Người nông dân nghèo xây dựng thư viện Bác Hồ

08:23 09/09/2006

Có một người đến định mua lại của anh Nhung một số tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ, anh nói: “Tôi tuy nghèo nhưng nói thật, thà cạp đất ăn chứ không bao giờ bán một trang, một tấm ảnh nào đã sưu tầm được”.

Đã nhiều năm nay, người dân ở ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội nói riêng, người dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nói chung đều biết chuyện anh Nhung một nông dân nghèo "rớt mồng tơi" nhưng có niềm say mê đặc biệt: Sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ. Và, sau gần 30 năm cần mẫn sưu tầm, đến nay anh có được gia tài vô giá: Hàng ngàn trang tài liệu viết về Bác Hồ, trên 800 tấm ảnh Bác đủ để xây dựng được một thư viện mini về Bác Hồ có một không hai ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nung nấu quyết tâm

Năm 2004, tôi đến công tác tại xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Biết tôi có cộng tác với báo, một anh bạn đồng nghiệp “bật mí”: “Ở xã này có anh Nguyễn Văn Nhung nhà nghèo, nhưng có ý chí”. Nói rồi, anh dẫn tôi vào nhà. Ngôi nhà làm bằng cây lá, rộng độ vài chục mét vuông. Tài sản chỉ có hai cái giường cũ kỹ bằng gỗ tạp mà nói thật, khi anh mời ngồi, tôi không dám ngồi mạnh vì sợ sập. Thế nhưng, căn nhà lá ấy lại là nơi lưu giữ hàng ngàn trang tài liệu, hàng trăm tấm ảnh về Bác Hồ được xếp, treo ngay ngắn, ngăn nắp.

Tôi hỏi anh có niềm say mê sưu tầm tài liệu và ảnh Bác Hồ từ bao giờ? Anh kể: Một tối đầu tháng 9/1969, lúc đó anh 11 tuổi, anh về nhà bà ngoại chơi tình cờ thấy bà mở rương, tay nâng niu một vật gì đó. Tò mò, anh lại gần và thấy ngoại đang cầm một tấm ảnh, áp chặt vào ngực. Anh hỏi: “Hình ai đó, ngoại?”. Ngoại nhìn anh rồi nói khe khẽ trong dòng nước mắt: “Bác Hồ đó con ơi. Bác đã mất rồi!”.

Lần đầu tiên anh nghe nói về Bác Hồ, thấy ảnh của Bác nhưng anh chưa hiểu Bác là người như thế nào mà ngoại lại khóc. Anh hỏi thì ngoại nói, lớn lên con sẽ biết. Lần khác, anh theo mẹ đi vào một ngôi chùa. Thấy một nhà sư đang thắp nhang trước tấm ảnh của một người đàn ông còn trẻ, anh hỏi thì được nhà sư cho biết: “Đó là một vị Thánh của dân ta”. Anh lại càng thắc mắc hơn.

Năm 1975, quê hương giải phóng, lúc này, anh được gần gũi với các chú bộ đội từ miền Bắc vào. Thấy nhà các chú bộ đội có treo ảnh Bác Hồ, lại được nghe các chú kể nhiều chuyện về Bác, anh đã hiểu về Bác Hồ và tại sao Bác lại được nhiều người biết và kính yêu như thế. Vậy là, từ đó, hình ảnh Bác Hồ khắc sâu trong tâm trí của anh. Với lòng kính yêu Bác, anh bắt đầu nung nấu sưu tầm những tài liệu, tranh ảnh về Bác Hồ kính yêu.

Hành trình đi tìm tài liệu

Quyết tâm là một chuyện, nhưng để thực hiện được lại là chuyện khác. Quê anh Nguyễn Văn Nhung gần như là vùng sâu, vùng xa tìm sách báo khó lắm, anh phải đến trụ sở xã, bưu điện rồi cọc cạch đạp xe ra huyện, lên tỉnh, tìm đến ngành văn hóa thông tin, thư viện, các trường học, cơ quan báo, đài tỉnh để xin báo cũ. Có báo, sách trong tay, anh mang về nhà, ngồi phân loại. Đọc kỹ từng tờ, tờ nào có tài liệu, hình ảnh liên quan đến Bác là gom lại, cất cẩn thận.

Không chỉ đi xin mà thỉnh thoảng, dành dụm được chút tiền, anh ra thị xã Sóc Trăng mua báo cũ, lục tìm tài liệu, hình ảnh về Bác. Anh còn nhờ người vẽ những bức ảnh Bác Hồ treo ở một số cơ quan, gia đình mang về nghiên cứu. Cứ thế, dần dần, anh trở thành người có kiến thức về Bác Hồ, về lịch sử. Mỗi khi có cuộc thi tìm hiểu nào về lịch sử, các em học sinh THCS của xã lại đến mượn anh tài liệu hay nhờ anh giải thích.

