“Ngư ông” trên những dãy núi mờ sương

02:42 02/05/2016
Lưng chừng núi ở thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc), thị trấn Sa Pa (Lào Cai)…, nơi được mây mù che phủ quanh năm, nhiệt độ trung bình năm dao động dưới 20 độ C, thời tiết tương đối mát mẻ. Đây chính là những điều kiện hết sức lý tưởng, để những “ngư ông” Việt gặp nhau ở ý tưởng mở trang trại nuôi các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm…

Sa Pa một ngày giữa tháng 4, Thác Bạc phủ kín gần chục chiếc ao được xây dựng liên hoàn giống như những chiếc ruộng bậc thang khá kỳ thú. Dưới làn nước mát lạnh, trong vắt, hàng ngàn chú cá hồi vàng óng, khỏe khoắn tung tăng bơi lội. 

Người đàn ông có dáng vẻ bùi bụi, phong trần khoan thai đứng ngắm nhìn thành quả của mình sau hơn chục năm lập nghiệp bằng những chú cá xứ lạnh. Đó là “ngư ông” Trần Chung Hưng, người từng được gọi với tên Hưng “khùng” khi quyết định từ bỏ công việc tại một cơ quan nhà nước và mở trang trại nuôi cá hồi trên núi. 

Để có cơ ngơi tiền tỷ như hiện nay bao gồm 2 trang trại cá hồi ở chân suối Thác Bạc, đèo Ô Quý Hồ, một hợp tác xã chuyên chế biến các sản phẩm từ cá hồi, 2 nhà hàng Song Nhi chuyên cung cấp các món ăn về cá hồi, ít ai có thể ngờ được rằng, “ngư ông” Trần Chung Hưng đã khởi nghiệp khi trong tay chỉ có vẻn vẹn 8 triệu đồng.

Năm 2004, Trung tâm nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa giới thiệu mô hình nuôi cá hồi đến với bà con thị trấn. Khi đó, anh Hưng đang là cán bộ của Phòng Văn hóa-Thể thao, thị trấn Sa Pa. 

Nhận thấy sức hút thật kỳ lạ với những chú cá hồi vàng óng ả - một món ăn quá đỗi lạ lẫm với người dân Sa Pa bấy giờ, sau 10 ngày học hỏi tại trung tâm, anh Hưng đã quyết định dốc tiền, vay mượn bạn bè để mở trang trại nuôi cá hồi. 

“Lúc đó, những hộ mạnh dạn nuôi cá hồi sẽ được trung tâm hỗ trợ 1.500 con giống còn cơ sở vật chất phải tự lo. Vợ chồng tôi chỉ có vỏn vẹn 8 triệu đồng mà chi phí đầu tư cơ bản phải lên đến ngót 100 triệu đồng”. 

Thế nhưng, anh Hưng đã mạnh dạn vay mượn của bạn bè, tìm địa điểm xây dựng trang trại là tại chân suối Bạc, xã Tả Van, thị trấn Sa Pa. Nuôi cá hồi rất khó, đòi hỏi phải tuân theo những kỹ thuật hết sức khắt khe, đặc biệt là nguồn nước nuôi cá phải sạch, có dòng chảy và đảm bảo luôn ở nhiệt độ dưới 20 độ C với nồng độ ôxy hòa tan cao. 

Điều kiện cơ bản đã có, tuy nhiên để nuôi được cá hồi lại cần phải nắm chắc tập tính, cách phòng bệnh cho cá… “Chăm con mọn vất vả như thế nào thì nuôi cá hồi như thế”, anh chia sẻ. 

Lứa cá đầu tiên nhập về nuôi rất suôn sẻ. Nhìn đàn cá hồi với những con vàng óng lớn lên trông thấy hằng ngày, anh Hưng mừng lắm, mừng đến mất ăn mất ngủ. Thế nhưng, gần đến ngày có thể xuất bán thì một sự cố đã xảy ra. Đúng vào đầu mùa hè nên thời tiết có những thay đổi bất thường. Lượng mưa tương đối lớn kèm theo cả mưa đá và liên tục đã khiến cho nước suối chuyển đục cộng với việc nhiệt độ môi trường tăng cao khiến cho nhiệt độ nước cũng tăng theo.

