Nghĩa Hành - Quảng Ngãi: Cán bộ xã tham gia phá rừng?

09:18 01/07/2006

Cả khu rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vệ đã bị phá trụi, đốt cháy nham nhở. Thay vào đó là những cây keo lai mới trồng thuộc “mô hình trình diễn keo lai giâm hom của Trung tâm Khuyến nông tỉnh". Chủ nhân thực sự của các “mô hình” này là phu nhân của các quan xã đương nhiệm và mãn nhiệm.

Theo báo cáo của UBND huyện Nghĩa Hành và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2005, tại hai xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây của huyện Nghĩa Hành đã xảy ra 116 vụ phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng, với tổng diện tích gần 52ha.

Trong đó xã Hành Tín Đông xảy ra 72 vụ, 26,35ha; xã Hành Tín Tây xảy ra 44 vụ, 25,54ha. Nghiêm trọng nhất là vụ phá gần 6ha rừng đặc dụng ở xã Hành Tín Đông. Đặc biệt, những việc làm vi phạm trên có sự tham gia của một số cán bộ địa phương, gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân.

Nếu đứng ở đường liên huyện Hành Tín Tây đi Ba Thành (Ba Tơ) nhìn lên núi Tai Mèo thì ai cũng có thể thấy cả khu rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vệ (thuộc Tiểu khu 298) đã bị phá trụi. Trên 10ha rừng bị đốn hạ, đốt cháy nham nhở, thay vào đó là những cây keo lai mới trồng. Hỏi lãnh đạo xã thì được trả lời: "Đây là mô hình trình diễn keo lai giâm hom của Trung tâm Khuyến nông tỉnh". Thế nhưng, khi hỏi sâu thêm về tính pháp lý của dự án thì cán bộ xã… bó tay.

Nhiều người dân cho biết: Khu đất trên 10ha "mô hình trình diễn" trên là của 4 hộ Trần Thị Kỉnh, Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Kim Tuyết và Lữ Thị Hoàng Huyên. 4 nữ chủ nhân ấy là "phu nhân" của các ông Nguyễn Thái Học (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hành Tín Tây), Đinh Văn Cung (Bí thư Đảng ủy xã đương nhiệm), Nguyễn Minh Tâm (Chủ tịch UBND xã đương nhiệm) và Nguyễn Văn Như (cán bộ nông lâm xã). Chính vì lẽ đó, trong những năm qua, các báo cáo liên quan đến việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vệ gửi UBND huyện Nghĩa Hành và ngành chức năng đều không đề cập đến cái "mô hình trình diễn" kia và tên tuổi của 4 "chủ rừng" cũng không thấy ghi trong danh sách những đối tượng phá rừng cần phải xử lý.

Theo phản ánh của nhiều người dân, một số đối tượng cũng tranh thủ mối quan hệ với các cán bộ xã để cùng bắt tay thuê đồng bào H're từ huyện Minh Long sang đốn hạ rừng phòng hộ Hố Chình, núi Kỳ Lân, núi Đá Đen để lấy đất trồng keo bất chấp thông báo nghiêm cấm của xã và ngành Kiểm lâm. Trong số ấy phải nói đến mối quan hệ giữa cán bộ địa chính xã Phạm Hồng Lâm với nhóm Nguyễn Hữu Thế, Quách Bình, Hồ Thanh Tám và Đỗ Minh Thông. Chỉ trong 3 ngày từ 5 đến 7/9/2005, nhóm này đã thuê nhân công đốn hạ hơn 2,5ha rừng phòng hộ đầu nguồn khu vực Hố Chình (Hành Tín Tây).

Trước tình hình phá rừng phòng hộ diễn ra ngày càng phức tạp, ngày 24/10/2005, UBND huyện Nghĩa Hành đã có cuộc họp và sau đó ra Văn bản số 70 chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và các địa phương kiểm tra thực địa, xác định mức độ sai phạm của từng đối tượng để xử lý. Cũng ngay sau đấy, UBND huyện Nghĩa Hành lại ra Quyết định số 21/QĐ-UB ngày 31/10/2005 xử phạt vi phạm hành chính đồng loạt 69 hộ dân, mỗi hộ 500.000 đồng với nội dung rất chung chung là "lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy". Điều nực cười là sau đó cũng chẳng mấy ai đến nộp phạt!

Ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Nguyên nhân của tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vệ diễn ra phức tạp là do công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương từ huyện đến xã còn lỏng lẻo; yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ hành vi vi phạm và kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật

Thanh Việt

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文