Người góp mặt trong thời khắc lịch sử tại Dinh Độc Lập

07:49 28/04/2015
Tôi có may mắn được trò chuyện cùng ông Nguyễn Hữu Thái, khi ông có mặt ở Hà Nội tham dự Đại hội kiến trúc Việt Nam lần thứ VIII. Tôi vẫn giữ mãi ấn tượng tốt đẹp về một ông già có dáng người thanh nhã, mái tóc bạc trắng, đôi mắt sáng thông tuệ sau cặp kính dày. Ông là người đã chứng kiến và tham gia vào sự kiện lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Hôm ấy, cùng chung những cảm xúc về ngày 30 tháng 4 lịch sử, câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra chân thực, cởi mở.

Từ thủ lĩnh sinh viên Sài Gòn

Dù sự kiện diễn ra lúc 11h30 ngày 30/4/1975 đã được sử sách ghi chép khá đầy đủ, nhưng khi trực tiếp nghe kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái kể lại, tôi vẫn thấy trào dâng niềm xúc động đến khó tả. Trong buổi chiều muộn hôm ấy tại một quán cà phê bên khách sạn Công Đoàn (phố Trần Bình Trọng, Hà Nội), câu chuyện nhiều chủ đề với ông Thái, rốt cuộc lại trở về với sự kiện trọng đại của đất nước mà ông là nhân chứng.

Ông Thái xúc động kể lại: “Tầm 10h30 (giờ Sài Gòn trước đây, sớm hơn hiện nay 1 tiếng - PV) ngày 30/4/1975, khi đang có mặt trong Dinh, chúng tôi chợt nghe tiếng xe tăng vọng tới. Từ sảnh Dinh Độc lập nhìn ra đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), một cảnh tượng hoành tráng đang diễn ra: Đoàn xe tăng rầm rộ tiến về hướng Dinh. Bỗng chốc chiếc cổng bị húc đổ, những chiếc xe tăng nhuốm màu khói súng cày lên thảm cỏ, tiến thẳng về phía thềm dinh...”.

Ông Nguyễn Hữu Thái (bìa phải) và tác giả.

Sinh trưởng ở Đà Nẵng trong một gia đình cha làm công chức, mẹ là tiểu thương, Nguyễn Hữu Thái là anh cả của 9 người em. Từ tấm bé, Thái là niềm kì vọng của cả gia đình; được ăn học tử tế để mai sau trưởng thành, làm gương cho các em. Năm 1958, Nguyễn Hữu Thái đỗ Tú tài tại Trường Thiên Hựu (Huế), rồi vào Viện Đại học Sài Gòn, học ngành Kiến trúc và Luật.

“Thực ra, lúc đó tôi cũng chưa có ý thức gì về cách mạng, những điều đã biết thì cũng rất mơ hồ. Nhưng là thanh niên trong cảnh đất nước tao loạn, khiến tôi không thể không tham gia tranh đấu” - ông Nguyễn Hữu Thái kể. Với bao lần xuống đường dẫn đầu các đoàn biểu tình của sinh viên, Nguyễn Hữu Thái đã lọt vào sổ đen của các cơ quan mật vụ. Ông được bầu làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (nhiệm kì 1963-1964) – một chức vụ do giới sinh viên lựa chọn và bầu từ những thủ lĩnh sinh viên các trường đại học. Nguyễn Hữu Thái đã trở thành cái tên quen thuộc trong sinh viên, học sinh Sài Gòn đương thời. Ông từng 3 lần bị chế độ Sài Gòn cầm tù trong những năm 1964 đến 1974.

Vị cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn bồi hồi nhớ lại những ngày sục sôi tranh đấu: “Sau cuộc đảo chính tháng 11/1963, phái quân sự lên nắm quyền, sinh viên tiếp tục xuống đường tranh đấu. Sang năm 1964 thì tôi bị bắt giam ở khám Chí Hòa. Cùng phòng giam có một số cán bộ Việt cộng. Ngay trong đêm đầu tiên, giữa tôi và họ đã tranh luận gay gắt về phương pháp đấu tranh... Những cán bộ Việt cộng này đa phần hoạt động ở vùng nông thôn nên không hiểu lắm tình hình đô thị. Tuy vậy, càng tranh luận thì tôi càng bị họ thuyết phục và hiểu rằng, ngoài cuộc đấu tranh của sinh viên, trí thức chống chế độ Sài Gòn, còn có cuộc đấu tranh lớn lao của những người Cộng sản... Từ đây, tôi dần dần có thiện cảm với họ và chuyển hướng đấu tranh của mình; đặc biệt là sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, năm 1965”.

