Người đàn bà khiếm thị làng Phụng

17:25 18/12/2007
Một thời là hoa khôi của làng Phụng, được nhiều chàng trai theo đuổi nhưng chị đã hy sinh tuổi thanh xuân để nuôi bố mẹ, nuôi các em. Đã 10 năm nay mắt chị không còn cảm nhận được ánh sáng. Sống trong cảnh tối tăm, đã thế, chị lại phải nuôi hai người tâm thần...

Nỗi niềm tuổi xuân

Sinh năm 1946 trong một gia đình nông dân nghèo đông anh em, Phạm Thị Nhung phải bỏ học từ năm lớp 7 để ở nhà giúp bố mẹ nuôi các em. Ngoài việc nhà, chị còn tích cực tham gia hoạt động Đoàn Thanh niên và được bầu làm Bí thư Đoàn xã.

Cuối năm 1968, người anh trai Phạm Xuân Bồi của chị hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Nỗi mất mát đau thương đã biến thành hành động, chị đã xung phong lên đường tòng quân diệt giặc. Nhưng, chị là Bí thư Đoàn xã, trụ cột trong các phong trào "Hậu phương tất cả cho tiền tuyến" không thể đi được.

Năm 1972, chị xung phong đi dân công hỏa tuyến ở Thượng Lào. Xong đợt dân công hỏa tuyến, chị trở về quê hương và tiếp tục làm Bí thư Đoàn xã... Bố mẹ chị bị bệnh, nằm liệt giường. Hồi đó các em còn nhỏ tuổi. Vậy là trong đại gia đình ấy chỉ còn một mình chị là trụ cột. Để thuốc thang cơm cháo cho cha mẹ, để cơm áo cho các em gái ăn học, chị phải làm quần quật suốt ngày.

Ngoài làm ruộng, chị còn phải lên rừng lấy củi, xuống sông, ra đồng mò cua, bắt ốc. Hơn thế nữa mọi vệ sinh cá nhân cho cha mẹ cũng một mình chị cáng đáng. Tuổi xuân đã đi qua, chị không còn cơ hội nào để lấy chồng. Nhiều đêm chị vùi đầu vào gối khóc đẫm nước mắt...

Phần đời còn lại

Khi chúng tôi đến ngôi nhà tồi tàn của chị Phạm Thị Nhung ở xóm 4, làng Phụng, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An để thực hiện bài báo này, thấy chị đang đút cơm cho một bà già ngồi bất động, mắt đục như cùi nhãn và em gái cũng bị bệnh tâm thần, cứ ngửa cổ lên trần nhà cười ngô nghê.

Chị Nhung tay trái cầm bát cơm; tay phải, ngón trỏ và ngón cái cầm thìa cơm, ngón út rờ rẫm định vị miệng để khỏi đút ra ngoài. Nhìn cảnh ấy, cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi đã không cầm được nước mắt. Bà Ven hàng xóm mắt cũng rơm rớm: "Tội nghiệp, chị Nhung đẹp người, đẹp nết mà bạc phận. Nuôi em, nuôi cha mẹ quên cả lấy chồng. Tui nghĩ cả huyện chẳng có ai khổ như chị Nhung".

Chị Nhung tâm sự: "Tui bị mù hơn 10 năm rồi. Ban đầu thấy hay đau mắt, đau đầu, chóng mặt, mắt kém dần rồi mù hẳn. Tui cũng không biết nguyên nhân, nhưng tui nghi là bị nhiễm chất độc da cam. Khi đi dân công hỏa tuyến, tui đã đi qua và dừng lại ở những cánh rừng đỏ ối trụi hết lá; đã từng uống nước suối ở đó. Cảm giác mình bị mù đau đớn lắm, tuyệt vọng không thể tả được. Nhiều khi tui định làm liều thuốc chuột cho xong, nhưng tui chết đi thì mẹ và đứa em biết sống với ai?".

Giờ thì hai em của chị đã đi lấy chồng xa. Tuy mắt không còn nhìn thấy gì nhưng chị phải cáng đáng tất cả mọi công việc: Đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, đút cơm, làm vệ sinh cá nhân cho người thân. Chị còn mò mẫm ra cuốc vườn trồng rau bán kiếm thêm đôi đồng bạc.

Để làm được những công việc ấy, chị phải kiên trì tập luyện, nhiều lần cuốc phải chân, ngã xuống ao suýt chết mới làm được. Những người tàn tật đó cùng sống trong ngôi nhà tranh cũ nát.

Để chăm sóc được hai người tâm thần, đối với người khỏe mạnh bình thường đã là một cực hình, đối với chị càng muôn phần vất vả, cơ cực hơn. Hoàn cảnh như chị, có lạc quan mới sống nổi.

Chúng tôi chỉ thấy chị khóc khi nhắc tới chuyện chồng con. Không phải chị không yêu ai. Trước đây chị có yêu một người nhưng anh ấy đã hy sinh ở chiến trường. Chị lần trong túi lấy ra một gói nhỏ bọc nilon, tay run run lần mở đưa cho chúng tôi xem tấm hình đen trắng cỡ 3x4.

Tấm hình đã ố vàng chụp chân dung một anh bộ đội. Đó là người yêu của chị ngày trước. Bây giờ gia tài của chị là tấm hình người yêu thuở hoa niên đó - nó như một bảo vật, một chỗ dựa tinh thần của chị.

Chúng tôi cũng không cầm được nước mắt khi thấy chị cầm tấm hình đó ấp và ngực mình khóc nấc lên. Hơn sáu mươi tuổi, khuôn mặt đầy những nếp nhăn, thân người tiều tụy nhưng mái tóc chị vẫn xanh đến quặn lòng.

Hiện nay, cuộc sống của gia đình chị Phạm Thị Nhung đang hết sức khó khăn và bi đát, mọi người thường ốm đau suốt. Với mức trợ cấp người tàn tật 65.000 đồng/người, họ không đủ trang trải. Chúng tôi xin được ghi lại hoàn cảnh của chị Nhung, mong sao những tấm lòng nhân ái của cộng đồng sẽ làm cho chị vơi bớt nỗi vất vả, nhọc nhằn và bất hạnh.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về gia đình chị Phạm Thị Nhung (theo địa chỉ trên); hoặc gửi về Báo CAND, 66 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tiến Dũng

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文