Người giữ Sổ tiết kiệm của Bác Hồ

16:18 15/04/2008
Mười một năm ông được trực tiếp phục vụ Bác Hồ, trong đó nhiều năm là Trưởng phòng Văn thư của Văn phòng Phủ Chủ tịch. Sau khi Bác Hồ mất, cũng chừng ấy năm, ông là Thư ký riêng của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Nhưng có một điều ít người được biết về ông: ông là người đứng tên "Lê Hữu Lập" trên Sổ tiết kiệm của Bác Hồ, lo nhiều việc chi tiêu của Bác do chính Bác giao. 

Ông tiếp tôi trong căn phòng nhỏ của gia đình, ở sâu trong một ngôi nhà có nhiều hộ trên phố Hàng Chuối, Hà Nội. Căn phòng giản dị, có cả một chiếc gác xép lửng giữa phòng, như thường thấy trong nhiều căn hộ tập thể ở Hà Nội. Bộ salon tiếp khách đã cũ, cùng kiểu dáng, kích cỡ với các bộ salon nhiều gia đình ở Hà Nội sử dụng cách đây hơn 10 năm.

Đã ở tuổi gần 90 nhưng sức khỏe của ông còn tốt, nhất là ông còn rất minh mẫn, nhớ từng chi tiết trong từng câu chuyện kể về những năm tháng được phục vụ Bác Hồ, Bác Tôn. Có nhiều chuyện ông kể tôi đã được đọc đâu đó trong sách báo, nhưng có những chuyện lần đầu tiên tôi được nghe, được biết.  

Hai lần nhận nhiệm vụ đặc biệt

Sau mấy năm học ở Trường Trung học tư thục Thăng Long, Hà Nội, nơi có các thầy giáo nổi tiếng như Bùi Kỷ, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp… giảng dạy, do gia đình đông anh em, cậu học sinh Lê Hữu Lập đành phải bỏ dở việc học hành, lên Thái Nguyên giúp việc cho một người họ hàng làm ăn, buôn bán.

Năm 1941, lấy vợ, lại là con cả, theo lời cha, Lê Hữu Lập trở về quê ở Nam Trực, Nam Định làm ruộng và lo việc thờ cúng tổ tiên. Chính thời gian đó, anh thấy rõ cảnh khổ cực của bà con nông dân, tận mắt chứng kiến nạn đói thê thảm năm 1945 ở quê nhà, nên khi Cách mạng Tháng 8-1945 bùng nổ, anh hăng hái tham gia khởi nghĩa, cướp chính quyền ở quê, được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư Chi bộ Tiểu khu Nam Trực.

Giữa năm 1947, anh rời gia đình đi kháng chiến. Hết làm cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Nguyên, cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Đảng Hoàng Văn Thụ ở Việt Bắc, anh lại đi phát động quần chúng đóng thuế nông nghiệp ở tỉnh Hoà Bình rồi được chọn đi học một ngành hoàn toàn mới, trước đây chưa bao giờ nghĩ tới: ngành Cơ yếu!

Đầu năm 1952, học xong, anh nhận nhiệm vụ đặc biệt: về làm công tác cơ yếu tại Văn phòng Trung ương Đảng. Anh là Bí thư Chi bộ đầu tiên của đơn vị này kể từ khi thành lập…

Năm 1958, khi Bác Hồ cần một cán bộ tin cẩn đã qua công tác cơ yếu để phụ trách Phòng Văn thư của Bác, lần thứ hai, ông Lê Hữu Lập nhận nhiệm vụ đặc biệt: làm Trưởng phòng Văn thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuốn Sổ tiết kiệm và tấm lòng của Bác Hồ đối với người thân và với người dân bị oan

Tháng 7/1958, ông Lê Hữu Lập chính thức được chuyển sang làm việc tại Văn phòng của Bác Hồ. Thời gian này Bác Hồ mới sang ở nhà sàn, xây dựng xong ngày 19/5/1958. Văn phòng của Bác lúc đó rất ít người, ngoài ông Vũ Kỳ là Thư ký riêng của Bác, đồng thời là Chánh Văn phòng, chỉ có ông Lê Hữu Lập là Trưởng phòng Văn thư, ông Cù Văn Chước là Phó phòng, ông Trần Văn Vượng đánh máy và một vài anh em nấu ăn, lái xe, cần vụ…

Công việc chính của ông Lập là tiếp nhận và trình Bác những công văn, thư từ, báo chí gửi Bác; trình ký những Sắc lệnh, Thư ủy nhiệm ngoại giao, các hồ sơ khen thưởng… Báo chí gửi đến, kể cả các báo địa phương, Bác thường đọc rất kỹ, đánh dấu hoặc ghi ý kiến vào những bài báo đáng chú ý, gửi tặng Huy hiệu của Người cho những người làm việc tốt mà báo chí nêu gương.