Sau khi ra tù năm 1964, Nguyễn Hữu Thái là cái gai trong mắt của các cơ quan mật vụ. Để bảo vệ an toàn cho Thái, một số người có ảnh hưởng với chính quyền đã đưa anh đến nương thân trong nhà một người Mỹ, là ông Wilson, Phó Giám đốc điều hành Cơ quan viện trợ của Mỹ tại Nam Việt Nam (USAID).

“Ông Wilson có vai trò gần như một viên “Công sứ” của Mỹ tại Sài Gòn. Ổng rất quý mến tôi vì thấy tôi thạo tiếng Anh. Hằng ngày, tôi còn dạy ổng tiếng Pháp để giao tiếp với các quan chức Sài Gòn (hầu hết họ đều thạo tiếng Pháp). Wilson gợi ý tôi sang Mỹ học tiến sĩ, với học bổng toàn phần do ổng tìm giúp... Tôi đứng trước ngã ba đường: hoặc sang Mỹ học tiến sĩ, hoặc ở lại trong nước đi theo cách mạng” – ông Thái nhớ lại.

Bâng khuâng đưa mắt nhìn ra con phố Trần Bình Trọng đang xào xạc những tán lá dưới ánh đèn đường vừa tỏa sáng, ông Thái chợt nghẹn giọng khi nhớ lại những thăng trầm của mình: Tôi quyết tâm thoát ly ra “cứ” hoạt động, nhưng không được toại nguyện. Sau này, tôi được biết, cũng có ý kiến nghi ngờ tôi giao tiếp nhiều với người Mỹ, cần phải có thời gian thử thách; có ý kiến cho rằng, tôi ở lại Sài Gòn hoạt động công khai thì có lợi hơn... Lại thêm những khúc quanh của cuộc đời. Nguyễn Hữu Thái bị bắt quân dịch, trở thành giảng viên chiến tranh chính trị trong quân đội Sài Gòn rồi lại bị bắt đi tù…

Ra tù lần thứ ba, ông tiếp tục hoạt động công khai, trở thành cây bút chủ lực của Báo Điện Tín do Dương Văn Minh chủ trương. Ông ngày càng gắn bó hơn với nhóm trí thức trẻ thân cận với Dương Văn Minh, như Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Phan Xuân Huy, Nguyễn Văn Binh, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Huỳnh Bá Thành... Họ là những người được coi như “thành phần thứ ba” có xu hướng vận động chính quyền Sài Gòn đi vào con đường hoà giải, hoà hợp dân tộc. Và đó cũng là những tiền đề để ngày 30-4-1975, Nguyễn Hữu Thái có mặt trong Dinh Độc lập chứng kiến lịch sử sang trang.

Đến MC bất ngờ trong buổi phát thanh lịch sử

Nhớ lại thời khắc lịch sử tại Dinh Độc Lập, ông Nguyễn Hữu Thái xúc động kể: Khoảng 10 giờ sáng 30/4/1975, tôi cùng nhà báo Nguyễn Văn Hồng và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng lên chiếc xe Renault màu xanh của Hồng, xe này có giấy phép đặc biệt ra vào Phủ Tổng thống. Đường phố vắng tanh. Khi xe chạy vào cửa hông Dinh trên đường Nguyễn Du, cửa mở sẵn nên chúng tôi chạy thẳng luôn vào thềm Dinh.

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh chuẩn bị tuyên bố đầu hàng (ông Nguyễn Hữu Thái đứng thứ hai bên phải, tay cầm tập giấy). Ảnh: Kỳ Nhân.

Khoảng 10h30’ (11h30’, giờ Hà Nội), chúng tôi thấy một đoàn xe tăng ầm ầm tiến về phía Dinh... Tôi, anh Huỳnh Văn Tòng và một số người khác đưa anh bộ đội (Bùi Quang Thận) vào thang máy, lên cắm cờ Mặt trận trên nóc Dinh Độc Lập. Sau đó, chúng tôi trở xuống tầng hai của Dinh rồi cùng bộ đội đưa Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Khi tới Đài, lực lượng cách mạng đã làm chủ đài nhưng không ai biết vận hành máy móc. May sao, anh em sinh viên đi tìm được kĩ thuật viên Trần Văn Bảng.

Về nội dung bản tuyên bố đầu hàng, tôi chứng kiến giữa ông Dương Văn Minh và ông Bùi Văn Tùng có lời qua tiếng lại. Ông Minh không muốn nêu chữ Tổng thống, mà chỉ muốn dùng chữ Đại tướng, vốn quen thuộc hơn. Ông Tùng cương quyết không chịu vì cho rằng, dẫu sao thì tướng Minh cũng đã là Tổng thống chính quyền Sài Gòn và phải tuyên bố với tư cách đó mới ra lệnh được cho cả bên dân sự lẫn quân sự. Thu băng và thử đi thử lại mấy lần mới xong.