Cách đây vài ba năm, kỷ niệm ngày sinh của Bác, Sở VH-TT tỉnh Sóc Trăng có đưa về xã Thới An Hội trưng bày một bộ ảnh, trong đó có nhiều ảnh về Bác. Anh Nhung đã bỏ mấy bữa làm để đi xem triển lãm. Do triển lãm chỉ có treo ảnh cho dân xem chứ không có người thuyết minh nên nhiều người dân đến xem mà không biết sâu  về nội dung. Anh Nhung bèn nói cho bà con nghe một cách rạch ròi từ ngày tháng... diễn ra sự kiện trong ảnh, thậm chí cả tên người chụp ảnh.

Khâm phục trước sự hiểu biết của anh, sau này, Sở VH-TT tỉnh tặng anh cả bộ ảnh về Bác. Đến nay sau gần 30 năm, anh Nguyễn Văn Nhung đã sưu tập được hàng ngàn tài liệu, trên 800 tấm ảnh về Bác Hồ. Có thể nói, anh là người có nhiều tài liệu, ảnh về Bác ở khu vực ĐBSCL, và có thể là ở trên cả nước.

Từ tấm lòng đến tấm lòng

Chuyện anh Nguyễn Văn Nhung bỏ ra gần 30 năm sưu tầm tài liệu, ảnh Bác đã là một kỳ công. Nhưng bảo quản, giữ gìn kho tài liệu vô giá ấy lại kỳ công hơn. Nhà anh nghèo lắm. Vợ chồng anh có 5 đứa con nhưng học hành đều dang dở. Để nuôi con, vợ chồng anh phải mở một quán cháo nhỏ ven đường, gần trụ sở UBND xã Thới An Hội.

Còn căn nhà của anh nằm cạnh bờ sông Cầu Lộ, một nửa là để tài liệu và ảnh Bác Hồ. Tất cả đều được xếp thành hàng thành lối nằm trên giá gỗ bên trên được phủ tấm vải nhựa tránh bụi bặm và mưa dột vì nhà quá cũ. Ban đêm, anh cũng ít khi ngủ ngon vì phải cảnh giác với lũ chuột gặm nhắm kho tài liệu. Tôi hỏi anh sao không mua tủ mà đựng cho an toàn. Giọng trầm ngâm, anh nói: “Anh cũng thấy đó, nhà tôi nghèo lắm, làm gì có tiền mà mua”.

Bẵng đi một thời gian, tôi không liên lạc với anh. Đến giữa tháng 11/2005, tôi về nhà anh nhưng anh không còn ở chỗ cũ mà về chỗ mới. Hóa ra, câu chuyện anh Nhung, người nông dân nghèo ở Thới An Hội sưu tầm được nhiều tài liệu và ảnh Bác Hồ đã bay về thành phố mang tên Bác. Hiểu và chia sẻ với anh, cấp ủy và chính quyền các quận 1, 3 đã xây tặng gia đình anh một căn nhà khá khang trang, có cả tủ, bàn ghế, tivi... Như vậy là anh đã có chỗ để bảo vệ kho tư liệu quý giá của mình đúng như niềm mơ ước từ bao nhiêu năm nay.

Không chỉ có như vậy, trong thời gian qua, nhiều bác cựu chiến binh ở TP Hồ Chí Minh, nhiều thầy cô, học sinh ở Phan Thiết, Huế, Bạc Liêu, Cần Thơ... đã gửi thư và tặng anh nhiều tài liệu quý về Bác Hồ.

Anh Nhung nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam, chưa một lần được gặp Bác, nhưng nghe bà ngoại, mẹ và các chú bộ đội... kể nhiều câu chuyện cảm động về cuộc đời của Bác, tôi luôn nhớ về Bác. Lập thư viện về Bác, tôi mong muốn lúc nào cũng có Bác bên mình. Bác đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, cho tất cả mọi người. Do đó, tôi coi những tài liệu, hình ảnh là tài sản vô giá của mình. Nói thật với anh, nghèo thì nghèo thật nhưng không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện ngừng sưu tầm tài liệu về Bác".

Nghe anh tâm sự, tôi nhớ lại câu chuyện mà mấy anh xe ôm kể về anh: có lần, có một người đến muốn mua lại của anh một số tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ, anh nói: “Tôi tuy nghèo nhưng nói thật, thà cạp đất ăn chứ không bao giờ bán một trang, một tấm ảnh nào đã sưu tầm được”.

Hiện tại, anh vẫn tiếp tục sưu tầm tài liệu và ảnh về Bác Hồ với  mong muốn cho tư liệu ngày càng phong phú hơn và xây dựng thành thư viện, phục vụ có hiệu quả cho lợi ích cộng đồng và công tác giáo dục thế hệ trẻ

Cao Xuân Lương

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文