Ngành chăn nuôi điêu đứng vì hạn mặn

08:09 16/03/2016
Bến Tre, một trong những địa phương vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn. Cả tỉnh bị nước mặn bao trùm, lúa chết đỏ đồng. Người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, lúa bị thiệt hại và đặc biệt ngành chăn nuôi bò và nuôi hàu của địa phương “trắng tay” vì thiên tai.

Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Bến Tre xuống giống 14.759ha nhưng có đến 13.845ha bị thiệt hại. Diện tích lúa của tỉnh gần như mất trắng, dẫn đến nguồn nguyên liệu rơm khan hiếm. Tỉnh Bến Tre có tổng đàn trên 150.000 con, do thiếu rơm nên nông dân phải bán bớt số lượng bò, với giá thấp hơn 10 triệu đồng/con so với mọi năm.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri cho biết, nước nhiễm mặn quá nặng, cây trồng và gia súc đều không thể sống. “Lúa mất trắng, hư hại ngoài đồng ai cũng thấy. Ngành chăn nuôi báo động bởi không có rơm rạ cho bò ăn, nước mặn cũng không thể cho bò uống được”, ông Lâm nói. 

Huyện Ba Tri có đàn bò lớn nhất tỉnh (khoảng 80.000 con) nên nhu cầu rơm rất lớn. Nông dân phải mua rơm, với giá từ 15.000 - 26.000 đến 30.000 đồng/cuộn rơm khoảng từ 12 - 15kg.

Nông dân Nguyễn Văn Đỗ đẩy xe mua nước ngọt cho bò uống.

“Chưa năm nào khó khăn như năm nay. Người có đất sản xuất thì thiệt hại không có thu nhập, người nghèo thì không ai thuê. Nước sinh hoạt cũng phải mua với giá đắt đỏ. Hằng ngày, người dân phải đẩy xe đi xa 4 cây số để mua nước về cho bò uống”, ông Nguyễn Văn Đỗ (ngụ Tân Xuân, huyện Ba Tri) than thở.

Tại cuộc họp phòng, chống hạn mặn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được tổ chức tại Cần Thơ vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Võ Thành Hạo cho biết: Ngoài diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề, tỉnh Bến Tre chỉ còn 4 xã chưa bị mặn xâm nhập. Các huyện Ba Tri, Bình Đại và Giồng Trôm nguồn nước bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Có 40 xã, người dân phải mua nước còn giữ lại dưới ao với giá từ 40.000 - 70.000 đồng/m³.

“Hiện nay không phải chỉ nước ngọt cho người uống, mà còn phải lo nước cho bò uống. Vì không có nước ngọt bò cũng không thể sống”, ông Hạo nói. Cũng theo ông Hạo, dù chính quyền khuyến cáo người dân không xuống giống nhưng nhiều gia đình vẫn sản xuất, mong có rơm cho bò ăn nhưng vẫn không đủ. 

Hiện nay, người nuôi bò phải sang Đồng Tháp mua rơm với giá khá đắt, gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi. Nước sông cạn kiệt, ghe chở rơm mua từ Đồng Tháp về cũng phải trung chuyển, dừng lại ngay đầu cống (do cống đóng ngăn mặn) sau đó bốc dỡ qua ghe khác, khiến chi phí vận chuyển tăng cao.

Không chỉ bò, hàng trăm nông dân xã Thừa Đức và Thới Thuận (huyện Bình Đại) cũng lâm vào cảnh trắng tay vì hàu chết hàng loạt. Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch hàu, giá thương phẩm từ 25.000 - 26.000 đồng/kg. Nhưng thống kê của xã Thừa Đức, trên địa bàn xã có 150 hộ dân nuôi 66ha hàu, thiệt hại 90%, ước tính hàng chục tỷ đồng.

Ngành chăn nuôi bò ở Bến Tre bị lỗ nặng.

“Gia đình tôi nuôi 5 tấn hàu, chuẩn bị kêu thương lái bán. Giờ hàu chết sạch, trắng tay lâm vào cảnh vỡ nợ”, anh Huỳnh Văn Quốc (ngụ ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Đức) nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Trường nghẹn ngào: “Nước sông mặn chát, con người còn không sống nổi nữa nói chi con hàu. Gần 2 năm trời chăm sóc, tốn hàng trăm triệu đồng nhưng giờ phải trắng tay”.

Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre đã lấy mẫu kiểm tra cùng chính  quyền địa phương thống kê, hỗ trợ phần nào cho người dân. Theo ngành chức năng, bước đầu kiểm tra cho thấy, ngoài nguyên nhân nước nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước, thời tiết nắng nóng ban ngày và nhiệt độ hạ thấp đột ngột vào ban đêm làm hàu chết hàng loạt. Tại cửa sông Cống Bể, khu vực người dân nuôi hàu, độ mặn đo được từ 35 -37‰, cao hơn khoảng 10‰ so với những năm trước, trong khi môi trường nước có độ mặn dưới 25‰ mới thích hợp cho hàu phát triển.

Văn Vĩnh

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Lúc này cái tên Nguyễn Xuân Son được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng nên nhớ rằng, đội tuyển là một tập thể vẫn còn nhiều nhân tố quan trọng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文