Nghĩa tình dân với Đảng

08:46 29/01/2011
Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) là một làng quê cách mạng, nơi đã nuôi giấu và bảo vệ nhiều đồng chí Trung ương như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong… Đây còn được Trung ương Đảng đặt cơ sở in Báo Cờ giải phóng và là đầu mối liên lạc với các cơ sở của Xứ ủy, Tỉnh ủy trong cả nước.

81 mùa xuân đã trôi qua, Đảng ta ngày một lớn mạnh và song hành cùng sự phát triển đi lên của đất nước, của dân tộc. Để có được một mùa xuân đầy ý nghĩa như hôm nay, nhiều thế hệ đảng viên trung kiên của Đảng đã trải qua những năm tháng hoạt động bí mật hết sức gian khổ dưới nanh vuốt kẻ thù. Song, nhắc đến sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của nhân dân. Chính những người dân lam lũ, bình dị, nhưng đầy ắp tình người đã không sợ hiểm nguy, thậm chí, còn sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để đùm bọc, sẻ chia, cưu mang, che giấu những chiến sĩ cách mạng. Ân tình sâu nặng đó đã làm nên sức mạnh, để đất nước nở hoa độc lập như ngày hôm nay.

Nhân ngày thành lập Đảng 3-2, chúng tôi xin giới thiệu một làng quê cách mạng - nơi đã nuôi giấu nhiều cán bộ của Đảng trong thời kỳ Pháp thuộc. Nơi ấy vẫn còn những dấu tích ghi lại tình cảm sâu đậm giữa dân với Đảng, Đảng với nhân dân…

Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) là một làng quê cách mạng. Trước đây, trong giai đoạn 1941-1945, Phú Thượng là an toàn khu của Trung ương Đảng đã nuôi giấu và bảo vệ nhiều đồng chí Trung ương như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong… Nơi đây còn được Trung ương Đảng đặt cơ sở in Báo Cờ giải phóng và là đầu mối liên lạc với các cơ sở của Xứ ủy, Tỉnh ủy trong cả nước.

Cây gạo và bến đò Phú Xá là đầu mối giao thông nối liền hai vùng Bắc và Nam sông Hồng; nhân dân hai bên bờ sông Hồng đã chở rất nhiều cán bộ của Đảng qua lại bến sông công tác, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ở Phú Thượng có 2 thôn Phú Gia và Phú Xá là nơi có phong trào cách mạng mạnh mẽ, nhất là sau ngày Nhật đảo chính Pháp, trong cao trào tiền khởi nghĩa, lực lượng cách mạng hầu như đã làm chủ ở địa phương này. Chính vì sự giác ngộ và nhiệt tình cách mạng rất cao của nhân dân Phú Thượng mà Trung ương Đảng đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân của Bác Hồ trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, chuẩn bị ra mắt quốc dân đồng bào, đọc Tuyên ngôn độc lập vào dịp 2-9-1945.

Trong những ngày lưu lại làng Phú Gia, Bác Hồ của chúng ta đã được bố trí ăn nghỉ trong gia đình nhà cụ An - một cơ sở cách mạng từ trước ngày khởi nghĩa của Trung ương Đảng. Chính trong ngôi nhà này, Bác Hồ đã làm việc với đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và nhiều đồng chí khác để nghe báo cáo kết quả tổng khởi nghĩa trong cả nước, công tác chuẩn bị cho Ngày Quốc khánh, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Do công tác bảo vệ được giữ bí mật tuyệt đối, nên phải đến ngày 2-9-1945, nhân dân Phú Thượng hòa cùng dòng người nô nức đến Quảng trường Ba Đình để dự lễ mít tinh ra mắt Chính phủ cách mạng. Lúc ngước nhìn lên lễ đài, mọi người mới nhận ra cụ già có đôi mắt sáng ăn ở tại nhà cụ An chính là cụ Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Ở Phú Thượng, ngoài ngôi nhà cụ An còn có 18 gia đình là cơ sở cách mạng của Trung ương. Trong đó, đáng lưu ý có ngôi nhà của gia đình bà Công Thị Lùn (tức Hai Vẽ). Lợi dụng ngôi nhà của bà Hai Vẽ ở gần bờ đê, vừa kín đáo, vừa thuận tiện đi lại, anh trai bà Hai Vẽ là một chức sắc trong làng, tuy phục vụ bộ máy cai trị của thực dân, nhưng ông Phó Phan là người sớm được giác ngộ cách mạng, nên rất thuận lợi trong việc che mắt bọn mật thám.

Thời gian từ 1941- 1945, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ thường ở và làm việc tại đây. Trong căn nhà bà Hai Vẽ, đồng chí Trường Chinh đã khởi thảo tài liệu "Đề cương văn hóa Việt Nam" để tập hợp các văn nghệ sĩ, trí thức vào Mặt trận Việt Minh. Căn nhà bà Hai Vẽ còn gắn kỷ niệm của đồng chí Hoàng Văn Thụ, đây là nơi ở cuối cùng của đồng chí trước lúc đi xa…

Những cán bộ cách mạng của ta sống tại các gia đình cơ sở cách mạng ở Phú Thượng được nhân dân hết lòng chở che, đùm bọc, chia sẻ từng miếng cơm, manh áo cho cán bộ của Đảng, cho dù, hoàn cảnh kinh tế của các gia đình luôn trong cảnh nghèo túng, chạy ăn từng bữa. Tấm lòng của quần chúng với cách mạng được thể hiện bằng những nghĩa cử rất đời thường, nhưng mang nặng tình cảm sâu sắc.

Một bát canh rau rêu đạm bạc do bà Nguyễn Thị Lợi hái về cho đồng chí Trường Chinh, hay những bát cơm nát mà cả gia đình ông Phạm Văn Sự phải ăn thay bằng ngô để có gạo nấu riêng cho đồng chí Lê Đức Thọ bị đau dạ dày… đó là những cử chỉ chân tình làm ấm áp tình cảm gắn bó giữa Đảng với nhân dân.

Không quên những đóng góp lớn lao của nhân dân Phú Thượng với cách mạng, sau này, Bác Hồ đã hai lần về thăm Phú Thượng. Ngày 24/11/1946, sau khi dự khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc trở về, khoảng 9h sáng, Bác đã về thăm Phú Thượng, Bác tới thăm nhà cụ An, sau đó nói chuyện với từng người phụ trách địa phương về đời sống kinh tế của nhân dân và động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất, học tập và đoàn kết một lòng để giữ vững chính quyền cách mạng

Nguyễn Đình Cẩn

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文