự bấp bênh rất dễ nhận thấy. Đa số GV trẻ bây giờ, ngoài việc giảng dạy chính ở trường, họ còn phải “chạy sô” ở nhiều trường khác để “đủ sống” từ những kiến  thức đã được học. Nhưng không phải GV nào cũng có thể dạy thêm, nhất là những thầy cô ở các môn phụ như thể dục, giáo dục công dân, âm nhạc... Dạy thêm nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ và sự nhiệt tình nghề nghiệp của GV.

Trong phiên họp chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, các đại biểu Quốc hội ngày 27/11/2006, xoay quanh đề án tăng lương GV, rất nhiều đại biểu quan tâm, liệu đến năm 2010, GV có sống được bằng nghề không hay vẫn phải chật vật dạy hợp đồng, dạy thêm như hiện nay?

Tại phiên họp ấy, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tăng lương cùng một lúc thì ngân sách sẽ không “gánh” nổi mà phải tăng từ từ và từ cấp mầm non, tiểu học và sau cùng là ĐH. Dự kiến mức tăng thực tế từ 1,5 đến 2 lần. Mức lương bình quân hiện tại: tiểu học 1,4 triệu đồng sẽ tăng đến 3,2 triệu, THPT từ 1,5 triệu tăng lên 4,3 triệu. Như vậy, tính đến năm 2010 thì chi lương GV sẽ vào khoảng 41.000 tỉ đồng, chiếm 36,8% ngân sách giáo dục, không lớn so với con số 34% hiện tại.

Có một dấu hiệu để tăng thu nhập cho GV thời gian qua là Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ GD - ĐT (đăng văn bản dự thảo trên báo Giáo dục và Thời đại từ ngày 23/11/2006) để lấy ý kiến của nhân dân.

Theo Quy định này, việc dạy thêm sẽ không tiến hành ở cấp tiểu học bởi thời gian biểu ở cấp học này là 2 buổi/ngày. Trên trang web của Bộ GD - ĐT, đa số nhân dân ủng hộ Quy định này bởi họ đồng nhất quan điểm, dạy thêm, học thêm để học sinh tập trung nhiều thời gian cho học tập và cũng để tăng thêm thu nhập cho GV khi đồng lương ít ỏi như hiện nay. Ngày 31/1/2007, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã  ký Quyết định ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.

Ông Đỗ Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, hiện nay quận Ba Đình có gần 2.500 GV các cấp học thì hơn 1/3 GV không đủ sống với đồng lương chính. “Chính vì vậy, anh chị em GV được tăng thêm thu nhập từ việc dạy thêm thì tốt quá, vừa đỡ lãng phí chất xám của GV, vừa đảm bảo nhu cầu giáo dục con em của phụ huynh học sinh” - ông Vũ nói.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, nếu ông được ủy quyền cấp phép dạy thêm, học thêm ở các trường THCS, một điều kiện ông đặt ra là các GV có trình độ chuyên môn từ loại khá trở lên mới được dạy thêm. Như vậy mới đánh giá công bằng năng lực của GV hơn từ thu nhập.

Tất cả đang phải chờ đợi dù là Đề án tăng lương GV hay việc thực hiện Quy định về dạy thêm, học thêm

Hoàng Nguyên Vũ

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文