Người dẫn chương trình phát thanh cách mạng đầu tiên trong ngày lịch sử đó chính là ông Nguyễn Hữu Thái. Dường như, tố chất của một cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trải qua bao năm lăn lộn đấu tranh công khai đã được dồn nén và phát lộ đúng lúc. Ông Thái nói trực tiếp vào micro và Đài cũng phát trực tiếp. Tuy vậy, câu từ mạch lạc, khúc chiết và lần đầu tiên Sài Gòn được gọi là thành phố Hồ Chí Minh...

Đó thực sự là tiếng nói của cách mạng, mở đầu cho một trang sử mới của nước Việt Nam: “Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới Dinh Độc lập trước 12 giờ và đã cùng anh em Quân giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc lập... Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng... Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng...”.

Cảm xúc tháng tư trào dâng trong hai chúng tôi, một người là chứng nhân lịch sử, một người là nhà báo... Ông Thái lấy ra một tấm ảnh đã rất quen thuộc với không chỉ người Việt Nam từ hàng chục năm qua, chụp cảnh tuyên bố đầu hàng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và cẩn thận ghi lời tựa phía sau bức ảnh tặng tôi.

Họ là những người được coi như “thành phần thứ ba” có xu hướng vận động chính quyền Sài Gòn đi vào con đường hòa giải, hòa hợp dân tộc. Và đó cũng là những tiền đề để ngày 30/4/1975, Nguyễn Hữu Thái có mặt trong Dinh Độc lập chứng kiến lịch sử sang trang.
Trần Duy Hiển

Ngay trong những ngày của kỳ nghỉ lễ 30/4, từ thân nhân bệnh nhân (BN), Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã tiếp nhận được thông tin về nguyện vọng được hiến tạng của một người hiến. Với tinh thần luôn sẵn sàng, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận trường hợp hiến tạng và tiến hành song song các bước từ pháp lý đến chuyên môn để đảm bảo tạng hiến được tiếp nhận tốt nhất.

Một nhóm nhà nghiên cứu Australia đã sử dụng siêu máy tính và máy mô phỏng khí hậu nhanh nhất Nam bán cầu - Gadi để giải mã sự chậm lại của dòng hải lưu vòng Nam Cực (ACC) và nguy cơ gây ra hậu quả thảm khốc, bao gồm cả sự biến đổi khí hậu lớn hơn và sự nóng lên toàn cầu diễn ra nhanh hơn.

Sau khi Viện KSND tỉnh ban hành quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã phân công điều tra viên tiến hành giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra vào 4/9/2024 tại xã Vĩnh Xuân khiến nữ sinh lớp 9 tử vong.

Những hộp sữa dán nhãn mác ngoại "cao cấp", những viên thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, những lọ thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng "thần kỳ" trong chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe. Nhưng tất cả sản phẩm giả này hóa ra chỉ là những cái bẫy chết người được tẩm ướp bằng hóa chất, nguyên liệu không rõ ràng và lòng tham vô độ, tàn nhẫn của các đối tượng trong các đường dây sản xuất, mua bán.

Vùng áp thấp nóng phía Tây mở rộng khiến Bắc và Trung Bộ bắt đầu nắng nóng mạnh, nhiệt độ nhiều nơi trên 35 độ C, có nơi trên 36 độ.  Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng mưa dông vào chiều tối.

Tối 3/5, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến Chuyên án “VN10” truy xét đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về TP Hồ Chí Minh liên quan đến vụ việc 4 nữ tiếp viên hàng không bị lợi dụng vận chuyển trái phép chất ma túy, phát hiện tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 16/3/2023, mới đây Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt xóa thành công thêm hai băng nhóm hoạt động liên tỉnh, bắt giữ 27 đối tượng, thu giữ và ngăn chặn kịp thời hơn 245 kg ma túy các loại chuẩn bị thẩm lậu ra xã hội.

Ngày 3/5, theo thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã yêu cầu Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Long hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự vụ TNGT xảy ra ngày 4/9/2024, tại ấp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) làm 1 cháu bé tử vong, đồng thời chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Việc Đỗ Xuân Long gây rối xảy ra tại nơi công cộng, vào thời điểm cấm đường để bảo vệ Đoàn cấp cao theo phương án của Công an TP Hà Nội.... Đồng thời, khi sự việc diễn ra, có đông đảo người dân tham gia giao thông đang chấp hành việc cấm đường chứng kiến, có người đã quay video đăng lên mạng xã hội, gây bất bình, dư luận xấu trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.