Người sinh viên khiếm thị say mê nghề báo
Bị khiếm thị từ nhỏ, những tưởng nỗi bất hạnh nghiệt ngã đó sẽ xô đẩy cuộc sống của anh lênh đênh chìm nổi trong mênh mông bóng tối. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, bằng chính nghị lực của bản thân, anh đã vượt lên số phận để viết nên những trang viết mang đầy ý nghĩa của cuộc đời mình. Anh là Phan Ngọc Cung, sinh viên lớp báo chí K48HN.
"Giàu hai con mắt"
Chúng tôi tìm đến nhà Cung tại ngõ 12, Đặng Dung, Hà Nội. Câu chuyện của bà mẹ Nguyễn Ngọc Mai đã gợi về tuổi thơ bất hạnh của con với nỗi đau của người mẹ yêu con.
Lúc lên 2 tuổi, đôi mắt của Cung có dấu hiệu mờ đi, đặt bóng đèn trước mặt không thấy có phản ứng gì. Bác sỹ nói, mắt Cung bị đục thủy tinh thể do di chứng từ lúc người mẹ đang mang thai.
Gia đình lo lắng, cố gắng hết cách đưa Cung đi chữa ở nhiều bệnh viện lớn trong nước, nhưng không có kết quả. Mắt Cung cứ mờ dần đi rồi không trông thấy gì. Nhìn bóng tối bao trùm lên số phận của con thơ, lòng người mẹ đau thắt lại.
Trên con phố nhỏ, những đứa trẻ cùng trang lứa hằng ngày được vui chơi chạy nhảy, thì Cung lúc nào cũng yên lặng một chỗ, hết nằm lại ngồi, muốn đi đâu phải có người dắt, mọi cảm nhận từ cuộc sống xung quanh chỉ nhờ vào âm thanh.
Lên 7 tuổi, gia đình xin cho Cung vào học Trường Nguyễn Đình Chiểu, trường dành cho những học sinh khiếm thị. Đến đây, Cung được sống trong sự hòa đồng, biết nhiều người cũng bị hỏng mắt không trông thấy gì, nhưng họ cố gắng rèn luyện để hằng ngày vẫn đi lại và làm việc được.
Họ sống vui, sống có ích "tàn nhưng không phế". Đó là bài học quan trọng giúp Cung có thêm nghị lực để xua đi mặc cảm. Tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, Cung được học viết chữ nổi, học văn hóa và nghề xoa bóp bấm huyệt.
Không có đôi mắt, nhưng có hai bàn tay, từ ngày ra trường, Cung đã đi làm để tự kiếm sống bằng nghề xoa bóp bấm huyệt. Lúc đầu, Cung làm ở quanh nhà, bằng lòng nhiệt tình, tận tụy, tay nghề ngày càng nâng cao nên dần dần có nhiều khách.
"Hiện nay, mình đã có những địa chỉ của khách quen để đi làm thường xuyên, ai alô là mình lại đến. Có việc làm đều, thu nhập hằng tháng cũng được 700, 800 nghìn đồng", Cung cho biết.
Nuôi dưỡng ước mơ
"Tôi bị khiếm thị từ nhỏ, người bạn gần gũi và duy nhất của tôi chính là chiếc đài. Tiếng nói từ chiếc đài không chỉ đem lại cho tôi niềm vui mà còn cả sự cảm thông chia sẻ. Tôi biết trong cuộc sống cũng nhiều người gặp số phận bất hạnh, sinh ra không được đầy đủ về thể chất, nhưng họ vẫn sống vui vẻ, sống có ích, không ngừng vươn lên như thầy giáo Ký viết chữ bằng chân, có người bị liệt hai chân vẫn làm thơ trên giường mà tôi không nhớ tên…".
Nghe đài nhiều nên Cung rất thích viết báo để được chia sẻ với mọi người. Năm 2003, khi được biết Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội nhận sinh viên khuyết tật vào học, Cung đã cố gắng tìm tài liệu ôn thi, nhờ các bạn sáng mắt giúp. Mọi sự cố gắng đã mang lại kết quả. Cung đã thi đậu vào Khoa Báo chí cùng năm đó.
Thời gian đầu vào học, Cung gặp rất nhiều khó khăn, bởi học đại học khác xa so với học phổ thông, nhất là học nghề báo lại không hề đơn giản, đối với người bình thường còn khó, nữa là với người khiếm thị.
Nhờ sự đam mê và những cố gắng phi thường, hiện nay Cung đã học đến năm thứ tư. Lớp trưởng Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: "Những năm học vừa qua, thầy cô và bạn bè cùng lớp đều nhận thấy Cung là sinh viên chăm chỉ, hằng ngày lên lớp đều đặn, rất ít khi thấy bạn nghỉ học. Dù đã nghe giảng ở lớp, song có thời gian bạn lại xin vào lớp khác nghe lại cho nhớ".
Không tự đọc được tài liệu, Cung phải nhờ bạn bè trong lớp đọc giúp vào máy thu về nhà nghe lại. Các giờ giảng của thầy cô trên lớp, Cung đều phải làm như thế.
Không chỉ học mà còn tìm cách thực hành, Cung đã có bài báo đầu tiên đăng trên Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh cách đây 3 năm.
Cung bảo: "Mình quen các anh chị đại diện trên Báo Tuổi trẻ ở 72 Thụy Khuê. Họ rất quý mình, thấy mình tàn tật mà vẫn cố gắng vươn lên, lại ham thích viết báo nên hay bảo ban giúp đỡ".
Từ năm học thứ hai, Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ rèn nghề của Cung. Cung thường viết về những người có số phận bất hạnh, nhưng lại giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Bạn Hoàng Thanh Bình tâm sự: "Ở lớp nhiều bạn cùng học đến nay vẫn chưa có bài viết nào để đăng báo, trong khi bạn Cung đã có một số tin, bài được đăng trên Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, quả là tấm gương cho nhiều bạn noi theo".
Hằng ngày, phương tiện đi lại của Cung là xe buýt, nhưng đó không phải là việc đơn giản đối với một người mắt chẳng trông thấy gì, nhất là TP hiện vẫn chưa có tuyến xe buýt phục vụ người tàn tật, lại còn nguy hiểm rình rập khi sang đường, khó khăn khi chọn các tuyến xe, điểm lên, điểm xuống.
Riêng đi học phải qua hai tuyến xe mới tới trường, thời gian học chủ yếu vào buổi tối, nhiều hôm tan học về, mọi người ra cùng lên xe buýt về trước, còn mỗi mình Cung đứng trơ trọi, nghe tiếng xe chạy qua ào ào chẳng biết nhờ ai nhìn hộ số xe, bị nhỡ đành phải đi xe ôm về nhà.
Thế nhưng, những khó khăn đó vẫn không làm chùn bước chân của Cung, ngày nắng hay mưa, Cung vẫn đi làm và đi học đều đặn, thỉnh thoảng còn đi tìm hiểu lấy tư liệu viết báo.
25 tuổi, cái tuổi đẹp đẽ chứa đựng những khát vọng ở phía trước, khi được hỏi điều mong ước cho tương lai, Cung cho biết: "Tôi mong Hội Người mù sớm ra được tờ báo riêng, mong mình sẽ được viết cho chính tờ báo đó, đem thông tin chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ".
Để thực hiện ước mơ đó, mọi thứ vẫn còn xa và còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng dẫu sao, Phạm Ngọc Cung đã có được điểm tựa để vững tin đi lên phía trước