Người đàn ông vẽ tranh nhờ nghị lực

15:21 21/09/2010
Đôi tay cụt và đôi chân giả, Nguyễn Mậu Tấn (làng Trung Chánh, Lộc Điền, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) vẫn miệt mài đậm tô những đường nét cho bức tranh thêm sắc màu tươi sáng. Những bức tranh không vẽ bởi đôi tay như lệ thường mà tạo nên từ chính nghị lực của một con người mà số phận sớm không dành cho sự ưu ái.
Ký ức kinh hoàng

Chúng tôi tìm đến nhà họa sỹ Nguyễn Mậu Tấn trong một buổi chiều tháng bảy, ánh nắng nhạt khẽ hắt lên nền tường còn thơm mùi ve mới. Anh ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế gỗ. Ánh mắt tinh anh hơn người, đôi tay bị cụt nhưng rất nhanh lẹ rót nước mời khách, miệng tươi cười. "Cái chứng bệnh ung thư quỷ quái nó hại mình thế đấy" - Anh giải thích về cái đầu không còn một sợi tóc.

Anh lôi ra từ một chiếc tủ nhỏ những tập tranh được xếp gọn gàng, ngăn nắp, trong đó có cả những bức đã hoàn thành và cả những bức còn dang dở vì phải dành thời gian chữa trị căn bệnh ung thư tái phát. "Hầu hết tranh của mình là tranh minh họa cho thiếu nhi. Một số bức vẽ Bác Hồ và phong cảnh quê hương" - Anh cho biết.

Nguyễn Mậu Tấn đang hoàn thiện bức tranh Bác Hồ.

Hơn hai mươi năm làm họa sỹ không chỉ giúp anh có được "miếng cơm manh áo" nuôi gia đình mà còn là động lực để anh vươn lên chiến thắng số phận, nơi anh gửi gắm những trăn trở.

Tấn còn có biệt tài viết thư pháp. Ngoài những câu viết theo khách hàng đặt, anh tự sáng tác từ những hiểu biết và chiêm nghiệm chính cuộc đời mình. Anh chỉ tay vào một góc đối diện bên tường, nơi treo bức thư pháp do anh tự sáng tác: "Khi cận kề cái chết là sự sống mãnh liệt nhất, nhưng cái chết hữu ích mới giúp chúng ta thực sự bất diệt". Và tâm sự: "Có lẽ nghệ thuật đã giúp tôi sống lại và sống ý nghĩa hơn".

22 tuổi, Nguyễn Mậu Tấn đã liên tiếp đón nhận sự rủi ro của cuộc đời: Mất đi cả hai bàn tay và đôi chân - Tất cả tài sản quý giá nhất của mỗi người. Ước mơ hoài bão dường như bị đánh tráo bởi những nỗi đau tuyệt vọng và bất lực ngay khi còn trai trẻ.

"Một buổi trưa, đang khai hoang trên quả đồi gần nhà, bỗng một tiếng nổ long trời của quả mìn còn sót lại thời chiến. Rồi tôi gục xuống, toàn thân ê ẩm, bên tai vẫn nghe những tiếng nổ liên hoàn" - Tấn nhớ lại kí ức kinh hoàng của mình. Mê man bất tỉnh hàng tháng trời, tỉnh lại anh quay cuồng với những cơn sốt và nỗi đau thể xác. Một buổi sáng Tấn mở mắt, xung quanh chỉ một màu trắng đến lạnh lẽo của bệnh viện.

Anh hoảng hốt nhận tin từ bác sỹ mình đã không còn sở hữu đôi tay. Rồi lần lượt anh được bác sỹ báo cho rằng cả đôi chân của anh cũng không còn giữ lại được nữa.

Không ít lần Tấn nghĩ tới cái chết như một sự giải thoát để không phải chứng kiến nỗi bất hạnh này, không là gánh nặng của gia đình. Ba lần cái ý định tự tử của anh đã không thành. Anh gần như phó mặc tất cả...

Nằm trong căn nhà tồi tàn nhỏ bé, nhìn đàn em nheo nhóc, đôi chân gầy của mẹ lật đật chạy từng bữa ăn, nợ nần chất chồng. Hình ảnh đó lúc nào cũng hiện hữu trong đầu và thôi thúc Tấn phải làm điều gì đó cho gia đình, cho cuộc sống không còn là gánh nặng. Mình không thể sống vô dụng thế này nữa. Biết bao tấm gương tàn nhưng không phế sao mình lại không làm được?!

Phải sống!

"Mình phải sống!" - Tấn quyết định tìm đến con chữ làm cứu cánh cho mình. Với cây bút chì đã gãy hơn nửa và mấy tờ giấy loại, Tấn ngày đêm miệt mài luyện chữ. Những nét chữ méo mó, nguệch ngoạc là sản phẩm đầu tiên của sự quằn quại với đôi tay cụt gần rớm máu. Không bỏ cuộc. Những con chữ san sát bên nhau nhỏ dần, tròn dần. Từ con chữ bình thường Tấn đã biến nó thành những con chữ thư pháp nghệ thuật. Điều mà không ai, thậm chí người thân của anh cũng không ngờ tới.

Bức thư pháp tự phác những chiêm nghiệm cuộc đời.

