Nghị lực của một cô giáo mù

11:03 16/10/2007
Với quyết tâm vượt lên tật nguyền, những ngày đầu khi cả nhà vào nương rẫy, một mình Nga dò dẫm tập đi lại, xác định vị trí. Và cô bé Nga đã lần lượt gây bất ngờ cho cả nhà và hàng xóm khi với đôi mắt không nhìn thấy mà đã thổi được cơm, rồi nấu cám lợn, giặt giũ áo quần, quét dọn nhà cửa...

Hàng chục mảnh đạn găm vào cơ thể, giết chết hai con ngươi, gần 30 năm nay với đôi mắt mù lòa, nhưng với nghị lực và lòng quyết tâm vượt lên số phận, giờ đây cô bé ấy đã trở thành một cô giáo mù có tiếng, như cổ tích giữa đời thường, đó là Nguyễn Thị Nga -  giáo viên dạy chữ nổi ở Hội Người mù Quảng Trị.

Nga sinh ra và lớn lên ở vùng Cùa, nơi từng là chiến khu xưa trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, nhà Nga làm nông, đông anh em vất vả lắm mới đủ cái ăn, cái mặc. Cô bé Nga rồi sẽ lớn lên như bao cô gái làng quê nơi này, nếu như không có một ngày định mệnh oan nghiệt kia, một ngày giữa tháng 5/1978, khi ấy em vừa tròn 12 tuổi...

Hằng ngày theo thường lệ cứ đến bữa nấu cơm cô bé Nga vào bếp nhóm lửa, chưa kịp bắc nồi cơm lên bếp thì bỗng một tiếng nổ vang rền, một quả đạn giấu mặt dưới nền đất trong bếp lửa đã bắn tung những mảnh đạn vào khắp cơ thể em, nghiệt ngã nhất là hai mảnh đạn đã găm sâu vào hai con mắt.

Ông bà Sum quyết tâm chạy vạy để cứu chữa cho con từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện Trung ương, hàng năm trời mới bình phục, nhưng đôi mắt thì mù lòa hoàn toàn.

Rời khỏi bệnh viện về nhà, những ngày đầu cô bé Nga vừa hoảng sợ vừa cô đơn, buồn tủi, luôn nép mình trong vòng tay của mẹ vì quanh mình là màn đêm tối mịt mù, không còn vui chơi, không còn sinh hoạt bình thường như những ngày tháng cũ cùng bè bạn.

Bà con, chòm xóm đến thăm ai cũng chảy nước mắt, khóc thương cho số phận cay đắng của em mới mười mấy tuổi đầu mà mù lòa. Nhưng Nga đã đứng lên từ đôi chân của mình.

Với quyết tâm vượt lên tật nguyền, những ngày đầu khi cả nhà vào nương rẫy, một mình Nga ở nhà lặng lẽ dò dẫm tập đi lại, xác định từng vị trí trong nhà, trong vườn từ nhà bếp, chuồng lợn đến sân phơi, giếng nước và một tuần là cô đã thành thạo.

Khi đã nhận biết được đâu là đường xuống bếp, đâu là bếp lửa nấu cơm, đâu là nơi giặt giũ áo quần, vài lần, giấu gia đình nấu cơm không thành, Nga đã rút được kinh nghiệm và một buổi chiều ấy, cô bé Nga đã gây bất ngờ cho cả nhà và hàng xóm vì nấu được một nồi cơm, điều mà khi sáng mắt cô bé làm dễ dàng như trở bàn tay.

Vậy là mình có ích, vậy là mình sống có ý nghĩa, cảm xúc ấy chực trào ra nước mắt. Khi nấu được cơm, được gia đình, bà con an ủi, động viên Nga bắt đầu tập làm lại những công việc quen thuộc của mình như trước, nấu cám lợn, giặt giũ áo quần, quét dọn nhà cửa. Việc nào Nga cũng làm được thay mẹ.

Điều đáng nói, để giúp gia đình cải thiện đời sống, Nga làm thêm nghề nấu rượu, cứ vài ngày cho ra một nồi rượu, vừa bán rượu cho xóm làng, vừa lấy hèm rượu nuôi heo. Ông bà Sum cho hay, thấy con bé chịu khó, chịu khổ dù đôi mắt không còn nhìn thấy nhưng việc gì tập tễnh rồi cũng làm được hết, làm việc không biết mệt nhọc, nên ai cũng thương.

