Một gia đình nông dân có 2 con đỗ thủ khoa và á khoa ĐH

15:29 10/08/2011
Năm nay gia đình anh Nguyễn Văn Vũ và chị Nguyễn Thị Vinh, ở thôn Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh lại đón nhận tiếp niềm vui khi con trai thứ hai Nguyễn Văn Kỳ của anh chị đỗ á khoa Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với số điểm 28. Năm 2009, con trai đầu, Nguyễn Văn Cường, thủ khoa Đại học Bách Khoa với số điểm là 29,5.

Vừa học vừa giúp bố mẹ

Về thăm quê những ngày này, có lẽ rôm rả nhất vẫn là chuyện thi cử của các em học sinh thi đại học năm nay, con số học sinh đỗ đại học năm nào cũng rất cao, đó là niềm tự hào của người dân quê tôi về truyền thống hiếu học và năm nay câu chuyện về một gia đình bố mẹ làm nông dân mà có hai con đỗ cao đại học là một thông tin nóng, trên khắp các xóm làng cứ xôn xao, ở đâu người ta cũng trầm trồ thán phục. Nghe vậy, tôi liền tìm đến gia đình anh Vũ, chị Vinh là bố mẹ của các em.

Không giống như nhiều thủ khoa khác, nhọc nhằn vượt khó vươn lên và đạt được kết quả cao trong học tập thì em Nguyễn Văn Kỳ - á khoa của Đại học Khoa học tự nhiên năm nay có điều kiện thuận lợi hơn. Quê em, xã Tam Giang, thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là một vùng quê trù phú, một vùng quê có điều kiện thuận lợi  trong phát triển nông nghiệp và có nhiều nghề phụ nên cuộc sống nói chung không mấy khó khăn. Đây cũng là một vùng quê có truyền thống hiếu học, rất nhiều con người ở nơi đây đã học tập, đã trưởng thành và đã có những công việc, những vị trí trong xã hội. Tuy nhiên, vì vẫn là một vùng quê, nên nói gì thì nói, công việc của người nông dân vốn dĩ là vất vả, để có điều kiện cho các em ăn học, bố mẹ Kỳ đã phải một nắng hai sương làm ruộng, nuôi lợn rồi làm thêm nghề phụ để cho các em có điều kiện ăn học.

Chị Vinh kể lại, anh chị sớm tối đi làm, làm xong ruộng rồi thì lại đi xây. Chồng đi xây thì vợ phải đi phụ xây, vất vả lắm, ngoài ra, anh chị còn tăng gia, nuôi lợn để có tiền đóng học cho con. Chỉ hai vợ chồng làm, còn hai đứa đi học suốt.

Thằng lớn (Nguyễn Văn Cường) trước đây học 3 năm ở Khoa chuyên Lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, cuối tuần mới về thăm nhà, còn thằng em (Nguyễn Văn Kỳ) cũng học ở trường chuyên thị trấn Chờ, rồi lên cấp III thì học Trường THPT Chuyên thị xã Bắc Ninh. Hai anh em đi học suốt, cuối tuần mới về nhà giúp bố mẹ những việc như băm bèo, nấu cám cho lợn ăn, rồi tắm rửa cho lợn… Xong việc, chiều chủ nhật cả hai anh em lại đi. Bố mẹ ở nhà cứ chăm chỉ lam làm, có được chút tiền nào lại cất đi, để dành đóng học cho con.

Tôi hiểu anh chị đã phải vất vả thế nào mới lo được cho hai đứa con ăn học như thế. Riêng tiền ăn ở của các em khi trọ học xa nhà, rồi còn tiền học phí, tiền học thêm của cả hai anh em, con số ấy tính ra cả tháng có lẽ không nhỏ. Tuy nhiên, nhìn căn nhà của anh chị Vũ khá khang trang, và có lẽ ấn tượng nhất là những tấm bằng khen của cả hai anh em Cường và Kỳ, là những công nhận về kết quả học tập của các em. Những tấm bằng khen treo chật cả một dãy tường, cái tên Nguyễn Văn Kỳ và Nguyễn Văn Cường với những thành tích cao trong học tập.

Nguyễn Văn Kỳ (bên phải) và anh trai Nguyễn Văn Cường.

Trở thành học sinh giỏi quốc gia và thủ khoa đại học

Nếu như anh Cường học chuyên Vật lý suốt 3 năm cấp III ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, một ngôi trường mà có lẽ bất kỳ phụ huynh học sinh nào cũng mơ ước cho con mình được bước chân vào học ở đó thì Nguyễn Văn Kỳ lại là học sinh học chuyên Hóa của Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, một trường cũng có thành tích học tập không kém.

