Mái ấm của trẻ bị bỏ rơi

11:12 04/06/2007
Ở trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Ninh, cán bộ, viên chức cơ quan vẫn thường nói vui: "Giám đốc Ngô Bá Tiến là người nhiều con nhất". Chỉ tính riêng hai năm 2005-2006, ông đã làm cha đỡ đầu, khai sinh cho 12 đứa trẻ bị bỏ rơi.

Trời vừa nhá nhem tối, đám học sinh Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Ninh phát hiện một bọc vải đặt ngoài cánh cổng khép hờ, các em liền báo cho bảo vệ cơ quan.

Bọc vải mở ra, bên trong là một bé gái sơ sinh. Nhập cư vào nhà trẻ mồ côi, đứa trẻ bất hạnh ấy sau này được mang tên Ngô Ngọc Lệ - theo họ của Giám đốc Trung tâm.

Hôm đó, Ngô Ngọc Lệ còn chưa rụng rốn. Không ai biết danh tính mẹ của bé vì kẻ đang tâm vứt bỏ chính núm ruột mình vừa mang nặng đẻ đau đã một đi không trở lại.

Giám đốc Ngô Bá Tiến giọng trầm buồn: "Không lý do nào có thể biện minh cho những hành động vô lương tâm này". Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, ông Tiến cho biết: Vào mùa các đôi uyên ương xây tổ ấm hạnh phúc cũng là thời điểm gia tăng số trẻ bị bỏ rơi trên địa bàn.

Ông đưa tôi xem cuốn "Nhật ký buồn" về tiếp nhận trẻ: Chiều 11/8/2006, Trung tâm nhặt được bé Ngô Duy Khánh, tiếp đến là bé Ngô Quỳnh Thơ 13/9, Ngô Nguyệt Nga 27/9, Ngô Mai Hương 28/10, Ngô Ngọc Lệ 27/11/2006… Các trường hợp này, Trung tâm đều làm thủ tục tiếp nhận, đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND phường Vệ An sau khi đã thông báo tìm thân nhân của trẻ trên Đài PT - TH Bắc Ninh.

Ở trung tâm bảo trợ xã hội này, cán bộ, viên chức cơ quan vẫn thường nói vui: "Giám đốc Ngô Bá Tiến là người nhiều con nhất". Chỉ tính riêng hai năm 2005-2006, ông đã làm cha đỡ đầu, khai sinh cho 12 đứa trẻ.

"Việc mang họ Giám đốc là quy định của ngành hay sáng kiến cá nhân?", tôi hỏi. "Đây chỉ là thủ tục pháp lý cần thiết, thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan trước một sinh linh vừa được cộng đồng dang tay che chở", Giám đốc Tiến cho biết. Đi cùng ông xuống khu nhà trẻ mồ côi, tôi thấm thía hơn nỗi vất vả của đội ngũ bảo mẫu nơi đây. Khu có 3 phòng, 9 người thay nhau chăm nuôi ba ca liên tục.

"Cũng may là hầu hết bọn trẻ đều hay ăn chóng lớn, ít đau ốm bệnh tật nên các mẹ nuôi đỡ phải vất vả hơn", chị Nguyễn Thị Cam tâm sự. Nói vậy, song nhiều lúc các chị vẫn phải thức trắng đêm vì đàn con ươn sài quấy khóc.

Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, thường xuyên phải đối mặt với rủi ro nghề nghiệp khi chăm sóc trẻ mắc bệnh xã hội, mức lương trung bình 500.000 đồng/tháng, song hơn mười năm nay, chị Cam, chị Hoa, chị Dinh… cùng tập thể bảo mẫu vẫn ngày đêm tận tình chăm lo, nâng giấc cho đàn con.

Bởi ngoài trách nhiệm công việc, các chị muốn sẻ chia, bù đắp phần nào tình mẫu tử cho những đứa trẻ đã bị thiệt thòi ngay từ lúc mới cất tiếng khóc chào đời. Thậm chí, như chị Vũ Thị Ứng chưa lập gia đình nhưng luôn chu toàn chức trách của mẹ nuôi.

