Nắng nóng, mất an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố

09:49 23/05/2018
Từ đầu tháng 5 đến nay Hà Nội bước vào các đợt nắng nóng đỉnh điểm, quán ăn vỉa hè, nước giải khát mọc lên dọc đường để “giải nhiệt” luôn hút khách. 

Nắng nóng kéo dài là thời điểm thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, bất kỳ thực phẩm nào nếu không bảo quản đúng cách đều có thể ôi thiu, dẫn tới ngộ độc thực phẩm. Thức ăn đường phố phải đảm bảo đủ 10 tiêu chí, nhưng ngay tại các tuyến phố, quận, huyện thí điểm thức ăn đường phố của Hà Nội cũng đều vi phạm.    

Trưa 21-5, dưới cái nắng chói chang của Hà Nội 36 độ, những hàng ăn vỉa hè bắt đầu mọc lên. Nhiều nhất vẫn là xung quanh các bệnh viện, công sở. 

Trước cổng Bệnh viện K (phố Quán Sứ), các gánh hàng ăn rong có nhiều thực khách vây quanh. Khách hàng chủ yếu là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Gánh hàng bún đậu ngồi ngay dưới vỉa hè để bán hàng. 

Cả gánh bún chỉ có một chiếc xô nhựa nhỏ nước để rửa bát đũa. Khách ăn xong bát đũa xếp chồng, do thiếu nước nên người bán hàng chỉ có thể sử dụng chiếc xô nước nhỏ để xử lý tất cả công tác “vệ sinh”. Người bán hàng dùng tay không đeo găng để bốc bún, cắt đậu cho khách. 

Cách đó không xa là 2 gánh bún riêu cũng bán và ngồi ăn uống ngay trên vỉa hè. Bát đũa để dưới nền đất, thức ăn, nước dùng phơi ở ngoài trời. Thức ăn rong đường phố đều không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là những ngày nắng nóng càng gây nhiều nguy cơ mất an toàn.

Quán cơm rong xuất hiện ở phía ngoài Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Việt Đức cũng trong tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm, bát đũa đều trực tiếp đặt dưới nền đất. Thiếu nước, vệ sinh bát đũa không đảm bảo, người bán hàng dùng tay không đeo găng bốc thức ăn cho khách là nguồn lây nhiễm ecoli rất lớn. 

Thức ăn đường phố bán trên vỉa hè trước cổng Bệnh viện K.

Không chỉ thế, quán ăn trong cửa hàng cũng vi phạm 10 tiêu chí của thức ăn đường phố. Người chế biến, người bán hàng không đeo găng tay khi chế biến thức ăn cho khách. Nhiều cửa hàng không có tủ kính đựng thức ăn, thức ăn bày ra ngoài bụi bặm, không đảm bảo an toàn.

Những ngày nắng nóng, mặt hàng nước giải khát được tiêu thụ rất mạnh. Trên phố Phủ Doãn đối diện với Bệnh viện Việt Đức, cửa hàng bán nước mía rất đông khách. 

Những cây mía đã cạo vỏ và máy ép mía, ca đựng nước mía không có bất cứ thứ gì che đậy để ngay trên vỉa hè sát đường đi. Bụi bẩn, vi khuẩn của hàng nghìn lượt người xe qua lại cuốn vào mía, vào máy ép. Người bán thì chẳng quan tâm đến điều đó miễn là bán được hàng. 

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam thì nước mía là loại nước giải khát dễ gây mất ATVSTP nhất bởi mía không được vệ sinh trước khi cạo vỏ, cạo vỏ xong người bán không bọc lại để giữ vệ sinh mà “phơi” ở ngoài. Máy ép mía nếu không được vệ sinh hàng ngày thì đây là một ổ vi khuẩn. 

Việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với địa điểm kinh doanh nước mía có thường xuyên không và có kiểm tra vệ sinh máy ép mía hay không, đây là câu hỏi cần được đặt ra.