Và dưới sự dẫn dắt của các thầy cô giáo trong Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, Nguyễn Văn Kỳ đã đạt được những thành tích đáng nể phục: trong 3 năm học THPT, em đã 3 lần đạt giải thưởng danh giá: lớp 11 đạt giải 3 quốc gia và giải nhất khu vực các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ môn Hóa; năm lớp 12 là thí sinh duy nhất của tỉnh đạt giải nhất quốc gia môn Hóa học. Kỳ cũng là một trong những thí sinh được Bộ GD- ĐT mời dự vòng 2 chọn đội tuyển Olympic quốc tế năm 2011. Tuy nhiên, vì một chút nóng vội, em đã hơi hấp tấp và kết quả là em chỉ kém một thí sinh khác được chọn đi thi Olympic Hóa quốc tế đúng 0,5 điểm. 

Em chia sẻ, điều đó làm em rất tiếc cho mình và thấy mình đã phụ công dạy dỗ và sự tin tưởng của cô giáo chủ nhiệm. Cô là người đã dẫn dắt em, là người truyền đam mê cho em với môn Hóa học. Cô giáo em còn rất trẻ, lại bận con nhỏ nhưng cô đã rất tận tuỵ, dẫn dắt em, mượn tài liệu cho em trong những ngày em ôn luyện để vào đội tuyển Olympic Hoá quốc tế.

Tôi hỏi em: "Em thường tìm tòi tài liệu để học ở đâu?". Kỳ cho biết, em thường phải nhờ anh em mượn thêm của các bạn ở Hà Nội, hoặc các thầy cô tìm tòi chỉ dẫn cho em". "Thế em có bí quyết học tập nào không?". Kỳ lúng túng trả lời: "Thực ra em chả có bí quyết gì cả. Nói đến bí quyết thì nó trừu tượng lắm. Em cứ học bình thường thôi, và không đặt ra áp lực rằng mình phải thế này, mình phải thế kia. Cứ để cho nó tự nhiên chị ạ". “Thế lịch học của em như thế nào?". "Các buổi sáng em lên lớp, và học thêm môn Hóa 3 buổi chiều. Còn các buổi tối thì cũng mở bài vở ra xem thêm". "Thế em có thấy áp lực không? Học có vất vả không". Kỳ trả lời: "Em thấy cũng bình thường, cũng không thấy vất vả".

Chị Vinh thêm vào câu nói của con: "Anh chị đều là nông dân, có biết đến sách vở là thế nào đâu, dạy dỗ lại càng  không, chỉ biết bảo con cố gắng thôi. Và mình cũng chỉ tâm niệm, cố gắng làm lụng để lấy tiền cho con đóng học. Và mong các con học giỏi, thế là bố mẹ mừng".

Kết quả của anh em Cường - Kỳ đã không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ các em. Hai năm trước, anh chị Vũ vui mừng vì cậu con trai lớn đạt danh hiệu thủ khoa của Đại học Bách Khoa, thì năm nay đến lượt cậu con trai thứ 2, á khoa của Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Niềm vui chợt ánh lên, nhưng rồi một nỗi lo lại đến. Hai anh em đều học xa nhà, phải lo học lại vừa phải lo cuộc sống, ăn ở, đi lại… Vẫn câu nói của chị: "Bố mẹ là nông dân, chân lấm tay bùn, có bao giờ biết Hà Nội là thế nào đâu. Thôi lại kệ cho hai anh em chúng tự lo cho nhau".

Còn hai anh em Cường và Kỳ vẫn tâm niệm sẽ học thật tốt. Là thủ khoa Đại học Bách Khoa, nhưng Cường lại không theo học Bách Khoa. Giờ em đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Y Hà Nội, còn Kỳ cho biết, em sẽ vào học lớp cử nhân tài năng của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, em đặt ra quyết tâm sẽ giành được học bổng để được đi học ở nước ngoài, em mong mình trở thành một chuyên gia ngành Hoá dầu.

Tối 1/8/2011, Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với quỹ khuyến học Phạm Văn Trà (Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) làm Chủ tịch danh dự của Quỹ, đã tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng học sinh Bắc Ninh đạt thành tích xuất sắc. Với số tiền thưởng cho danh hiệu thủ khoa cũng kha khá, hy vọng đây sẽ là nguồn động viên kịp thời với những thành tích mà Kỳ đã đạt được, không những thế, đây còn là một khoản tiền có thể đỡ một phần khó khăn cho bố mẹ em trong những ngày tới các em chuẩn bị lên Hà Nội nhập học. Chúc cho em đạt được thêm nhiều thành công trên con đường học tập

Ngô Thị Chuyên

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文