Do là lần đầu tiên nuôi cá hồi, kinh nghiệm chỉ là con số 0 nên anh Hưng vô cùng lúng túng không biết phải làm thế nào. Sau hai ngày, những chú cá mới hôm qua còn bơi lội tung tăng thì hôm nay đã lác đác nổi lên trên mặt nước. Tiếp những ngày sau, số lượng cá chết tăng lên càng lúc càng nhiều hơn.

“Ngày đó, do cá cũng đã đến lúc có thể xuất bán nên chúng tôi chủ động lên mang về các siêu thị tại Thủ đô Hà Nội để chào hàng. Thế nhưng, họ chê cá hồi Sa Pa không “đẹp” bằng cá hồi nhập khẩu Bắc Âu nên không mua. Quay trở về thị trấn, tôi quyết định chế biến cá hồi bằng cách nướng cả con rồi bán tại vỉa hè cho khách du lịch, may mắn là nhiều du khách và cả bà con tại thị trấn lại ưa thích món cá hồi nướng với vị ngậy ngậy, bùi bùi rất lạ miệng”, anh Hưng nhớ lại. 

Và thế là, bằng con đường tiêu thụ là các quán nướng vỉa hè, “ngư ông” Trần Chung Hưng đã thu lãi về khoảng 50 triệu đồng cho mẻ cá đầu tiên. Rút kinh nghiệm từ lần đầu này, anh Hưng đã tiếp tục vay mượn bạn bè xây dựng một hợp tác nhằm chế biến các sản phẩm cá hồi như ruốc cá hồi, lẩu cá hồi đóng gói… đối phó với việc thời tiết có những biến động, rủi ro. 

Dần dà, “chăm hay không bằng tay quen”, với sự chịu khó học hỏi kiến thức nuôi thả cá hồi, trang trại cá hồi của Công ty Song Nhi do anh làm Giám đốc mỗi năm thu trên 10 tấn cá hồi, vừa để phục vụ nhà hàng vừa đưa vào xưởng chế biến cá hồi hun khói, ruốc cá hồi, trứng cá hồi muối, lẩu đóng gói… 

Trang trại cá tầm tại chân đập hồ Xạ Hương, thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Còn nhà hàng Song Nhi chuyên các món ăn từ cá hồi đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với khu du lịch Sa Pa. Đặc biệt, các siêu thị lớn ở Lào Cai đều cung cấp các sản phẩm cá hồi hun khói, ruốc cá hồi do Công ty Song Nhi làm ra.

Nằm ở chân đập hồ Xạ Hương, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, nơi thời tiết quanh năm mát mẻ, trang trại nuôi cá tầm của “ngư ông” Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt chính là trại giống duy nhất cung cấp nguồn giống cá tầm chính thức cho toàn miền Bắc và một phần thị trường miền Nam, với sản lượng từ 400 - 500 ngàn con giống/năm. 

Ngay bên cạnh trại giống là trại cá tầm thương phẩm với những chú cá tầm khỏe mạnh, da đen căng bóng được chăm sóc rất cẩn thận. Nguồn nước tự nhiên để nuôi cá được dẫn về từ hồ Xạ Hương với nhiệt độ của nước luôn giữ ở mức dưới 20 độ C. Thấy có khách đến thăm trang trại, nhiều chú cá tầm phấn khích nhảy lên quẫy tung trên dòng nước mát lạnh.

Vốn là một luật gia đã sinh sống 35 năm tại nước Đức, trong một lần trở về Việt Nam, cơ duyên đặc biệt đã đưa “ngư ông” Nguyễn Trọng Cử gặp gỡ với Tiến sĩ Lê Thanh Lựu - nguyên Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản 1- người đặt nền móng cho nghề nuôi cá tầm, cá hồi tại Việt Nam. 

