Ngư dân gặp khó khăn khi tàu giã cào “càn quét” biển gần bờ

09:04 19/09/2018
Mấy năm gần đây, nhiều làng chài ở Hà Tĩnh gặp khó, khi tàu giã cào ở các nơi khác đến càn qua quét lại ở vùng biển gần bờ Hà Tĩnh. Bên cạnh nguồn lợi thủy hải sản bị tận diệt bằng kích điện, chất nổ, mắt lưới dày bởi tàu giã cào, thì không ít ngư dân Hà Tĩnh rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí trắng tay khi tàu giã cào đã làm hư hại hết ngư lưới cụ.

Tỉnh Hà Tĩnh có bờ biển kéo dài 137km, hàng vạn hộ dân nơi đây sống nhờ vào biển. Nơi đây có những làng quê, cha còn lênh đênh trên biển con đã chuẩn bị xuống thuyền, và những người mẹ, người vợ cả một đời gắn bó với cửa sông, cửa sót.

Mấy năm gần đây, nhiều làng chài ở Hà Tĩnh gặp khó, khi tàu giã cào ở các nơi khác đến càn qua quét lại ở vùng biển gần bờ Hà Tĩnh. Bên cạnh nguồn lợi thủy hải sản bị tận diệt bằng kích điện, chất nổ, mắt lưới dày bởi tàu giã cào, thì không ít ngư dân Hà Tĩnh rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí trắng tay khi tàu giã cào đã làm hư hại hết ngư lưới cụ.

Nỗi buồn ngư dân nơi cửa biển

Trước đây, dọc bờ biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà luôn tấp nập ngư dân cười nói xôn xao kẻ bán người mua khi nhiều tàu cá cập bờ. Nay không ít người dân tỏ ra buồn nản bởi tàu vào thưa thớt, nhiều tàu cập bờ với lượng thủy hải sản không còn nhiều như trước. Anh Hoàng, một ngư dân địa phương mệt mỏi cho biết, ngư dân địa phương nhiều người không còn mặn mà với việc đi biển, bởi lượng hải sản đánh bắt được giảm rất nhiều, lại phải đi xa bờ so với trước, trong lúc tiền dầu, tiền thuê nhân công lại tăng cao nên có ngư dân tìm cách bán tàu, hoặc đi xuất khẩu lao động.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây, sau mỗi đêm đi biển sáng cập bờ tàu thuyền của ngư dân nơi đây luôn đầy ắp cá tôm. Sau khi tàu cập bờ bán hải sản cho thương lái, ngư dân về nghỉ ngơi để tối lại dong thuyền ra biển. Nhưng mấy năm gần đây, do tàu giã cào của nhiều địa phương khác đến đánh bắt theo kiểu tận diệt nên nguồn thủy hải sản trên vùng biển Thạch Kim giảm hẳn. 

Nhiều ngư dân yêu biển, bám biển mưu sinh còn phải đối mặt với việc tàu giã cào càn quét làm hỏng hết ngư lưới cụ. Có những ngư dân địa phương vay mượn vừa mua sắm được bộ lưới để đi biển gần bờ, nhưng chỉ được vài tuần, tàu giã cào đã cào làm mất hết lưới, làm ngư dân trắng tay trong nợ nần.

Bên cạnh những ngư dân có điều kiện đóng tàu lớn đi biển xa, thì hầu hết ngư dân chạy dài theo chân sóng bờ biển Hà Tĩnh chủ yếu có thuyền nhỏ để đánh bắt gần bờ. Bên cạnh những hộ gia đình sống nhờ vào đánh bắt cá, tôm vùng lộng, rất nhiều hộ dân làm nghề khai thác gần bờ như nạo hến, khai thác sò, lưới rùng cũng gặp rất nhiều khó khăn do tàu giã cào gây ra. Các chủ tàu giã cào dùng lưới nhỏ quét hết hải sản lớn nhỏ, hải sản đang sinh sản. Khi vắng cơ quan chức năng, họ còn dùng xung điện, thuốc nổ để đánh bắt tận diệt.

Nhiều ngư dân Hà Tĩnh đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm tàu giã cào để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, và cuộc sống gắn với nghề biển của ngư dân.

Chính vì vậy, có những vùng lộng trước đây nhiều hải sản nay cũng biệt cạn kiệt. Đi dọc bờ biển từ Lộc Hà, vô Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… chúng tôi đều nhận được những trăn trở lo lắng của bà con ngư dân về việc tàu giã cào chà đi xát lại vùng biển gắn bó với cuộc sống mưu sinh của họ.