Điều kỳ lạ hơn, đôi tai của Nga đã thay thế vào hai con mắt! Ai đến mua rượu, nghe tiếng rượu đổ vào chai là Nga nói không sai, làm cho nhiều người lạ phải sửng sốt, thán phục!

Tiếng tăm cô bé "tàn mà không phế" đồn xa nên đến năm 1997, Nga được Hội Người mù Quảng Trị tạo điều kiện cho đi học lớp chữ nổi dành cho người mù tại Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng Hội Người mù Việt Nam tại Hà Nội.

Khi nhập học, lẽ ra Nga phải học lớp C (lớp cơ bản đầu tiên) thì bằng nỗ lực, cố gắng của bản thân Nga đã được các thầy, cô ở Trung tâm cho lên học lớp A. Mặc dù chương trình phức tạp nhưng Nga vẫn vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành chương trình học tập, đạt kết quả loại giỏi.

Đầu năm 1998, Nga về lại quê hương trở thành cô giáo mù dạy xóa mù cho hàng trăm người cùng cảnh ngộ.

Tại lớp học, cuộc đời Nga đã bắt đầu đổi thay, tình yêu đôi lứa của Nga đã chớm nở với anh Phan Văn Đồng - người cùng lớp học, thương binh 1/4 (mù mắt), Chủ tịch Hội Người mù huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và rồi đám cưới được tổ chức trên quê hương chiến khu của Nga. Hạnh phúc đã thực sự mỉm cười với hai con người đã trải qua bất hạnh, khổ đau.

Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, cô giáo Nga tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đã trở thành giáo viên dạy giỏi của Hội Người mù Quảng Trị. Hơn 5 năm nay, Nga đã đến rồi đi khắp nơi trong tỉnh để dạy chữ nổi cho người mù, ở đâu cần là Nga đến.

Có năm khi đến dạy chữ nổi cho người mù ở huyện Cam Lộ, Nga vừa dạy vừa học nghề làm chổi đót cùng Hội Người mù ở đó để kiếm thêm thu nhập. Tại đây, trí thông minh và lòng kiên nhẫn của cô đã khiến nhiều người khâm phục.

Lẽ ra người mù bình thường phải học 3 tháng mới làm được thì Nga chỉ cần học trong vòng một tuần lễ là làm được ngay, thậm chí còn đẹp hơn, nhanh hơn những người có kinh nghiệm lâu năm ở tổ sản xuất này.

Mỗi ngày người ta làm được 5 cái thì Nga làm được 6 cái. Hội đã giao cho Nga nhiệm vụ cứ sáng sớm mang chổi ra chợ Phiên gần đó bán. Tuy nhiên, công việc chưa được bao lâu thì Nga đã được điều đi dạy nơi khác.

Bây giờ, hai mẹ con cô giáo Nga (con gái Nga đã 7 tuổi) đang về lại Hội Người mù Quảng Trị ở thị xã Đông Hà để tiếp tục công việc dạy chữ nổi của mình cho người cùng cảnh ngộ. "Dù vợ chồng mỗi người một nơi, nhưng giờ đây công việc của em đã ổn định, em cố gắng sẽ dạy thật giỏi để khỏi phụ lòng mọi người đã quan tâm giúp đỡ từ những ngày đầu gian khổ", Nga tâm sự.

Cuối tháng 9 vừa rồi, tôi đến thăm Nga tại Hội Người mù tỉnh. Vẫn từng bước chân chậm rãi nhờ đôi tay lần vịn vào tường, vẫn gắn bó với gần 30 em học sinh khuyết tật đang nỗ lực học chữ Brai để vượt lên số phận. Nga cho biết, nhiều em học sinh của Nga học rất giỏi, có em thi đỗ vào các trường đại học…

Biết vượt lên chính mình để chiến thắng số phận nghiệt ngã như cô giáo mù Nguyễn Thị Nga dù ở bất cứ nơi đâu cũng xứng đáng để mỗi chúng ta học tập

Hồng Quân

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文