Vào mùa nắng nóng, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai lại tiếp nhận các ca ngộ độc thực phẩm nhập viện. Không chỉ ngộ độc bởi thức ăn đường phố mà bất kể thực phẩm nào nếu không được bảo quản đúng cách, không được vệ sinh sạch sẽ thì cũng dễ nhiễm vi sinh vật. Đặc biệt là sự “cẩu thả” của người chế biến khi để thức ăn chín sống lẫn lộn dễ dẫn tới nhiễm khuẩn. 

Từ đầu tháng 5 đến nay, Hà Nội đã triển khai nhiều đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đi kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm trên một số quận, huyện. Tuy nhiên, việc kiểm tra mới chỉ dừng được ở một con số nhỏ, bởi không đủ lực lượng cũng như thời gian để kiểm tra được hết. 

Hoàn Kiếm có 3.673 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 2.240 cơ sở thuộc quản lý của ngành y tế. Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, quận Hoàn Kiếm đã thành lập 19 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh nhưng chỉ mới “sờ” đến một số lượng nhỏ là 379 cơ sở. 

Kết quả nhắc nhở 48 cơ sở, cảnh cáo 8 cơ sở, xử phạt 37 cơ sở, đang xử lý 6 cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm. Ban chỉ đạo 389 quận Hoàn Kiếm cũng đã xử lý 13 vụ, phạt tiền trên 60 triệu đồng.

Theo ThS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 tại Hoàn Kiếm thì vi phạm chủ yếu của các cơ sở là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có nhưng đã hết hạn, không khám sức khỏe định kỳ cho lao động, không có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, không có trang bị bảo hộ (thiếu găng tay, tạp dề, khẩu trang), không lưu giữ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm.

Thức ăn đường phố hiện còn nhiều vi phạm mà vi phạm đầu tiên là ý thức và lương tâm của người kinh doanh. Để đảm bảo sức khỏe của mình, người tiêu dùng không sử dụng thức ăn đường phố ở những cơ sở không đảm bảo vệ sinh và cơ quan chức năng cần công khai danh tính những cơ sở không đảm bảo an toàn đã bị kiểm tra, xử phạt để người tiêu dùng biết và lựa chọn nơi kinh doanh an toàn. 

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4-2018 cả nước có 20 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 người tử vong. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 522 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 6 người tử vong. Riêng tháng 3 có 12 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 216 người phải nhập viện, 3 người tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm được xác định chủ yếu do độc tố tự nhiên, vi sinh vật, hóa chất và một số vụ chưa xác định được nguyên nhân.
Trần Hằng

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lạc Sơn để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bức xúc khi chứng kiến đối tượng trộm cắp xe máy giữa ban ngày, anh Nguyễn Công Định (ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã lao thẳng xe vào tên trộm rồi sau đó cùng người dân khống chế thành công đối tượng trộm cắp xe máy.

Tối 4/11, Công an TP Tân Uyên (Bình Dương) đã tạm giữ hình sự đối với Lê Minh Trung (SN 1977; ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Ngày 3/11, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về thành tích đấu tranh, triệt phá đường dây sử dụng không gian mạng hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Ngày 3/11, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an tỉnh Sơn La về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

Ngày 4/11, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Công an huyện Như Xuân vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Bùi Văn Tuấn (SN 1983), ở xã Bình Lương, huyện Như Xuân về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Lương cơ sở đã tăng, nhưng một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu lương cũng "mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện". Thế nên, các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ nhưng nhân tài thì vẫn "như lá mùa Thu".

Chiều 4/11, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, vừa xuất quân hỗ trợ lực lượng chức năng Campuchia chữa cháy casino 7 tầng, thuộc xã Tropeng phlong, huyện Ponhia Kret, tỉnh Tbuong Khmum (Campuchia), hướng dẫn thoát nạn cho 4 người bị thương mắc kẹt trong đám cháy.

Ngày 4/11, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác bí mật ghi hình các bãi giữ xe bên ngoài trường THPT Cầu Giấy (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) qua đó phát hiện không ít học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh từ 110 – 125 cc như: Honda Vision, Spacy… gửi tại đây.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文