Ngư dân Nguyễn Đình Hoàng ngồi thẫn thờ bên chiếc thuyền nan than thở: Đầu năm vợ chồng anh vay mượn gần 50 triệu đồng của gia đình bên nội, bên ngoại để đầu tư vào ngư lưới đánh cá. Lưới mới thả được vài lần sau đó bị tàu giã cào làm rách nát, thu lưới về vợ chồng nuốt nước mắt vá lưới để mưu sinh, nhưng rồi những tấm lưới của vợ chồng anh bị tàu giã cào kéo đi mất. Công cụ mưu sinh nghề biển không còn, nhưng khoản nợ vợ chồng anh vay mượn vẫn còn đó.

Nhiều tàu giã cào không chỉ khai thác làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản, mà họ còn rất manh động, khi tàu cá của ngư dân địa phương bắt gặp lên tiếng, họ còn cho tàu húc vào tàu nhỏ của bà con, hoặc kéo lật úp. Chính vì vậy, nhiều ngư dân ở Hà Tĩnh đang phải dùng xốp, lốp xe ôtô treo vào hai bên mạn thuyền để đề phòng bị tàu giã cào đâm trên biển…

Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương

Việc tàu giã cào khai thác tận diệt thủy hải sản gần bờ, và làm hư hại ngư lưới cụ của ngư dân đã được bà con vùng biển phản ánh đến cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh. Không ít lần các cơ quan Kiểm ngư, Biên phòng, Hải đội 2… tổ chức truy bắt, đẩy đuổi, xử phạt tàu giã cào nhưng chỉ được một vài hôm rồi đâu lại vào đó.

Nguyên do là việc tuần tra, xử lý của cơ quan chức năng không thể thường xuyên, liên tục nên các chủ tàu giã cào ngày một làm liều. Mới đây, lực lượng tuần tra đã bắt và xử phạt nặng tàu đánh cá số hiệu NA 90751 TS do Vũ Văn Dần (32 tuổi) làm thuyền trưởng và tàu cá có số hiệu NA 90750 TS do Trần Văn Ken (24 tuổi) làm thuyền trưởng, đều trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cùng 6 thuyền viên đang khai thác thủy sản bằng giã cào.

Nhưng khi tàu của cơ quan chức năng rời hiện trường thì một số tàu giã cào lại tiếp tục vào gần bờ khai thác. Khi tàu công tác của kiểm ngư tiếp tục lập biên bản xử lý thì chủ tàu HT 90294 - TS là Trần Xuân Huỳnh khai thác bằng hình thức giã cào tỏ ra bức xúc cho rằng, tàu của Huỳnh chỉ khai thác bằng giã cào còn nhiều tàu khác còn khai thác bằng cách dùng thuốc nổ nhưng chưa thấy bị xử lý.

Khi bị các tầu tuần tra bắt gặp, kiểm tra, các tàu giã cào thường nổ máy bỏ chạy, không chịu hợp tác với cơ quan chức năng, thậm chí có tàu còn liều lĩnh cố tình chạy tạt mũi trước tàu kiểm tra, buộc các tổ công tác phải bắn pháo lệnh để tàu giã cào chấp hành dừng kiểm tra. 

Trước vấn nạn khai thác kiểu tận diệt hải sản gần bờ của tàu giã cào, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá để phối hợp với các đơn vị liên quan để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản. Tuy nhiên, tàu yếu, công cụ hỗ trợ hạn chế, cho nên việc thực thi nhiệm vụ trên biển cũng hạn chế...

Theo quy định, những tàu vi phạm chỉ bị lập biên bản xử phạt hành chính chứ không có hình phạt bổ sung nào khác. Vì vậy, khi tàu tuần tra rời đi, tàu giã cào lại quay vào tiếp tục thả lưới đánh bắt ở khu vực cấm. Mặt khác, nhiều tàu giã cào cố tình để màu sơn số hiệu tàu bị bong tróc, rất khó đọc chính xác được số hiệu. Đây cũng là cách họ né tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Trưởng Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá Hà Tĩnh cho rằng: Bên cạnh việc cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các tàu vi phạm, thì rất cần chính các ngư dân, khi phát hiện có tàu giã cào đánh bắt trái quy định thì báo cho cơ quan chức năng để phối hợp xử lý, bảo vệ ngư trường cũng chính là bảo vệ nghề biển cho bà con ngư dân.

Sông Lam-Lam Hồng

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文