Nhìn ánh mắt thơ ngây của Nguyệt Nga, Duy Khánh, Quỳnh Thơ… tôi không khỏi chạnh lòng với ý nghĩ mông lung: "Không hiểu những kẻ cố tình chối bỏ quyền làm mẹ nghĩ sao khi biết được con mình giờ đây xinh đẹp như những thiên thần, mỗi ngày mỗi lớn trong vòng tay yêu thương đùm bọc của đồng loại?".

Mỗi lần có trẻ bỏ rơi, Trung tâm lại nhận về mình những khó khăn. Giám đốc Ngô Bá Tiến trăn trở: Theo định mức tài chính hiện hành là 300.000 đồng/tháng đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi và 200.000 đồng/tháng đối với trẻ trên 18 tháng tuổi, thật khó cho việc chi phí chăm nuôi. Trẻ nuôi bộ tốn kém mọi bề, Trung tâm thường xuyên phải vận động quyên góp sự giúp đỡ, tài trợ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhà hảo tâm.

Cho đến giờ, chưa có cuộc điều tra xã hội học nào về nguyên nhân trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở Bắc Ninh - một thực trạng đáng báo động gia tăng theo từng năm. Chỉ biết rằng, đó là hệ quả tất yếu của lối sống buông thả trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Khi mà tốc độ đô thị hóa đang ào ạt diễn ra ở nhiều làng quê cộng với sự "tiếp sức" của công nghệ thông tin đã xuất hiện xu hướng sống gấp, sống thử trong không ít nam, nữ thanh niên.

Trong khi đó, kiến thức về giáo dục giới tính, tình dục an toàn với họ còn là lỗ hổng khá lớn. Hành động phi nhân tính của những bà mẹ này mặc dù chưa bị pháp luật trừng trị, song chắc chắn sẽ có một tòa án lương tâm phán xét, ám ảnh họ trong suốt quãng đời về sau.

Lật giở lại từng trang "Nhật ký buồn" ghi danh những đứa trẻ bị bỏ rơi, tôi chợt chú ý đến một cái tên không mang họ Giám đốc, là Vũ Văn Long. Giám đốc Ngô Bá Tiến trầm ngâm: "Trường hợp này khá hy hữu bởi trước khi bỏ con, mẹ của Long đã để lại một bức "tâm thư" đề ngày 13/4/2006 với nét chữ nguệch ngoạc viết vội: "Kính gửi nhà trẻ mồ côi tỉnh Bắc Ninh. Hôm nay, tôi viết vài dòng chữ này, rất mong các ông, bà giúp đỡ. Tôi có một cháu trai là Vũ Văn Long bị tật nguyền đã 7 tuổi rồi mà không đi đứng, nói năng gì được.

Không may cho tôi thân có một mình, bố cháu mất sớm. Tôi cũng không muốn bỏ cháu ở đây đâu vì không có người mẹ nào mang nặng đẻ đau mà lại cho con đi. Nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, nếu không nhờ Nhà nước có chính sách này thì tôi không đi làm ăn gì được. Tôi mong tỉnh Bắc Ninh giúp đỡ cưu mang, sở thích của cháu là của nếp và ăn cơm với đường. Tôi vô cùng cảm ơn".

Theo Giám đốc Tiến, mặc dù không thể thẩm định những điều viết trong thư, song đây cũng là bút tích hiếm hoi Trung tâm có được sau những lần tiếp nhận trẻ bỏ rơi. Phải chăng đây chính là một chút lương tri cuối cùng của người mẹ khi vứt bỏ con?

Trung tâm sẽ giữ gìn bức thư cũng như một vài kỷ vật đầu đời của các cháu thật cẩn thận với mong muốn một ngày nào đó khi lương tâm thức tỉnh, cha mẹ, người thân của các cháu sẽ đến đón con về sum họp đoàn tụ, dẫu biết rằng đây chỉ là niềm hy vọng mong manh

Duy Cảnh

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文