Một cựu chiến binh gần 30 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Nghe có người hỏi tìm mình, ông Xuy bỏ dở công việc hái rau khoai ở vườn, chạy vào hỏi: "Chú là con hay cháu liệt sĩ?!". Gần 30 năm nay, ông đã quen hỏi câu này mỗi khi có người lạ đến tìm. Bởi lẽ ngần ấy năm, những người đến tìm gặp ông, phần lớn là thân nhân của liệt sĩ. Họ đến để cậy nhờ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao, tấm chân tình của ông sau những cuộc trèo đèo lội suối tìm kiếm hài cốt người thân của họ là liệt sĩ…
Bên bát nước chè xanh nóng hổi thơm lừng, giọng kể của người lính già chậm rãi. Bao kỷ niệm của một đời binh nghiệp chợt sống lại, ùa về xúc động đến khó tả. Năm 1954, ông Xuy lên đường nhập ngũ và được điều động về Sư đoàn 325 tham gia chiến đấu tại nước bạn Lào. Trong thời gian này, ông tham gia các chiến dịch Hạ Lào, Trung Lào và 6 lần bị thương nặng.
Năm 1957-1961, ông được cử ra Bắc học sĩ quan, rồi vào
Từ đó đến nay, ngoài công việc mưu sinh, chăm nuôi con cái ăn học, ông còn dành phần lớn thời gian băng rừng lội suối tìm hài cốt đồng đội mình. Ông không nhớ rõ bao nhiêu lần đi, bao nhiêu nỗi vui buồn trong những lần đi ấy. Bởi có lần ông may mắn tìm được hài cốt đồng đội, nhưng cũng không ít lần đành phải trở về với sự day dứt khôn nguôi.
Ông Xuy trầm ngâm: "Tui theo cách mạng năm 16 tuổi, liền đó là đăng đẳng 23 năm xa cách quê hương. Đến lúc trở về, mẹ tui đã tuổi 82, tóc bà bạc trắng, nhưng dẫu sao hai mẹ con vẫn còn gặp được nhau; còn bao đồng đội thì vĩnh viễn nằm lại với đất để những người mẹ thương nhớ, mõi mòn…".
Những lời tâm sự chân tình này đã làm cho tôi hiểu tấm lòng của ông. Vì thấu cảm bao mất mát hy sinh ấy mà bao năm qua dẫu cho thương tật tái phát và cả những viên đạn, mảnh bom vẫn còn găm trong thân thể, hành hạ ông những lúc trái gió trở trời, vậy mà ông vẫn gắng sức lên đường, vẫn miệt mài tìm kiếm để thỏa mãn ước nguyện của mình là tìm cho bằng hết di hài của các anh. Mới đây nhất, ông đã lặn lội đi khắp 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Bình Định tìm được 5 hài cốt liệt sĩ là các anh: Nguyễn Xuân Cơ, Nguyễn Văn Toản, Dương Ước, Phạm Văn Thí, Nguyễn Công Cuộc, quê huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và TP Đông Hà, Quảng Trị...
Chẳng những thế, ông Xúy còn giúp bà Hoàng Thị Thanh ở Đông Thanh, Đông Hà tìm ra người bố đẻ của mình nay là một CCB quê xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, Nghệ An sau 53 năm vì chiến tranh ly tán.
Theo lời kể của ông Xúy, năm 1952, ông Hoàng Ngọc Kim (bố của bà Thanh) khi đó là chiến sĩ Vệ quốc đoàn thuộc Tiểu đoàn 369 hoạt động tại chiến trường Quảng Trị. Thời gian này ông Kim yêu và cưới bà Hồ Thị Sung (mẹ của bà Thanh) tại Quảng Trị, sau đó chuyển quân ra Bắc và mất tích... Từ thông tin ít ỏi đó, ông Xúy quyết tâm phải tìm ra ông Kim với mong muốn gia đình họ được đoàn tụ, hoặc chí ít giúp cho chị Thanh biết được gốc gác của mình.
Lúc đi, ông chỉ có vài trăm nghìn; sợ không đủ tiền lộ phí nên đã mượn thêm của bà con làng xóm. Ông ra gặp các anh ở Hội CCB tỉnh Nghệ An, tra danh sách hội viên Hoàng Ngọc Kim đều không thấy, nhưng vẫn không nản chí. Ông chạy khắp nơi nhờ bạn bè giúp cho điện thoại liên lạc tất cả các xã theo kiểu cuốn chiếu để lần tìm.
Đến hơn một tháng sau, trong một lần liên lạc với Chủ tịch Hội CCB xã Diễn Thái, ông này reo lên: "Ông Kim vừa uống nước trà nói chuyện phiếm với tôi xong". Thế là ông Xúy bắt xe chạy một mạch lên xã Diễn Thái và tìm đúng người. Ông Kim lúc này cũng không biết mình có một cô con gái 53 tuổi, đã có cháu nội ngoại đề huề. Ông Kim theo chân ông Xúy về gặp chị Thanh, gia đình sum họp mừng rơi nước mắt…