Sau này, khi tuổi Bác ngày một cao, để bảo vệ đôi mắt cho Người, từ năm 1962 ông Lập được giao cùng ông Chước tổng hợp tin tức, lựa chọn tin, bài trên các báo, mỗi ngày hai lần vào đầu giờ buổi sáng và buổi tối trước khi Bác nghỉ, đọc cho Bác nghe…

Ông là người được giao đứng tên "Lê Hữu Lập" trên cuốn Sổ tiết kiệm của Bác, gửi ở một quầy tiết kiệm trên phố Hàng Gai, Hà Nội. Tiền tiết kiệm của Bác được dành dụm từ tiền lương hằng tháng còn lại sau khi trừ mọi chi tiêu, sinh hoạt và là tiền nhuận bút Bác viết bài cho Báo Nhân Dân.

Dịp Bác đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, là đại biểu mời, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền, Bác dặn nhập số tiền đó vào quỹ của Đảng, không để vào Sổ tiết kiệm của Người. Bác thường dùng tiền tiết kiệm để mua quà tặng trong những dịp cần thiết. Có lần đi công tác về, thấy bộ đội phòng không trực chiến dưới nắng chói chang của mùa hè, Bác nói ông Lập rút tiền trong Sổ tiết kiệm trao cho Bộ Quốc phòng làm quà, mua nước giải khát cho anh em…

Khi được tin ông Nguyễn Sinh Mợi, người anh em thúc bá bị đau nặng, Bác Hồ tự tay viết thư gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An:

"Thân gửi đồng chí Võ Thúc Đồng

Được tin cụ Mợi đau nặng, tôi không có điều kiện về thăm nom chăm sóc. Tôi nhờ đồng chí giúp đỡ chữa chạy. Tôi cảm ơn. Thân ái".

Bác giao ông Lập cầm bức thư vào Vinh đưa tận tay đồng chí Võ Thúc Đồng. Khi biết cụ Mợi không qua khỏi, Bác cho gọi anh Nguyễn Sinh Định, con trai cụ Mợi, cán bộ Ủy ban Hành chính Hà Nội, cùng các con vào chỗ Bác. Bác dặn ông Lập rút ở Sổ tiết kiệm của Bác 200 đồng để giúp lo liệu công việc cho cụ Mợi.

Lần đầu tiên sau nhiều năm phục vụ Bác, ông Lập được chứng kiến các cháu gọi Bác bằng ông, bằng chú. Nhìn ông cháu âu yếm nhau, ông Lập thật sự xúc động. Ông biết nhiều khi vì công việc chung Bác phải nén tình cảm riêng. Bác muốn họ hàng và cả quê hương tự mình phấn đấu vươn lên, không dựa dẫm, đòi hỏi đặc quyền, đặc lợi…

Bác lo nhiều công việc lớn, nhưng không bỏ qua những việc nhỏ, nhất là những lời kêu oan của người dân. Đọc thư gửi lên Bác, ông Lập phải đọc thật kỹ, báo cáo với Bác từng trường hợp người dân viết thư gửi Bác để cầu cứu.

Có lần nhận được lá thư của ông K, một trí thức giỏi tiếng Pháp, làm ở một nhà xuất bản, kêu cứu Bác vì bị xử tù oan. Bác giao ông Lập báo cáo ông Vũ Kỳ rồi đi gặp các cơ quan có trách nhiệm yêu cầu xem xét việc này, báo cáo Bác. Kết quả sự việc sau khi các cơ quan có trách nhiệm điều tra, xem xét cho thấy ông K bị xử tù oan vì bị vu khống.