Cảm nhận được sự thân thiện của con người và cảnh vật quanh mình, Tấn tìm đến hội họa để tỏ bày tình yêu cuộc sống của mình. Không có bút, mầu, anh lấy bồ hóng, đèn sinh khói làm mầu, tre vót nhọn đập dập làm ngòi bút vẽ. Được một người thầy giúp cho Giáo trình mĩ thuật anh say sưa nghiên cứu các nguyên tắc xây dựng hình. Tình yêu và niềm đam mê lại cuốn anh vào công việc. Biết anh có tài viết, vẽ, các trường mầm non, THCS, THPT trong xã tìm đến nhờ vẽ tranh minh họa cho bài giảng. Niềm đam mê hội họa lại giúp Tấn giải toả nỗi lo cơm áo.

Đúng lúc cuộc sống trở nên ý nghĩa và đầy nhiệt huyết thì "chàng sọ dừa" cũng tìm thấy hạnh phúc của mình. "Khi nhận hợp đồng vẽ cho Trường Mầm non Hoa Hồng mình gặp cô giáo trẻ Ngô Thi Phát - Cô giáo trẻ nhiệt huyết yêu nghề mà giờ đây là bà xã rất mực đảm đang và thương yêu chồng con" - Anh tủm tỉm nhìn về phía người vợ đang miệt mài đường kim mũi chỉ.

Đang say sưa với công việc may vá, cô Phát ngẩng đầu lên. Khuôn mặt phúc hậu và ánh mắt ấm, cô tâm sự: "Hồi ấy gia đình tôi can ngăn dữ lắm, nói thời buổi này lấy người lành còn khó sống huống chi lấy một người tàn tật rồi khổ cả đời. Nhưng từ sự cảm thông, mến phục rồi thương rồi yêu và nguyện cùng anh xây dựng mái ấm. Vậy mà cũng đã hơn 20 năm rồi...".

Ánh mắt anh rạng rỡ khi nói về "bốn nàng công chúa". Đứa con gái đầu hiện đang học năm 3 Trường ĐH Kinh tế Huế, đứa thứ hai học Trường THPT Hai Bà Trưng, hai đứa nhỏ học lớp 7, lớp 5 của Trường THCS Phú Lộc. "Bé út cũng ham vẽ lắm, vẽ đẹp như... bố nó vậy" - Anh khoe.

Năm 1999 đến 2005 Nguyễn Mậu Tấn mở lớp dạy cho những trẻ em nghèo vùng định cư Sông Đầm (Phú Lộc - Thừa Thiên -  Huế). Năm 2005 tham gia chương trình Ước mơ xanh, tham gia đóng bộ phim "Khát vọng sống" của đài TH HTV9; Tham gia chương trình Alexan chiến thắng nỗi đau (Năm 2006); Năm 2007 dự Hội nghị biểu dương người tàn tật tại Hà Nội.

Đức Hùng - Hoài Văn

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Ngày 14/11, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà ở tặng người có công với cách mạng; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; trao thiết bị, máy tính tặng Trung tâm y tế, ngành giáo dục và đào tạo huyện.

Các đối tượng đặt mua nhiều nhẫn và mặt tượng vàng kém chất lượng nhưng được chế tác rất tinh xảo có giá trị tương đối cao. Điều đáng nói, số hàng này có khắc thương hiệu của các Công ty vàng bạc đá quý có tiếng ở TP Hồ Chí Minh khiến nhiều chủ tiệm vàng ở Huế tin tưởng...

Sáng 15/11, Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn trả lời đơn khiếu nại của Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Quảng Nam đối với Kết luận thanh tra số 102/KL-TTT ngày 7/10/2024 của Chánh Thanh tra tỉnh về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính tại bệnh viện này (Báo CAND đã thông tin).

Mặc dù biết rõ hành vi chở người nước ngoài nhập cảnh không có giấy tờ, không có hộ chiếu, không làm thủ tục khai báo nhập cảnh là trái pháp luật, nhưng vì lợi nhuận cao, Thắng rủ thêm 3 người khác chạy 2 xe ô tô để chở 6 người Trung Quốc vào Việt Nam rồi xuất cảnh chui sang Campuchia...

5.000 năm trước, ở Bắc Phi, một vị vua đầy tham vọng, ngày nay được gọi là Narmer, đã thống nhất hai vùng đất Thượng Ai Cập ở phía Nam và Hạ Ai Cập ở phía Bắc thành lãnh thổ vĩ đại đầu tiên trên thế giới - Ai Cập. Nhưng cho đến nay, nguồn gốc của nền văn minh Ai Cập vẫn còn khá mơ hồ. Những gì còn sót lại về vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập chỉ là cái tên.

Hiện nay, một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động thực tế gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người CHXAPT có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về phí bảo trì, diện tích sở hữu chung, chậm bàn giao sổ hồng… tại các khu nhà chung cư là vấn đề không mới và đã kéo dài nhiều năm. Tại nhiều nhà chung cư, tưởng như việc tổ chức được hội nghị bầu ra Ban Quản trị, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho cư dân sẽ hóa giải được những xung đột, thế nhưng mâu thuẫn vẫn chưa dừng lại. Các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư đã có, vậy nhưng tranh chấp ở các khu nhà chung cư chưa bao giờ hết “nóng” và dường như chưa có thuốc “đặc trị”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文