Trong thời gian làm Viện trưởng, Tiến sĩ Lựu đã có một số công trình nghiên cứu về cá nước lạnh và ông khẳng định cá tầm có thể nuôi và phát triển được ở Việt Nam. Chính những nghiên cứu mang tính khoa học và cơ sở thực tiễn này đã là động lực thúc đẩy Nguyễn Trọng Cử có quyết định táo bạo là đầu tư sang lĩnh vực thủy sản, một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ. 

Nguyễn Trong Cử đã đi đến các vùng nuôi cá tầm ở Đức và các nước châu Âu để tìm hiểu về cách thức nuôi, và quyết định lựa chọn Công ty gia đình Roehnforelle ở Đức với truyền thống nuôi cá hồi và cá tầm từ 130 năm nay làm đối tác cung cấp giống. 

Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại đầu tư Việt Đức đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc ấp nở và ươm 2 giống cá tầm Xiberi và cá tầm Nga, bằng nguồn trứng nhập khẩu tại trại giống Sa Pa. 

Những thành công nhờ áp dụng kỹ thuật công nghệ cao đã tiếp tục giúp ông mở rộng, triển khai dự án nuôi cá tầm tại chân đập hồ Xạ Hương, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Đến nay, giống cá tầm của Công ty Việt Đức đã được các hộ nuôi và các nhà khoa học đánh giá chất lượng tốt, đủ chủng loại và số lượng cung ứng cho nhu cầu người nuôi. 

Với sự đóng góp của các cơ sở sản xuất giống cá tầm ở Sa Pa và Tam Đảo của công ty, loài cá quý hiếm này đã được đưa về nuôi thương phẩm tại các vùng núi như Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Sa Pa, Lào Cai và Đà Bắc (Hòa Bình)...

Như vậy, với ý tưởng đưa đến cho người Việt những chú cá tầm sạch, giàu chất dinh dưỡng, ngư ông Nguyễn Trọng Cử trở thành nhà đầu tư thành công trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khi mạnh dạn áp dụng và đầu tư kỹ thuật cao. Có lẽ, đây cũng chính là hướng đi hiện đại, bền vững cho người nông dân Việt nói chung và những “ngư ông” muốn xây dựng và mang thương hiệu cá tầm Việt ra thế giới nói riêng.

Nguyễn Hương

Bộ Công an khuyến cáo người dân thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin, tham gia đầu tư, góp vốn đối với các dự án, công ty, quỹ đầu tư có giấy phép hoạt động do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Không tham gia môi giới, đầu tư theo lời chào mời, hứa hẹn của các đối tượng, tránh trường hợp thất thoát tài sản, các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Khoảng 22h đêm 18/4, tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an phường Đông Hải, TP Thanh Hóa tổ chức bắt giữ Bùi Đình Khánh khi hắn đang lẩn trốn tại khu vực đường tránh, địa phận phố Lễ Môn, phường Đông Hải, TP Thanh Hoá....

Sáng nay, ngày 19/4, Công an tỉnh Bắc Giang đã khai mạc kỳ sát hạch, cấp Giấy phép lái xe lần đầu tiên kể từ khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ này từ Sở Giao thông Vận tải. Tính đến thời điểm này, Công an tỉnh Bắc Giang là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức sát hạch, cấp Giấy phép lái xe.

Sáng 19/4 tại TP Hồ Chí Minh, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động Bộ Tham mưu miền (B2) đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Ngày 19/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã ra quyết định tạm giữ đối với Trịnh Văn Tuấn (SN 1977, quê tỉnh Đồng Tháp) và Li Xi (SN 1991, quốc tịch Trung Quốc) để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra ngày 17/4/2025 tại Công ty Minh An Vina nằm trong khu công nghiệp Đất Cuốc, ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Chiến tranh đã lùi xa 50 năm nhưng trong tâm trí các cựu tù Côn Đảo, ký ức về những năm tháng trong lao tù chưa bao giờ phôi phai. Họ đã đi qua những trận đòn roi tàn bạo, những cơn đói triền miên, những khoảnh khắc đối mặt với lằn ranh sinh tử nhưng vẫn giữ ý chí kiên trung, niềm tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.