Sau 9 tháng bị tù oan, ông K được trả lại tự do. Ngày ra tù, vợ chồng ông tìm đến nhà ông Lập cảm ơn và chỉ có lời thỉnh cầu duy nhất là nhờ ông Lập thưa lại với Bác Hồ lòng biết ơn vô hạn của ông bà trước tấm lòng bao dung của Người!

Vị đắng của tách cà phê

Mười một năm trực tiếp phục vụ Bác Hồ và cũng chừng ấy năm làm Thư ký riêng của Bác Tôn, ông Lê Hữu Lập học tập ở hai vị Chủ tịch nước nhiều đức tính tốt đẹp, thấy cả hai Bác vĩ đại trong cả cuộc sống đời thường, vô cùng giản dị, luôn gần gũi mọi người, mọi việc lớn nhỏ đều vì nước, vì dân. 

Ông là người từng được chứng kiến những giây phút Bác trầm ngâm khi nghe ông đọc cuốn truyện "Bất khuất" của Nguyễn Đức Thuận, thấy Bác vẫn thư thái, ung dung dạo bộ sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 do Mỹ tạo ra để lấy cớ ném bom miền Bắc, thấy Bác "cười chảy nước mắt" khi nghe ông đọc một mẩu chuyện vui trên báo…, nên biết Bác tuy là lãnh tụ tối cao, nhưng Bác cũng là một con người, cũng có những thú vui và thói quen bình thường như những người bình thường khác, chứ không phải là một ông thánh, xa lạ với đời sống con người!

Biết Bác hút thuốc lá nhiều là hại sức khỏe, nhưng các bác sĩ ở Hội đồng bảo vệ sức khỏe không ai nỡ khuyên Bác bỏ thuốc lá vì đó là thú vui riêng từ hàng chục năm nay của Bác, có lẽ là từ hồi Bác còn trẻ.

Thấy Bác ho nhiều, các bác sĩ chỉ khuyên Bác nên hút bớt thuốc lá. Nhưng tự Bác đã bỏ thuốc, một việc không dễ, nhất là đối với một người quen hút từ nhiều năm, lại thường ngồi làm việc một mình.

Bác còn có một thói quen là gần cuối giờ làm việc buổi sáng thường uống một tách cà phê nóng. Nhưng khi uống cà phê Bác lại nhớ thuốc lá nên sau này Bác bỏ cả cà phê. Sau mấy chục năm, ông Lập vẫn còn nhớ cảm giác của mình khi ngày đầu tiên Bác đưa tách cà phê của Bác cho ông uống sau khi Bác cai thuốc: uống tách cà phê của Bác mà cảm thấy vị cà phê như đắng hơn!

Mười một năm thường xuyên có mặt trong nhà sàn của Bác, ông Lập quen thuộc từng đồ vật trong phòng. Nhà sàn của Bác làm bằng gỗ mỏng, khuất trong khu vườn bách thảo nên bí, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Đầu giường Bác có một chiếc quạt lá cọ, không phải để phòng mất điện vì đã có máy nổ dự phòng. Bác không để quạt chạy liên tục. Bác bảo "máy cũng phải nghỉ mới bền lâu". Còn ông Lập thì nghĩ, Bác dùng quạt lá cọ vì Bác không muốn sống xa cách cuộc sống của nhân dân khi đó còn rất khó khăn, thiếu thốn!

Trên bàn làm việc của Bác thường có một chiếc đĩa nhỏ để mấy bông hoa nhài, hoa ngọc lan. Nhiều lần trước khi bước lên nhà sàn làm việc với Bác, ông Lập thường ngắt một vài nụ nhài sắp nở bỏ vào trong túi áo ngực. Ngồi làm việc với Bác một lúc, người ấm lên, mấy nụ nhài trong túi áo dần nở, mùi thơm ngát, hòa cùng hương nhài trên bàn làm việc của Bác thoang thoảng, dễ chịu vô cùng.

Ông Lê Hữu Lập nghỉ hưu đã trên hai mươi năm nay. Niềm vui của ông bây giờ là thấy con cháu trưởng thành, luôn giữ được "nếp nhà" mà ông bà truyền lại. Người con cả của ông là Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, nay là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông tự hào nhất về phần thưởng mà rất ít người có, đó là tấm Bằng khen số 03, ngày 3/9/1972 của Chủ tịch nước tặng, vì ông "Đã tận tụy hoàn thành nhiệm vụ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống"

Dương Đức Quảng

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文